Thách thức xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2021

26/10/2021 - 02:24 PM

Những tháng đầu năm 2021, nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao đem đến kỳ vọng cho xuất khẩu gạo Việt sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới khiến xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng cuối năm 2021 gặp nhiều thách thức, cần có hướng đi bền vững.

Cơ hội gia tăng thị trường xuất khẩu gạo

Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đóng góp giá trị vài tỷ USD/năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2021 được đánh giá có nhiều cơ hội gia tăng thị phần. Năm 2021, thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết như: Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, qua đó giúp gạo Việt Nam có cơ hội bứt phá và được biết đến nhiều hơn, xuất khẩu gạo dần mở rộng sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản, với giá trị ngày càng gia tăng. Ngoài ra, với mức thuế ưu đãi trong các hiệp định FTA, gạo Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và cơ hội tăng trưởng tại thị trường EU, Anh và các nước thuộc EAEU.

 Thách thức xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2021

Ảnh minh họa

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, lượng gạo thơm xuất khẩu (Jasmine, DT8, KDM…) đã tăng khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,16 triệu tấn và chiếm gần 39% tổng khối lượng gạo xuất khẩu (3,03 triệu tấn) của cả nước. Đặc biệt có khoảng 38,3 nghìn tấn gạo ST24 và 2,7 nghìn tấn gạo ST25 đã được xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, tăng vọt 11,5 lần và 154,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 90% lượng gạo ST 24 (khoảng 34 nghìn tấn) được xuất khẩu sang Trung Quốc và 95% (2,5 nghìn tấn) gạo ST25 xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như: EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, những năm qua với việc đẩy mạnh triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng. Hiện ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã có những thành tựu, hoàn toàn thích ứng với điều kiện cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với các nước trồng lúa gạo trên thế giới. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra dự báo, năm 2021, Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với dự kiến xuất 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến xuất 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Trong chính sách xuất khẩu gạo, ngày 26/1/2021, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Theo đề án mục tiêu cụ thể đến năm 2025 Việt Nam giữ diện tích đất lúa 3,6-3,7 triệu ha, diện tích gieo trồng 7-7,2 triệu ha, sản lượng lúa 40-41 triệu tấn; xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%. Đến năm 2030 giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha, linh hoạt diện tích gieo trồng, đảm bảo tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm; xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%. Mục tiêu của đề án đã cho thấy chiến lược của ngành gạo đang giảm dần từ lượng sang chất nhằm tập trung nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, chủ trương này cũng đang được các thương nhân xuất khẩu gạo hưởng ứng tích cực chuyển dần tỷ trọng các loại gạo trắng sang gạo thơm chất lượng cao, có giá trị tốt hơn, đồng thời tập trung vào những thị trường có nhu cầu cao hơn về gạo chất lượng cao như: EU, Mỹ, Nhật Bản…

Trước đó năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Chính phủ, Bộ Công thương về kinh doanh xuất khẩu gạo như: Loại bỏ quy định về địa bàn đầu tư xây dựng, quy mô kho chứa, cơ sở xay xát chế biến thóc, gạo; khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao; thương nhân có thể thuê kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh… Sự thay đổi này là bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội mở rộng khai thác các thị trường như: Hàn Quốc, EU... Bộ cũng sẽ thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics… giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường

Các đơn vị chức năng đã xây dựng lô-gô gạo Việt Nam và đưa vào sử dụng cùng với quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về gạo trắng, gạo thơm, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN về xay xát. Đến nay, gạo Việt Nam đã bắt đầu có tiếng trên thị trường thế giới, trong đó gạo ST 25 của Việt Nam đạt giải cao nhất tại cuộc thi "gạo ngon nhất thế giới" năm 2019.

Thách thức xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2021

Thiếu container vận chuyển, giá cước vận tải nội địa cao cùng với việc đầu tháng 8 do phải tuân thủ những quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là những khó khăn mà ngành lúa gạo đang phải đối mặt. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có đơn hàng nhưng do thực hiện giãn cách nên thiếu nhân lực, hàng ùn ứ tại cảng chưa thể xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các thương nhân xuất khẩu gạo, đây chỉ là khó khăn nhất thời còn về tổng quan tổng nhu cầu gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng trong khi nguồn cung từ các quốc giá xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan sẽ giảm, đây là cơ hội để gạo Việt đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm 2021.

 Thách thức xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2021 1

Ảnh minh họa 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo những tháng cuối năm cho thấy các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á như: Philippines, Indonesia và Malaysia đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nên dự báo hoạt động xuất khẩu gạo sẽ khó khăn hơn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dẫn nguồn tin của Reuters, cho biết: Indonesia sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo trong 1 năm do tồn kho nội địa đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch năm 2021 của Indonesia dự báo cao hơn năm 2020, đạt 33 triệu tấn. Không chỉ vậy một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines cũng đã có những động thái thay đổi trong giảm thuế nhập khẩu gạo. Điều này tạo cơ hội cho gạo Việt tăng xuất khẩu vào thị trường Philippines nhưng cũng khiến lợi thế xuất khẩu gạo của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh bị giảm sút. Cụ thể, Philippines thực hiện chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 40-50% xuống 35% là mức thuế suất ưu đãi mà Việt Nam đã được hưởng trước đó thì nay mức giảm thuế này đã tạo thêm lợi thế cho Ấn Độ và Pakistan để các nước này đưa ra mức giá cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, Ấn Độ đang có tiến độ xuất khẩu gạo chậm lại, trong khi đó xuất khẩu gạo của Thái Lan dự báo sẽ chỉ ở mức 5,2-5,5 triệu tấn trong năm nay, tức giảm gần nửa triệu tấn so với dự kiến đầu năm. Việc Thái Lan quyết định cắt giảm lượng gạo xuất khẩu là do giá xuất khẩu thấp, hạn hán, mất mùa và đồng Baht mất giá. Đây cũng được coi là lợi thế cho gạo Việt Nam.

Trước những thách thức xen lẫn cơ hội của thị trường xuất khẩu gạo, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, giá gạo Việt Nam cũng đã liên tiếp được điều chỉnh giảm nhiều đợt, tổng các đợt giảm khoảng 15%. Ngoài ra, cạnh tranh trong xuất khẩu gạo trắng đã khiến nhiều thương nhân xuất khẩu gạo Việt ngày càng có xu hướng chú trọng tới phân khúc các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao để vừa gia tăng giá trị lại có thị trường ổn định hơn. Việc chuyển dịch cơ cấu loại gạo xuất khẩu có chất lượng cao hơn được kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021./.

Minh Đạt

 

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top