Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một vấn đề chưa bao giờ hết nóng trong xã hội hiện nay và luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước. Trong năm 2022, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp chân chính.
Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tập trung nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, làm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động các Đề án về bảo vệ người tiêu dùng, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và dần thiết lập sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng với các doanh nghiệp, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và tạo được niềm tin của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, tăng số lượng đầu mối Tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước, tạo nền tảng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đồng thời, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua đường dây nóng 1800.6838, Bộ Công Thương nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hàng triệu người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử. Người tiêu dùng đồng thời được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp.
Cũng trong năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành thanh, kiểm tra hơn 70.900 vụ, phát hiện, xử lý gần 44.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.
Hàng triệu người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi
Đánh giá tình hình thị trường trong năm vừa qua, Cục Quản lý thị trường cho biết, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn. Bởi hiện nay, do phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào và kiểm soát chặt khu vực biên giới nên tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở, khu vực đồi núi giáp biên ở các tỉnh phía Bắc hầu như không có. Thay vào đó, hàng lậu, hàng giả chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế vào giai đoạn phục hồi, bứt phá, hàng hóa được tung ra thị trường nhiều hơn, các hành vi vi phạm cũng gia tăng.
Những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng với tốc độ trung bình từ 25 - 35%/năm. Sự phát triển nhanh, mạnh của thương mại điện tử mang theo nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp cũng như thuận lợi cho khách hàng. Các kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, các sàn giao dịch điện tử (Lazada, Shopee…) ngày càng “nở rộ” hơn, đưa người tiêu dùng lạc vào một ma trận hàng hóa với những thông tin chưa được kiểm chứng, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa gặp nhiều khó khăn hơn. Năm vừa qua, số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh, tập trung các vấn đề như chậm, không trả đơn hàng; chậm trả tiền cho khách hàng, không chịu bồi thường cho hàng hóa, cung cấp sản phẩm không bảo đảm...
Hệ lụy tiêu cực những hành vi kinh doanh trên mang lại cho xã hội là không nhỏ. Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, việc hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn trên thị trường không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và gián tiếp đánh mất“lợi thế” thị trường,“mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đáng lo hơn, việc hàng giả, hàng nhái đã khiến nhiều người tiêu dùng bị tổn thương, ảnh hưởng và chịu thiệt hại về sức khỏe, tài chính và tinh thần.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lan tràn là do luật pháp còn nhiều kẽ hở cộng với sự bất cập trong cơ chế quản lý. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có hiệu lực thi hành từ năm 2011, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện chủ yếu tập trung vào tiêu thụ hàng giả, hàng nhái mà chưa biện pháp hiệu quả để phòng ngừa ngăn, chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái… trong khi đó chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh, mức phạt quá nhỏ so với“siêu lợi nhuận” từ hàng giả mang lại. Công tác quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả cũng còn thiếu và yếu.
Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chưa nắm vững luật pháp nên đã im lặng, không biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng. Trên thực tế, sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường còn có sự góp phần không nhỏ của người tiêu dùng chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ. Điều đáng buồn là sự yếu kém trong trách nhiệm của một số doanh nghiệp, họ sẵn sàng vì mục tiêu lợi nhuận mà cố tình cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng nhằm chiếm đoạt tài sản, tiền bạc.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề vô cùng quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam không chỉ gói gọn trong sản phẩm hàng hóa mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác nhau để phục vụ cho cuộc sống. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cần được thực hiện trên mọi khía cạnh, mọi góc độ.
Xuất phát từ thực tiễn và để phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu dùng hiện nay, năm 2022, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng đã trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật hiện hành, cũng như thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia. Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều thay đổi, nhiều hiện tượng kinh tế mới phát sinh, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới, quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quy định về nâng cao trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có những hành động mạnh mẽ để tạo sự chuyển biến thực chất hơn. Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, để xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm về trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác phổ biến pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng.
Để các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả hơn, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp cần phải nhận thức tốt trách nhiệm xã hội của mình, có chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng nhái cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất... Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Đây cũng là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình.
Nhưng trên hết, mỗi một người tiêu dùng cần hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để trờ thành“người tiêu dùng văn minh”, có thể tự bảo vệ mình khi bị lừa đảo trong các giao dịch mua bán. Người tiêu dùng cần nắm vững các quyền: Được đảm bảo an toàn tính mạng, an toàn về sức khỏe, an toàn về tài sản; Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó, người tiêu dùng nên lựa chọn những đơn vị bán hàng có uy tín, tìm những phương thức thanh toán đảm bảo, đồng thời tự nâng cao năng lực phát hiện những dấu hiệu lừa đảo.
Năm 2023 là một năm có ý nghĩa quan trọng khi Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng, với mô hình đặc biệt, cùng lúc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong 3 lĩnh vực (quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh đa cấp) và tố tụng, tài phán... Hy vọng mô hình mới của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ phát huy hiệu quả, xây dựng một thị trường lành mạnh để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày một hiệu quả hơn./.
ThS. Đặng Quang Cảnh - ThS. Vũ Thị Hồng Nết
Trường Đại học Lao động Xã hội