Tận dụng FTA gia tăng xuất khẩu hàng hóa

25/02/2025 - 01:27 PM

Việt Nam đã ký rất nhiều FTA và đi vào thực thi, mang lại hiệu quả tích cực cho các ngành hàng và doanh nghiệp. Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024. Đây là mục tiêu rất thách thức. Song với nền tảng xuất khẩu từ năm 2024, đặc biệt là việc ký kết và thực thi nhiều FTA hiệu quả được xem là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt mục tiêu năm 2025.

 Tận dụng FTA gia tăng xuất khẩu hàng hóa

Tận dụng FTA gia tăng xuất khẩu hàng hóa

Việt Nam là một trong những nước được coi là hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu, nhất là khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi đã tạo cơ hội cho Việt Nam nắm bắt xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phát huy hiệu quả các FTA ký kết như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rào cản thuế quan và tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ quốc gia đối tác.

Thông qua các FTA ký kết đã tạo cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần vào tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam có đà tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp, chủ động, thích ứng với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, tập trung đầu tư rất tốt cho công nghệ sản xuất sản phẩm, hàng hóa. Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam ngày càng được nhiều thị trường ưa chuộng. Nhận thức của doanh nghiệp về việc sử dụng C/O ưu đãi như: Công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan ngày càng được nâng cao.

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, năm 2024, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ C/O ưu đãi với trị giá hơn 100 tỷ USD, tăng 28% về trị giá và 18% về số lượng C/O so với cùng kỳ năm 2023 (chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA).

 Tận dụng FTA gia tăng xuất khẩu hàng hóa 1

Nhiều mặt hàng xuất khẩu tận dụng được lợi thế từ ưu đãi ký kết các Hiệp định FTA,  như cà phê. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2025, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 140.000 tấn, giảm mạnh 41,1% so với tháng cùng kỳ năm ngoái, song giá trị thu về tăng lên 763 triệu USD, tăng 5% do giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024. Hay hàng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu vào hơn 100 thị trường trên toàn cầu. Ngoài các khách hàng truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc; khối CPTPP gồm các nước như: Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand... và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam cũng đã tiến vào các thị trường mới như: Châu Phi, Trung Đông…

Đối với thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam có ký kết Hiệp định FTA, thị trường Canada được đánh giá là đầy tiềm năng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thông qua Hiệp định CPTPP và là cửa ngõ tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Các sản phẩm như: Điện thoại, điện tử, điện máy, kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả, gạo, chè, cà phê... được đánh giá có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Canada với thuế suất xuất khẩu đang được hưởng lợi 0%.

Cũng thông qua CPTPP, năm 2024, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng đầu Mexico đã tìm đến Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, trong đó các các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ nhựa và đồ gỗ là thế mạnh của Việt Nam. Năm 2025, triển vọng hợp tác Việt Nam và Mexico rất lớn do nhiều nét tương đồng và ngành hàng mang tính bổ sung cho nhau.

Để hiệp định FTA tạo đòn bẩy hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới

Đầu năm 2025, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản có kết quả duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Một năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu giảm 4,3%; nhập khẩu giảm 2,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,03 tỷ USD.

Để tận dụng các FTA cho xuất khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường do các FTA mang lại. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.

Đối với doanh nghiệp, để tận dụng lợi thế, cần hiểu rõ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, quy định pháp lý, thị hiếu tiêu dùng của thị trường mà doanh nghiệp hướng tới để xây dựng chiến lược phù hợp. Đông thời các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và nâng cao trình độ công nghệ. Đặc biệt chú trọng vào hoạt động đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường các quốc gia thành viên trong FTA.

Đối với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những diễn biến của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, giúp các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nắm được những thay đổi chính sách và thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh phù hợp và xây dựng kế hoach kinh doanh hiệu quả, từng bước nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới./.

PV


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top