Tăng trưởng khoảng 5%, Trung Quốc duy trì vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

02/01/2025 - 02:35 PM
Trong bài phát biểu tại sự kiện mừng năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này năm 2024 dự kiến tăng khoảng 5%, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra ban đầu. Dự báo này cao hơn ước tính trước đó của các tổ chức quốc tế như S&P Global hay OECD, khi cho rằng kinh tế Trung Quốc 2024 tăng trưởng lần lượt khoảng 4,1% và 4,7%. Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) mới nâng mức nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm là 4,9% so với mức 4,8% đưa ra trong lần dự báo trước.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, năm 2024, dù còn nhiều thách thức nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển tích cực. Dự kiến GDP của Trung Quốc năm 2024 vượt 130 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 18,08 nghìn tỷ USD theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ấn định vào ngày 31/12/2024. Quy đổi theo tỷ giá bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc thì quy mô kinh tế nước này đạt 17,8 nghìn tỷ USD. Đây là năm thứ 14 Trung Quốc liên tục duy trì vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nơi có GDP 2024 có thể đạt 29.170 tỷ USD theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
 
Tăng trưởng khoảng 5%, Trung Quốc duy trì vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
GDP của Trung Quốc năm 2024 dự kiến tăng khoảng 5%, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra ban đầu
 
Theo đánh giá, nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua đã phát triển được các lực lượng sản xuất, lĩnh vực kinh doanh, hình thức và mô hình mới. Lần đầu tiên, hơn 10 triệu xe năng lượng mới (xe điện, xe lai) xuất xưởng một năm. Các lĩnh vực như mạch tích hợp, trí tuệ nhân tạo và truyền thông lượng tử có bước đột phá. Chính phủ Trung Quốc cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 8/2024, xuất khẩu của đất nước đông dân nhất thế giới bất ngờ tăng tốc, đạt mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Qua đó, ghi thêm điểm sáng cho bức tranh kinh tế vốn ảm đạm của Trung Quốc, đồng thời mang lại một cú hích cho nền kinh tế đang bị áp lực giảm phát đè nặng. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 9/2024, giới chức Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng mạnh tay như: Giảm lãi suất, nới lỏng các quy định mua nhà nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản và nhu cầu nội địa.
 
Tuy nhiên, nước này cũng gặp khó khăn trong phục hồi kinh tế, do suy thoái bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương tăng và niềm tin tiêu dùng giảm. Báo cáo ngày 31/12 từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của lĩnh vực sản xuất đạt 50,1 điểm trong tháng 12, thấp hơn mức dự báo 50,3 điểm mà các nhà phân tích đưa ra. Đặc biệt, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa đi đến hồi kết, xuất khẩu - động lực chính và điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc, có thể bị đe dọa bởi khả năng áp thuế cao hơn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức tại Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2025.
 
Theo thông tin từ Xinhua, để đối phó với tình hình trên, Trung Quốc sẽ thực hiện các chính sách chủ động và hiệu quả hơn, ưu tiên phát triển chất lượng cao, thúc đẩy tự lực và sức mạnh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời duy trì động lực phát triển kinh tế - xã hội ổn định.
 
Trước đó, các nhà lãnh đạo cấp cao nước này cũng đã công bố sẽ chuyển đổi chính sách tiền tệ sang “nới lỏng hợp lý” vào năm 2025, đánh dấu lần nới lỏng đầu tiên sau 14 năm. Đồng thời, cam kết thúc đẩy tiêu dùng và tăng phát hành trái phiếu để kích thích tăng trưởng với lượng trái phiếu đặc biệt siêu dài hạn, có trị giá kỷ lục là 3.000 tỷ nhân dân tệ (411 tỷ USD) vào năm 2025./.
 
T.H
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top