Tác động của xu hướng công nghệ số đến nghiệp vụ và quản trị ngân hàng tại các ngân hàng thương mại

08/08/2024 - 02:40 AM
Tóm tắt

Hiện nay, công nghệ đang trở thành yếu tố quyết định trong sự phát triển cũng như tạo ra cơ hội và thách thức cho ngành ngân hàng. Sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo, blockchain và dịch vụ tài chính trực tuyến đã thay đổi cách thức hoạt động và quản lý tài chính trong ngân hàng. Sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang thúc đẩy sự cạnh tranh và đổi mới trong ngành ngân hàng, mở ra cơ hội hợp tác giữa ngân hàng truyền thống và các công ty công nghệ. Để mang lại hiệu quả cao trong ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình, các ngân hàng cần đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh bằng việc ứng dụng công nghệ số, từ đó nâng cao cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh ngày càng số hóa. Bài viết nghiên cứu về các xu thế công nghệ mới trong ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng và các tác động của nó đến nghiệp vụ ngân hàng.

 
Từ khóa: Chuyển đổi số, fintech, ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, tác động, công nghệ tài chính.
 
 Đặt vấn đề

Thực tiễn chứng minh chuyển đổi số là kết quả của cuộc cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến ngành tài chính - ngân hàng trên toàn thế giới. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu thì chuyển đổi số được coi là động lực mới, là giải pháp giúp cho sự tăng trưởng của ngành ngân hàng. Việc các ngân hàng bắt tay với công ty công nghệ tài chính (Fintech) là nhu cầu tất yếu do sự thay đổi của nhu cầu khách hàng, áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành tài chính ngân hàng. Các ứng dụng mới, đa dạng do Fintech tạo ra đã tác động đến hầu hết các hoạt động của ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, nó là chiến lược mà tất cả các doanh nghiệp quan tâm và quyết tâm dồn mọi nguồn lực. Do đó, chuyển đổi số làm thay đổi toàn diện ngành tài chính - ngân hàng và gây ra nhưng tác động không nhỏ.


Cơ sở lý thuyết


Chuyển đổi số và Fintech là gì?
 
Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Sự tích hợp này cho phép tạo mới - hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng. Fintech là viết tắt của từ financial technology (công nghệ tài chính), là một thuật ngữ rộng được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để cung cấp dịch vụ tài chính. Fintech ra đời đề cập đến việc sử dụng công nghệ hiện đại để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ tài chính (giao dịch thanh toán, tín dụng). Các nền tảng công nghệ thường được sử dụng phổ biến như: API, EKYC, Blockchain, Blockchain, P2P Lending, AI, sinh trắc học,  Việc ứng dụng các nền tảng này giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động và sự tích hợp các nền tảng này giúp mang lại trải nghiệm khách hàng dễ dàng và hấp dẫn hơn.
 
Tác động của các xu hướng công nghệ tới nghiệp vụ và quản trị ngân hàng.
- Tác động của Open API: Open Banking là thuật ngữ mới xuất hiện trong ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng. Theo đó, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Với việc ứng dụng giao diện lập trình (API) - công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, những quy định ngặt nghèo về quản lý và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng làm cho quá trình hợp tác giữa hai bên trở nên khó khăn. Để giải quyết vấn đề này các công ty Fintech đã nghiên cứu áp dụng giải pháp Open API trong quá trình hợp tác với các ngân hàng. Qua đó Open API sẽ thiết lập một giao diện tương tác cho các Công ty Fintech dựa trên các thông tin được trích xuất từ corebanking của các ngân hàng mà không cần phải kết nối trực tiếp.

Giải pháp này sẽ đảm bảo hài hòa được yêu cầu của hai bên, khi ngân hàng vẫn đảm bảo được quyền quản lý toàn vẹn thông tin khách hàng đồng thời các công ty Fintech vẫn có đầy đủ thông tin để thực hiện xử lý giao dịch cho khách hàng của ngân hàng. Khi thông tin được chia sẻ thông qua Open API, dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty Fintech tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn.
 
- Tác động của eKYC (Electronic Know Your Customer): là quá trình nhận biết danh tính khách hàng trên các tài khoản điện tử từ xa mà không cần giấy tờ xác định danh tính khách hàng khi mở tài khoản và sử dụng tài khoản ngân hàng điện tử. Khi thực hiện eKYC giúp các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian điền các mẫu đơn, giấy tờ giao dịch, điện tử hóa chứng từ của khách hàng cũng như giảm chi phí công chứng, thuê luật sư đánh giá mức độ chính xác của các giấy tờ gốc và lưu trữ tại ngân hàng. Ngoài ra eKYC còn giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao độ bảo mật, cũng như giúp chuyên viên tư vấn nhận diện được người dùng, giảm nguy cơ rửa tiền khi cơ sở hạ tầng về định danh khách hàng được các tổ chức tín dụng cùng chia sẻ.

Việc sử dụng eKYC này dễ dàng giúp cho các nhân viên ngân hàng lựa chọn hình thức thủ thuật bán hàng khuyến khích khách hàng mua thêm các sản phẩm kèm theo sản phẩm chính (Cross sales) hay thủ thuật kích thích người dùng lựa chọn phiên bản cao cấp, đắt tiền hơn trong cùng một loại sản phẩm (Up sales). Ngoài ra, nó còn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngày càng hoàn thiện hơn theo hướng One Stop Shopping (khách hàng chỉ truy cập một nơi và đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch tài chính của mình).

 
- Tác động của Blockchain: Blockchain là công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng. Trong trường hợp này, blockchain là một cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số. Blockchain sở hữu tính năng đặc biệt đó là việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin. Blockchain giúp cho các ngân hàng giảm thời gian và chi phí thực hiện tài trợ thương mại; giảm yêu cầu xác thực và chứng từ phức tạp thủ công.

Ngoài ra, blockchain còn tập trung hóa quản lý dữ liệu trong ngân hàng giúp giảm thiểu rủi ro do nhầm lẫn các thao tác, khống chế và hack dữ liệu. Việc cập nhật dữ liệu liên tục, chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng toàn cầu với chi phí thấp, đồng nhất giúp cho các ngân hàng dễ dàng định danh khách hàng và chống rửa tiền. Giảm chi phí giao dịch, giảm trung gian, rút ngắn quy trình, tăng mức độ tin tưởng giữa các bên giao dịch.

 
- Tác động của Digital Banking: Đây đang là xu hướng mới trong ngành ngân hàng và được xem là giải pháp hoàn hảo giúp các ngân hàng tăng trải nghiệm của khách hàng. Nói cách khác, tất cả những gì khách hàng có thể làm ở các chi nhánh ngân hàng bình thường, giờ đây đã được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất. Qua Digital Banking khách hàng có thể: Rút tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, quản lý tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, vay ngân hàng, sử dụng dịch vụ tiện ích khác.

Tất cả những hoạt động trên đều được gói gọn trên website hoặc thiết bị di động, khách hàng chỉ cần có kết nối mạng là có thể quản lý hoặc giao dịch thành công mà không cần giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Digital Banking giúp ngân hàng thu thập thông tin đầy đủ hơn với các khách hàng, đáp ứng các yêu cầu phòng chống rửa tiền và định danh khách hàng, ngoài ra còn giúp ngân hàng giảm chi phí mở các điểm giao dịch/chi nhánh ở khu vực nông thôn, giảm rủi ro, tăng mức độ tiếp cận và đáp ứng nhu cầu về dịch vụ chuyển tiền.

 
- Tác động của AI (Trí tuệ nhân tạo): Ngân hàng có thể sử dụng AI để tự động hóa các quy trình giao dịch, từ xử lý giao dịch đến phân tích rủi ro. AI cũng có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu từ các khoản giao dịch, tài khoản, và hoạt động của khách hàng để cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cho khách hàng. Theo đó, AI có thể dự đoán rủi ro, tăng năng suất và hiệu quả trong quản trị ngân hàng. Tác động của AI trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng có thể thấy rõ ràng nhất qua Chatbot. Với ứng dụng này, khách hàng không cần phải đến ngân hàng để tìm hiểu thông tin về sản phẩm dịch vụ, giải đáp thắc mắc, lỗi gặp phải khi đang dùng sản phẩm hiện tại mà chỉ cần thực hiện tất cả những điều này qua một hệ thống nhắn tin trực tuyến phục vụ 24/7.
 
Bên cạnh đó, ngân hàng có thể tận dụng trí tuệ thông minh của công nghệ AI để đưa ra quyết định đầu tư của chính mình và những khách hàng của mình. Lúc này, AI đóng vai trò như một nhà tư vấn tài chính bằng việc phân tích nhu cầu, dữ liệu giao dịch của khách hàng để tư vấn các quyết định đầu tư. Và đặc biệt là AI sẵn sàng phục vụ bất cứ khi nào khách hàng cần. Ngoài ra, khả năng phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ cho phép AI có thể phát hiện các giao dịch bất thường, các hành vi gian lận nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó phát hiện hành vi gian lận, rửa tiền hay tài trợ khủng bố trong hệ thống tài chính.


Phương pháp nghiên cứu


Bài viết này nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, đã tìm hiểu về thực tế việc sử dụng các xu hướng công nghệ hiện nay tại các ngân hàng thương mại cổ phần và tác động của các xu hướng công nghệ tới một số nghiệp vụ tại các ngân hàng.


Thực tế việc sử dụng một số xu hướng công nghệ hiện nay tại các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam.


Thứ nhất, e-KYC.
 
Thông thường, các ngân hàng định danh khách hàng bằng việc gặp mặt trực tiếp và thông qua đối chiếu chứng từ gốc như là chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hay hộ chiếu nhưng hiện nay khi sử dụng giải pháp định danh điện tử eKYC, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Ngân hàng VPbank, BIDV, Sacombank, MBbank,... đã thực hiện định danh khách hàng bằng phương thức điện tử mà không cần gặp mặt. Nhờ việc chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ, các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam đã sớm hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu trên thị trường để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ eKYC, hỗ trợ khách hàng đăng ký dịch vụ mà không bị ảnh hưởng bởi rào cản địa lý hay thời gian.
 
Giải pháp eKYC giúp khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Digibank của các ngân hàng dễ dàng hơn. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng, nhập thông tin và scan giấy tờ tùy thân ngay trên ứng dụng, chụp ảnh khuôn mặt theo yêu cầu hệ thống để hoàn thành việc đăng ký và trải nghiệm các tiện ích cơ bản trên ứng dụng.
 
Thứ hai, Blockchain
 
Trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ Blockchain được các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam sử dụng chủ yếu trong hoạt động tài trợ thương mại, điển hình là các ngân hàng MB, VPbank, Vietcombank,… Ứng dụng Blockchain giúp việc phát hành và thông báo tín dụng thư bằng tiền đồng này được thực hiện thành công trong vòng 27 phút, nhanh hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống vốn thường mất từ ba đến năm ngày làm việc.

Bên cạnh đó, khi các bên thực hiện giao dịch này việc xuất trình bộ chứng từ trên Contour thay cho việc phải gửi chứng từ giấy qua đường chuyển phát với nhiều công đoạn thủ công, phát sinh nhiều chi phí. Hệ thống Contour đã giúp cho quá trình trao đổi giữa các bên về việc từ chối/chấp nhận bộ chứng từ trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều, giảm thời gian từ lúc xuất trình chứng từ đến khi chấp nhận thanh toán, cũng như tăng hiệu quả vốn lưu động. Nền tảng này cho phép việc trao đổi chứng từ không giấy tờ, tiết kiệm từ năm tới mười ngày so với phương thức giao dịch truyền thống, đồng thời hỗ trợ chia sẻ thông tin và cập nhật trạng thái ngay lập tức. Giải pháp này tiết kiệm thời gian, loại bỏ những hoạt động không hiệu quả, loại bỏ việc lưu trữ giấy tờ thủ công, đồng thời cung cấp không gian lưu trữ trực tuyến.

 
Nhờ vào công nghệ Blockchain, toàn bộ quá trình tích điểm và đổi quà được lưu trữ, cập nhật tự động trên ứng dụng Digibank của các ngân hàng, cho phép khách hàng chủ động tra cứu lịch sử tích điểm và thực hiện đổi quà.
 
Thứ ba, Digital Bank
 
Trước sự phát triển của công nghệ 4.0, để gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình, các ngân hàng thương mại cổ phần xác định Ngân hàng số (Digital Banking) sẽ là công cụ hàng đầu. Điển hình như Vietcombank, TP bank, MBbank,… đã có bước tiên phong trong việc khẳng định hướng đi giao dịch không cần đến ngân hàng (branchless banking). Các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay đã nhanh chóng lồng ghép, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu, tạo sự tiện lợi tối đa và hạ thấp chi phí giao dịch ngân hàng cho khách hàng.
 
Với Digital Bank, các nền tảng giao dịch trên Internet Banking và Mobile Banking kết hợp với nhau đã cung cấp trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/laptop) và thiết bị di động (điện thoại/tablet). Chỉ cần nhập tên đăng nhập và mật khẩu, đồng nhất hạn mức giao dịch, nhận thông báo giao dịch mọi lúc, mọi nơi qua tin nhắn... các giao dịch tài chính của người dùng có thể được đáp ứng chỉ trong vòng 60 giây. Việc ứng dụng công nghệ trong các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng giúp cho khách hàng có những trải nghiệm thuận tiện nhất đồng thời nâng cao năng lực canh tranh giữa các ngân hàng với nhau.
 
Thứ tư, AI (Trí tuệ nhân tạo)
 
Tại các nước có nền công nghệ phát triển, việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động như đánh giá tín dụng, quản lý rủi ro, phát hiện gian lận, quản lý danh mục đầu tư, kiểm tra khách hàng, chatbot phục vụ khách hàng,... không còn mới với các ngân hàng. Việc ứng dụng AI trong hoạt động ngân hàng đã giúp các ngân hàng này tiết kiệm được chi phí vận hành, gia tăng hiệu suất hoạt động, giảm thiểu được rủi ro.

Ở Việt Nam, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Vietcombank, VPbank, MBbank, TPbank, Techcombank, VIB và ACB đang dần áp dụng AI vào một số chức năng như Chatbot, phân tích dữ liệu tự động, bảo mật, quản lý tài sản. Các ngân hàng này đã bắt tay với các công ty về công nghệ xây dựng và phát triển nền tảng chatbot để hỗ trợ và tương tác với khách hàng, chăm sóc khách hàng nhằm mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng mỗi ngày. Hiện tại, AI trở thành một trợ lý ảo có khả năng phản hồi tức thì và gần như chính xác các câu hỏi thường gặp của khách hàng 24/7 ở hầu hết các mảng nghiệp vụ mà khách hàng có nhu cầu hỗ trợ như: Thẻ, cho vay, lãi suất; thông tin ưu đãi, tỉ giá, mạng lưới... Trường hợp khách hàng có yêu cầu hỗ trợ ngoài phạm vi tư vấn của Trợ lý ảo sẽ được chuyển tiếp yêu cầu đến tư vấn viên để tiếp tục hỗ trợ khách hàng xử lý các nghiệp vụ chuyên sâu hơn một cách nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi của khách hàng.


Kết luận


Ứng dụng các xu hướng công nghệ số trong hoạt động của ngân hàng giúp các ngân hàng Việt Nam theo kịp với xu thế phát triển của các ngân hàng trên thế giới. Việc ứng dụng các xu hướng công nghệ số đã và đang mang đến cho các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam những lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng cần đưa ra chiến lược phù hợp để ứng dụng các xu hướng công nghệ một cách hiệu quả trong việc thực hiện các nghiệp vụ và trong công tác quản trị ngân hàng./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. TS. Lê Huyền Ngọc (2018), Hội thảo Khoa học tương lai của FINTECH và Ngân hàng, phát triển và đổi mới, Tác động của Fintech đối với hoạt động ngân hàng và một số đề xuất để ngân hàng - Fintech cùng hoạt động và phát triển ở Việt Nam.
 
2. Phạm Thị Mỹ Nay (2024), Tạp chí Ngân hàng, Pháp luật về định danh khách hàng điện tử trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
 
3. ThS. Phạm Thị Phương Thảo (2023), Tạp chí Công thương, Ứng dụng blockchain trong hoạt động ngân hàng.
 
4. TS. Nguyễn Văn Thích, ThS. Lữ Hữu Chí (2023), Tạp chí Ngân hàng, Công nghệ Blockchain và sự định hình lại mô hình kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng
 
5. ThS. Nguyễn Thị Ánh Ngọc, ThS. Nguyễn Thị Diễm (2022), Trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng
 
6. Trang thông tin điện tử Digital FPT (2020), Chuyển đổi số trong ngành dịch vụ tài chính ngân hàng
 
7.  Thanh Di (2020), Trang thông tin điện tử Vnexpress, Vietcombank áp dụng định danh điện tử e-KYC
 
8. Trang thông tin điện tử ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng số VCB Digibank (2015)
 
9. Trang thông tin điện tử ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (2020), HSBC Việt Nam và Vietcombank đồng thực hiện giao dịch tín dụng thư nội địa trên nền tảng chuỗi khối đầu tiên tại Việt Nam
 

ThS. Nguyễn Khánh Linh

Khoa Tài chính - kế toán - Đại học Công nghệ Đông Á

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top