Tập trung các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong quý III/2024

08/07/2024 - 09:00 PM
Sáng ngày 6/7/2024,  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến với địa phương nhằm sơ kết, đánh giá tình hình KTXH tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện 3 CTMTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu, đột phá trong thời gian tới.
 
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thảo luận, phân tích sâu những mặt được, chưa được; rút ra bài học kinh nghiệm công tác điều hành, quản lý thời gian qua; đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành trong tháng Bảy và những tháng còn lại của năm 2024 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập để giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới.
 
Các đại biểu khẳng định: Nền kinh tế  nước ta 6 tháng đầu năm đã phục hồi trở lại như trước đại dịch COVID-19 và đạt nhiều kết quả quan trọng với 11 điểm nổi bật: Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,5-6%). Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,08% (lạm phát cơ bản tăng 2,75%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. 

Tính chung 6 tháng xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu 11,63 tỷ USD. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 8,6%. Số lượt khách quốc tế 6 tháng đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19). Tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu NSNN 6 tháng đạt 60% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm có 80.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% và 39.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,9% so với cùng kỳ

 
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện. Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên. Triển khai hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công để có khoảng 700 nghìn tỷ đồng thực hiện tăng lương với lộ trình phù hợp, được dư luận, người hưởng lương đồng tình cao.
 
Tập trung các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong quý III/2024
Thủ tướng quán triệt quan điểm chỉ đạo, điều hành để đạt mục tiêu đề ra,
phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024

Với những kết quả trên, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%. IMF đánh giá VN là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024-2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc...
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là phiên họp rất quan trọng, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của 6 tháng cuối năm để thực hiện thắng lợi, toàn diện kế hoạch năm 2024, tạo tiền đề, khí thế cho những năm tiếp theo, nhất là năm 2025 - năm kết thúc của nhiệm kỳ 2021-2026 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.  
 
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình quốc tế, khu vực, trong nước thời gian tới, Thủ tướng đề ra mục tiêu: Nỗ lực tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong quý III và đạt cao hơn trong quý IV/2024; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát giữ ở mức cho phép dưới 4,5%; bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư; bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia, giữ vững quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
 
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
 
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
 
Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (Thể chế, cơ chế, chính sách; Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, AI…). Đồng thời, thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế.
 
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quốc tế. Tăng cường thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội./.
P.V
 
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top