Công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng ta khởi xướng và tổ chức thực hiện từ năm 1986. Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đã khẳng định đất nước ta đã và đang vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn. Đổi mới kinh tế ở nước ta trong thời kỳ này có rất nhiều nội dung. Một nội dung đặc trưng, cốt lõi và đã đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế; tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường đó là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một công cụ quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế, nó là sự cụ thể hóa các mục tiêu định hướng bằng các chỉ tiêu kế hoạch, đồng thời đưa ra nhiệm vụ và giải pháp. Vì lẽ đó, công cụ này đã được xác định phải đổi mới và là tất yếu khách quan khi nước ta chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấo cao độ sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại gần 40 năm đổi mới kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được đổi mới toàn diện và sâu sắc, vừa là công cụ dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa là công cụ hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vẫn cần phải tiếp tục đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn nữa để vừa đáp ứng đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng đòi hỏi khách quan từ thực tiễn. Xây dựng Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch (viết tắt là HTCTKH) là nội dung cần thiết phải đổi mới trong thời gian tới.
Cơ sở cần thiết xây dựng Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
HTCTKH là tập hợp của nhiều chỉ tiêu kế hoạch có quan hệ mật thiết với nhau, phản ánh nhiều mặt của quá trình kinh tế - xã hội trong điều kiện thời gian và không gian nhất định. Chỉ tiêu kế hoạch có cấu trúc bao gồm: Tên chỉ tiêu, con số định lượng, không gian phản ánh, đối tượng phản ánh và thời gian đo lường. Chỉ tiêu kế hoạch dùng để phản ánh sự thay đổi so với kỳ gốc hoặc giá trị tuyệt đối, tỷ lệ cần đạt được tại một thời điểm nào đó trong kỳ kế hoạch. Con số này được nhà kế hoạch xác định ngay từ khi lập kế hoạch.
Chỉ tiêu thống kê gồm tên chỉ tiêu và trị số của chỉ tiêu. Chỉ tiêu thống kê dùng phản ánh đặc điểm quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, quan hệ tỷ lệ,… hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian, thời gian cụ thể. Các HTCTKH phải phù hợp với các Hệ thống chỉ tiêu thống kê (viết tắt là HTCTTK) tương ứng về 5 nội dung của mỗi chỉ tiêu.
Xây dựng HTCTKH cho các cấp hành chính là nội dung cốt lõi, quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở 4 cấp: Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và xã, thể hiện ở một số điểm:
Một là, về cơ sở pháp lý: Tại mục D, khoản 1, điểm g của Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 đã chỉ rõ: “g) Xây dựng HTCTKH đảm bảo tính khả thi, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương hướng dẫn cách thu thập các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách đảm bảo tính chất đồng bộ, thống nhất về thông tin số liệu thống kê trên phạm vi cả nước phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch”.
Đây là sự cần thiết mang tính pháp lý. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải dùng HTCTKH được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành giống như HTCTTK được Luật Thống kê quy định.
Hai là, Luật Thống kê quy định cơ quan thống kê nhà nước có chức năng bảo đảm thông tin thống kê chất lượng, kịp thời về kinh tế - xã hội phục vụ việc xây dựng, theo dõi, đánh giá thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, tỉnh, huyện và xã. Hơn nữa, Luật Thống kê còn quy định về các Hệ thống thông tin thống kê, các HTCTTK, thẩm quyền ban hành các HTCTTK này.
Hiện nay, các HTCTTK Việt Nam tương đối đầy đủ, theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với thực tiễn khách quan, nhu cầu thông tin thống kê của Lãnh đạo Đảng, quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương, với hàng trăm các chỉ tiêu thống kê trong HTCTTK quốc gia, tỉnh, huyện, xã; HTCTTK bộ, ngành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và liên kết vùng;…
Trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều có chỉ tiêu kế hoạch để cụ thể hóa mục tiêu. Các chỉ tiêu này chưa được lập thành HTCTKH cho các cơ quan lập kế hoạch các cấp thống nhất, đồng bộ sử dụng. Vì thế, HTCTKH cần xây dựng và được luật hóa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành như các HTCTTK hiện nay.
Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan thống kê nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã quy định trên cơ sở thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác, khách quan và trung thực thông tin thống kê theo các chỉ tiêu kế hoạch đã được luật hóa. Đồng thời khắc phục tình trạng dùng chỉ tiêu thống kê làm chỉ tiêu kế hoạch.
Ba là, số lượng chỉ tiêu kế hoạch ở các cấp, các địa phương sử dụng không giống nhau. Số lượng chỉ tiêu kế hoạch trong “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025” của quốc gia là 23 chỉ tiêu kế hoạch; còn “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020” chỉ là 19 chỉ tiêu kế hoạch. Tương tự, ở cấp tỉnh và huyện đều xảy ra tình trạng này. Chẳng hạn, trong cùng thời kỳ 2021 - 2025, “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” của Thừa Thiên Huế chỉ có 13 chỉ tiêu, còn Bình Định có tận 28 chỉ tiêu. Như vậy, cách dùng chỉ tiêu kế hoạch ở các thời kỳ của các địa phương không đồng bộ cả tên chỉ tiêu và số lượng chỉ tiêu. Vì vậy, rất cần có một HTCTKH đồng bộ cho mỗi cấp hành chính trong cả nước về số lượng, tên chỉ tiêu kế hoạch và đồng bộ với các chỉ tiêu kế hoạch từ trung ương tới địa phương.
Bốn là, việc ứng dụng công cụ thống kê trong việc xây dựng, giám sát và đánh giá kế hoạch còn hạn chế, như: Sử dụng số tương đối kế hoạch, tính tỷ lệ vượt kế hoạch trong đánh giá kế hoạch; Dự báo thống kê về khả năng đạt được của mỗi năm của thời kỳ 5 năm tiếp theo. Trên cơ sở này, cùng với nguồn lực mới xây dựng mức độ cần đạt được vào năm cuối thời kỳ cho mỗi chỉ tiêu kế hoạch. Vì thế, xây dựng HTCTKH là cơ sở pháp lý, khoa học cho cơ quan nhà nước thống kê và kế hoạch nâng cao chất lượng công việc của mình.
Năm là, cấp huyện chưa có chỉ tiêu kế hoạch tổng hợp để lập kế hoạch. Thời kỳ trước sử dụng chỉ tiêu thống kê GDP, giá trị tăng thêm, giá trị sản xuất làm chỉ tiêu kế hoạch. Trong kỳ kế hoạch không có thông tin thống kê để giám sát, kiểm tra kế hoạch, cuối kỳ đánh giá cũng không có thông tin thống kê chính thức để đánh giá mức độ thực hiện kế hoạch và mức độ thực hiện chỉ tiêu đại hội. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 05/2023/QĐ-TTg, ngày 23/2/2023 về việc Ban hành HTCTTK cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã quy định về chỉ tiêu thống kê “Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn cấp huyện”. Đây là một chỉ tiêu tổng hợp giống tương tự như giá trị sản xuất. Để chỉ tiêu này được phép là chỉ tiêu kế hoạch cũng cần được cơ quan có thẩm quyền quy định. Khi đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện mới đưa vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030. Đồng thời lấy chỉ tiêu này là chỉ tiêu kế hoạch cho Báo cáo chính trị trong Đại hội Đảng cấp huyện. Việc có quy định của cơ quan có thẩm quyền về chỉ tiêu kế hoạch là cần thiết, tránh tùy tiện hoặc thiếu chỉ tiêu tổng hợp phản ánh động thái kinh tế cấp huyện trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng nhân dân huyện.
Từ phân tích mức độ cần thiết về pháp lý, cũng như về sự đòi hỏi và cần thiết của thực tiễn hoạt động kế hoạch trong xây dựng, theo dõi và đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì rất cần phải xây dựng HTCTKH cho 4 cấp hành chính, cho các bộ, ngành và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và ban hành như các HTCTTK hiện hành.
Góp phần xây dựng Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch
Để góp phần vào việc triển khai xây dựng HTCTKH theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với kinh nghiệm có được trong thời gian công tác trong ngành Thống kê cả 3 cấp hành chính, tác giả khuyến nghị:
Thứ nhất, trên cơ sở HTCTTK quốc gia (Quốc hội ban hành Danh mục kèm theo Luật Thống kê); HTCTTK cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ); các HTCTTK bộ, ngành,… để chọn ra các chỉ tiêu kế hoạch cho HTCTKH tương ứng, phù hợp như các HTCTTK. Đồng thời cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và ban hành cho các cấp hành chính.
Thứ hai, xác định số lượng, tên chỉ tiêu kế hoạch chung cho mỗi cấp hành chính trong cả nước. Trường hợp địa phương có đặc thù: Đông dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển,… được phép bổ sung thêm chỉ tiêu kế hoạch cho phù hợp thực tiễn của địa phương.
Thứ ba, mỗi chỉ tiêu kế hoạch phải phù hợp với chỉ tiêu thống kê tương ứng về tên gọi, nội dung và phương pháp tính nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch.
Thứ tư, từ thời kỳ 2026 - 2030, cần bổ sung chỉ tiêu kế hoạch “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đưa chỉ tiêu kế hoạch này vào kế hoạch 5 năm góp phần giúp cho việc giải ngân đầu tư công được quan tâm hơn nữa, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ của cả hệ thống chính trị ở địa phương.
Thứ năm, trong tất cả chiến lược đều xây dựng mục tiêu tổng quát. Mục tiêu tổng quát được cụ thể hóa thành những chỉ tiêu kế hoạch. Vì thế, mỗi chiến lược phải có một HTCTKH riêng, một HTCTTK riêng. Chẳng hạn, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã quy định tại mục 2, khoản b, cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Xây dựng HTCTTK quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh”.
HTCTKH được ban hành cho 4 cấp hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông suốt, thống nhất, đồng bộ, pháp lý và hiệu lực hiệu quả. Đồng thời, còn là cơ sở khoa học, pháp lý cho cơ quan thống kê nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong việc cung cấp thông tin thống kê cho hoạt động kế hoạch, đầy đủ, kịp thời, khách quan, chính xác, trung thực./.
TS. Vũ Thanh Liêm, ThS. Vũ Trọng Nghĩa
Hội Thống kê Việt Nam