Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 56 năm (từ năm 1967), kể từ đó đến nay hai nước đã không ngừng xây dựng, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó hợp tác đầu tư là một trong những lĩnh vực trụ cột được ưu tiên thúc đẩy và đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Mới đây, trong chương trình thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, ngày 12/12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam, Hội đồng Phát triển Campuchia, Bộ Thương mại Campuchia tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tích cực trong tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư thương mại giữa hai nước. Đồng thời, tiếp tục vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực của hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng, với phương châm hợp tác cùng có lợi, tư duy kinh doanh mới và các giải pháp có tính đột phá, quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp, hữu nghị, bền chặt Việt Nam và Campuchia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn
Về đầu tư, Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Việt Nam. Hiện có hơn 200 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký khoảng 3 tỷ đô la Mỹ, có mặt ở hầu hết các ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng, sản xuất chế biến công nghiệp, y tế, thương mại, dịch vụ…
Campuchia là địa bàn lớn thứ 02 trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương…, được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Campuchia ghi nhận và đánh giá cao.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan của Campuchia đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư tại đây. Đồng thời mong muốn Campuchia tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh thành công tại Campuchia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, theo phản ánh của các doanh nghiệp thì hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đang gặp một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kết quả đầu tư; kết quả đầu tư còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa cũng như mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước; quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm, chưa có thêm nhiều dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo ra sự bứt phá trong hợp tác; một số dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời đã tác động đến hiệu quả đầu tư.
Tiềm năng và dư địa hợp tác đầu tư đang bị thu hẹp đối với một số lĩnh vực như thủy điện, khai thác, chế biến khoảng sản; nông lâm nghiệp quy mô lớn…; những hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, sự thay đổi của hệ thống pháp luật, sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong thực thi pháp luật đang là những rào cản ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Chính phủ hai nước chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia và đặt mục tiêu có sự đột phá mới trong hợp tác đầu tư thương mại với Campuchia nhằm chia sẻ hợp tác và bổ sung cho nhau khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, những cơ hội và tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia cũng như kết nối ba nền kinh tế Việt Nam-Campuchia-Lào.
Với tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục phối hợp với Campuchia để thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Campuchia như công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, phát triển các đặc khu kinh tế, du lịch… nhất là ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế tại khu vực biên giới hai nước.
Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet nhấn mạnh, sau 56 năm thiết lập, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia không ngừng được vun đắp, phát triển trên tất cả các lĩnh vực, là "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Chính vì thế, Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên mà Ông đến thăm sau khi nhậm chức Thủ tướng Vương quốc Campuchia; tin tưởng sau chuyến thăm quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển, trong đó có hợp tác thương mại, đầu tư và dịch vụ.
Ông Hun Manet chúc mừng sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong thu hút đầu tư. Đồng thời cho biết, nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia. Khách du lịch Việt Nam sang Campuchia hiện đứng thứ hai trong số các nước có khách đến Campuchia.
Thủ tướng Vương quốc Campuchia cũng đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia và cho biết, Campuchia đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng việc đưa ra các giải pháp trong các lĩnh vực nhằm bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư; coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, phát triển hạ tầng chiến lược kết nối với Việt Nam…; khẳng định, Chính phủ Campuchia sẽ nỗ lực, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam; khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia nhiều hơn nữa, đặc biệt là những lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghệ số, tài chính, sản xuất xe hơi…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh; đóng góp vun đắp tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước; đồng thời nhấn mạnh, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia trải qua nhiều thăng trầm, đột phá, hiện đang phát triển rất tốt, ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại chưa tương xứng tiềm năng hai nước vốn có.
Theo đó, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, thúc đẩy thương mại giữa hai nước, không chỉ vì sự trưởng thành, phát triển của các doanh nghiệp, mà góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp gữa hai dân tộc; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng và phát triển mỗi nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hai nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp hai nước cùng với Chính phủ hai nước tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cùng với đó, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hai nước cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; chấp hành nghiêm pháp luật hai nước; đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả; luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư để điều chỉnh, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản trị tốt đẹp hơn. Đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục quyết tâm, nỗ lực hơn nữa vì sự hùng cường, thịnh vượng, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân hai nước./.
PV