Tái khởi động phục hồi và phát triển du lịch năm 2022

01/04/2022 - 02:33 PM

Trong thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đóng góp vào GDP của du lịch năm 2021 chỉ đạt 1,97% so với 9,2% của năm 2019 và 3,58% của năm 2020. Tuy nhiên với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng gia tăng đang mang lại nhiều triển vọng phục hồi cho ngành du lịch. Ghi nhận những ngày đầu năm 2022, ngành du lịch đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Dự báo, năm 2022 sẽ là năm dấu ấn của du lịch Việt Nam khi ngành du lịch được “kích hoạt” để tái khởi động phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an toàn.

Tín hiệu khởi sắc thị trường du lịch những ngày đầu năm

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua đã cho thấy tín hiệu khởi sắc của ngành du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngành du lịch Việt Nam đang dần hồi phục, trong đó, du lịch nội địa có sự phục hồi đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong phát triển của ngành du lịch trước bối cảnh dịch Covid -19.

Tái khởi động phục hồi và phát triển du lịch năm 2022 

                Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tổng cục Du lịch cho biết, trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương trên cả nước đón khoảng 6,2 triệu lượt khách, trong đó có gần 500 khách quốc tế đã đến Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vaccine". Đáng chú ý, trong 9 ngày nghỉ Tết, lượng khách du lịch nội địa đã vượt số khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt) và không kém nhiều lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 thời điểm trước dịch bệnh Covid-19 (7,3 triệu lượt). Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.

Những địa điểm hút khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có thể kể đến như: Tây Ninh, An Giang, Vũng Tàu... Bên cạnh đó, các địa phương khác trải dài từ Bắc tới Nam cũng liên tục gặt hái "quả ngọt" vào dịp Tết như: Lâm Đồng, Quảng Ninh, Lào Cai (Sapa)… Ba trung tâm du lịch lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng cũng tưng bừng đón khách. Trên địa bàn TP. Hà Nội, các điểm tham quan du lịch, bảo tàng, công viên được mở cửa với nhiều hoạt động, thu hút khách du lịch nội địa. Tiêu biểu như: Tản Đà Spa Resort, khu du lịch Ao Vua, Vườn thú Hà Nội, điểm làng nghề sinh vật cảnh... Khách du lịch chủ yếu là người dân Thủ đô đi du xuân và khách đến từ một số các tỉnh thành lân cận…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp du lịch lớn như: Vietravel, Saigontourist, Fiditour… cũng ghi nhận nhiều thông tin tích cực về lượng khách hàng đặt mua tour du lịch ngắn ngày tăng khá lớn.

Về khách du lịch quốc tế, tính đến ngày 23/1/2022, Việt Nam đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1. Khách du lịch chủ yếu đến từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…

Những kết quả tích cực ngành du lịch đạt được ngay trong những ngày đầu năm mới Tết nguyên đán là do có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương đối với các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp. Mặt khác với việc ngày càng gia tăng mức độ bao phủ vắc-xin diện rộng đã tạo tâm lý thoải mái, lạc quan cho du khách.

Có thể thấy, thành công của ngành du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành mở của du lịch hoàn toàn từ ngày 15/3 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch khởi động một mùa du lịch mới, mang theo niềm hy vọng ngành Du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại, khẳng định vị trí một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Tái khởi động phục hồi và phát triển du lịch năm 2022

Dịch bệnh Covid -19 đã thay đổi hành vi du lịch, nhu cầu đi du lịch được thực hiện một cách có chọn lọc, vấn đề an toàn khi đi du lịch được du khách đề cao. Trước dịch Covid - 19 du khách thường đi theo nhóm lớn, ưa chuộng những nơi đông đúc, các chuyến đi xa, dài ngày, đến các đại lục khác nhau. Song hiện tại hình thức du lịch cá nhân và theo nhóm nhỏ, gia đình, đảm bảo an toàn sức khỏe, hạn chế lây nhiễm, hình thức, quy mô, khoảng cách và thời gian ngắn lên ngôi. Người đi du lịch cũng đã có những cân nhắc, tính toán và cần nhiều thông tin hơn để quyết định đi du lịch. Các sản phẩm du lịch là những chuyến đi thật, sản phẩm tiếp cận giá trị thật, chứ không phải là trào lưu, hào nhoáng.

 Tái khởi động phục hồi và phát triển du lịch năm 2022 1

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Để thích ứng với tình hình mới và đáp ứng những thay đổi trong xu hướng đi du lịch của du khách những người làm du lịch và cơ quan quản lý du lịch cũng có những thay đổi. Theo đó, Tổng cục Du lịch đã chuẩn bị kế hoạch phục hồi cho năm 2022-2023, trong đó tập trung dự báo được những xu hướng, để đưa ra những định hướng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mới ngành du lịch.

Để tái khởi động phục hồi và phát triển du lịch, năm 2022, với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cho thấy sự chuyển hướng kịp thời trong quan điểm và chính sách của lãnh đạo Đảng, Chính phủ: Chuyển trạng thái phòng, chống dịch Covid-19, sang toàn xã hội và ngành du lịch chấp nhận sống chung với bối cảnh có dịch nhưng chủ động thích ứng an toàn, mở đường cho du lịch phục hồi trở lại.

Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu sẽ đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 150% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2022, ngành Du lịch tập trung đẩy mạnh du lịch thông minh, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sơ kết 5 năm thực hiện, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Thực hiện Đề án

phát triển bền vững du lịch biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm, kinh tế tuần hoàn; Tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và một số loại hình du lịch mới.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch tập trung xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 và các giai đoạn đến 2030 - 2040. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid -19, ngành Du lịch sẽ chú trọng tới công tác đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng tiện ích cho khách du lịch, tăng cường phát triển và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông mới trên các nền tảng công nghệ số; xây dựng và triển khai các dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh, tăng tiện ích sử dụng, tích hợp trên nền tảng số cho khách du lịch.

Trước mắt để tái khởi động phục hồi và phát triển du lịch năm 2022, nhiều địa phương đã xây dựng các phương án để phục hồi du lịch. Theo đó, các đơn vị trong ngành sẽ tùy điều kiện từng bước thực hiện để đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường và triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch trong trạng thái bình thường mới. Ngành du lịch tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thị trường, mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế để thu hút khách, nâng cao cạnh tranh với các nước trong khu vực. Về dài hạn, ngành du lịch Việt Nam cần nắm bắt thời cơ để tạo ra một cuộc cách mạng về công nghệ thông tin để nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ cho du khách. Đồng thời giúp Chính phủ có khả năng kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ, hiệu quả, truy vết kịp thời nếu có dấu hiệu lây lan khi Việt Nam mở cửa lại cho du khách quốc tế. Ngành du lịch cần có những giải pháp phát triển du lịch bền vững, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, giao thông hạ tầng và nhân lực tương lai.

Hy vọng với những giải pháp chiến lược, các địa phương sẽ thiết lập được hành lang an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các thành phố du lịch trọng điểm sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Hoạt động du lịch khởi sắc trở lại tiếp tục đem đến những tín hiệu vui, góp phần vào việc phục hồi thị trường trên cả nước./.

Hùng Minh


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top