Sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn thống kê nhà nước

26/10/2020 - 11:25 AM
Việt Nam đã có nhiều tiêu chuẩn nhà nước trong nhiều lĩnh vực khác như kế toán, kiểm toán, xây dựng ... Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về Tiêu chuẩn Thống kê hoàn chỉnh đối với từng biến dữ liệu cụ thể - loại dữ liệu sơ cấp dùng để tổng hợp nên các chỉ tiêu thống kê tổng hợp cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các tiêu chuẩn thống kê đối với biến dữ liệu cụ thể đòi hỏi phải có quy chuẩn về các khái niệm cơ bản về biến dữ liệu, cách thức thu thập dữ liệu (cách mã hóa dữ liệu ra sao, đơn vị thống kê là gì, cần hỏi câu hỏi nào để thu được dữ liệu đó), xử lý phân tích, dữ liệu (phân tổ dữ liệu, bảng phân loại nào cần được sử dụng), hiệu chỉnh dữ liệu (gắn dữ liệu đối với dữ liệu bị thiếu, không hợp logic), trình bày dữ liệu (các loại kết quả đầu ra) và diễn giải dữ liệu.

Trong khi đó, các tài liệu có tính quy định về chuẩn thống kê hiện đang được sử dụng tại các cơ quan sản xuất dữ liệu thống kê có thể kể đến như Danh mục và Nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, huyện, xã; hệ thống chỉ tiêu bộ, ngành mới dừng ở mức quy định tên chỉ tiêu tổng hợp, nội dung chỉ tiêu, phương pháp tính và nguồn dữ liệu nói chung, mà chưa đi sâu vào công tác chuẩn hóa cho từng biến dữ liệu. Các bảng danh mục được nghiên cứu, ban hành cũng mới đáp ứng được yêu cầu phân tổ, trình bày dữ liệu mà chưa giải quyết được các yếu tố khác của biến dữ liệu như mã hóa dữ liệu ra sao, tích hợp dữ liệu như thế nào, danh sách câu hỏi có thể sử dụng để thu thập dữ liệu.

Chất lượng và tính minh bạch của thông tin thống kê nhằm hỗ trợ quá trình ra các quyết định liên quan đến chính sách công ngày càng được quan tâm và đánh giá cao về giá trị. Sự quan trọng của dữ liệu được chỉ ra bằng các báo cáo quan trọng sử dụng nhiều số liệu thống kê, nhiều chỉ tiêu chất lượng cao được sử dụng để theo dõi các chương trình, dự án như Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, chương trình Phát triển bền vững, các chương trình liên quan đến phát triển giới, thanh thiếu niên... Tuy nhiên, để đạt được và duy trì niềm tin của công chúng trong các số liệu thống kê nhà nước đòi hỏi những số liệu thống kê đó được sản xuất một cách khách quan, minh bạch và độc lập chuyên nghiệp.

Tháng 3 năm 2017, Ủy ban thống kê Liên hợp quốc đã ban hành Khung bảo đảm chất lượng thống kê Liên hợp quốc (UN-SQAF) và hướng dẫn xây dựng Khung bảo đảm chất lượng thống kê quốc gia nhằm hướng dẫn các quốc gia thành viên xây dựng Khung bảo đảm chất lượng thống kê quốc gia (NQAF). Trong khuyến nghị xây dựng Khung bảo đảm chất lượng thống kê quốc gia đó, nhiều tiêu chí liên quan đến việc xây dựng, ban hành, quản lý, sử dụng và phổ biến các tiêu chuẩn thống kê nhằm bảo đảm chất lượng của số liệu thống kê.

Ngày 05/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg về việc Ban hành Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030, trong đó có 7 tiêu chí liên quan đến Tiêu chuẩn thống kê. Đó là các tiêu chí:

- CLTK 3.1 - Có đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn thống kê;

- CLTK 3.2 - Thực hiện việc tổ chức tham khảo ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin và sử dụng thông tin thống kê trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn thống kê;

- CLTK 3.3 - Có các tiêu chuẩn thống kê phù hợp với các tiêu chuẩn, thực hành tốt của quốc tế và khu vực;

- CLTK 3.4 - Phổ biến tiêu chuẩn thống kê và những thay đổi về tiêu chuẩn thống kê (nếu có);

- CLTK 3.5 - Các tiêu chuẩn thống kê trước đây (phiên bản cũ) có sẵn để cung cấp (nếu có nhu cầu);

- CLTK 3.6 - Lưu trữ thông tin thống kê ban đầu theo phân loại thống kê ở mức chi tiết nhất;

- CLTK 3.7 - Công bố, phổ biến các sản phẩm thống kê có kèm theo hoặc có chỉ dẫn đến tài liệu về tiêu chuẩn thống kê liên quan.

Tiêu chí CLTK 3.3 nêu rõ việc phải “Có các tiêu chuẩn thống kê phù hợp với các tiêu chuẩn, thực hành tốt của quốc tế và khu vực”. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn thống kê và thí điểm xây dựng một tiêu chuẩn thống kê cụ thể để từ đó làm tiền đề, xây dựng các tiêu chuẩn thống kê chi tiết cho các lĩnh vực thống kê khác trong tương lai trở thành một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan thống kê quốc gia.

Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn thống kê làm cơ sở vững chắc phục vụ đánh giá chất lượng thống kê, giúp người làm công tác thống kê có các tiêu chuẩn thống nhất, phù hợp với các tiêu chuẩn thông lệ tốt của quốc tế để tuân thủ trong quá trình sản xuất thông tin thống kê.

Có ba lợi thế chính của việc xây dựng và sử dụng phổ biến những tiêu chuẩn thống kê đã được phê chuẩn:

- Bảo đảm chất lượng sản phẩm thống kê;

- Tạo ra bức tranh thống kê toàn cảnh có ý nghĩa về xã hội và kinh tế;

- Giảm thiểu chi phí và tăng cường sự minh bạch.

Vì vậy, nghiên cứu xây dựng, hoàn hiện hệ thống tiêu chuẩn thống kê nhà nước là việc làm cần thiết và có tính cấp bách.

Đối tượng áp dụng của việc nghiên cứu là:

- Trong nội bộ cơ quan Tổng cục Thống kê nhằm bảo đảm dữ liệu được sản xuất theo cách thức và chất lượng thống nhất qua thời gian và qua các cuộc điều tra;

- Ở cấp quốc gia bởi những cơ quan sản xuất dữ liệu thống kê nhằm hỗ trợ việc tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau;

- Ở cấp quốc tế nhằm đáp ứng nghĩa vụ báo cáo quốc tế và khuyến khích khả năng so sánh dữ liệu giữa các quốc gia.

Tiêu chuẩn thống kê cho các biến thuộc lĩnh vực giáo dục có thể được sử dụng trong ngành thống kê, các cơ quan thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Nghiên cứu xây dựng, hoàn hiện hệ thống tiêu chuẩn thống kê nhà nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc ban hành các tiêu chuẩn thống kê nhà nước.
 
Trần Tuấn Hưng
Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê - TCTK

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top