Năm 1950, Việt Nam - Liên bang Nga thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo nền móng vững chắc cho mối quan hệ mới cho tương lai. Quan hệ hai bên ngày càng phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, được đánh dấu bằng những dấu mốc quan trọng hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và thiết lập đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.
Nhìn lại mối quan hệ đã và đang tiếp tục được gây dựng, hai nước tự hào về những thành tựu đã đạt được, trong đó hợp tác thương mại là một điểm nhấn quan trọng, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) được ký kết ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga đã có bước tiến mạnh mẽ và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga tăng nhanh, đạt 5,54 tỷ USD năm 2021, tăng gấp 2 lần (101%) so với năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 96% so với năm 2016.
Năm 2023, dù chịu tình hình bất ổn trên thế giới và khu vực tác động tiêu cực tới thương mại song phương Việt Nam - Nga, song kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 1,89 tỷ USD, giảm 5,2% (số liệu Tổng cục Thống kê).
Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên tăng ấn tượng, đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 955,6 triệu USD, tăng 44,7%; nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 (số liệu Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ của Bộ Công Thương).
Các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có tăng trưởng cao gồm: Hàng thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2023; Hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 82,4%; hạt tiêu đạt 12,5 triệu USD, tăng 96,2%; Hàng dệt may đạt 320,8 triệu USD, tăng 97,1%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 90,1 triệu USD, tăng 102%. Ở chiều ngược lại, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh từ Nga gồm quặng và khoáng sản các loại đạt 9,7 triệu USD, than các loại, hóa chất, phân bón các loại, kim loại thường khác, linh kiện, phụ tùng ôtô...
Về đầu tư, Nga đã có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD vào đầu những năm 2000 đã lên con số 3 tỷ USD năm 2023. Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Hai bên đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ LB Nga với các dự án lớn.
Mặc số liệu thống kê cho thấy kim ngạch thương mại trong các tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá quy mô hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của hai nước trên nền tảng quan hệ hết sức tốt đẹp.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước thời gian tới, Việt Nam và Nga cần khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Nga là thành viên, qua đó đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của mỗi nước và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng hàng hoá tại khu vực.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cần tận dụng tốt hơn các lợi thế và cơ hội để tăng cường đầu tư, sản xuất hàng hóa tại thị trường của nhau. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cần nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư vào Nga trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, may mặc, sản phẩm đồ gỗ...
Thêm nữa, hai bên cần sớm tìm kiếm các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, thách thức hiện nay để bảo đảm việc giao thương được thuận lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ chú trọng nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước
tự chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại
Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tự chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, khuyến khích địa phương/hiệp hội/doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tham dự triển lãm chuyên ngành cụ thể. Chẳng hạn như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại Nga trong năm 2024. Qua đó, giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng và giúp xuất khẩu Việt Nam-Nga tăng trưởng bền vững.
Từ phía Nga, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi cho rằng, Nga nên có chính sách ưu tiên miễn thị thực cho các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường, các đoàn xúc tiến thương mại và khách du lịch theo đoàn, thời gian tối thiểu là 30 ngày. Nếu chính sách này được áp dụng sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Cơ hội hợp tác thương mại giữa hai nước kỳ vọng sẽ rõ nét hơn qua kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin tới Việt Nam từ ngày 19-20/6. Bởi Chuyến thăm này không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Điều này góp phần củng cố tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của quan hệ hai nước trong tương lai.
Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo hai nước thảo luận và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại song phương, bao gồm thúc đẩy thực hiện các dự án hợp tác lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp. Kết quả hợp tác thương mại giữa hai nước sẽ góp phần mang đến một động lực mới để hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn, cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn./.
B.N