Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thống kê, thời gian qua, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã xây dựng dự thảo trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký ban hành nhiều bộ chỉ tiêu thống kê mới như Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển, hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh; Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam... để có những công cụ đo lường chính xác và toàn diện hơn nền kinh tế Việt Nam, phục vụ tốt hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế biển
Biển có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài hơn 3200km trải dài từ Bắc vào Nam qua 28 tỉnh, thành phố ven biển. Ngày nay, Việt Nam đã chủ động khẳng định vai trò to lớn của biển đối với phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Kinh tế biển luôn được Đảng và Nhà nước ta đặt vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Mục tiêu được xác định là Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành “Quốc gia biển mạnh” vào năm 2030 theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Viết tắt là NQ36 về chiến lược biển).
Năm 2024, Tổng cục Thống kê xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển, hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh và xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện dự thảo Thông tư sau các góp ý của các cơ quan và trình Bộ trưởng Bộ KHĐT.
Ngày 02/01/2025, Bộ trưởng Bộ KHĐT đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHĐT về việc quy định Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Theo đó, Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh gồm: (i) Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo gồm 53 chỉ tiêu thống kê (02 chỉ tiêu tổng hợp; 28 chỉ tiêu về kinh tế biển; 08 chỉ tiêu về xã hội; 15 chỉ tiêu về môi trường). (ii) Danh mục chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh gồm 28 chỉ tiêu thống kê (02 chỉ tiêu tổng hợp; 14 chỉ tiêu về kinh tế biển; 04 chỉ tiêu về xã hội; 08 chỉ tiêu về môi trường).
Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh cũng là bộ chỉ tiêu thống kê liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên kết vùng về kinh tế, xã hội và môi trường liên quan đến biển nhằm cung cấp số liệu, đánh giá tình hình phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.
Các bộ chỉ tiêu thống kê mới sẽ là những công cụ giúp đo lường chính xác và toàn diện hơn nền kinh tế
Việt Nam
Hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững
Phát triển bền vững đã trở thành một xu hướng toàn cầu, là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể (tương ứng với 150 mục tiêu cụ thể ở cấp độ toàn cầu).
Để theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam với 158 chỉ tiêu (theo Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019). Bộ chỉ tiêu này là cơ sở cho việc thu thập thông tin, số liệu thống kê phục vụ theo dõi, giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; phục vụ cho biên soạn các báo cáo phát triển hàng năm và định kỳ của Việt Nam.
Để bảo đảm cập nhật với Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thay đổi theo Luật Thống kê năm 2021; cập nhật những chỉ tiêu mới ở cấp độ toàn cầu; khắc phục những hạn chế bất cập trong quá trình thực hiện Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững Việt Nam…, năm 2024, Tổng cục Thống kê đã thực hiện xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGI).
Việc sửa đổi Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam đặc biệt tập trung vào nguyên tắc bảo đảm tính khả thi để có số liệu phục vụ xây dựng các báo cáo SDG hàng năm và định kỳ của Việt Nam; bám sát Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững toàn cầu cho phép so sánh quốc tế và đáp ứng các nhu cầu và ưu tiên riêng của Việt Nam. Đồng thời, phải phù hợp với các quy định, văn bản hiện hành của Việt Nam như: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi; Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam…
Sau lấy ý kiến các cơ quan, chuyên gia và hoàn thiện dự thảo, Tổng cục Thống kê đã trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký Thông tư số 02/2025/TT-BKHĐT ngày 03/01/2025 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, Danh mục chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam quy định tại Thông tư này gồm 145 chỉ tiêu thống kê (giảm 13 chỉ tiêu so với Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT) phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Cụ thể:
Mục tiêu 1 – Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi có 11 chỉ tiêu;
Mục tiêu 2 - Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững có 10 chỉ tiêu;
Mục tiêu 3 - Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi có 16 chỉ tiêu;
Mục tiêu 4 - Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người có 11 chỉ tiêu;
Mục tiêu 5 - Đạt được bình đẳng về giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái có 12 chỉ tiêu;
Mục tiêu 6 - Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người có 07 chỉ tiêu;
Mục tiêu 7 - Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người có 06 chỉ tiêu;
Mục tiêu 8 - Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người có 12 chỉ tiêu;
Mục tiêu 9 - Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới có 10 chỉ tiêu;
Mục tiêu 10 - Giảm bất bình đẳng trong xã hội có 06 chỉ tiêu;
Mục tiêu 11 - Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng có 06 chỉ tiêu;
Mục tiêu 12 - Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững có 02 chỉ tiêu;
Mục tiêu 13 - Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai có 04 chỉ tiêu;
Mục tiêu 14 - Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững có 02 chỉ tiêu;
Mục tiêu 15 - Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất có 06 chỉ tiêu;
Mục tiêu 16 - Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, bình đẳng vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp có 13 chỉ tiêu;
Mục tiêu 17 - Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững có 11 chỉ tiêu.
Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam là bộ chỉ tiêu thống kê liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên kết vùng nhằm cung cấp số liệu đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Thực hiện Thông tư số 02/2025/TT-BKHĐT ngày 03/01/2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; xây dựng và hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam và phổ biến thông tin thống kê các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
Từ góc độ của các cơ quan Liên Hợp Quốc, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng, khi các chỉ số được cập nhật, với dữ liệu phân tổ sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về sự bất bình đẳng và giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề mà những nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số và người khuyết tật đang phải đối mặt. Việc hoàn thiện bộ chỉ tiêu thống kê SDG không phải là điểm kết thúc, mà là một bước tiến trong hành trình chung của chúng ta hướng tới phát triển bền vững.../.
B.N