Sáng kiến ​​Data For Now giúp tăng cường năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định cấp địa phương

25/09/2024 - 03:43 PM
Sáng kiến ​​Dữ liệu cho Hiện tại (Data For Now – D4N) được Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed khởi xướng bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2019. Sáng kiến ​​này được đồng chủ trì thực hiện bởi Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD)Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)Ngân hàng Thế giớiĐối tác Toàn cầu về Dữ liệu Phát triển Bền vững (GPSDD) và Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN).

Sáng kiến D4N nhằm mục đích tăng cường sử dụng các phương pháp và công cụ mạnh mẽ, sáng tạo giúp cải thiện tính kịp thời, phạm vi bao phủ và chất lượng của các chỉ số phát triển bền vững (SDG) và các chỉ số phát triển quốc gia quan trọng khác. Mục tiêu xa hơn nữa là dữ liệu và số liệu thống kê mới có thể được sử dụng dễ dàng để cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách ra quyết định, các bên liên quan và các đối tác phát triển nhằm đạt  Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững.

Sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để đưa ra quyết định giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em và an ninh lương thực ở Việt Nam

Dựa trên các kế hoạch phát triển quốc gia, Tổng cục Thống kê (TCTK) Việt Nam xác định ba lĩnh vực ưu tiên chính sách trong khuôn khổ sáng kiến D4N là chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, vấn đề an ninh lương thực, đào tạo và hợp tác kỹ thuật.

Dữ liệu chính xác và chi tiết là rất quan trọng để hiểu rõ hơn các vấn đề cấp bách như tình trạng nghèo đói đa chiều ở trẻ em và mất an ninh lương thực. Ở Việt Nam, việc lập kế hoạch và hoạch định chính sách hiệu quả để giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em và mất an ninh lương thực ở cấp tỉnh bị hạn chế do thiếu dữ liệu phân tách chi tiết. Các ước tính hiện tại chủ yếu dựa trên các cuộc khảo sát lấy mẫu theo vùng, không cung cấp mức độ chi tiết cần thiết do quy mô mẫu nhỏ.

Để có thể thu hẹp khoảng cách dữ liệu này, Tổng cục Thống kê (TCTK) Việt Nam đã hợp tác với Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD) thông qua sáng kiến ​​D4N, qua các buổi đào tạo về sử dụng mô hình ước lượng khu vực nhỏ (SAE), để tăng cường khả năng đưa ra các ước tính phân tách theo địa lý về tình trạng mất an ninh lương thực và nghèo đói ở trẻ em. Các buổi đào tạo đã trang bị cho công chức TCTK và các Bộ liên quan các kỹ năng áp dụng mô hình SAE cho tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em và mất an ninh lương thực ở cấp tỉnh.

Nhờ đó, TCTK có thể áp dụng các kỹ thuật SAE để tính toán các chỉ tiêu đánh giá tình trạng nghèo đói ở trẻ em và tình trạng mất an ninh lương thực, bằng cách sử dụng các cơ sở dữ liệu khảo sát có quy mô lớn và các nguồn dữ liệu bổ sung của các tỉnh, thành phố. Kết quả ước lượng khu vực nhỏ này sẽ được gửi các bên liên quan để xác thực và sau khi được chấp thuận sẽ được công bố, cung cấp dữ liệu quan trọng để đưa ra các quyết định chính sách.
 
Sáng kiến ​​Dữ liệu cho Hiện tại giúp tăng cường năng lực của các quốc gia trong cung cấp thông tin cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định cấp địa phương
Chuyên gia Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc giới thiệu sáng kiến Data For Now và thực hiện đào tạo
tại Tổng cục Thống kê

Việc áp dụng các mô hình SAE dự kiến ​​sẽ mở rộng ra ngoài TCTK đến các đối tác quan trọng khác, bao gồm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nhiều viện nghiên cứu của Việt Nam. Ngoài ra, mô hình này có tiềm năng lớn được tích hợp vào chương trình giảng dạy tại một số trường Đại học như: Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo một thế hệ thống kê trong tương lai có kỹ năng về phương pháp luận SAE.

Mô hình SAE sẽ giúp tạo ra dữ liệu chính xác hơn, từ đó góp phần giúp Việt Nam có các chính sách hiệu quả hơn giải quyết tình trạng nghèo đói đa chiều ở trẻ em và tình trạng mất an ninh lương thực. Sự hợp tác giữa UNSD và TCTK không chỉ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách trước mắt mà còn xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững dựa trên dữ liệu trong tương lai.

Hỗ trợ tăng cường năng lực hệ thống thống kê các quốc gia

Bên cạnh Việt Nam, UNSD đồng thời hợp tác, hỗ trợ một số quốc gia khác ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh thông qua sáng kiến ​​D4N là: Colombia; Senegal; Bangladesh; Ethiopia; Jordan; Morocco; Palestine; Sierra Leone; Tunisia.

Năng lực thống kê cũng như các ưu tiên quốc gia có sự khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Do đó, mỗi quốc gia cần có một chiến lược triển khai phù hợp với hoàn cảnh thực tế và ưu tiên của quốc gia đó.

Sáng kiến ​​D4N, thông qua nhiều dự án khác nhau, cung cấp nhiều khóa đào tạo và chương trình tư vấn kỹ thuật để tăng cường năng lực của hệ thống thống kê quốc gia (NSS) và mang đến kiến ​​thức kỹ thuật mới cho các quốc gia này. Đồng thời, sáng kiến D4N hỗ trợ các quốc gia lập kế hoạch và triển khai tổng thể nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, để cho phép sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo.

Đơn cử như tại Colombia, D4N đã giúp Cơ quan thống kê quốc gia Colombia (DANE) xác định các ưu tiên quốc gia, nhu cầu phát triển năng lực, các nguồn dữ liệu có sẵn và các yêu cầu về cơ sở hạ tầng.

DANE và Data for Now đã hợp tác để phát triển Kiến trúc tích hợp dữ liệu tại DANE nhằm tăng cường năng lực sản xuất dữ liệu chung của đơn vị và nâng cao khả năng hợp nhất năng lực thống kê.

Colombia xác định ba lĩnh vực công việc được ưu tiên là: (1) Mục tiêu phát triển bền vững 1 – Không còn đói nghèo; (2) Mục tiêu phát triển bền vững 4 – Chất lượng giáo dục; (3) Mục tiêu phát triển bền vững 16 - Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ.

Ngoài ra, Data for Now tại Colombia còn cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực sau:

Hỗ trợ DANE đánh giá chuẩn mực chất lượng dữ liệu của hoạt động truyền thông xã hội và tiến hành phân tích sâu hơn về dữ liệu Twitter và Facebook theo khả năng truy cập.

Nâng cao kỹ năng của nhân viên DANE và cho phép sử dụng tối ưu cơ sở hạ tầng kho dữ liệu mới của DANE để tích hợp, lưu trữ, xử lý và phổ biến các nguồn dữ liệu truyền thống và phi truyền thống.

Các chuyên gia của D4N đã đo lường các chỉ số đại diện (SDG 16.7.2) và phân biệt đối xử (SDG 10.3.1/ 16.b.1) và đã hướng dẫn DANE trong công việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu từ các nguồn không phải nguồn thông thường để tạo ra các chỉ số thống kê.

Còn tại Bangladesh, Data for Now đã hỗ trợ Cơ quan Thống kê Bangladesh thông qua các khóa đào tạo về ước lượng khu vực nhỏ, sử dụng dữ liệu không gian địa lý, kỹ thuật dữ liệu lớn.

Có thể nói, sáng kiến ​​Dữ liệu cho Hiện tại đã và đang giúp các quốc gia tăng cường năng lực cung cấp thông tin cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định cấp địa phương và quốc gia, để xây dựng các chiến lược phát triển và chương trình chính sách hiệu quả nhằm đạt được Chương trình nghị sự 2030 và tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của người dân./.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top