Tóm tắt
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và công nghệ thông tin trên toàn thế giới, nền kinh tế Gig đã phát triển và lan tỏa theo một xu hướng không thể đảo nghịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với không chỉ người lao động mà còn cả doanh nghiệp, Nhà nước và các cơ sở giáo dục, đào tạo nguồn lao động.
Từ khóa: Nền kinh tế Gig, việc làm, người lao động, công việc online, việc làm
Summary
According to the advance of Science technology and Information technology globally, the Gig economy has been developing and spreading irreversibly in many nations all over the world, including Vietnam. This is not only the opportunities but also challenges for labor, entrepreneurs, Vietnam Government and education institutions such as universities, colleges, and vocational schools.
Keywords: Gig economy, labor, online jobs, employment
ĐẶT VẤN ĐỀ
Nền kinh tế Gig, hay có thể được hiểu là nền kinh tế hợp đồng, thực chất đã tồn tại từ nhiều thập niên và chứng kiến sự tiến bộ mang tính cách mạng trong những năm gần đây. Thông qua việc áp dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ số, người sử dụng lao động có thể tiếp cận nguồn lao động đa dạng với chi phí hợp lý và tiếp kiệm hơn. Đồng thời, nền kinh tế Gig cũng giúp người lao động gia tăng thu nhập, đồng thời cũng giảm căng thẳng và đảm bảo được sự cân bằng giữa công việc và thời gian cá nhân (Phạm Văn Hiếu, 2023).
Theo LinkedIn (2023), giá trị của nền kinh tế Gig toàn cầu là 413.930 triệu Đô la Mỹ vào năm 2022 và được dự đoán là sẽ đạt mốc 918.944,83 triệu Đô la Mỹ. Tại Việt Nam, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ cùng nguồn lao động trẻ sẵn sàng học hỏi và nhanh chóng quen thuộc với các phương thức làm việc mới, nền kinh tế Gig sẽ mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng việc làm đa dạng cho người lao động. Đồng thời, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cần có sự chung tay hợp tác của Nhà Nước, doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo,… để tận dụng tối đa thế mạnh và định hướng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nền kinh tế Gig.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về nền kinh tế Gig và các vấn đề liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có một định nghĩa hoàn toàn thống nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, bản chất sự khác biệt giữa nền kinh tế Gig với nền kinh tế truyền thống nằm ở hình thức lao động ngắn hạn, có tính linh hoạt cao, mang tính tạm thời và không thường xuyên. Theo định nghĩa của Từ điển Cambridge (2023), nền kinh tế Gig là “phương thức làm việc dựa trên việc người lao động làm các công việc tạm thời hoặc các phần công việc riêng lẻ, mỗi phần công việc được trả lương riêng biệt, hơn là làm việc cho một chủ lao động”.
Nền kinh tế Gig đã có dấu hiệu khởi đầu từ cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 1920-1930, khi tỉ lệ thất nghiệp gia tăng một cách đáng báo động và đạt đỉnh 24,9% vào năm 1933 (Stanley Lebergott,1948) và người lao động sẵn sàng làm bất kì công việc phụ nào (việc làm ngắn hạn theo hợp đồng hay theo ngày) bên cạnh công việc toàn thời gian của họ để duy trì cuộc sống. Điều tương tự cũng xảy ra lần nữa trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009 và đại dịch Covid-19. Khi nền kinh tế phục hồi, rất nhiều người lao động đã tiếp tục theo đuổi cách thức làm việc tương tự. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nhận ra đây là một xu hướng làm việc gia tăng lợi thế cạnh tranh cho họ thông qua việc có thể điều chỉnh nhu cầu thuê lao động một cách linh hoạt và có chi phí sản xuất rẻ hơn.
Kể từ khi nền tảng số đầu tiên ra đời năm 2009 và được sử dụng từ năm 2011, theo thời gian, các trang web online, các nền tảng xã hội (social network), các app công nghệ lần lượt xuất hiện như Upwork, Amazon, Uber… đã tạo nên bước đột phá nhờ áp dụng sự tiến bộ của Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Vạn vật kết nối (Internet Of Things – IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud),… cho phép kết nối trực tiếp nguồn cung và cầu lao động trên toàn thế giới. Những bước tiến đột phá trong các lĩnh vực đó đã phát triển trở thành nền móng cơ sở của mô hình kinh tế mới này (Izabela Ostoj, 2019, tr 386-388).
Trong 10-20 năm gần đây, với sự lớn mạnh không ngừng của các nền tảng kỹ thuật số và các app ứng dụng công nghệ, nền kinh tế Gig đã lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam. Ngày nay, các nền tảng số đã trở thành trung gian chính kết nối người sử dụng lao động (doanh nghiệp, nhà thầu, chính phủ, khách hàng cá nhân…) kết nối người lao động tự do qua các dịch vụ vận tải (Grab, Didi,Bee…), dự án lập trình (Clickworker,Freelancer…), các hợp đồng ngắn hạn như dọn nhà, phiên dịch, thu âm được đăng trên Facebook hay Upwork. Ngân hàng Thế giới (2023) đã thống kê được 545 nền tảng việc làm Gig online trên khắp thế giới, phục vụ khách hàng và người lao động tại 186 quốc gia. Người lao động có thể là những người làm nghề tự do; chuyên gia tư vấn độc lập; các nhà thầu tư nhân; công nhân hợp đồng tạm thời. Họ được tự do lựa chọn địa điểm và thời gian làm việc, đối tác làm việc linh hoạt theo nhu cầu, năng lực và sở thích của họ. Hiện nay, các nhà nghiên cứu (Izabela Ostoj, 2019, tr 386-388) đã phân loại người lao động Gig thành hai nhóm chính:
- Nhóm làm việc online trên các nền tảng điện toán đám mây.
- Nhóm làm việc offline theo các đơn đặt hàng qua các phần mềm di động số.
Nhóm người lao động số một thường là những chuyên gia, lập trình viên, nhà thiết kế, phiên dịch viên... có bằng cấp chuyên môn cao. Họ tiếp nhận các dự án, hoàn thành công việc và kết nối với bên sử dụng lao động trên phạm vi toàn cầu thông qua các nền tảng tương tự như Upwork, Freelancer.
Nhóm người lao động số hai, ngược lại, gồm những đối tượng làm các công việc truyền thống không yêu cầu trình độ học vấn cao như lái xe, dọn dẹp, vận chuyển thức ăn qua các phần mềm di động như UberFood, Didi, Grab…Lực lượng lao động này đang trở thành thành phần chính trong nền kinh tế Gig do yêu cầu đầu vào và rào cản gia nhập thấp, cùng với nhu cầu gia tăng của các ngành dịch vụ.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp thống kê và so sánh các dữ liệu thứ cấp được tổng hợp thông qua các báo cáo, nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, từ đó đánh giá được sự phát triển và lợi ích nền kinh tế Gig đem lại. Kết hợp với phương pháp phân tích vấn đề thông qua góc nhìn kinh tế-xã hội để tìm hiểu hiện trạng và các vấn đề nảy sinh. Qua đó, tác giả đưa ra những kết luận và kiến nghị mang tính xây dựng để tận dụng các ích lợi nền kinh tế Gíg đem lại cho người lao động và doanh nghiệp, đồng thời giải quyết một phần khó khăn thách thức đang tồn tại.
HIỆN TRẠNG VÀ LỢI ÍCH CỦA NỀN KINH TẾ GIG
Do tính chất đặc thù của nền kinh tế Gig và sự khác biệt trong phương pháp thu thập dữ liệu, rất khó thống kê và đánh giá chính xác số lượng người lao động thuộc về nền kinh tế này. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất năm 2023 mang tên “Publication: Working Without Borders: The Promise and Peril of Online Gig Work” do Ngân hàng Thế giới tiến hành, số người đang tham gia nền kinh tế Gig nằm trong khoảng 154 triệu đến 435 triệu người, chiếm tỉ lệ 4,4% đến 12,5% nguồn lực lao động toàn cầu. So với thống kê năm 2015 với số lượng khoảng 48 triệu người lao động Gig, có thể thấy rằng lực lượng lao động này đã phát triển thành một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực toàn cầu và nền kinh tế thế giới. Chỉ số nhu cầu sử dụng lao động online cũng tăng thêm 41% trong giai đoạn 2016 đến đầu quí I năm 2023.
Hình 1: Biểu đồ chỉ số nhu cầu lao động Online
Nguồn : Ngân hàng Thế giới, 2023
Nhu cầu lao động online của các nước phát triển có thu nhập cao đang chiếm phần lớn tỉ trọng (77,2%) như: Mỹ (36,83%), Vương Quốc Anh (8,61%), Canada (5,71%), Australia (5,1%); theo sau là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (15,5%) và các quốc gia có thu nhập trung bình cao (6,93%). Tuy nhiên, tốc độ phát triển của các nền tảng số và nhu cầu lao động online ở các quốc gia đang phát triển, có thu nhập bình quân vừa và thấp đang tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia đã phát triển. Điều này chứng tỏ giá trị và tiềm năng vô hạn của nền kinh tế Gig, đồng thời mở ra khả năng thúc đẩy nền kinh tế tại các quốc gia có thu nhập vừa và thấp, đồng thời thu hẹp khoảng cách thu nhập cao-thấp giữa các quốc gia khác nhau.
Hình 2: Tốc độ tăng trưởng việc làm trên các nền tảng lao động số phân bố
theo khu vực, giai đoạn 2016- 2020
Nguồn : Ngân hàng Thế giới, 2023
Lợi ích của nền kinh tế Gig đối với người lao động
Nền kinh tế Gig cùng với những nền tảng công nghệ online đã định nghĩa lại khái niệm công việc và mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động. Đồng thời, loại hình kinh tế mới này cũng đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động, doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm chi phí môi giới, cho phép môi trường làm việc linh động hơn và hợp đồng việc làm mang tính thời vụ.
Thứ nhất, sự linh hoạt và đa dạng của nền kinh tế Gig cho phép họ có thể cung cấp dịch vụ, sức lao động của mình cho nhiều khách hàng cùng một lúc. Ví dụ như một lái xe Grab Car có thể chở nhiều khách hàng thông qua dịch vụ ghép chuyến của Grab; hay một nhà thiết kế đồ họa có thể nhận nhiều dự án của các công ty khác nhau cùng một lúc, miễn là hoàn thành trong thời gian hợp đồng quy định. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, họ được quyền tự do đàm phán mức thù lao và tự chủ phân phối khối lượng công việc, cường độ lao động, cũng như thời gian làm việc.
Các nền tảng số hiện nay có thể phân loại công việc dựa trên kỹ năng, chuyên môn cần áp dụng. Từ đó, người lao động có khả năng tiếp cận các dự án phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân và đạt được thu nhập nhờ năng lực và đam mê cá nhân đó. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống phân loại và mô tả yêu cầu công việc, người lao động có thể phân tích nhu cầu thực tế của thị trường và phát triển kiến thức chuyên môn để bắt kịp với các xu hướng mới.
Thứ hai, những nhóm người lao động như phụ nữ, người khuyết tật, người nhập cư, người đã đến tuổi hưu trí có nhu cầu tìm kiếm việc làm có thể tận dụng nền kinh tế Gig để giảm bớt những yếu thế cạnh tranh trên thị trường công việc. Trên toàn cầu (Ngân hàng Thế giới, 2022), tỉ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động so với nam giới trên thế giới là 68%. Tại Việt Nam, tỉ lệ này trong giai đoạn 2012-2022 lên tới 85-89%. Với tỉ lệ năm 2022 là 88,06%, điều này đồng nghĩa với mỗi 100 nam giới tham gia lao động cũng sẽ có 88 người phụ nữ đang làm việc. Đồng thời những người lao động nữ cũng phải gánh vác nhiều công việc nhà hơn nam giới. Tổ chức Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (2023) đã chỉ ra thời gian dành cho các công việc nhà không công mỗi ngày ở phụ nữ là 275 phút so 170 phút của nam giới.
Tính linh hoạt đặc trưng của nền kinh tế Gig hỗ trợ phụ nữ có thể cân bằng tốt hơn công việc và cuộc sống gia đình bao gồm các công việc nội trợ, chăm sóc và đưa đón con nhỏ.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có khoảng 7 triệu người khuyết tật (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2023). Với sự hỗ trợ không ngừng về mặt chính sách, kinh tế, kỹ thuật và giáo dục đào tạo của các cơ quan bộ, ngành Chính phủ, một bộ phận không nhỏ người khuyết tật hiện nay hoàn toàn có kiến thức và năng lực làm việc như người bình thường. Với các công việc Gig cho phép làm việc tại nhà, họ có thể vượt qua các rảo cản tồn tại trong các công việc truyền thống, từ đó nâng cao sự tự chủ và chế tạo nguồn sinh kế ổn định hơn. Điều này không chỉ giúp những người lao động khuyết tật hòa nhập tốt hơn với xã hội, hướng đến cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc mà còn giảm bớt gánh nặng bảo trợ xã hội của Ngân quỹ Nhà nước. Tương tự, các đối tượng khác như người già đã về hưu, người nhập cư tại Việt Nam và trên thế giới có thể tận dụng lợi ích của nền kinh tế Gig để gia tăng thu nhập và xây dựng nền tảng tài chính vững chắc hơn.
Lợi ích của nền kinh tế Gig đối với doanh nghiệp
Một là, nền kinh tế Gig cũng cho phép có thể tìm kiếm người lao động, đặc biệt với các công việc, dự án có thể hoàn thành từ xa, từ bất kì quốc gia nào trên thế giới mà không bị trói buộc bởi các giới hạn thông thường như vị trí địa lý, giới tính, tình trạng hôn nhân, quốc tịch, tôn giáo. Theo David và David (2017), sự đa dạng trong lực lượng lao động của một doanh nghiệp chính là một tấm gương phản ánh đặc điểm của người tiêu dùng. Các nhóm người lao động khác nhau có thể thấu hiểu nhu cầu, năng lực và hành vi mua sắm của các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp có thể thiết kế, tiếp cận và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bám sát với nhóm khách hàng mục tiêu trên thị trường nhờ nguồn lực nhân sự đa dạng.
Hai là, nguồn cung lao động đa dạng có thể tăng năng suất, hiệu quả lao động và tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp. Các nhiệm vụ lao động được liệt kê và phân loại trên các nền tảng trực tuyến, các doanh nghiệp có thể lựa chọn người lao động dựa trên trình độ và thù lao lao động. Như vậy, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm một phần chi phí tuyển dụng và đào tạo. Với các công việc có độ khó thấp, doanh nghiệp có thể phân phối cho nhóm lao động có trình độ thấp và chỉ yêu cầu thù lao rẻ. Ngược lại, các nhiệm vụ yêu cầu trình độ, kinh nghiệm và năng lực cao có thể được tìm đến các chuyên gia trên toàn thế giới nhờ sự toàn cầu hoá và tiến bộ mạnh mẽ của hệ thống thông tin liên lạc.
Với số lượng các nền tảng số và nguồn cung lao động Gig đang tăng trưởng, mức lương cũng dao động theo, cho phép các doanh nghiệp lựa chọn các “gói dịch vụ” đắt hay rẻ tùy theo nhu cầu và năng lực của công ty. Đặc biệt với các doanh nghiệp start-up, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ sức mạnh tài chính để thu hút và giữ chân các chuyên gia tại các vị trí toàn thời gian, các nền tảng số là nguồn cung nhân sự chất lượng với chi phí hợp lý. Ngoài ra, mỗi tổ chức kinh doanh đều có các tháng cao điểm trong năm. Sử dụng lao động Gig trong giai đoạn này là một trong các biện pháp tiết kiệm mà vẫn đảm bảo hiệu quả vận hành của doanh nghiệp.
NHỮNG VẤN ĐỀ NẢY SINH TRONG NỀN KINH TẾ GIG
Thứ nhất, tính chất phi truyền thống của nền kinh tế Gig, có nghĩa là người lao động sẽ được phân loại như các nhà thầu tư nhân hay các lao động tự do. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề thuế thu nhập và các quỹ phúc lợi xã hội theo Luật Lao Động. Người lao động Gig có thể sẽ phải tự tiếp cận với các phúc lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, quỹ hưu trí, các chương trình đào tạo mà các doanh nghiệp thường cung cấp cho nhân viên của họ. Các nền tảng số, ở một mức độ nào đó, có thể sử dụng các thuật toán để phân phối, quản lý, giám sát công việc. Điều này tương tự như một phần của mối quan hệ lao động thông thường giữa “nhân viên” và “doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, một số nền tảng số không kí hợp động lao động và trở thành chủ lao động. Các nền tảng này chỉ hoạt động như bên trung gian kết nối doanh nghiệp với người lao động và thu phí dựa trên hoạt động này. Điều này có nghĩa là các nền tảng không phải gánh trách nhiệm nộp thuế, cung cấp các loại quỹ bảo hiểm, hay bảo vệ người lao động Gig trong các trường hợp tai nạn xảy ra. Theo Ngân hàng Thế giới (2023), tại nhiều quốc gia đang phát triển, nơi chế độ an sinh xã hội còn chưa hoàn thiện, tỉ lệ người lao động tự do tự tham gia các chương trình an sinh công cộng còn thấp. Điều này tiềm ẩn các rủi ro về mặt lâu dài cho người lao động khi họ về hưu hay gặp các vấn đề về sức khỏe hay tai nạn.
Thứ hai, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trở nên thiếu bền vững vì đặc trưng nền kinh tế Gig là các công việc mang tính thời vụ và linh hoạt. Người lao động tự do phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn so với nhân viên các doanh nghiệp thông thường vì sự an toàn của một công việc bị xóa bỏ (Guven và các cộng sự, 2020). Sau khi dự án hay nhiệm vụ kết thúc, không có gì đảm bảo doanh nghiệp sẽ tiếp tục liên lạc và tái làm việc với người lao động Gig. Họ sẽ phải vừa hoàn thành nhiệm vụ hiện tại, vừa phải liên tục tìm kiếm các công việc tiếp theo để đảm bảo thu nhập. Mặt khác, người lao động toàn thời gian truyền thống cũng sẽ lâm vào tình trạng bấp bênh hơn vì phải cạnh tranh với nhân viên thời vụ Gig - nguồn lao động chấp nhận mức lương rẻ hơn và có sự linh hoạt hơn về khả năng tuyển dụng. Theo định hướng tái cấu trúc mang tính chiến lược dài hạn, các doanh nghiệp thường có xu hướng cắt giảm các chi phí, trong đó có chi phí nhân sự hoặc thuê ngoài (outsource) để tăng lợi nhuận và đảm bảo sự tồn tại của mình trong thị trường.
Thứ ba, còn tồn lại việc bóc lột nhân viên do thiếu hụt các quy định và tiêu chuẩn về hợp đồng lao động và việc làm Gig, các tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động phi truyền thống nói chung và lao động Gig nói riêng. Quyền lực thương lượng tập thể (Collective bargaining) để đảm bảo lợi ích nhóm thường được diễn ra giữa đại diện người lao động, thường là công đoàn và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong nền kinh tế Gig, việc thành lập các tổ chức thống nhất để bảo vệ quyền lợi cho người lao động Gig rất khó khăn do đặc điểm thời vụ không thường xuyên, linh hoạt, tính kĩ thuật số và trải rộng toàn cầu của nền kinh tế Gig (Novitz, 2020).
Chỉ riêng tính khác biệt về luật pháp giữa các quốc gia đã đặt ra thách thức không nhỏ cho việc quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động. Các tổ chức công đoàn truyền thống có thể đoàn kết người lao động thường hoạt động theo khu vực và thường không thể theo dõi hoạt động mang tính toàn cầu hoá của nền kinh tế Gig. Vì vậy, người lao động Gig khó có thể đoàn kết và duy trì lợi thế đàm phán để bảo vệ quyền lợi bản thân. Ngoài ra, các lao động Gig không chỉ tham dự một nền tảng số để tiếp nhận công việc. Sự đan xen và phức tạp của vị trí địa lý và các nền tảng online, sự thiếu hụt các tổ chức mang tính chất tương tự công đoàn, sức ảnh hưởng ít ỏi của một cá nhân không đủ để bảo vệ quyền lợi chung cho cả một nhóm. Điều này có thể dẫn tới sự bóc lột lao động thông qua việc đè thấp mức lương tối thiểu, không đóng các khoản phí bảo hiểm và an sinh xã hội cho người lao động Gig.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Đối với các cơ quan Nhà nước
Chính phủ và các bộ ngành hoạch định chính sách có thể hợp tác với các nền tảng số để tiếp cận người lao động phi truyền thống và người lao động Gig. Các nền tảng việc làm này thường lưu trữ thông tin cá nhân, phương thức liên hệ cũng như tài khoản số tiếp nhận thù lao lao động. Các dữ liệu này vô cùng cần thiết và hữu ích trong việc xác nhận, truy thu, đăng kí và xây dựng các chính sách thuế, bảo hiểm và an sinh cho người lao động (Ng’weno và Porteus, 2018). Các nền tảng số có thể hợp tác với chính phủ các quốc gia như một kênh trung gian để người lao động tự do tìm hiểu, tham gia chương trình an sinh xã hội như bảo hiểm y tế công cộng, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ngược lại, Nhà Nước có thể thông qua các nền tảng này cung cấp các loại hỗ trợ trực tiếp như các khoản chi trả bảo hiểm và phúc lợi công cộng, các chương trình đào tạo học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao tri thức cho người lao động Gig. Điều này đảm bảo các quyền lợi thiết yếu của người lao động và duy trì sự ổn định kinh tế-xã hội.
Đồng thời, các chính sách và quy định quản lý kinh tế Gig , Bảo hiểm xã hội, Thuế… cũng cần được nghiên cứu, cập nhật và phổ cập rộng rãi để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của kinh tế. Đây là vấn đề cấp thiết để đảm bảo Ngân sách của Nhà Nước, tránh các trường hợp thất thoát do thiếu kiến thức, mập mờ, trốn thuế của người lao động, doanh nghiệp và các nền tảng trung gian.
Đối với các cơ sở giáo dục và người lao động
Xu hướng hội nhập toàn cầu trong nền kinh tế Gig đã đặt ra một số yêu cầu mới với người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ thường có xu hướng tìm kiếm sự tự do trong công việc và tự chủ tài chính sớm. Điều này đặt ra các mục tiêu cho các cơ sở giáo dục như các trường đại học, học viện, cao đẳng cần tập trung đào tạo các kiến thức, kĩ năng cần thiết cho sinh viên để có thể tiếp cận và nắm bắt cơ hội việc làm. Ngôn ngữ đã và đang trở thành một rào cản lớn với người lao động trẻ trong quá trình học hỏi kinh nghiệm, hòa nhập và tìm kiếm việc làm trên các nền tảng số mang tính toàn cầu (Ngân hàng Thế giới, 2023). Việc sử dụng thành thạo một loại ngôn ngữ phổ biến toàn cầu như tiếng Anh để tìm kiếm cơ hội, trao đổi công tác với đồng nghiệp, hiểu biết yêu cầu của khách hàng trở thành một nhu cầu cấp thiết trong nền kinh tế Gig.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng nên được thiết kế để trang bị vững vàng cả về kiến thức chuyên môn và thực hành cho người học, tăng cường áp dụng các ứng dụng của khoa học kĩ thuật như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, Big Data…để nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc, bắt kịp với xu hướng và nhu cầu đa dạng trong nền kinh tế Gig. Các môn học như Thuế và Hệ thống Thuế, Pháp luật đại cương, Pháp luật doanh nghiệp,… cần được đổi mới và tăng cường giảng dạy các trường hợp thực tế, giúp người học hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia thị trường lao động nói chung và thị trường việc làm Gig nói riêng.
Ngoài ra, do tính chất thời vụ, để đảm bảo số lượng công việc duy trì thu nhập, người lao động Gig cần được tăng cường đào tạo các kĩ năng mềm như: Kĩ năng giao tiếp, tạo lập và duy trì mối quan hệ với đối tác, kĩ năng hợp tác và đàm phán với khách hàng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để khách hàng tái kí hợp đồng và đề xuất thêm các đối tác mới. Các định hướng này cần là một bộ phận quan trọng trong chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên để có thể tự tin đương đầu với các thách thức, biến đổi của thị trường lao động trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội (2023), Hoàn thiện cơ chế pháp luật về người khuyết tật, truy cập ngày 15/3/2024 từ https://www.molisa.gov.vn/baiviet/239512
2. Fred R. David and Forest R. David (2017), Strategic Management Concepts and Cases :A Competitive Advantage Approach, (16th edition), Florence, SC: Pearson education
Guven, Melis, Himanshi Jain, Jehan Arulpragasam, and Iffath Sharif ( 2020), Social Insurance for the Informal Sector Can Be a Lifeline for Millions in Africa, World Bank blog, truy cập ngày 15/3/2024 từ https://blogs.worldbank.org/en/africacan/social-insurance-infor- mal-sector-can-be-lifeline-millions-africa
3. Izabela Ostoj (2019), THE GROWTH OF THE GIG ECONOMY – BENEFITS AND TREATS TO LABOR, 41st International Scientific Confer- ence on Economic and Social Development, Belgrade,386-388.
5. Ng’weno, A., and Porteous, D. (2018), Let’s Be Real: The Informal Sector and the Gig Economy Are the Future, and the Present, of Work in Africa, Center for Global Development, truy cập ngày 15/3/2024 từ https://www.cgdev.org/publication/lets-be-real-informal-sector- and-gig-economy-are-future-and-present-work-africa
6. Ngân Hàng Thế Giới (2022), Ratio of female to male labor force participation rate (%) (national estimate) , truy cập ngày 13/3/2024 từ https://data.worldbank.org/indicator/SL.TLF.CACT.FM.NE.ZS
7. Ngân Hàng Thế Giới, Publication: Working Without Borders: The Promise and Peril of Online Gig Work , truy cập ngày 13/3/2024 từ https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/40066
9. Phạm Văn Hiếu (2023), Người lao động trong nền kinh tế GIG: cơ hội và thách thức cho thị trường lao động Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự Báo, số 16, tháng 6/2023, truy cập ngày 16/3/2024 từ https://kinhtevadubao.vn/nguoi-lao-dong-trong-nen-kinh-te-gig-co-hoi- va-thach-thuc-cho-thi-truong-lao-dong-viet-nam-27981.html
11. Tổ chức Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (2023), Strategic Note Brochure - UN Women Viet Nam (2022 - 2026), truy cập ngày 16/3/2024 từ https://vietnam.un.org/en/248861-strategic-note-brochure-un-women-viet-nam-2022-2026
12. Từ điển Cambridge (n.d), Meaning of gig economy in English, truy cập ngày 11/3/2024 từ https://dictionary.cambridge.org/dic- tionary/english/gig-economy#google_vignette
ThS. Nguyễn Quỳnh Anh
Viện Đào tạo quốc tế - Học viện Chính sách và Phát triển