Sử dụng số liệu để phân tích, đánh giá nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp

14/11/2024 - 02:33 PM
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là năng suất tính trên cơ sở kêt hợp chung hai nhân tố đầu vào là vốn và lao động. Nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp là căn cứ quan trọng để nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển bền vững của một quốc gia, một địa phương cũng như của các ngành, các lĩnh vực hay các loại hình kinh tế.
 
Liên quan đến nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp, Hệ thống chỉ tiêu Thống kê Quốc gia ban hành năm 2022 yêu cầu tính toán và công bố hai chỉ tiêu là Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hơp và Tỷ trọng đóng góp của các nhân tố vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp vào tốc độ tăng trưởng chung.
 
Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp là tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất do nâng cao hiệu quả sử dụng các nhân tố đầu vào là vốn và lao động. 
 
Theo phương pháp hạch toán, tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (İTFP) được xác định bằng cách lấy tốc độ tăng kết quả sản xuất (İY) trừ đi tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất do tăng vốn (α.İK) và tỷ lệ tăng lên của kết quả sãn xuất do tăng lao động (β.İL) như công thức 01:
 
                    İTFP = İY  - (α.İKβL)                 ;                             (01)
 
Trong đó:
 
İK là tốc độ tăng của vốn và İY là tốc độ tăng của lao động;
 
α và β là hệ số đóng góp của vốn và lao động (α + β = 1).
 
Tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế (dF) là tỷ lệ phần trăm của tăng TFP chiếm trong phần trăm tăng lên của kết quả sản xuất, tính như công thức 02:
 
                     dF= İTFP : İY  × 100                      ;                                (02)
 
Kết quả sản xuất nếu là chung toàn nền kinh tế của cả nước sẽ là chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và của các tỉnh thành phố sẽ là chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), còn nếu là của từng ngành, từng lĩnh vực hay loại hình kinh tế... sẽ là chỉ tiêu giá trị tăng thêm. Trong bài báo nếu không nói cụ thể thì kết quả sản xuất sẽ dùng GDP để đặc trưng chung.
 
Ví dụ tính toán tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Tỉnh “H” với số liệu như sau:

- Tốc độ tăng GRDP :          İY = 7,15%;

- Tốc độ tăng vốn  :           İK = 8,52% ;

- Tốc độ tăng lao động :     İL = 1,14%

Và biết thêm hệ số đóng góp của lao động β = 0,6050, cũng có nghĩa là có hệ số đóng góp của vốn α = 1 - 0,6050 = 0,3950.
 
Theo số liệu đã cho, áp dụng công thức 01 và 02 ta tính được:

    - Tốc độ tăng TFP (İTFP):

                 = 7,15 - (0,3950 . 8,52 + 0,605 . 1,14) =
 
                 =  7,15 – (3,3654 + 0,6897) = 3,0949 (%).
 
    - Tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP :
 
                  = 3,0949 : 7,15 . 100 = 43,29%.  
 
Khi phân tích, đánh giá về tốc độ tăng TFP cần phải sử dụng số liệu kết hợp đồng thời cả hai chỉ tiêu: Tốc độ tăng TFP và Tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế.
 
Từ số liệu trên ta nhận định đánh giá về nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp của Tỉnh “H”: Tốc độ tăng TFP năm 2022 đạt 3,0949%, tương ứng với tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP là 43,29%.
 
Trong thực tế hiện nay có một số tỉnh, thành phố khi phân tích, đánh giá và đề xuất mục tiêu phấn đấu nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp thường chỉ chú trọng hoặc tập trung vào chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế, và nếu như vậy thi sẽ có những hạn chế gì?
 
Có thể trả lời câu hỏi nêu trên qua xem xét ví dụ cụ thể về kết quả tính toán và so sánh tốc độ tăng TFP của Tỉnh “B” qua hai năm 2019 và 2020 sau đây:
 
Năm 2019 Tỉnh “B” có tốc độ tăng GRDP đạt 8,55%, và tốc độ tăng TFP đạt 3,7154%, từ đó sẽ có tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP là:
 
dTFP  = 3,7154 : 8,55 . 100 = 43,45%;
 
Năm 2020 Tỉnh “B” có tốc độ tăng GRDP đạt 2,75% và tốc độ tăng TFP đạt 1,6235%, từ đó sẽ có tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP là:
 
 dTFP  = 1,6235 : 2,75 . 100 = 59,04%;
 
Số liệu ví dụ trên cho thấy nếu chỉ dựa vào tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP thì năm 2020 Tỉnh “B” có kết quả tôt hơn năm 2019 vì có tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP cao hơn (59,04% so với 43,45%). Nhưng nếu xét toàn diện thì năm 2019 phải là có kết tốt hơn vì tốc độ tăng TFP cao hơn đáng kể so với năm 2020 (3,7154% so với 1,6235%); sở dĩ tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP năm 2029 thấp hơn năm 2020 vì phải so với tốc độ tăng GRDP cao hơn (tốc độ tăng GRDP là 8,55% so với 2,75%).
 
Một thực tế nữa nếu gặp trường hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt giá trị âm hoặc bằng không thì không thể tính được tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế và khi đó nếu chỉ dựa vào tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế thì không có số liệu để đánh giá.
 
Tóm lại, khi phân tích, đánh giá kết quả nâng cao nâng suất các nhân tố tổng hợp không nên chỉ dựa tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế, mà phải kết hợp cả hai: Tốc độ tăng TFP và Tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế; và trong đó trước hết phải là tốc độ tăng TFP./.
 
                                   PGS.TS. Tăng Văn Khiên - Hội Thống kê Việt Nam
ThS. Nguyễn Thị Mão - Trường Đại học Sự phạm Thái Nguyên

Tài liệu tham khảo 
 
1. Luật Thống kê và một số văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Dân Trí năm 2022;
 
2. “Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp -  Phương pháp tính và ứng dụng” do PGS, TS. Tăng Văn Khiên làm chủ biên , NXB Thống kê năm 2018.
 
3. “Một số lưu ý khi tính toán và phân tích tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp”- Bài báo đang trên mạng của Viện Năng suất Việt Nam năm 2024. 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top