Sìn Hồ là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu với 17/22 xã thuộc khu vực III. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, để khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên thoát nghèo, huyện Sìn Hồ đã ban hành chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch. Đến nay, sau 4 năm thực hiện triển khai, Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, một số chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bước đầu có những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mô hình kinh tế khép kín cho cây Sâm Lai Châu xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.
Ảnh: Nhật Bắc
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững
Sìn Hồ có diện tích đất nông nghiệp lớn với trên 75 nghìn hecta và được chia thành 2 vùng tương đối khác biệt. Đó là: khu vực vùng cao (gồm 10 xã, 1 thị trấn) có khí hậu ôn đới rất thích hợp để trồng các cây ăn quả ôn đới, chè, cây dược liệu; khu vực vùng thấp (gồm 11 xã) có lợi thế trồng các cây công nghiệp lâu năm (cao su, quế), cây ăn quả nhiệt đới và nuôi cá lồng lòng hồ. Trên cơ sở xác định được những lợi thế cạnh tranh của từng vùng, những năm qua, Sìn Hồ tập trung làm tốt công tác Quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với quy hoạch sử dụng đất; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân để năng suất lao động và đảm bảo quy trình sản xuất an toàn; lồng ghép Chương trình xây dựng NTM với các chương trình giảm nghèo để triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế như: Cấp phát cây, con giống năng suất cao, hỗ trợ máy móc nông nghiệp; hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP;…
Người dân bản xã Sà Dề Phìn đã quen thuộc với kỹ thuật chăm sóc cây lê - cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao
Sau 4 năm triển khai các giải pháp quan trọng này, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, tình hình sản xuất nông nghiệp của Sìn Hồ đã chuyển biến tích cực, bước đầu đã tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế. Toàn huyện có hơn 500 ha cây ăn quả nhiệt đới (xoài, mít, na, bưởi, cam, dứa) được trồng tại các xã vùng thấp đã sinh trưởng, phát triển tốt, được địa phương ký kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ngoài ra, tại các vùng sản xuất tập trung khác như: Khu vực trồng dược liệu khoảng 300 ha (gồm sâm Lai Châu, đương quy, đẳng sâm, khoai sâm …), vùng nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện khoảng 150 lồng, vùng trồng rừng sản xuất tập trung gần 1.400 ha (310ha thông, 568ha mắc ca và hơn 500ha quế), vùng trồng rau ôn đới công nghệ cao theo hướng hữu cơ khoảng 10ha… người dân đã bước đầu quan tâm đến việc liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đầu tư sản xuất, thu mua, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện trên 80% hộ chăn nuôi có chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn, phòng chống dịch bệnh, nhiều hộ gia đình đầu tư nâng cấp chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn, sản xuất hàng hóa. Huyện có 06 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung quy mô trên 100con/cơ sở.
Bên cạnh đó, Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy chế biến ở các vùng nguyên liệu như: Nhà máy chế biến chè tại xã Phìn Hồ, nhà máy sơ chế dược liệu tại xã Sà Dề Phìn; Đồng thời, Sìn Hồ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức và tham gia các hoạt động hội chợ trong vào ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với doanh nghiệp, các chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn và bền vững đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 01 đơn vị diện tích và cải thiện thu nhập cho người dân. Cụ thể, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 43,34% (bình quân giảm từ 4-5%/năm), tỷ lệ hộ cận nghèo là 13,09%; thu nhập bình quân đạt 36,5 triệu đồng/người/năm, cơ bản đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt; một số xã điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo như xã Nậm Tăm, Chăn Nưa.
Mô hình trồng cây thanh long của người dân bản Tà Ghênh (xã Phìn Hồ) mang lại thu nhập ổn đinh cho người dân
Song song với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, Sìn Hồ cũng tranh thủ tối đa các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là việc phát triển giao thông nông thôn. Đến tháng 9/2024, tỷ lệ đường giao thông nông thôn cứng hóa của Huyện đã đạt 81,47% (tương đương 208,51 km), tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã cứng hóa đạt 100%, số bản có đường xe máy đi lại được thuận lợi quanh năm là 182/185 bản, đạt 98,38%. Huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 12,3 tiêu chí/xã. Những kết quả đạt được từ quá trình xây dựng dựng NTM của Sìn Hồ đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao nhận thức của Nhân dân về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa. Đây chính là yếu tố “nội sinh” để địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái bền vững.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Sìn Hồ là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với những cảnh quan đẹp như tranh. Sìn Hồ có thiên nhiên rừng núi hùng vĩ, thơ mộng với trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, biển mây thơ mộng, cùng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi… Sìn Hồ được ví như Sa Pa thứ 2 của Tây Bắc vì khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ khoảng 18 độ C, khí hậu của 4 mùa luân chuyển trong ngày.
Sìn Hồ được ví như Sa Pa thứ 2 nhờ cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm
và nền văn hóa phong phú
Sìn Hồ có nhiều điểm tham quan nổi tiếng như: thác Nậm Lúc, núi Đá Ô, động Ông tiên, đồi chè cổ... Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc. Du khách đến đây có thể thưởng thức: cơm lam, thịt trâu gác bếp, rượu ngô, tắm thuốc… và mua những sản phẩm đặc trưng như: thổ cẩm, gạo nếp nương, mật ong rừng, sâm Lai Châu…
Để phát triển du lịch bền vững, huyện Sìn Hồ kết hợp du lịch với nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch ẩm thực, tắm thuốc trị liệu tham quan tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, việc trồng cây dược liệu kết hợp việc phát triển du lịch sinh thái đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện nay, tại xã Sà Dề Phìn đang có 2 doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu, đồng thời phát triển mô hình lưu trú (farmstay), việc các du khách có thể tham quan, chụp ảnh tại vườn sâm, trải nghiệm mua sâm, trồng sâm, thu hái sâm, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, là một trong những trải nghiệm khó quên.
Sìn Hồ là địa điểm săn mây lý tưởng cho du khách
Bên cạnh đó, Huyện đang đẩy mạnh xây dựng công tác bảo tồn phát huy văn hóa đặc trưng của 14 dân tộc như: phục hồi và duy trì nghề thủ công, hỗ trợ tu sửa kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục các lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc làm chất liệu cho du lịch cộng đồng. Du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, tham gia các lễ hội truyền thống, thưởng thức ẩm thực độc đáo và mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Mặc dù, du lịch của Sìn Hồ đang trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng bước đầu tạo nguồn thu cho người dân, là động lực để bà con trên địa bàn thay đổi tư duy làm kinh tế.
Thác Nậm Lúc (ở xã Phăng Sô Lin) có vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ là địa điểm
được nhiều du khách đam mê trekking tìm đến khám phá, chinh phục
Với các tiềm năng, lợi thế của Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đang đề xuất với Bộ VHTT&DL đưa cao nguyên Sìn Hồ vào danh mục các khu du lịch quốc gia, quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia tầm nhìn đến 2045. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư phát triển du lịch tại huyện. Sở VHTT&DL cũng đang phối hợp với huyện Sìn Hồ và các ngành chức năng cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các bước khảo sát, đầu tư theo quy định và phù hợp với quy hoạch cũng như các điều kiện thực tế của địa phương. Đó là những hoạt động cần thiết để từng bước đưa du lịch Sìn Hồ phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trịnh Long