Sắp xếp lại các “mảnh ghép” trong bức tranh FDI toàn cầu

27/05/2024 - 08:39 AM
Dòng chảy FDI tăng khiêm tốn

Năm 2023, dịch bệnh Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các xung đột địa chính trị đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và việc các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung hơn vào doanh nghiệp nội địa đã tác động không nhỏ đến nguồn vốn đầu tư toàn cầu.

Theo Báo cáo “Giám sát xu hướng đầu tư toàn cầu” của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng chảy FDI toàn cầu năm 2023 chỉ tăng khiêm tốn 3% so với năm trước, đạt khoảng 1.370 tỷ USD. Tuy nhiên, sự gia tăng phần lớn là do tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn ở châu Âu, nếu loại trừ những kênh này, dòng vốn FDI toàn cầu thấp hơn 18%. Dòng vốn đầu tư vào các nước phát triển khác cũng trì trệ, tăng trưởng bằng 0 ở Bắc Mỹ.

Dòng chảy FDI vào Liên minh châu Âu (EU) đã tăng từ âm 150 tỷ USD vào năm 2022 lên dương 141 tỷ USD do những biến động lớn ở Luxembourg và Hà Lan. Ngoại trừ hai quốc gia này, dòng vốn vào phần còn lại của EU giảm 23%, với sự sụt giảm ở một số nước nhận FDI lớn.

Trong khi đó, kết quả từ số liệu khảo sát mới nhất của hãng dịch vụ kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst & Young có trụ sở tại Vương quốc Anh cũng cho thấy dòng vốn FDI vào các nền kinh tế lớn của EU giảm mạnh đáng kể. Đức là quốc gia chứng kiến mức giảm FDI mạnh nhất, lên tới 12%. Pháp là quốc gia đứng đầu danh sách thu hút đầu tư nước ngoài song cũng ghi nhận số dự án giảm ít nhất là 5%.
 
Sắp xếp lại các “mảnh ghép” trong bức tranh FDI toàn cầu
Năm 2023, Đức là quốc gia chứng kiến mức giảm FDI mạnh nhất, lên tới 12%

Các nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại với thị trường châu Âu xuất phát từ tình hình giá năng lượng không ổn định và nhiều quy định mới về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phát triển bền vững và bảo vệ dữ liệu được áp dụng ở cấp độ châu Âu và từng quốc gia. Mặc dù các nước trong khối châu Âu đã thống nhất nguyên tắc cải cách toàn diện thị trường chung, trong đó trọng tâm là tạo một thị trường năng lượng thống nhất, song kế hoạch này chưa thể thực hiện do những khác biệt về việc giải ngân số tiền cho cải cách.

Trong bối cảnh vốn FDI toàn cầu suy giảm do các bất ổn vĩ mô, năm vừa qua Mỹ cũng chứng kiến dòng vốn FDI giảm 3%, số lượng dự án mới giảm 2% và các thỏa thuận tài trợ dự án giảm 5%, song quốc gia này vẫn tiếp tục giữ vị thế là điểm đến lớn nhất của FDI. Mặc dù Ấn Độ có dòng vốn FDI giảm tới 47% so năm 2022, nhưng có số lượng công bố dự án mới ổn định, giúp nước này nằm trong top 5 điểm đến dự án lĩnh vực xanh toàn cầu.

Đối với các nước đang phát triển, dòng vốn FDI giảm 9% xuống còn 841 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, ở các nước châu Á đang phát triển giảm 12% và ở châu Phi giảm 1%. ASEAN vốn là động lực tăng trưởng FDI song cũng có lượng vốn FDI giảm 16% so năm 2022. Tuy vậy, khu vực này lại có số dự án đầu tư sản xuất mới tăng 37% bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam. Vốn FDI vào các quốc gia Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia cũng có xu hướng tăng so năm trước đó.

Định hình lại hướng đi của dòng vốn FDI

Các xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu dịu lại cùng sự cạnh tranh địa chiến lược và kinh tế giữa các nước lớn đồng thời đang định hình lại hướng đi của dòng vốn FDI toàn cầu theo hướng friendshoring (chuyển dịch sản xuất sang quốc gia thân thiện) và nearshoring (chuyển dịch sản xuất sang các nước láng giềng có cùng đường biên giới để giảm bớt sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu).

Theo kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 của Công ty tư vấn đầu tư toàn cầu Kearney (Mỹ), năm vừa qua, một phần dòng friendshoring đang chảy vào các nước lân cận Trung Quốc với lợi thế về chi phí thấp hơn, như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Campuchia. Trong khi đó, xu hướng “nearshoring” đang nhắm đến các quốc gia dễ tiếp cận các thị trường phát triển lớn.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng xu hướng phi toàn cầu hóa được một số nền kinh tế lớn, như Hoa Kỳ và châu Âu áp dụng để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Cùng với đó, các quốc gia này thực hiện kế hoạch đưa sản xuất của các ngành quan trọng như vật liệu bán dẫn và sản xuất pin xe điện về nước hoặc chuyển sang các quốc gia có chung hệ giá trị. Điều này như tạo nên một hàng rào, hạn chế dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển - nơi vẫn luôn phụ thuộc vào dòng vốn FDI để có vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và gia tăng xuất khẩu.

Trên thực tế, lượng vốn đầu tư FDI vào Trung Quốc năm 2023 có sự suy giảm đáng kể, phản ánh doanh nghiệp nước ngoài đang rút vốn khỏi nước này. Theo số liệu do Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố ngày 18/2/2024, năm 2023, lượng vốn FDI vào nước này thấp nhất kể từ năm 1993, thể hiện qua nghĩa vụ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán của nước này chỉ tăng 33 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 82% so với mức tăng của năm 2022. Đây là một thước đo về lượng vốn FDI mới chảy vào Trung Quốc trong 1 năm thông qua đo dòng tiền của các thực thể do nước ngoài sở hữu tại nước này. Quý III/2023, tổng lượng vốn FDI ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1998. Đến quý IV, tổng vốn FDI ở nước này dù trở lại trạng thái tăng trưởng, nhưng lượng vốn mới cũng chỉ là 17,5 tỷ USD, bằng 1/3 so với mức cùng kỳ năm 2022.
 
Sắp xếp lại các “mảnh ghép” trong bức tranh FDI toàn cầu
Lượng vốn đầu tư FDI vào Trung Quốc năm 2023 có sự suy giảm đáng kể

Số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trước số liệu của SAFE cũng ghi nhận vốn FDI mới vào Trung Quốc trong năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất 3 năm. Số liệu của Bộ Thương mại không bao gồm lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp FDI của nước này dùng để tái đầu tư, đồng thời có mức độ biến động ít hơn so với số liệu của SAFE.

Như vậy, dù tính theo thước đo nào, sự suy giảm của vốn FDI vào Trung Quốc cũng phản ánh các doanh nghiệp nước ngoài đang dần rút vốn khỏi nước này và cho thấy những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đều cho rằng, khó có thể xảy ra “cuộc di cư hàng loạt” vốn FDI ra khỏi Trung Quốc do các nhà đầu tư “cần có thời gian để bán những tài sản đó cũng như xây dựng năng lực thay thế mà không phải gánh chịu những khoản lỗ lớn”.

Dấu hiệu lạc quan năm 2024

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2024 tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức 3,1% khi các ngân hàng trung ương tiếp tục chống lạm phát và giảm hỗ trợ tài chính để giảm gánh nặng nợ tăng cao. Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái vẫn hiện hữu, bao gồm xung đột leo thang ở Trung Đông, lạm phát dai dẳng, phân mảnh thương mại và thiên tai thường xuyên hơn. Đứng trước hàng loạt thách thức đó, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ chế có hiệu quả quản lý cao hơn và dễ dàng di chuyển vốn khi họ đưa ra quyết định đầu tư toàn cầu. Điều này sẽ dẫn đến các hoạt động đầu tư theo xu hướng “friendshoring” và “nearshoring” trở lên mạnh mẽ hơn.

Khảo sát của Kearney vẫn cho thấy những dấu hiệu lạc quan của dòng vốn FDI trong thời gian tới khi có đến 88% số doanh nghiệp dự kiến tăng cam kết đầu tư FDI và dành sự quan tâm nhiều cho các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) dù thế giới vẫn đang trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Mỹ - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G7 được nhận định sẽ dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI trong năm thứ 12 liên tiếp nhờ sức mạnh hiện có cộng với tâm lý người tiêu dùng phục hồi. Trong khi Trung Quốc được dự bảo sẽ nhảy vọt từ vị trí thứ 7 lên thứ 3 nhờ nới lỏng kiểm soát vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tại các thị trường mới nổi, Brazil, Mexico và Argentina có mặt trong nhóm 7 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất thế giới. Ba quốc gia này cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines xuất hiện trong Top 15.

Cuối năm 2023, tạp chí FDi Intelligence cũng xếp hạng 10 quốc gia có triển vọng FDI tốt nhất năm 2024 tại khu vực châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu; trong đó, châu Á có 6 đại diện. Dẫn đầu danh sách là Campuchia, được dự báo có tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (CAPEX) bình quân của dự án FDI năm 2024 đạt 393% so với năm trước và số lượng dự án FDI tăng 110% nhờ đẩy mạnh trao đổi thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Đứng thứ hai trong danh sách là Philippines với mức tăng CAPEX dự án FDI được dự báo là 312%, còn số lượng dự án tăng 51% so với năm 2023. Ở vị trí thứ ba là Kenya thuộc châu Phi với sự gia tăng đáng kể của dòng vốn FDI ở nhiều lĩnh vực, trong đó năng lượng là lĩnh vực hút FDI mạnh nhất. Serbia là quốc gia duy nhất không thuộc châu Á và châu Phi lọt vào top 10./.

Quang Vinh
(Tổng hợp)
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top