Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực thống kê tại Việt Nam

01/06/2023 - 02:43 PM

Vai trò của hợp tác quốc tế về thống kê

Hợp tác quốc tế là trụ cột quan trọng góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các cơ quan thống kê quốc gia. Chính vì thế, “Mười nguyên tắc cơ bản về thống kê nhà nước của Liên hợp quốc”, văn bản được xem là cơ sở cho hoạt động thống kê nhà nước của Hệ thống thống kê toàn cầu, đã dành riêng Nguyên tắc số 10 đề cập đến hợp tác quốc tế. Theo đó, nguyên tắc số 10 nêu rõ “Hợp tác song phương và đa phương về thống kê góp phần hoàn thiện hệ thống thống kê nhà nước ở tất cả các quốc gia”.

Tại Việt Nam, Luật Thống kê, văn bản pháp lý cao nhất về công tác thống kê, dành riêng điều 52 để quy định nội dung hợp tác quốc tế về thống kê. Cụ thể:

Khoản 1 điều 52 nêu rõ “Hợp tác quốc tế về thống kê nhằm bảo đảm số liệu thống kê đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế thống kê Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Khoản 2 điều 52 liệt kê các hoạt động chủ yếu trong hợp tác quốc tế về thống kê gồm: a) Chia sẻ thông tin thống kê; b) Ứng dụng phương pháp thống kê; c) Đào tạo nhân lực; d) So sánh quốc tế; đ) Thu hút nguồn lực; e) Ứng dụng khoa học và công nghệ.

Khoản 3 điều 52 nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện hợp tác quốc tế về thống kê. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, điều phối hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.

Như vậy, hợp tác quốc tế là hoạt động không thể thiếu đối với sự phát triển của bất kỳ cơ quan thống kê quốc gia nào và điều này được công nhận trong các văn bản pháp lý ở cấp toàn cầu cũng như quốc gia.
 

Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực thống kê tại Việt Nam
Hợp tác quốc tế là trụ cột quan trọng góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các cơ quan thống kê quốc gia. Ảnh minh họa

Các hoạt động hợp tác trọng tâm của ngành Thống kê trong thời gian qua

Nhận thức được vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế, trong những năm qua, Tổng cục Thống kê không ngừng tăng cường, phát triển và mở rộng các hoạt động trong lĩnh vực này. Thống kê Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào hoạt động của Thống kê thế giới, góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước.

Hoạt động hợp tác song phương của ngành Thống kê được duy trì, thúc đẩy và nâng lên tầm cao mới. Bên cạnh hoạt động hợp tác với các đối tác truyền thống như Cơ quan Thống kê Lào, Cơ quan Thống kê Cam-pu-chia, Thống kê Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác với các quốc gia có trình độ thống kê tiên tiến, hiện đại. Tổng cục Thống kê đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với Cơ quan Thống kê các nước như: Liên bang Nga, Hung-ga-ri, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Hà Lan, I-ta-li-a,… nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thống kê.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế hỗ trợ các hoạt động của Thống kê Việt Nam ngày càng bị cắt giảm đáng kể, các điều kiện tài trợ cũng khắt khe hơn khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, Tổng cục Thống kê đã không ngừng nỗ lực, tích cực vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật từ các quốc gia có nền thống kê phát triển như Đan Mạch, I-ta-li-a, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ,… và hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á,… để nâng cao năng lực thống kê, góp phần vào quá trình hiện đại hóa ngành Thống kê.

Hoạt động hợp tác đa phương luôn được quan tâm, chú trọng. Tổng cục Thống kê tích cực và chủ động tham gia vào hoạt động của các tổ chức và diễn đàn thống kê khu vực và thế giới như Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc (UNSC), Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Viện Thống kê châu Á - Thái Bình Dương (SIAP), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp hội quốc tế về thống kê chính thức (IAOS), Hiệp hội Tổng điều tra quốc gia và Thống kê Liên khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hoa Kỳ (ANCSDAAP)…

Để nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng cục Thống kê đã cử nhiều công chức tham gia vào các Ban chỉ đạo, Nhóm công tác quốc tế về thống kê như: Ban chỉ đạo Chương trình cải thiện Thống kê kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ban chỉ đạo về thống kê Nông nghiệp, Nhóm chuyên trách về đơn vị thống kê thuộc Nhóm công tác liên cơ quan về tài khoản quốc gia, Chương trình so sánh quốc tế cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhóm Washington về người khuyết tật, Nhóm chuyên gia về Khung đảm bảo chất lượng quốc gia của Liên hợp quốc, Nhóm chuyên gia liên ngành về Thống kê giới của Thống kê Liên hợp quốc, Nhóm Praia về Thống kê năng lực quản trị, Nhóm công tác về rà soát các tiêu chuẩn thống kê khu vực phi chính thức của Tổ chức Lao động quốc tế, Nhóm những người Bạn của Chủ tịch về Toàn cầu hóa, các Nhóm công tác của ASEAN … Các công chức của Thống kê Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm cao khi tham gia hoạt động của các Ban chỉ đạo, Nhóm công tác này.

Năm 2022, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tham gia ứng cử và trúng cử vào Hội đồng điều hành của Viện Thống kê châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2022-2025. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác, thể hiện cam kết mạnh mẽ với khu vực trong lĩnh vực thống kê, qua đó góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và ngành Thống kê Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Việt Nam đã tiếp nhận có hiệu quả các hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, góp phần áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến cũng như xây dựng và củng cố cơ sở vật chất - kỹ thuật của Ngành. Nhiều công chức của Thống kê Việt Nam đã tham gia các khoá đào tạo về thống kê, quản lý, công nghệ thông tin, ngoại ngữ ... trong và ngoài nước từ nguồn tài trợ của quốc tế. Nhiều đoàn công chức của ngành Thống kê đã được cử đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm thống kê tại nhiều nước trên thế giới. Qua đó, trình độ của đội ngũ thống kê ở cả trung ương và địa phương ngày càng nâng cao. Đặc biệt, kể từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, toàn thế giới áp dụng giãn cách xã hội, ngành Thống kê đã nhanh chóng thích ứng, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong trao đổi thông tin, cử công chức tham gia các khóa đào tạo bằng nhiều hình thức như trực tuyến, trực tiếp, hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến.

Hợp tác quốc tế của ngành Thống kê ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, với những thay đổi quan trọng cả về nội dung và phương thức hợp tác. Tổng cục Thống kê không chỉ tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật với các quốc gia có trình độ thống kê phát triển mà còn từng bước thực hiện hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với thống kê các quốc gia trong khu vực. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa Tổng cục Thống kê với các Cơ quan Thống kê: Cam-pu-chia, Lào, Băng-la-đét, My-an-ma, Nê-pan, Man-đi-vơ… trên nhiều lĩnh vực như tài khoản quốc gia, thống kê dân số, lao động, thống kê giới, xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển thống kê quốc gia, Luật Thống kê, phổ biến thông tin thống kê… mang lại hiệu quả thiết thực và được cơ quan thống kê các nước đánh giá cao.

Trong khu vực ASEAN, Thống kê Việt Nam luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hội nhập thống kê ASEAN đầu tiên của Việt Nam. Đề án được triển khai thực hiện cho giai đoạn 2016 – 2020 nhằm giúp Thống kê Việt Nam hội nhập toàn diện, đủ năng lực để đáp ứng cơ bản yêu cầu và có sự hài hòa, tương thích với Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN, đưa Thống kê Việt Nam thuộc nhóm các nước có nền thống kê phát triển trong khu vực ASEAN. Tổng cục Thống kê đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, hội nhập toàn diện, thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của thống kê khu vực.

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN về Thống kê, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, Thống kê Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thống kê ASEAN và các quốc gia thành viên tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có Kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN (ACSS10) và các sự kiện liên quan theo hình thức trực tuyến. Qua đó, Thống kê Việt Nam thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, kết nối các hoạt động của cộng đồng Thống kê ASEAN, nâng cao vị thế, vai trò, thể hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức Thống kê Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng Thống kê quốc tế.

Tổng cục Thống kê đã chủ trì đăng cai nhiều hội nghị quốc tế quy mô lớn như Hội nghị Thủ trưởng cơ quan thống kê các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 11 (ASHOM 11) năm 2010, Kỳ họp Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương về thống kê nông nghiệp (APCAS 24) năm 2012, Hội nghị Hiệp hội quốc tế về thống kê chính thức (IAOS2014) năm 2014, Hội nghị Tổng điều tra Dân số thế giới lần thứ 29 (PCC29) năm 2018, Hội thảo phổ biến thông tin về các hoạt động của Ủy ban Thống kê cộng đồng ASEAN năm 2018, Hội thảo Tham vấn điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ năm 2020, Lễ Công bố báo cáo đầu kỳ và cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển bền vững của ASEAN năm 2020, Hội nghị Ủy ban Hệ thống thống kê cộng đồng ASEAN lần thứ 10 (ACSS10) năm 2020,  và một số cuộc họp khác trong khuôn khổThống kê ASEAN trong năm 2020, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số năm 2022.

Tổng cục Thống kê thường xuyên cung cấp thông tin thống kê tới các tổ chức quốc tế như: Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, Cơ quan Thống kê ASEAN, IMF, WB, FAO, ESCAP, ILO, ADB,... và Đại sứ quán của nhiều nước tại Việt Nam. Đến nay, Thống kê Việt Nam đã từng bước đáp ứng các nhu cầu thông tin thống kê của quốc tế, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ như cung cấp số liệu thống kê phục vụ giám sát thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); điều phối quốc gia trong Hệ thống phổ biến số liệu chung; đảm bảo số liệu để tham gia Chương trình so sánh quốc tế; cung cấp số liệu và hỗ trợ Cơ quan Thống kê ASEAN xây dựng các ấn phẩm của ASEAN về các lĩnh vực thống kê chuyên ngành như thương mại quốc tế về hàng hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại quốc tế về dịch vụ, báo cáo Hệ thống giám sát tiến độ hội nhập cộng đồng ASEAN … phục vụ các lãnh đạo ASEAN trong xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.

Định hướng phát triển hợp tác quốc tế trong thời gian tới

Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược 2021-2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2021. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược 2021-2030 nêu rõ “Hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới”.

Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi lĩnh vực hợp tác quốc tế không ngừng đổi mới, sáng tạo, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các hoạt động sau.

Thứ nhất, mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong lĩnh vực thống kê.

Mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế thông qua tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các cơ quan thống kê, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; tăng cường tìm kiếm đối tác, đề xuất nhu cầu hợp tác, xúc tiến hợp tác song phương, đa phương; huy động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các đối tác, các quốc gia có trình độ thống kê phát triển để nâng cao năng lực và triển khai các lĩnh vực thống kê Việt Nam quan tâm và ưu tiên, đặc biệt các lĩnh vực Thống kê Việt Nam cam kết tham gia cũng như toàn cầu hướng tới.

Hình thành đội ngũ công chức tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, đủ năng lực để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm thống kê cho các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực ASEAN, tham gia vào các Ban chỉ đạo, Nhóm công tác của Thống kê Liên hợp quốc, thống kê khu vực, các Nhóm công tác trong khuôn khổ hợp tác thống kê ASEAN, đặc biệt là các lĩnh vực thống kê mới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác thống kê nói chung và thống kê nước ngoài nói riêng, đảm bảo so sánh quốc tế.

Tích cực tham gia vào các hội thảo, diễn đàn thống kê thế giới và khu vực để nắm bắt kịp thời, đầy đủ các xu hướng phát triển mới về thống kê. Đẩy mạnh áp dụng phương pháp luận theo chuẩn mực quốc tế trong biên soạn số liệu thống kê, đảm bảo tính so sánh. Tăng cường biên soạn và phổ biến thông tin thống kê của Việt Nam và quốc tế, đáp ứng tối đa yêu cầu của mọi đối tường dùng tin.

Nghiên cứu, thu thập, phổ biến các đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế đối với Thống kê Việt Nam nhằm xác định vị trí của Thống kê Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, từ đó đẩy mạnh khả năng đáp ứng số liệu của Việt Nam trên các lĩnh vực thống kê khác nhau nhằm nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam.

Thứ ba, đổi mới cách thức quản lý, điều phối các dự án, các nguồn tài trợ nước ngoài cho Tổng cục Thống kê. 

Ngày 23/02/2022, Quy chế quản lý và thực hiện các chương trình, dự án có sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Tổng cục Thống kê đã được ban hành. Ngày 24/11/2022, Quy chế quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế của Tổng cục Thống kê cũng được ban hành. Đây là hai văn bản pháp lý quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế nhằm giúp Tổng cục Thống kê quản lý tập trung, thống nhất, hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế, các dự án, chương trình, hỗ trợ do cơ quan thống kê các nước, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển cung cấp cho ngành Thống kê.

Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động thống kê nói chung, cũng như lĩnh vực hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nói riêng ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng thống kê kê Nhà nước và nâng tầm vị thế Thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê quốc tế./.
 

TS. Hoàng Thị Thanh Hà
Vụ trưởng Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế - TCTK


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top