Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong bối cảnh mới với không ít thách thức, các tỉnh, thành phố đã và đang tái cơ cấu ngành lúa gạo theo thế mạnh địa phương, góp phần phát triển ngành lúa gạo Việt Nam bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Từ khóa: Ngành lúa gạo, tái cơ cấu, thế mạnh
Tái cơ cấu ngành lúa gạo: Tư duy mới - Giá trị mới
Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là ngành có lợi thế về điều kiện sinh thái để sản xuất, đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.
Trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng đồng bằng sản xuất lúa trọng điểm, trong khi thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi. Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững vị trí quan trọng của lĩnh vực trồng trọt và đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn, bền vững hơn, năm 2021, Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT.
Giải pháp đầu tiên Đề án đưa ra là tái cơ cấu sản xuất lúa bằng việc chuyển đổi diện tích đất lúa và diện tích gieo trồng lúa, định hướng sản xuất lúa theo vùng, phát triển giống lúa cho từng vùng và tiểu vùng, ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong các khâu sau thu hoạch, bảo quản và chế biến lúa gạo, chú trọng kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nhân rộng phương thức nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là trụ cột của chuỗi giá trị lúa gạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thêm vào đó, tập trung phát triển thị trường trong nước; tăng cường chọn tạo và phát triển giống lúa đáp ứng cơ cấu chủng loại gạo theo chiến lược xuất khẩu, trong đó cần ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản; phát triển các vùng sản xuất tập trung theo giống được xác định có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ, xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nâng cao tính chống chịu đối với biến đổi khí hậu và điều kiện bất lợi, rủi ro và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa của lúa gạo.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha, trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Đây là khu vực có lợi thế trong sản xuất lúa, đóng góp trên 50% sản lượng lúa nước ta, đóng góp chủ lực vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và có sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Trong những năm qua, các địa phương trong vùng đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành lúa gạo dựa trên thế mạnh địa phương, không ngừng áp dụng cải tiến giống cây trồng, thay đổi từ giống lúa năng suất thấp sang các giống lúa cao sản chất lượng cao, áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại, từng bước hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ…
Cần Thơ thúc đẩy liên kết, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung
Cần Thơ là địa phương hiện có gần 78.600 ha diện tích đất sản xuất lúa, với sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1,3 triệu tấn đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Thành phố xác định cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững dựa trên thế mạnh địa phương, giúp nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng sản phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; từ đó tăng giá trị xuất khẩu gạo, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, UBND Thành phố Cần Thơ triển khai tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích thực hiện đến năm 2030 đạt 48.000ha.
Thành phố Cần Thơ tích cực triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”
Theo đó, ngành nông nghiệp Cần Thơ làm cầu nối để người nông dân liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp để phát triển cánh đồng lớn và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đảm bảo chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; song song với hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cần Thơ hiện có hơn 30 tổ hợp tác và hợp tác xã và sản xuất lúa gạo, diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn hơn 33.000ha/vụ và có gần 10.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương.
Thị trường trong nước và xuất khẩu yêu cầu ngày càng cao về minh bạch chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, đòi hỏi doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân và thực hiện quy trình sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Do đó, Cần Thơ thúc đẩy phát triển giống chất lượng cao, giống thơm đặc sản với chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng theo mã số vùng trồng và ghi nhật ký sản xuất để tăng giá trị xuất khẩu.
Nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo, thành phố Cần Thơ đã đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 50.000 ha, trên địa bàn 3 huyện: Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.
Hiện thành phố Cần Thơ đang tập trung xây dựng Đề án tổ khuyến nông cộng đồng theo hướng gắn khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trọng tâm là giải quyết sự lỏng lẻo trong liên kết thu mua lúa gạo giữa doanh nghiệp, thương lái và nông dân, hạn chế tình trạng “bẻ kèo, bỏ cọc” vẫn thường diễn ra ở các mùa vụ sản xuất.
Đồng Tháp áp dụng giải pháp sản xuất lúa theo hướng hiện đại
Xác định lúa gạo là một trong 5 ngành hàng quan trọng trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng nhiều giải pháp sản xuất lúa theo hướng hiện đại, từng bước đưa chuỗi sản xuất lúa gạo phát triển theo hướng gia tăng giá trị và thân thiện với môi trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thực hiện cơ cấu giống dịch chuyển sang nhóm lúa chất lượng cao và nếp, quan tâm phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chuỗi giá trị, có cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu và nội địa. Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 82.000 ha lúa đã được cấp mã số vùng trồng (518 mã số vùng trồng). Bên cạnh đó, tổng diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP của Tỉnh cũng không ngừng tăng lên. Năm 2023 diện tích lúa được chứng nhận an toàn thực phẩm là 6.556 ha; diện tích được chứng nhận VietGAP là 4.057ha.
Tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa tuần hoàn, giảm phát thải, sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nông dân như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc; mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP; mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long; mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL…
Nhờ đi đúng hướng, đến nay ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp có sự phát triển mạnh mẽ, tư duy sản xuất của nông dân từng bước được nâng lên. Người nông dân ngày càng quan tâm hơn về quy trình sản xuất theo hướng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước hướng đến sản xuất ngành hàng lúa gạo theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, phát triển bền vững chuỗi ngành hàng lúa gạo…
Long An xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao
Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Để phát huy được thế mạnh địa phương, Long An đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, với mô hình điểm là sản xuất lúa theo hướng VIETGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.
Với mô hình này, ngành nông nghiệp Long An tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích nông dân và doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận các thành tựu khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ 4.0 để ứng dụng vào sản xuất. Theo đó, người nông dân đã sử dụng giống lúa xác nhận; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học; sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, không đốt rơm rạ và các kỹ thuật đồng bộ khác để giảm phát thải khí nhà kính; áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình canh tác lúa "1 phải, 5 giảm", "1 phải, 6 giảm"… Hiện toàn tỉnh có hơn 50.300 ha lúa ứng dung công nghệ cao; trong đó có hơn 11.500 ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, năng suất và chất lượng lúa ngày càng được nâng cao.
Long An thực hiện mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VIETGAP
Không chỉ đồng bằng sông Cửu Long mà nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cũng chủ động tái cơ cấu ngành lúa gạo dựa trên thế mạnh của mình. Nhờ đó, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Năm 2023, sản xuất lúa gạo tương đối thuận lợi và ổn định, đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 1,9% so với năm 2022. Sản lượng lúa thu hoạch tính đến ngày 15/7/2024 đạt khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2023.
Ngành lúa gạo không chỉ đóng vai trò vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực quốc gia mà còn là ngành có tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam. Từ một quốc gia nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã tự chủ nguồn cung, cân đối lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và trở thành 1 trong số ít quốc gia được xem là cường quốc xuất khẩu gạo.
Năm 2023 là năm thành công lớn của ngành lúa gạo nước ta khi xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo, trị giá 4,6 tỷ USD, tăng 14,4% về số lượng và trị giá tăng 36,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 16 năm qua. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tiếp nối thành công của năm trước, xuất khẩu gạo tiếp tục có sự tăng trưởng cao trong 7 tháng năm 2024 khi khối lượng tăng 5,8% (đạt 5,18 triệu tấn) và giá trị tăng đến 25,1% (đạt 3,27 tỷ USD), giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.
Thương hiệu gạo Việt ngày càng vươn xa, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới. Nổi bật là sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam tạo tiếng vang lớn khi 2 lần đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 và 2023. Hiện gạo ST25 đã có mặt tại nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, Australia. Các loại gạo khác như ST24, Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9, Nếp A Sào, TBR39-1… cũng gây dựng được chỗ đứng của mình tại các thị trường xuất khẩu. Đây cũng là thông điệp Việt Nam đưa ra thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Có thể nói ngành lúa gạo Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu. Hy vọng ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục đi đúng hướng để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, bứt phá giá trị xuất khẩu và xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế./.
Ngọc Linh