Thị trường lao động việc làm cả nước quý III năm 2022 phục hồi sau đại dịch Covid-19

06/10/2022 - 10:14 AM

1. Bối cảnh chung

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 9/2022, Fitch Ratings nhận định cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế thế giới. Do đó, Fitch Ratings đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng, theo đó GDP toàn cầu năm 2022 được dự báo đạt 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022. Khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh được dự báo sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm 2022, trong khi đó suy thoái nhẹ sẽ xuất hiện tại Hoa Kỳ vào giữa năm 2023. Sự phục hồi của Trung Quốc bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để phòng chống dịch Covid-19, theo đó tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại ở mức 2,8% trong năm 2022.

Về lĩnh vực lao động việc làm, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)[2], công cuộc phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, cũng như tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Số lượng công việc cần tuyển người tăng vọt tại các nền kinh tế tiên tiến tại thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến thị trường lao động bị siết chặt với tình trạng số lượng vị trí cần tuyển tăng cao hơn so với số lượng người tìm việc.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội quý III năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%. Nhờ đó, thị trường lao động việc làm nước ta trong quý III năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

2. Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm

Trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm 2021, bức tranh về thị trường lao động quý III năm 2022 đã có rất nhiều điểm sáng. Lực lượng lao động tăng nhanh và ổn định. 

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 202251,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước – thời điểm dịch Covid ảnh hưởng nặng nề đối với thị trường lao động trong nước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn thành thị đều tăng khoảng 0,1 triệu người, lực lượng lao động nam tăng hơn 0,2 triệu người, trong khi đó lực lượng lao động n tăng không đáng kể. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng mạnh ở khu vực thành thị (tăng 1,3 triệu người) và khu vực nông thôn (tăng 1,5 triệu người).
 

Hình 1: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên các quý, giai đoạn 2020-2022
 

Đơn vị tính: Triệu người

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1]

Nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã góp phần giảm thiểu số lao động bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong quý III năm 2022, cả nước chỉ còn hơn 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm gần một nửa (3,6 triệu người) so với quý trước. Trong tổng số hơn 4,4 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,3 triệu người bị mất việc, chiếm 6,4%; 1,3 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 29,6%, 1,2 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 27,7% và 3,6 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 80,7%.

Thị trường lao động chứng kiến sự tăng trưởng về quy mô của lao động có việc làm ở cả sáu vùng kinh tế-xã hội. Ba vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ghi nhận mức phục hồi mạnh.

Trong quý III năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động đã phục hồi khá tốt với số người có việc làm trong quý này tăng mạnh và đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện (tăng 232,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019).

Hình 2: Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý III, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Triệu người

Sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra ở tất cả các vùng kinh tế xã hội, điều này có thể thấy qua sự tăng trở lại của lao động có việc làm trong độ tuổi lao động ở các vùng, đặc biệt ở hai vùng còn nhiều khó khăn là vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Quý III năm 2022, lao động có việc làm trong độ tuổi lao động ở hai vùng này lần lượt là 5,4 triệu người và 3,2 triệu người, tăng 461,0 nghìn người và 149,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19 xuất hiện (năm 2019) là 276,5 nghìn người và 232,7 nghìn người.Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 1

Ba vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trong quý III năm 2021 là Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã ghi nhận sự phục hồi mạnh trong quý III năm nay. Trong quý III năm trước, ba vùng này có sự sụt giảm mạnh về lao động có việc làm nhiều nhất, nhưng đến cùng kỳ năm nay, quy mô lao động có việc làm ở ba vùng này tăng rất mạnh, đặc biệt là ở vùng Đông Nam Bộ. Số lao động có việc làm trong độ tuổi lao động của vùng Đông Nam Bộ trong quý III năm 2022 đạt 9,7 triệu người, tăng 1,6 triệu người (tương ứng 19,5%) so với cùng kỳ năm trước và đã vượt quy mô lao động của cùng kỳ năm 2019 (trước khi chịu tác động của dịch Covid-19) là 61,7 nghìn người (tương ứng tăng 0,6%). Hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, mặc dù quy mô lao động chưa đạt được về mức như trước khi có dịch Covid-19 nhưng vẫn ghi nhận mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý III năm 2022, số người có việc làm trong độ tuổi lao động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 8,0 triệu người, tăng 883,2 nghìn người (tương ứng tăng 12,4%) so với cùng kỳ năm trước. Con số này ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 8,9 triệu người, tăng 578,5 nghìn người (tương ứng tăng 6,9%) so với cùng kỳ năm trước.  

Hình 3: Số người có việc làm trong độ tuổi lao động theo vùng kinh tế - xã hội
quý III, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Triệu người

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 2

Về lao động trong các ngành, một số ngành có sự phục hồi khá nhanh như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 12 triệu người, tăng 156,2 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch Covid-19 là 413,5 nghìn người; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy đạt gần 8,0 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 662,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019; ngành dịch vụ khác đạt 1,1 triệu người, tăng 240,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 125,0 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực và mang tính bền vững với mức tăng trưởng khá ở quy mô lao động có việc làm chính thức, tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp giảm

Trong quý III năm 2022, số người có việc làm chính thức đạt 17,8 triệu người, tăng 642,8 nghìn người (tương ứng tăng 3,8%) so với quý trước, tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng của lao động chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động phi chính thức phi nông nghiệp trên 2 điểm phần trăm[3]. Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động.

Hình 4: Lao động chính thức, lao động phi chính thức phi nông nghiệp 
quý III, giai đoạn 2019-2022
Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 3

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp quý III năm 2022 là 54,1%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phi chính thức giảm mạnh ở khu vực thành thị, giảm 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 61,4%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước.

Tuy chưa trở về bằng thời điểm cùng kỳ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng tình trạng thiếu việc làm vẫn tiếp tục được cải thiện

Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi mạnh, thị trường lao động quý III tiếp tục duy trì đà phục hồi. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 22/9/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3.539 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 5 triệu người lao động tại 120.295 doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ 3.055 tỷ đồng, cho 4,7 triệu người lao động đang làm việc trong 91.892 doanh nghiệp; hỗ trợ hơn 484 tỷ đồng cho 422.687 người lao động quay trở lại thị trường lao động tại 28.403 doanh nghiệp. Mặc dù, không phải tất cả người lao động đều nhận được hỗ trợ nhưng Nhà nước và nhân dân nước ta đã cố gắng khắc phục khó khăn để các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục trở lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh số người có việc làm tăng lên so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thì số thiếu việc làm đã giảm đi so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi[4] quý III năm 2022 là khoảng 871,6 nghìn người, giảm 10,1 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 993,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước[5]. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,48% và 2,20%). Mặc dù, tỷ lệ thiếu việc làm quý III năm nay vẫn còn cao hơn đôi chút so với cùng kỳ năm 2019 (1,92% so với 1,32%) nhưng so với năm trước, tỷ lệ này đã được cải thiện rất nhiều. Thị trường lao động đã phục hồi và đang trở lại trạng thái ổn định và phát triển như trước khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Hình 5: Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2022
Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 4

Trong quý III năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi cao nhất thuộc về vùng đồng bằng sông Cửu Long với 3,63% và thấp nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Hồng với 0,49%. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này đều giảm ở cả 6 vùng kinh tế-xã hội, giảm nhiều nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ với 6,39 điểm phần trăm và giảm ít nhất thuộc về Trung du và miền núi phía Bắc với 0,08 điểm phần trăm. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì mức thấp, tương ứng là 0,25% và 0,53%.  

Hình 6: Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo vùng kinh tế xã hội,
 
quý III năm 2021 và 2022

Đơn vị tính: %
 

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 5

Trong ba khu vực kinh tế, so với cùng kỳ năm trước, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 ở khu vực công nghiệp và xây dựng giảm nhiều nhất. Trong tổng số 871,6 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất trong quý này với 49,0% (tương đương với 426,7 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 29,5% (khoảng 256,8 nghìn người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 21,6% (khoảng 188,2 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 giảm ở cả ba khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ (tương ứng giảm 106,7 nghìn người, giảm 457,3 nghìn người và giảm 409,5 nghìn người).

Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,21%; sơ cấp là 1,95%; trung cấp là 1,41%; cao đẳng là 1,11%; từ đại học trở lên là 0,66%. Như vậy, tỷ lệ thiếu việc làm thay đổi đáng kể theo trình độ học vấn, học vấn càng cao thì tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp, cụ thể đối với bậc từ đại học trở lên chỉ dưới 0,7%. Đây sẽ là động lực cho lao động nước ta cố gắng nâng cao trình độ để có việc làm đầy đủ.

Thu nhập bình quân của người lao động quý III tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 là 6,7 triệu đồng,  tăng 143 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,7 triệu đồng, tăng 182 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,7 triệu đồng, tăng 88 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân tháng là 8,2 triệu đồng, tăng 166 nghìn đồng so với quý trước và tăng 2,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; lao động khu vực nông thôn có thu nhập bình quân tháng là 5,9 triệu đồng, tăng 125 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế đã giúp thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng từ quý I đến quý III năm 2022, trái ngược với xu thế thường thấy của các năm trước. Trong các năm trước, thu nhập bình quân của người lao động ở quý II thường giảm so với quý I do các khoản thưởng Tết Nguyên đán, chi trả lương tháng thứ 13 được thực hiện vào quý I. Trong năm 2022, thu nhập của người lao động trong quý I vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên mức tăng quý này chưa cao như mọi năm. Sự phục hồi của nền kinh tế trong quý II và đặc biệt là quý III năm 2021 đã làm thu nhập bình quân của người lao động trong 2 quý này tiếp tục gia tăng, góp phần ổn định an sinh xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Hình 7: Thu nhập bình quân tháng của lao động, quý III giai đoạn 2019-2022
và quý II năm 2022

Đơn vị tính: Triệu đồng  

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 6

Đông Nam Bộ là vùng ghi nhận tốc độ tăng trưởng về thu nhập mạnh nhất so với các vùng còn lại

So với các vùng khác, thu nhập bình quân người lao động vùng Đông Nam Bộ được cải thiện nhiều nhất. Trong quý III năm 2022, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 8,6 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng (tăng 53,0%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức thu nhập của cùng kỳ năm 2019 là 640 nghìn đồng (cao hơn 8,0%). Trong đó, lao động làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng từ 5,7 triệu đồng lên 9,2 triệu đồng (tăng 3,5 triệu đồng, tương ứng 60,3%) theo cùng kỳ từ năm trước đến năm nay; lao động làm việc tại Bình Dương có mức thu nhập là 8,9 triệu đồng, tăng 57,9% (tăng 3,3 triệu đồng) so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tiếp tục là hai vùng có đà tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân của người lao động. Đây là hai vùng đã ghi nhận tốc độ tăng thu nhập của người lao động cao hơn các vùng còn lại trong quý II năm 2022. Tốc độ tăng này vẫn tiếp tục duy trì trong quý III năm nay. Thu nhập bình quân người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng là 7,9 triệu đồng, tăng 2,9% so với quý trước (tăng 221 nghìn đồng); vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 6,0 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,1% so với quý trước (tăng 181 nghìn đồng). Đặc biệt, một số tỉnh ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động trong quý III năm 2022 tăng cao so với quý trước như: Quảng Nam đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5% (tương ứng 440 nghìn đồng); Thừa Thiên Huế đạt 6,0 triệu đồng, tăng 5,9% (tương ứng 338 nghìn đồng); Hà Nội đạt 9,0 triệu đồng, tăng 3,2% (tương ứng 278 nghìn đồng).

Hình 8: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế - xã hội,
quý III giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Triệu đồng
 

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 7 

Thu nhập bình quân của người lao động trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ lưu trú ăn uống có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước

Thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế trong quý III năm nay đều tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2021. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,7 triệu đồng, tăng 31,9%, tăng tương ứng khoảng 1,9 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân khoảng 8,0 triệu đồng, tăng 29,4%, tương ứng tăng khoảng 1,8 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,9 triệu đồng, tăng 16,6%, tương ứng tăng khoảng 558 nghìn đồng.

Hình 9: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, 
quý III giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Triệu đồng

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 8

Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đã phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục tăng trưởng, thu hút nhiều lao động, tạo ra nhiều việc làm, góp phần quan trọng nhằm cải thiện đời sống của người lao động và giúp cuộc sống của họ được đảm bảo hơn. Quý III năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động tăng cao trong nhiều ngành kinh tế, như: ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 6,5 triệu đồng, tăng 46,3% (khoảng 2 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,2% (khoảng 650 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2019; ngành vận tải kho bãi là 9,4 triệu đồng, tăng 45% (khoảng 2,9 triệu đồng) so với quý trước và tăng 12,9%, tương ứng tăng khoảng 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 7,5 triệu đồng, tăng 32,8% (khoảng 1,9 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước và tăng 14,9% (khoảng 980 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2019.

Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội được Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước

Tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ghi nhận những điểm sáng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nhờ đó, tình hình thất nghiệp của người lao động vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là gần 1,06 triệu người, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 658,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Hình 10: Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, 

giai đoạn 2020-2022
Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 9

 

 Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi), tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo giảm so với cùng kỳ năm trước

 

Trong quý III năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi là 8,02%, giảm 0,87 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,54%, cao hơn 3,84 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này đều giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tương ứng là giảm 2,17 điểm phần trăm và 0,45 điểm phần trăm.
 

Trong quý III năm 2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,8% tổng số thanh niên), tăng 136,3 nghìn người so với quý trước và giảm 731,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 14,2% so với 10,8% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 14,7% so với 11,1%. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này giảm cả ở khu vực thành thị, nông thôn và nam, nữ (đều giảm trên 6,5 điểm phần trăm).
 

So sánh theo 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao nhất với 18,5% giảm 7,18 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 14,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm. Tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quý III năm 2022 là 7,1%, thấp hơn so với Hà Nội (8,1%); so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm, đặc biệt giảm mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh với 14,0 điểm phần trăm.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cả nước không cao nhưng tồn tại tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ[6] ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ chiếm tỷ trọng 72,8%.

Báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết thực tế có nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Tính chung trên phạm vi cả nước, trong quý III năm 2022, số lao động doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng không đạt yêu cầu là khoảng 511 nghìn người. Trong đó, số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ là 372 nghìn người, chiếm 72,8%; lao động có tay nghề là 139 nghìn người, chiếm 27,2%.

Sự thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp ngành dệt may (thiếu khoảng 123 nghìn lao động); doanh nghiệp ngành da giày (thiếu khoảng 56,2 nghìn lao động); doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính (thiếu khoảng 41,0 nghìn lao động); còn lại là các doanh nghiệp khác.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ nhiều nhất. Hiện các doanh nghiệp ở 2 thành phố này đang cần tuyển thêm 89,6 nghìn lao động, trong đó có 41,1 nghìn lao động phổ thông và 48,5 nghìn lao động có tay nghề. Ngoài ra, một số tỉnh thành phố khác cũng báo cáo có sự thiếu hụt lao động cục bộ đáng kể (từ 9 nghìn người trở lên) trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Hậu Giang.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng và lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông nghiệp không thay đổi nhiều so với quý trước

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[7] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.Những năm trước, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ này tăng rất nhanh từ thời điểm quý I năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III năm 2021. Khi các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục gần như hoàn toàn, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 4,3% vào quý III năm 2022.

Hình 11: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng theo quý, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: %
 

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 10

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý III năm 2022 của khu vực thành thị là 4,4% và nông thôn là 4,5% không thay đổi nhiều so với quý trước. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (54,9%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này chiếm trong lực lượng lao động, 33,9%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Hình 12: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng
hết tiềm năng, quý III năm 2022

Đơn vị tính: %

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 11

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý III năm 2022 là 4,3 triệu người, giảm không đáng kể so với quý trước (giảm gần 60 nghìn người) và giảm mạnh gần 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý III năm 2022 là nữ giới (chiếm 63,9%). Trong tổng số 4,3 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,2%).

Lao động tự sản tự tiêu chủ yếu thuộc độ tuổi từ 55 trở lên (chiếm 53,0%). Số liệu cũng cho thấy, trong số 4,3 triệu lao động tự sản tự tiêu, chỉ còn khoảng 143 nghìn người cho biết họ hiện tại vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 3,3%).

Hình 13: Lao động làm công việc tự sản tự tiêu các quý, giai đoạn 2020 - 2022

Đơn vị tính: Triệu người

Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch covid-19, quý III năm 2022[1] 12

Trung bình 1 tuần, lao động tự sản tự tiêu dành 19 giờ cho công việc nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm,…(tương đương 2,7 giờ/ngày) và 16,8 giờ làm các công việc nhà (tương đương khoảng 2,4 giờ/ngày). Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 18,6 giờ cho các công việc nhà trong gia đình trong khi con số này ở nam giới là 11,7 giờ.

3. Kết luận và kiến nghị

Các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 đã góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh. Số lượng lao động có việc làm chính thức tăng mạnh. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện. Đời sống an sinh xã hội dần được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiếp tục đối mặt với một số khó khăn thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiếu hụt lao động cục bộ, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao. Đời sống một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp sau:

 - Tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”. Chủ động ứng phó kịp thời với các biến chủng mới của dịch Covid-19 và các bệnh dịch khác. Bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch để đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân, trong đó có người lao động.

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

- Ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

 TỔNG CỤC THỐNG KÊ

_____________________________


[1] Số liệu các quý năm 2019, 2020 trong báo cáo này được tính toán lại theo khung khái niệm mới ICLS 19.

[2] Ấn bản thứ 9 Báo cáo giám sát của ILO về thế giới việc làm, 23/05/2022.

[3] So với cùng kỳ năm trước và cùng kỳ năm 2019, tốc độ tăng của lao động chính thức cao hơn tốc độ tăng của lao động phi chính thức phi nông nghiệp lần lượt là 3,2 điểm phần trăm và 2,3 điểm phần trăm.

[4] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022).

[5] Thời gian giãn cách xã hội kéo dài cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch trong quý III năm 2021 đã đẩy số người thiếu việc làm tăng cao.

[6] Số lao động thiếu hụt cục bộ là số lao động không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp.

[7] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top