Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa dồi dào cùng với mạng lưới sông ngòi dày đặc và đường bờ biển dài trên 3 nghìn km đem lại thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia gánh chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Bên cạnh những lợi thế về địa hình, khí hậu, thì các hiểm họa từ thiên nhiên vẫn luôn tồn tại, trong đó có hiện tượng sạt lở đang diễn ra với xu hướng ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra trong những năm trở lại đây
Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Nhất là những năm qua, do phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững, áp lực gia tăng dân số trong nước và tác động của phát triển hạ tầng các quốc gia vùng thượng nguồn (đối với các hệ thống sông xuyên quốc gia), cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn các hình thái thiên tai. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trong khoảng 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai đã làm hơn 13 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế lên đến hơn 6,4 tỷ USD. Dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022, thiên tai đã làm 169 người tử vong và mất tích, 282 người bị thương; 38,2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; gần 756 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 218,1 nghìn ha lúa và 66,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 14,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2021. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thiên tai làm 79 người chết và mất tích, 91 người bị thương; hơn 16,2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 16,3 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 81,1 nghìn ha lúa và gần 25 nghìn hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 2,03 nghìn tỷ đồng.
Trong các hình thái thiên tai phổ biến của Việt Nam hiện nay, các vấn đề liên quan đến sạt lở đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng và tần suất ngày càng nhiều trên khắp các tỉnh thành cả nước. Sạt lở diễn ra với xu thế gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm, uy hiếp nghiêm trọng đến ổn định dân sinh, cơ sở hạ tầng vùng ven núi, ven sông, ven biển, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và các hệ lụy khác về môi trường, sinh thái.
Thống kê từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, trong năm 2022, các vùng miền trên cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất và 211 vụ sạt lở bờ sông. Qua đó có thể thấy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến là sạt lở đất, đá, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Sạt lở ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản
Sạt lở đất, đá thường xảy ra ở các tỉnh khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, khu vực có đồi, núi, do đặc điểm địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao, khe suối sâu, có độ dốc lớn, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất để lại hậu quả nghiêm trọng, đe dọa và cướp đi tính mạng của nhiều người dân. Điển hình vào năm 2020, trên địa bàn một số tỉnh đã diễn ra liên tiếp nhiều vụ sạt lở đất đá do mưa lũ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, phải nhắc đến “thảm họa kép” kinh hoàng tại Rào Trăng, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11/10/2020, tại khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 17 công nhân thủy điện bị vùi lấp. Thời điểm xảy ra vụ việc, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 khiến địa bàn tỉnh mưa lớn, tuyến đường độc đạo tỉnh lộ 71 dẫn từ xã Phong Xuân vào hiện trường cũng bị sạt lở, chia cắt. Tới rạng sáng ngày 13/10, khi đoàn cứu hộ đang dừng nghỉ tại trạm kiểm lâm 67 (cách thủy điện Rào Trăng khoảng 10km) thì bất ngờ gặp lũ ống, đất đá sạt lở khiến 13 người trong đoàn cứu hộ bị vùi lấp và hy sinh.
Cũng trong tháng 10/2020, rạng sáng ngày 18/10, thảm nạn sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 hy sinh, vùi lấp 4 dãy nhà tập thể của đơn vị. Tối ngày 28/10/2020, lũ ống gây sạt lở đất vùi lấp 63 người dân tại 2 xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, cũng ghi nhận nhiều vụ sạt lở đất, đá liên tiếp diễn ra tại các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung và Tây Nguyên như: Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Lâm Đồng, Đắk Nông… gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Song song với các thảm họa sạt lở đất đá, Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với tần suất ngày càng tăng về mức độ thiệt hại và nguy hiểm. Vùng đồng bằng là nơi thường xuyên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, trong đó điển hình là vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong 5 vùng đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố có hệ thống sông ngòi chảy qua và tiếp giáp với biển, kéo dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có địa thế thấp trung, hệ thống sông ngòi dày đặc và tiếp giáp với biển. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê từ năm 2016 đến khoảng tháng 8/2023, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông sạt lở 666 điểm/744 km; bờ biển sạt lở 113 điểm/390 km). Hiện vùng này vẫn còn 561 điểm sạt lở, bao gồm bờ sông 513 điểm/602 km; bờ biển 48 điểm/208 km. Trong đó, những địa điểm đặc biệt nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm/204 km, bao gồm: Sạt lở bờ sông 39 điểm/118 km; sạt lở bờ biển 24 điểm/86 km.
Tại nhiều địa phương, chính quyền và người dân cùng lúc phải chống chọi với cả sạt lở đất đá và sạt lở bờ sông, bờ biển, gây tốn kém chi phí và nhân lực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh tế như: Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Quảng Trị, Bình Định, An Giang... Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp phòng, chống kịp thời thì trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm; đồng thời uy hiếp đến hạ tầng, đời sống, thậm chí gây thiệt hại đến tính mạng của người dân.
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn hiện tượng sạt lở
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ sạt lở đất, đá, sạt lở bở sông, bờ biển thường do biến động liên quan đến địa chất, khí hậu và hoạt động của con người.
Biến đổi khí hậu gây ra mưa lớn với lượng nước mưa cao, thời gian khéo dài khiến xảy ra lũ lụt xòi mòn đất, nền đất bị bão hòa nước gây mềm xốp, giảm độ kết dính dẫn đến trượt lở đất, đá. Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày, thậm chí mưa nhỏ vài chục milimét nhưng kéo dài cả tuần đến chục ngày đã có thể làm đất đá bị bão hòa nước. Khi đó, nếu tiếp tục có một trận mưa lớn đột ngột thì khả năng xảy ra hiện tượng sạt lở đất, đá sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, với địa thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa dồi dào cùng với mạng lưới sông ngòi dày đặc và đường bờ biển dài trên 3000 km cùng với địa hình tương đối bằng phẳng, thấp, trũng được hình thành do phù sa bồi đắp của các con sông phần lớn đất đai thuộc dạng mềm yếu, cùng với hệ thống sông, kênh rạch dày đặc cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở bờ sông, bờ biển ở nước ta. Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một phần do tác động của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, triều cường, sóng biển, kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển. Cùng với đó, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trái đất nóng dần lên, băng ở 2 cực trái đất tan ra làm cho nước biển dâng, đẩy biển xâm thực sâu vào đất liền, làm thay đổi kết cấu khiến sạt lở diễn ra thường xuyên hơn.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan đến từ yếu tố khí hậu, thời tiết, địa hình, địa chất, các hiện tượng thiên tai cực đoan bao gồm sạt lở đang diễn ra hiện nay còn là kết quả của sự thay đổi do tác động từ con người. Điển hình như nạn chặt phá rừng, cháy rừng, đào khe lấy nước làm duy yếu khả năng chống chịu và kết cấu của nền đất đá, dẫn đến dễ sạt lở khi có mưa, lũ xảy ra. Các hoạt động nhân sinh như lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch; khai thác cát, sỏi quá mức trên lòng sông làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu, làm gia tăng cường độ thiên tai gây sụt lún, xói lở, bồi lấp. Các hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện tại thượng lưu giữ lại phần lớn lượng bùn cát ở lòng hồ đã, đang và sẽ làm gia tăng các biến động bùn cát trên các tuyến sông và vùng ven biển gây mất cân bằng bùn cát, qua đó tác động trực tiếp đến quá trình sạt lở bờ sông và bờ biển.
Với những thiệt hại ngày càng nghiêm trọng do sạt lở gây ra như hiện nay, cần gấp rút và kịp thời thực hiện đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và dài hạn nhằm ngăn chặn hình thái thiên tai này. Do tình hình sạt lở trên hầu hết các địa bàn có mức độ khác nhau, công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở cần làm đồng bộ, theo vùng, cùng sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân. Từ đó đòi hỏi cần có các biện pháp phòng, chống sạt lở trong tầm nhìn dài hạn vừa để bảo vệ con người và tài sản, vừa đảm bảo các yêu tố cần, đủ cho phát triển bền vững đất nước.
Là một trong những hình thái thiên tai được Nhà nước quan tâm, cùng với các hình thái thiên tai khác, sạt lở đất, đá, bờ sông, bờ biển đã được đưa vào ứng phó trong Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch Phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 ban hành kèm Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ góp phần cụ thể hóa Chiến lược với các biện pháp phi công trình và công trình. Trong đó, các biện pháp công trình bao gồm nhóm giải pháp Phòng chống lũ quét, sạt lở đất và Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cụ thể: Xây dựng công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất và cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở; Chủ động di dời dân cư khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; cải tạo, nạo vét, thanh thải vật cản trên các sông, suối nhằm tăng cường khả năng thoát lũ; Xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình chỉnh sông tại các phân lưu, hợp lưu đảm bảo ổn định tỷ lệ phân lưu; Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trồng rừng, rừng phòng hộ để giữ đất, giữ bờ; đồng thời thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm tại cả điểm có nguy cơ sạt lở nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cũng là một giải pháp quan trọng, lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, để đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu, mỗi cá nhân, tổ chức cần có ý thức xây dựng lối sống và làm việc tích cực, từ những đóng góp nhỏ bé của cá nhân để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và lan tỏa ra cộng đồng, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, góp phần giảm thiểu thiên tai./.
Duy Hưng