Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy Thống kê Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu

29/04/2021 - 04:32 AM
Suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, các hoạt động hợp tác quốc tế đã có những đóng góp không nhỏ đối với sự lớn mạnh của ngành Thống kê. Hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, với những thay đổi quan trọng cả về nội dung và phương thức hợp tác. Tổng cục Thống kê không chỉ tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật với các quốc gia có trình độ thống kê phát triển mà còn từng bước thực hiện hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với thống kê các quốc gia trong khu vực. Bước vào giai đoạn mới, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số đi kèm với các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thống kê Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi hoạt động hợp tác quốc tế không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để thích ứng và phát triển.

Hoạt động hợp tác quốc tế qua các thời kỳ

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Thống kê Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các đối tượng dùng tin khác. Đi cùng với thành công này là đóng góp không nhỏ của hoạt động hợp tác quốc tế trong từng thời kỳ phát triển khác nhau của ngành Thống kê. Trong những năm đầu thành lập, Thống kê Việt Nam đã chú trọng hợp tác về thống kê với Liên Xô (cũ), Trung Quốc, CHDC Đức, Tiệp Khắc và các nước Đông Âu về phương pháp luận thống kê, kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo cán bộ thống kê và cơ sở vật chất kỹ thuật.
 
Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy Thống kê Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu
Toàn cảnh một buổi làm việc của Kỳ họp lần thứ 52 của Ủy ban​ Thống kê Liên hợp quốc ngày 6/3/2021
tại cầu trực tuyến Hà Nội, Việt Nam

 

Từ năm 1980, Thống kê Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc và đã nhận được sự giúp đỡ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) trong Tổng điều tra dân số năm 1979; tiếp theo là quan hệ với Thống kê Pháp; thực hiện củng cố quan hệ thống kê với Lào và Cam-pu-chia.

Trong thời kỳ đổi mới, Thống kê Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu, rộng vào hoạt động của Thống kê thế giới, góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước. Một dấu mốc quan trọng thể hiện sự hội nhập của Thống kê Việt Nam là việc chuyển đổi từ Hệ thống cân đối vật chất sang Hệ thống tài khoản quốc gia dưới sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Với chủ trương tăng cường hội nhập để phát triển, Thống kê Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ thống kê Liên hợp quốc, các thể chế quốc tế và khu vực. Việt Nam đã tiếp nhận có hiệu quả các hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, góp phần áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến lẫn xây dựng và củng cố cơ sở vật chất - kỹ thuật của Ngành. Nhiều cán bộ thống kê Việt Nam đã tham gia các khoá đào tạo về thống kê, công nghệ thông tin, ngoại ngữ... trong và ngoài nước với sự tài trợ của quốc tế. Nhiều đoàn cán bộ thống kê Việt Nam đã tham gia khảo sát, trao đổi kinh nghiệm thống kê tại nhiều nước trên thế giới. Qua đó, trình độ của đội ngũ thống kê ở cả Trung ương và địa phương đã ngày càng nâng cao.

Đến nay, Thống kê Việt Nam đã từng bước đáp ứng các nhu cầu thông tin thống kê của quốc tế, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ như: cung cấp số liệu thống kê phục vụ giám sát thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG), các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); điều phối quốc gia trong Hệ thống phổ biến số liệu chung; đảm bảo số liệu để tham gia Chương trình so sánh quốc tế; cung cấp số liệu và hỗ trợ Bộ phận Thống kê ASEAN (ASEANstats) xây dựng các ấn phẩm của ASEAN về các lĩnh vực thống kê chuyên ngành như thương mại quốc tế về hàng hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại quốc tế về dịch vụ, báo cáo Hệ thống giám sát tiến độ hội nhập cộng đồng ASEAN… phục vụ các lãnh đạo ASEAN trong xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.

Thống kê Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế góp phần thúc đẩy thống kê trong khu vực và trên thế giới như: Hội nghị Thủ trưởng các Cơ quan Thống kê quốc gia khu vực Đông Nam Á năm 2010 (ASHOM 11); Hội nghị Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương về thống kê nông nghiệp lần thứ 24 năm 2012 (APCAS 24); Hội nghị Hiệp hội quốc tế về Thống kê chính thức năm 2014 (IAOS 2014); Hội nghị Tổng điều tra dân số thế giới lần thứ 29 năm 2018 (PCC 29),... Các hoạt động hợp tác song phương cũng tiếp tục phát triển. Cho đến nay, Việt Nam đã ký biên bản hợp tác song phương với các cơ quan thống kê quốc gia Hà Lan, Hàn Quốc, Hung-ga-ri, I-ta-li-a, Nhật Bản, Nga và Mông Cổ.

Thực hiện Quyết định số 1161/QĐ-TTg ngày 23/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hội nhập thống kê ASEAN giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Thống kê đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, hội nhập toàn diện, thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của thống kê khu vực.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN về Thống kê năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, Thống kê Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với ASEANstats và các quốc gia thành viên tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có Kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Hệ thống Thống  kê cộng đồng ASEAN (ACSS10) và các sự kiện có liên quan theo hình thức trực tuyến. Qua đó, Thống kê Việt Nam thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, kết nối các hoạt động của cộng đồng Thống kê ASEAN, nâng cao vị thế, vai trò, thể hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức Thống kê Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng Thống kê quốc tế.

Một số thách thức đối với hoạt động thống kê trong bối cảnh hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, Thống kê Việt Nam cũng như hoạt động thống kê chung của thế giới, đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết phải kể đến nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng. Dữ liệu chất lượng cao là nền tảng để hoạch định chính sách có ý nghĩa, phân bổ nguồn lực và cung cấp dịch vụ công hiệu quả. Tuy nhiên, ngay cả khi công nghệ mới tạo ra nhiều dữ liệu hơn và khả năng sử dụng dữ liệu rộng rãi hơn, vẫn còn nhiều khoảng trống trên bản đồ dữ liệu toàn cầu liên quan đến đo lường đầy đủ tình trạng nghèo đói, giảm chênh lệch giới tính, quản lý rủi ro khí hậu, tài nguyên nước, giáo dục, y tế, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng. Tiếp bước những tiến bộ đạt được từ các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG), để đảm bảo phát triển công bằng hơn và bền vững về môi trường, rất cần một hệ thống thống kê mạnh có thể đo lường và khuyến khích những tiến bộ đạt được trong thực hiện các mục tiêu SDG. Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm cần đầu tư khoảng 1 tỷ USD để giúp các quốc gia có thu nhập thấp hơn trên thế giới bắt kịp và áp dụng các hệ thống thống kê có khả năng hỗ trợ và đo lường SDG.

Một thách thức không thể không nhắc tới chính là nguồn viện trợ cho các hoạt động thống kê đang ngày càng thu hẹp. Việt Nam thực hiện xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Chiến lược và kế hoạch được kỳ vọng đặt ra những mục tiêu phát triển đầy tham vọng, phù hợp với vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thành công này cũng có nghĩa các nhà tài trợ sẽ bắt đầu phân bổ các khoản viện trợ không hoàn lại và các nguồn vốn hỗ trợ nhiều ưu đãi cho các quốc gia có nhu cầu cấp bách hơn. Năm 2017, Việt Nam đã không nằm trong danh mục các quốc gia được hỗ trợ ưu đãi của Ngân hàng Thế giới; và đến năm 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng làm điều tương tự. Như vậy, nguồn lực quốc tế hỗ trợ các hoạt động của Thống kê Việt Nam sẽ bị cắt giảm đáng kể, các điều kiện tài trợ cũng khắt khe hơn.

Thách thức khác đó là, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tầm ảnh hưởng sâu rộng của khoa học công nghệ đến đời sống con người. Có thể thấy một lượng lớn dữ liệu tiềm năng từ các công nghệ mới và các nguồn dữ liệu mới chưa từng tồn tại trước đây như dữ liệu không gian địa lý, hình ảnh vệ tinh, dữ liệu thiết bị di động và dữ liệu từ mạng xã hội… sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tăng độ chính xác cũng như cung cấp nền tảng cho hoạch định chính sách. Điều đó đòi hỏi các cơ quan thống kê quốc gia, trong đó có Tổng cục Thống kê phải nâng cao trình độ chuyên môn về các loại dữ liệu mới, nâng cao kỹ năng phân tích dữ liệu...

Định hướng phát triển công tác hợp tác quốc tế trong thời gian tới

Hợp tác quốc tế là trụ cột quan trọng góp phần nâng cao vị thế của cơ quan thống kê quốc gia. Do đó, trong thời gian tới, ngành Thống kê cần triển khai một số hoạt động sau.
Thứ nhất, mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong lĩnh vực thống kê. 
 
Mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế thông qua tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các cơ quan thống kê, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; tăng cường tìm kiếm đối tác, đề xuất nhu cầu hợp tác, xúc tiến hợp tác song phương, đa phương; huy động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các đối tác, các quốc gia có trình độ thống kê phát triển để nâng cao năng lực và triển khai các lĩnh vực thống kê Việt Nam quan tâm và ưu tiên, đặc biệt các lĩnh vực Thống kê Việt Nam cam kết tham gia cũng như toàn cầu hướng tới.
 

Hình thành đội ngũ công chức tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, đủ năng lực để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm thống kê cho các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực ASEAN, tham gia vào các Ban chỉ đạo, Nhóm công tác của Thống kê Liên hợp quốc, thống kê khu vực, các Nhóm công tác trong khuôn khổ hợp tác thống kê ASEAN, đặc biệt là các lĩnh vực thống kê mới.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác thống kê nói chung và thống kê nước ngoài nói riêng, đảm bảo so sánh quốc tế. 
 
Đẩy mạnh áp dụng phương pháp luận theo chuẩn mực quốc tế trong biên soạn số liệu thống kê, đảm bảo tính so sánh; tăng cường biên soạn và phổ biến thông tin thống kê của Việt Nam và quốc tế, đáp ứng tối đa yêu cầu của mọi đối tượng dùng tin.
 
Nghiên cứu, thu thập, phổ biến các đánh giá, xếp hạng và xu hướng phát triển hoạt động thống kê của các tổ chức quốc tế đối với Thống kê Việt Nam nhằm xác định vị trí của Thống kê Việt Nam trong khu vực và thế giới, từ đó đẩy mạnh khả năng đáp ứng số liệu của Việt Nam trên các lĩnh vực thống kê khác nhau nhằm nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, đổi mới cách thức quản lý, điều phối các dự án, các nguồn tài trợ nước ngoài cho Tổng cục Thống kê. Thành lập Ban Quản lý Dự án chung của Tổng cục Thống kê và triển khai thực hiện để quản lý tập trung, thống nhất, hiệu quả tất cả các dự án, chương trình, hỗ trợ do cơ quan thống kê các nước, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển cung cấp cho Tổng cục Thống kê./.
(Nguồn: Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế)

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top