Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua 5 năm (2015-2020) thực hiện đã thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Số liệu GRDP biên soạn và công bố theo quy trình mới phản ánh chính xác hơn tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Chất lượng số liệu GRDP được nâng cao, phản ánh chính xác hơn thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và được người dùng tin, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương tin cậy sử dụng.
GDP, GRDP được biên soạn tập trung theo nguyên tắc 3 cùng: (i) Cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trực tiếp biên soạn; (ii) Cùng phương pháp tính toán; (iii) Cùng nguồn số liệu đầu vào và số liệu trung gian. Nhờ đó, đã khắc phục được tình trạng vận dụng phương pháp tính thiếu nhất quán diễn ra khá phổ biến trong những năm biên soạn và công bố GRDP phân tán trước đây.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tuy nhiên, việc biên soạn GDP, GRDP vẫn còn những bất cập như: Số lượng và chất lượng thông tin đầu vào, số liệu trung gian còn hạn chế; công cụ tính toán chưa hoàn thiện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính kịp thời, đầy đủ và chính xác của số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hơn nữa, khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê quy định: "Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thực hiện xây dựng, trình Chính phủ ban hành… quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Từ những hạn chế, bất cập và căn cứ pháp lý nêu trên, cần phải xây dựng quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).
Để quy trình biên soạn GDP, GRDP có hiệu lực, hiệu quả cao trong thực tiễn thì quá trình xây dựng và thực hiện quy trình này cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nguyên tắc biên soạn biên soạn GDP, GRDP phải đảm bảo: Thực hiện tập trung, thống nhất tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); Tính thống nhất và minh bạch trong biên soạn, công bố số liệu GDP, GRDP; đáp ứng việc tiếp cận, khai thác, sử dụng số liệu GDP, GRDP dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng; Tính đồng bộ, hệ thống và kết nối ở tất cả các bước của quy trình biên soạn; Tính logic, tương thích, phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Hai là, quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP gồm 6 bước: (1) Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP; (2) Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP; (3) Biên soạn số liệu GDP, GRDP; (4) Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP; (5) Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP; (6) Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.
Ba là, số liệu GDP, GRDP được biên soạn gồm số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức; số liệu GDP được biên soạn trên phạm vi toàn quốc; số liệu GRDP được biên soạn trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Số liệu GDP được biên soạn theo phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm; phương pháp thu nhập đối với kỳ 5 năm. Số liệu GRDP biên soạn theo phương pháp sản xuất đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm.
Số liệu GDP được biên soạn theo giá hiện hành và giá so sánh theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, tương thích giữa số liệu GDP với số liệu các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan..
Bốn là, các chỉ tiêu biên soạn chủ yếu gồm: Quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng GDP, GRDP. Các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP gồm: (1) Các chỉ tiêu tính theo phạm vi cả nước (Tích lũy tài sản, Tiêu dùng cuối cùng, Trị giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Trị giá dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, Giá trị sản xuất, Chi phí trung gian, Hệ thống chỉ số giá, Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác); và (2) Các chỉ tiêu tính theo phạm vi vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Giá trị sản xuất, Chi phí trung gian, Hệ thống chỉ số giá, Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác).
Năm là, số liệu GDP, GRDP phải được công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi, công khai và minh bạch; thời điểm công bố, phổ biến thông tin GDP, GRDP phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội; phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên phạm vi cả nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác.
Sáu là, cần xác định nguồn thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP và xác định các hình thức thu thập thông tin tương ứng để bảo đảm đủ thông tin biên soạn GDP, GRDP.
Triển khai thực hiện biên soạn GDP, GRDP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương:
-
Xây dựng, hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin của các chỉ tiêu thống kê phục vụ biên soạn GDP, GRDP;
-
Xây dựng hệ thống biểu mẫu để thu thập thông tin từ Tập đoàn, tổng công ty nhà nước phục vụ biên soạn GDP, GRDP;
-
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, khai thác, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; quy trình biên soạn GDP, GRDP;
-
Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện quy trình biên soạn GDP, GRDP và rà soát, đánh giá lại quy mô GDP, GRDP.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan:
-
Xây dựng, hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công;
-
Chia sẻ dữ liệu hành chính với cơ quan thống kê trung ương; chú trọng xây dựng, ký kết, thực hiện có hiệu quả quy chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thống kê trung ương với thống kê bộ, ngành để bảo đảm đủ thông tin biên soạn GDP, GRDP;
-
Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống báo cáo thống kê điện tử; gửi báo cáo số liệu thống kê cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) theo quy định của pháp luật về thống kê.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
-
Chỉ đạo sở, ban, ngành thu thập, tổng hợp và cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê cấp tỉnh;
-
Sử dụng thống nhất số liệu, thông tin thống kê do cơ quan thống kê công bố trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;
-
Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống báo cáo thống kê điện tử từ sở, ban, ngành cho cơ quan thống kê cấp tỉnh để thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia./.