Nông nghiệp
Trồng trọt
Trong tháng Tư, ngành nông nghiệp các địa phương tập trung chủ yếu vào chăm sóc cây trồng vụ Đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ Đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 15/4/2019, cả nước đã gieo cấy được 3.116,6 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.112,6 nghìn ha, bằng 98,9%; các địa phương phía Nam gieo cấy 2.004,0 nghìn ha, bằng 101,5%.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tại các địa phương phía Bắc, tính đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác gieo trồng lúa Đông xuân, trong đó các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng gieo cấy đạt 515,1 nghìn ha, giảm 10,5 nghìn ha và bằng 98,0% so cùng kỳ. Theo nhận định ban đầu, diện tích lúa Đông xuân tại các tỉnh phía Bắc giảm chủ yếu do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do được chăm sóc chu đáo ngay từ khi mới gieo cấy nên hầu hết diện tích lúa Đông xuân các địa phương phía Bắc sinh trưởng và phát triển tốt, đang thời kỳ đứng cái và làm đòng.
Tuy nhiên, thời tiết đang nóng dần, dự báo trong thời gian tới nhiều khả năng sâu bệnh sẽ phát sinh phức tạp, nhất là bệnh khô vằn, đạo ôn lá, rầy các loại tăng nhanh cả về diện tích và mức độ gây hại, đặc biệt trên diện tích lúa bón thừa đạm. Các ngành chức năng cần sát sao chỉ đạo bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời các ổ sâu bệnh, tránh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, cần tích nước sẵn sàng trong hệ thống, đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho cây lúa phát triển.
Tại các địa phương phía Nam, tính đến trung tuần tháng Tư, các địa phương đã thu hoạch được 1.648,7 nghìn ha lúa Đông xuân, chiếm 82,3% diện tích gieo trồng và bằng 107,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.526,2 nghìn ha, chiếm 95,1% và bằng 108,0%. Theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo trồng lúa Đông xuân 2019 toàn vùng đạt 1.604,3 nghìn ha, tăng 30,8 nghìn ha; năng suất đạt 67,5 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha; sản lượng đạt 10,83 triệu tấn, giảm 5,45 nghìn tấn. Diện tích lúa Đông xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng chủ yếu do chuyển đổi mùa vụ từ lúa Mùa sang lúa Đông xuân tại tỉnh Cà Mau; năng suất giảm do thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài và xảy ra trên diện rộng. Như vậy, mặc dù diện tích tăng nhưng do năng suất giảm nên sản lượng lúa Đông xuân toàn vùng giảm so cùng kỳ.
Sau khi thu hoạch lúa Đông xuân, các địa phương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày ải, xới, phơi đất để xuống giống vụ Hè thu. Tính đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam gieo cấy được 497,9 nghìn ha lúa Hè thu, bằng 112,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 484,9 nghìn ha, bằng 111,6%. Tiến độ gieo trồng lúa Hè thu năm nay nhanh hơn cùng kỳ do vụ Đông xuân được gieo trồng và thu hoạch sớm. Hiện nay, lúa Hè thu đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ Hè thu 2019 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình nắng nóng kéo dài và diễn biến khá phức tạp, đặc biệt nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên trong các tháng mùa khô từ tháng 4-9/2019. Trước tình hình trên, ngành NN&PTNT cần khuyến cáo các địa phương rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí lịch thời vụ sản xuất lúa để tránh hạn, áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất; tập trung sử dụng các giống ngắn và cực ngắn ngày, năng suất, chất lượng khá, chống đổ ngã, khô hạn. Bên cạnh đó, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ cần áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cho lúa, tiết kiệm nước tưới, quản lý tốt nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng cần đặc biệt lưu ý: Vùng khả năng bị hạn, thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn như mè, sắn,… hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn; vùng có tưới khi chuyển đổi màu tập trung đầu tư thâm canh những cây trồng hiệu quả cao như ngô lai, lạc, đậu tương, rau đậu các loại…
Ngoài việc tập trung chăm sóc, thu hoạch lúa Đông xuân và gieo cấy lúa Hè thu, các địa phương trên cả nước còn đẩy mạnh gieo trồng các loại cây hoa màu. Tính đến trung tuần tháng Tư, cả nước gieo trồng được 404,8 nghìn ha ngô, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước; 67,5 nghìn ha khoai lang, bằng 95,7%; 16,6 nghìn ha đậu tương, bằng 107,8%; 134,2 nghìn ha lạc, bằng 97,2%; 590,4 nghìn ha rau đậu, bằng 105,7%. Nhìn chung các cây màu được gieo trồng đúng thời vụ, sinh trưởng và phát triển tốt.
Chăn nuôi
Trong tháng Tư, giá thịt lợn hơi tăng nhẹ so với tháng trước, người tiêu dùng tuy còn hạn chế nhưng đã quay lại sử dụng thịt lợn. Hiện nay, một số tỉnh đã công bố hết dịch nhưng chính quyền và người dân đều không thể chủ quan, mà cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch và xử lý khi dịch phát sinh. Bên cạnh đó, các đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn đã tự chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, cập nhật thông tin, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng Tư giảm khoảng 0,8%, đặc biệt đàn lợn ở khu vực Đồng bằng sông Hồng giảm mạnh tới 8,7% so cùng kỳ năm 2018, do tất cả 11 tỉnh trong khu vực đều đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, chăn nuôi trâu bò không có biến động lớn, ước tính tổng số trâu của cả nước giảm khoảng 2,9%; tổng số bò tăng khoảng 3,1% so với cùng thời điểm năm 2018.
Đàn gia cầm cả nước trong tháng Tư nhìn chung phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác tiêm phòng thú y, vệ sinh môi trường chăn nuôi được chú trọng. Giá bán thịt gia cầm ở mức tốt, người chăn nuôi có lãi ổn định nên yên tâm đầu tư, tăng quy mô, chăm sóc đàn vật nuôi. Do tình hình dịch bệnh ở lợn nên người dân đang chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng nhiều hơn. Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng Tư tăng khoảng 6,8% so với cùng thời điểm năm 2018.
Lâm nghiệp
Trong tháng Tư, xuất hiện nắng, nóng ở các tỉnh phía Nam nhưng thời tiết tại các tỉnh phía Bắc vẫn thuận lợi cho việc trồng rừng vụ xuân nên người trồng rừng tiếp tục trồng lại trên diện tích đã khai thác. Ước tính diện tích rừng trồng mới tháng Tư đạt 27,1 nghìn ha, tăng 0,4% so cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,8 triệu cây, giảm 12,3%. Khai thác gỗ tiếp tục được đẩy mạnh do thời tiết thuận lợi và giá thu mua gỗ nguyên liệu cho chế biến tăng, sản lượng gỗ khai thác tháng Tư ước tính đạt 1.228 nghìn m3, tăng 4,1% so cùng kỳ. Một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao như Nghệ An ước đạt 128,4 nghìn m3, tăng 12,3%; Quảng Trị ước đạt 166,2 nghìn m3, tăng 6,2%; Quảng Ngãi ước đạt 138,0 nghìn m3, tăng 6,2%...
Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 59,0 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng cây phân tán đạt 22,5 triệu cây, giảm 3,7%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.942,0 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác ước đạt 5,3 triệu ste, giảm 1,7%.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Trong tháng Tư, cả nước có 90,8 ha rừng bị thiệt hại, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 30,8 ha, giảm 67,2%; diện tích rừng bị chặt phá là 60,0 ha, giảm 13,6%. Tính chung từ đầu năm đến cuối tháng Tư, diện tích rừng bị thiệt hại là 200,0 ha, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 59,8 ha, giảm 62,7%; diện tích rừng bị chặt phá là 140,2 ha, giảm 30,4%.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Tư năm 2019 ước tính đạt 689,8 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 520,0 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 68,2 nghìn tấn, tăng 5,2%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Tư ước đạt 348,4 nghìn tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 255,1 nghìn tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 56,0 nghìn tấn, tăng 7,5%.
Trong tháng Tư, giá cá tra thương phẩm có kích cỡ từ 700 - 900g/con dao động từ 24.000-26.000 đồng/kg, giảm từ 3.000-4.000 đồng/kg so với các tháng đầu năm. Với mức giá này người nuôi có lãi từ 1.000-2.500 đồng/ kg. Giá cá tra nguyên liệu giảm, nguyên nhân là từ tháng Ba thị trường xuất khẩu sang Mỹ giảm, mặt khác với chính sách đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, tập trung nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang thị trường này phải qua đường chính ngạch, chịu thuế xuất cao nên các nhà máy chế biến giảm giá thu mua cá nguyên liệu để đảm bảo lợi nhuận. Sản lượng cá tra trong tháng Tư ước tính đạt 116,4 nghìn tấn, tăng 6,7% (trong đó: An Giang ước đạt 109,0 nghìn tấn, tăng 10,7%; Đồng Tháp ước đạt 33,7 nghìn tấn, tăng 4,5%; Bến Tre đạt 13,4 nghìn tấn, tăng 8%).
Tôm nuôi đang bắt đầu cho thu hoạch, mô hình nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh được mở rộng nên năng suất nuôi đạt khá cao; sản lượng tôm sú ước đạt 20,8 nghìn tấn, tăng 5,1%; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 31,7 nghìn tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay là đầu mùa nắng nóng, điều kiện thời tiết có sự thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho ký sinh trùng và vi khuẩn phát triển, gây bệnh cho các loại thủy sản, do vậy bà con nông dân cần bám sát hướng dẫn lịch thả giống, cải tạo ao nuôi… của ngành chức năng, đồng thời lựa chọn con giống chất lượng tốt để hạn chế thiệt hại.
Khai thác biển nhìn chung gặp nhiều thuận lợi. Thời tiết ổn định, biển lặng, không có sóng to, gió lớn, các phương tiện khai thác được dài ngày và được mùa. Sản lượng khai thác ước đạt 341,4 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển ước đạt 326,5 nghìn tấn, tăng 5,7%.
Tính chung 4 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt 2.156,5 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó nuôi trồng ước đạt 994,6 nghìn tấn, tăng 5,3%; khai thác ước đạt 1.161,9 nghìn tấn, tăng 4,9%.
(Nguồn: Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản - TCTK)