Tận dụng tốt cơ hội để về đích xuất nhập khẩu năm 2024

14/11/2024 - 10:41 AM
10 tháng năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2024. Đến thời điểm này chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2024, với nhiều tín hiệu tốt, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6% ngành Công Thương đặt ra từ đầu năm tiếp tục duy trì cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư.

Từ khóa: Xuất khẩu, nhập khẩu, kim ngạch, tăng trưởng


In the first 10 months of 2024, Vietnam's import and export activities will achieve positive results, maintaining a high growth rate and being one of the bright spots of the Vietnamese economy in the first 10 months of 2024. At this point, there is just over a month left until the end of 2024, with many good signs, Vietnam can complete the target of increasing export of goods by about 6% set at the beginning of the year and continue to maintain the trade balance in surplus.

Keywords: Export, import, turnover, growth


Xuất nhập khẩu - điểm sáng của nền kinh tế

Mặc dù năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn; Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Trong bối cảnh đó, với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 10 tháng năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như trong quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 154,2 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu đồng loạt giảm lần lượt 11,6% và 15,4%, thì ngay trong quý đầu tiên của năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9%.

Kết thúc quý I/2024 với bước lấy đà khá tốt, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2024. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024.

Quý III/2024 tiếp tục nối tiếp đà tăng trưởng tốt của nửa đầu năm với kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024; kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,1% so với quý II/2024.

Trong cả 3 quý đầu của năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa giữ vững thế xuất siêu. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Nhìn lại tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 chỉ đạt 559,3 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 292 tỷ USD, giảm 6,8%; nhập khẩu đạt 267,3 tỷ USD, giảm 14,8% cho thấy trong 10 tháng qua sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường đã phục hồi đáng kể. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng đầu năm không chỉ giữ vững đà xuất siêu mà còn chinh phục con số kỷ lục 23,31 tỷ USD.

Tín hiệu đáng mừng là tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước có xu hướng tăng trở lại sau, thể hiện các doanh nghiệp trong nước đã hồi phục sức khỏe sau đại dịch Covid-19 và dần chiếm lĩnh thị trường, khẳng định tiềm lực quốc gia sau một thời gian suy giảm và phụ thuộc vào khu vực FDI. Các chuyên gia đánh giá, động lực chủ yếu là sự phục hồi nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu và các doanh nghiệp trong nước gia tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất các mặt hàng chủ lực.

Trong 2 năm 2021-2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30,4% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước thì trong 10 tháng năm 2024, tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đã có xu hướng tăng, lên 32%. Trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 207,55 tỷ USD, tăng mạnh 19,6% (tương ứng tăng 34,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực FDI chỉ tăng 14,1% đạt 440,32 tỷ USD.

Tính riêng hoạt động xuất khẩu, tính chung 10 tháng năm 2024, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch đạt 93,97 tỷ USD, chiếm 28,0% trong tổng 335,59 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng này của khu vực kinh tế trong nước cao hơn mức tăng 12,8% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD.
 
Hình 1. Xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
Tận dụng tốt cơ hội để về đích xuất nhập khẩu năm 2024
                                                                                                                                   Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tương tự cùng kỳ năm 2023, trong 10 tháng năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (đạt kim ngạch 78,6 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, cao hơn con số 89,8 tỷ USD của 10 tháng năm 2023.

Xuất khẩu tự tin về đích

Đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước dự báo có thể đạt từ 720-730 tỷ USD. Đến thời điểm này chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2024, song các chuyên gia nhận định kim ngạch xuất khẩu của cả nước có thể hoàn thành mục tiêu đạt mốc 800 tỷ USD - con số cao nhất từ trước đến nay. Nhận định này được đưa ra dựa trên nhiều tín hiệu tốt.

Dù còn hai tháng mới kết thúc năm, song sau 10 tháng đã có một số ngành cán đích, đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Ví dụ như ngành rau quả đã cán đích sớm 2 tháng, vượt mục tiêu cả năm 2024 là 6 - 6,5 tỉ USD, đạt 6,4 tỉ USD sau 10 tháng, tăng hơn 31% so cùng kỳ vượt mốc kỷ lục 5,7 tỉ USD của cả năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu rau quả cán mốc kỳ vọng 6 tỉ USD. 

Xuất khẩu tiêu đặt kế hoạch năm 2024 khoảng 1 tỉ USD, song sau 10 tháng, kim ngạch đã vượt mục tiêu một cách ngoạn mục, đạt 1,1 tỉ USD, tăng 48% so cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả 51,74 tỷ USD đạt được, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng sắp cán đích, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD dù chưa hết năm. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 - 55 tỷ USD ngay khi kết thúc tháng 11/2024. Trong điều kiện thuận lợi, xuất khẩu ngành này năm 2024 sẽ lập mốc 60 tỷ USD và đánh dấu là năm có xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay.

Cũng trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê đã mang về hơn 4,6 tỉ USD, giá trị tăng gần 40% so với năm ngoái và vượt xa con số 4,25 tỉ USD của cả năm 2023. Với đà này, xuất khẩu cà phê năm nay được dự báo có thể lên tới 5,5 tỉ USD – một mốc kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo hơn 8 triệu tấn, trị giá 5 tỷ USD là đích đến trong tầm tay của ngành lúa gạo Việt trong năm nay. Dự báo này được đưa ra dựa trên nhận định gạo là ngành hàng thiết yếu trên thế giới và hoạt động xuất khẩu gạo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định sang các thị trường khó tính.
 
Tận dụng tốt cơ hội để về đích xuất nhập khẩu năm 2024 1
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao
để tận dụng hiệu quả các cơ hội 
đang có để về đích năm 2024

Đối với ngành dệt may, 10 tháng năm nay xuất khẩu 30,6 tỷ UDDS, tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2023 và ngành này đang tiến dần tới đích xuất khẩu 44 tỷ USD vào cuối năm nay. Các chuyên gia cho rằng có khá nhiều cơ sở để ngành dệt may tự tin về đích. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam về cuối năm tiếp tục được cải thiện bởi nhiều doanh nghiệp may có lượng đơn hàng khá “dồi dào” đến hết quý II, thậm chí đến quý III/2025. Thêm vào đó, việc Fed hạ lãi suất 0,5% vào đầu tháng Chín đã làm hạ nhiệt tình trạng lạm phát ở Mỹ, EU, điều này giúp kích thích tiêu dùng ở hai thị trường lớn tiêu dùng hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng lượng hàng tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã giảm đáng kể và hiện sức mua của các nước có xu hướng tăng do đang bước vào dịp mua sắm mùa lễ hội cuối năm cộng với giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong nước. Hơn nữa, từ nay đến năm 2025, trước những biến động trên thị trường, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong tiến trình hội nhập và phát triển; và được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng dệt may, khi các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar vẫn diễn ra bất ổn chính trị.

Trong 10 tháng đầu năm, điện tử, máy tính và linh kiện luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 58,7 tỷ USD, tăng tới 26,1% so cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện lên tới 88,3%, tăng 23,7% so cùng kỳ năm 2023. Nếu kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có khả năng cán mốc 100 tỷ USD như dự báo sẽ là đầu vào quan trọng để thúc đẩy sản xuất trong nước và đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực này tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm.

Có thể nói, Việt Nam đang tiến rất gần đến đích mục tiêu xuất nhập khẩu năm 2024. Ðiều cần thiết là các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao để tận dụng hiệu quả các cơ hội đang có./.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê; Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2024;

2. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2024;

3. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024;

4. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tễ - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024;

5. Tổng cục Thống kê; Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2024.
 
Bích Ngọc

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top