Tập trung phát triển cảng biển đưa Hải Phòng trở thành mắt xích logistics quan trọng của khu vực

07/03/2025 - 01:40 PM

Hải Phòng với hệ thống cảng biển quy mô lớn, đang ngày càng khẳng định vị thế cửa ngõ quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại quốc tế. Năm 2024, với sản lượng hàng hóa thông qua hơn 100 triệu tấn, Hải Phòng nằm trong top 3 cảng biển lớn nhất cả nước, cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Hiện thành phố Hải Phòng đang tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, với mục tiêu trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics khu vực.

Theo quy hoạch, năm 2030, năng lực vận tải hệ thống cảng biển Hải Phòng
sẽ đạt hơn 215 triệu tấn hàng hóa thông quan và 22.800 lượt khách

Quy hoạch đồng bộ, hiện đại

Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Hải Phòng là cảng biển đặc biệt trong hệ thống cảng quốc gia với các chức năng cảng cửa ngõ quốc tế, cảng tổng hợp quốc gia. Cảng biển Hải Phòng được quy hoạch 5 khu với khoảng 70 - 74 bến cảng, đảm bảo đến năm 2030 thông qua được hơn 215 triệu tấn hàng hóa và 22.800 lượt khách mỗi năm.

Hệ thống cảng biển Hải Phòng được quy hoạch thành 5 khu bến cảng, gồm: Khu bến Lạch Huyện, khu bến Đình Vũ, khu bến sông Cấm - Phà Rừng, khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc và khu bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ cùng các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hóa.

Cụ thể, khu bến Đình Vũ được quy hoạch 15 bến cảng (gồm 35 cầu cảng), đáp ứng nhu cầu thông qua 80 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khu bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ được quy hoạch 2 cầu cảng nhằm đáp ứng nhu cầu thông qua 100.000 - 200.000 tấn mỗi năm. Khu bến Lạch Huyện được quy hoạch là cảng hàng hóa và cảng hành khách lớn nhất trong hệ thống cảng biển Hải Phòng với 13 - 16 bến cảng (gồm 14 - 18 cầu cảng). Các bến cảng khu bến Lạch Huyện có công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu thông qua từ 61,4 - 90 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, vận chuyển từ 10.500 - 11.000 lượt hành khách/năm. Đến năm 2050, khu bến này có quy mô mở rộng tới 20 bến cảng container.

Khu bến sông Cấm - Phà Rừng không phát triển, mở rộng mà từng bước di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng hiện hữu từ khu vực cầu Bạch Đằng đến hạ lưu cảng Vật Cách với lộ trình phù hợp quy hoạch phát triển TP. Hải Phòng và tiến trình đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu bến Văn Úc. Khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, tại khu vực Nam Đồ Sơn có 2 bến khởi động đáp ứng nhu cầu thông qua từ 10 - 12 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, vận chuyển từ 9.900 - 11.800 lượt hành khách/năm. Khu vực sông Văn Úc được phát triển đồng bộ với tiến trình di dời các bến cảng trong sông Cấm và lộ trình đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liền kề.

Nghị quyết số 45 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị đều xác định Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại với hạt nhân là cảng biển cửa ngõ quốc tế. Việc Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển được phê duyệt là cơ hội để Hải Phòng tiếp tục phát huy lợi thế lớn về tiềm năng, vị trí hướng biển, mở rộng không gian phát triển. Đây cũng là cơ sở để Hải Phòng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 2 bến khởi động khu bến cảng Nam Đồ Sơn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2026, triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác trước năm 2030 như mục tiêu đề ra.

Phát huy lợi thế, tăng cường hợp tác quốc tế

Trên cơ sở hệ thống bến cảng được quy hoạch, Hải Phòng tập trung và ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tại khu vực cảng biển tại Hải Phòng như: Đầu tư xây dựng luồng sông Văn Úc - Nam Đồ Sơn và hệ thống đê (giai đoạn khởi động cảng Nam Đồ Sơn), nâng cấp mở rộng luồng hàng hải kênh Hà Nam, đoạn luồng Lạch Huyện (bao gồm vùng quay tàu)… Từ đó, tăng lợi thế cạnh tranh và mở ra những cơ hội mới cho ngành logistics, đặc biệt, đón được các “ông trùm” tàu biển trên thế giới, góp phần đưa Hải Phòng sớm chạm tới mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

Hiện nay, Hải Phòng có thêm một số bến cảng mới hoạt động tại Lạch Huyện sẽ giúp vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang châu Mỹ, châu Âu không cần trung chuyển qua nước thứ ba. Qua đó, giúp giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng cũng không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại với năng lực giải phóng tàu nhanh, giúp tối ưu hóa hiệu quả vận hành và giảm thiểu chi phí các hãng tàu. Đơn cử như Cảng Container quốc tế Hateco Hải Phòng, trong quý I/2025, đang đầu tư nâng cấp thiết bị chuyên dụng như 5 cẩu STS và 14 cẩu RTG hiện đại và lớn nhất với năng lực nâng hàng lên đến 24 container (tương đương với cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay).

Bên cạnh đó, để cảng biển Hải Phòng vươn lên trở thành cảng trung chuyển quốc tế, TP. Hải Phòng đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ về việc nghiên cứu phát triển dự án Cảng Nam Đồ Sơn, xây dựng nơi đây trở thành cảng cửa ngõ hiện đại nơi trung chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh cảng cũng chủ động tăng cường hợp tác, mở các tuyến dịch vụ mới kết nối trực tiếp giữa các cảng của Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á.

Từ những nỗ lực này, năm 2024, lần đầu, khu vực cảng biển Hải Phòng đạt sản lượng hàng thông qua hơn 100 triệu tấn (106 triệu tấn), tăng hơn 10% so với năm 2023. Tuyến luồng hàng hải Hải Phòng trở nên sôi động, nhộn nhịp nhất cả nước, với hơn 17 nghìn lượt tàu thuyền ra vào cảng làm hàng. Kết quả ấn tượng trên là cơ sở để Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đặt ra mục tiêu cao trong năm 2025, với hơn 115 triệu tấn hàng thông qua./.

Trịnh Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top