Năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 tăng 7,55%, trong đó: Khu vực I (Nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 2,99%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm tăng trưởng; Khu vực II (Công nghiệp và xây dựng) tăng 8,35%, đóng góp 3,36 điểm; Khu vực III (Dịch vụ) tăng 8,21%, đóng góp tăng 3,9 điểm.
Tính chung cả năm 2024, GDP tăng 7,09%, trong đó: Khu vực I tăng 3,27%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm tăng trưởng; Khu vực II tăng 8,24%, đóng góp 3,27 điểm; Khu vực III tăng 7,38%, đóng góp 3,58 điểm.
Phân tích từng khu vực kinh tế cho thấy, trong quý IV và cả năm 2024, mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của bão Yagi nhưng hoạt sản xuất vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, đạt 3,27%, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 2,5% và 2,94%, sản xuất lâm nghiệp tăng 5,8% và 5,03%, khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 4,24% và 4,03%.
Trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, ngành công nghiệp quý IV đạt mức tăng trưởng khá, tuy nhiên có xu hướng tăng chậm lại so với các quý trước đó do sản xuất công nghiệp đã phục hồi vào những tháng cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,36% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,97%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,48%, ngành cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,63% và ngành khai khoáng giảm chỉ đạt 93,5%
Tính chung năm 2024, sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất từ 2020 đến nay mặc dù phần nào chịu thiệt hại do tác động của cơn bão Yagi. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32%, cao hơn năm 2023 là 5,34 điểm phần trăm; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,83%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,25%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43% và ngành khai khoáng giảm, chỉ đạt 92,76%. Sự kết hợp giữa phục hồi nhanh và yếu tố nền so sánh thấp của năm trước (3 quý đầu năm 2023 tăng trưởng thấp) đã tạo ra mức tăng trưởng cao cho toàn ngành công nghiệp trong năm 2024.
Kết quả này được hỗ trợ từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm; Các tập đoàn FDI lớn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết bị điện tử tăng trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ chính phủ khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Trong khu vực II, ngành xây dựng cũng đã có những chuyển biến tích cực, giá trị tăng thêm quý IV và cả năm 2024 tăng 8,33% và 7,87% (cao hơn năm 2023 0,6 điểm phần trăm). Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng; lãi suất ngân hàng giảm đã làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Hoạt động xây dựng trong quý IV/2024 tăng tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ nhằm khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão tại 26 tỉnh phía Bắc và cơn bão số 4 tại các tỉnh miền Trung trong tháng 9/2024. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang dần bước qua thời điểm khó khăn và ghi nhận sự chuyển biến từ đầu năm đến nay với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho hoạt động xây dựng phát triển.
Đối với khu vực dịch vụ, có mức tăng trưởng tốt, quý IV và cả năm tăng lần lượt 8,21 và 7,38% tiếp tục đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế (cao hơn 0,47 điểm phần trăm tăng trưởng so với năm 2023 và đóng góp 3,58 điểm phần trăm tăng trưởng). Một số ngành dịch vụ có tăng trưởng tốt trong quý IV và cả năm 2024 gồm: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (tăng lần lượt 9,04% và 7,96%), Vận tải kho bãi (tăng 10,02% và 10,82%); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (tăng 9,03% và 10,56%); Dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 10,28% và 9,76%). Đặc biệt ngành vận tải, chiếm tỷ trọng hơn 5% GDP, đạt mức tăng 10,82%, chủ yếu tăng cao ở vận tải hàng hóa.
Năm 2024, hoạt động thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến dần phát triển mạnh từ sau đại dịch Covid-19 cùng với sự phát triển của các nền tảng số; ứng dụng nền tảng số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống, mở ra cơ hội bùng nổ về thương mại điện tử trong thời gian qua.
Xuất khẩu hàng hóa là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng năm nay. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN phục hồi. Cũng trong năm vừa qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, là động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so cùng kỳ, cao hơn rất nhiều mức tăng 5,4% năm 2023. Đầu tư có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và các nhà đầu tư lạc quan hơn trong đầu tư vào các dự án cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Cùng với đó, tiêu dùng trong nước ổn định có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng năm 2024. Các chính sách vĩ mô đã được thực hiện từ năm 2023 như giảm thuế VAT, hỗ trợ người tiêu dùng thông qua giảm phí, lệ phí…; cải cách tiền lương, nỗ lực giảm giá hàng hóa - dịch vụ từ phía các doanh nghiệp, các hình thức khuyến mãi mua sắm, chi tiêu du lịch trong nước… đã góp phần gia tăng sức mua nội địa vốn bị suy giảm từ thời dịch bệnh Covid-19.
Sức bật tăng trưởng kinh tế năm 2024 đến từ nhiều yếu tố thuận lợi
Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt được là do có sự hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi sau:
Thứ nhất, ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, áp dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.
Thứ hai, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài; Các chính sách kích cầu tiêu dùng, giảm, gia hạn thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu dùng.
Thứ ba, hạ tầng giao thông và logistics đã có nhiều bước tiến lớn tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và kết nối các vùng miền. Hệ thống cảng biển, đường bộ, và đường sắt được nâng cấp, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những cải thiện này không chỉ hỗ trợ xuất khẩu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng.
Thứ tư, việc ký kết thành công các hiệp định thương mại (FTA) từ những năm trước là tiền đề, cơ hội giúp xuất khẩu của Việt Nam vượt mục tiêu đặt ra, khẳng định vị thế của nước ta như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung vào một vài thị trường lớn mà còn mở rộng sang nhiều thị trường mới nổi.
Thứ năm, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch kể từ sau dịch Covid-19 với đa dạng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch. Hoạt động du lịch tăng trưởng tốt có tác động lan tỏa tới các ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống .....
Thứ sáu, đón đầu và đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số và chuyển đổi số mạnh tạo ra những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin, quản lý nhà nước. Việc áp dụng công nghệ số giúp thúc đẩy năng suất lao động và mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn.
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn:
Một là, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với sự bất ổn, khó suy đoán; xung đột Nga - U-crai-na kéo dài, cộng thêm căng thẳng giữa I-xra-en và khu vực Trung Đông gây áp lực giá nhiên liệu. Xu hướng bảo hộ mậu dịch, các cạnh tranh thương mại, cầu ngoại thương yếu cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận và mở rộng thị trường của Việt Nam.
Hai là, thiên tai, bão lũ, tác động môi trường: Cơn bão số 3 (Yagi) và bão số 4 đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại lớn đối với cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và đời số nhân dân.
Ba là, lãi suất đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và khó khăn tài chính ở nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Chính sách thắt chặt tín dụng và lãi suất vay vẫn cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động./.
Nguyễn Thị Mai Hạnh
Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK