Là một trong những địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) sớm nhất cả nước (năm 2019), tỉnh Thái Bình tiếp tục phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025 và đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn.
Linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thái Bình chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị; phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã ban hành bộ tiêu chí mới trong xây dựng NTM, trong đó một số tiêu chí, chỉ tiêu mới và yêu cầu của các tiêu chí cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020, như: Phát triển sản xuất; cơ sở, vật chất trường học: Tỷ lệ học sinh/lớp học, các phòng hiệu bộ, phòng chức năng… ; cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; chuyển đổi số trong xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người,… đặt ra yêu cầu cho các địa phương cần phải tập trung nhiều nguồn lực, kinh phí thực hiện. Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình theo tinh thần xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình,
Chủ tịch Hội đồng xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao,NTM kiểu mẫu phát biểu tại cuộc họp xét,
công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cho 02 xã An Hiệp(Quỳnh Phụ), Đông Hoàng (Đông Hưng).
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương được triển khai, Tỉnh đã có nhiều văn bản mang tính định hướng, đồng thời có nghị quyết thông qua phương án phân bổ vốn thực hiện Chương trình, có cơ chế, chính sách hỗ trợ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như: Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2025; Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 quy định mức thưởng cho các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2022...
Theo đó, từ nguồn ngân sách tỉnh, khi huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao theo quy định tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ 20 tỷ đồng mỗi huyện để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Khi xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2021 - 2025, Thái Bình hỗ trợ 3 tỷ đồng mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hỗ trợ 5 tỷ đồng mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, quan điểm của Tỉnh là hạn chế tối đa việc xây dựng các cơ chế mang tính dàn trải, hiệu quả không cao; tập trung xây dựng cơ chế mang tính định hướng, thống nhất, đủ sức hút để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Với phương châm "làm từ đồng làm vào, làm từ hộ gia đình đến thôn xóm, từ thôn xóm đến xã, huyện", lấy thôn xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM; chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn; chọn những sản phẩm, nghề là thế mạnh của địa phương để khuyến khích phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo phương châm "ly nông bất ly hương". Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Những kết quả tích cực
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện Chương trình xây dựng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Thái Bình đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình đạt 3.395,26 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân đóng góp 843 tỷ đồng, chiếm 24,82%.
Tính đến hết tháng 6 năm 2024, Thái Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 07 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, đã có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 13,73% số xã trong toàn Tỉnh; đồng thời đã tiến hành thẩm định và hoàn thiện các thủ tục để xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 cho 9 xã. Toàn tỉnh có 187 xã đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt với 1.467,161km đèn điện “thắp sáng đường quê”, các địa phương đã lắp đặt được 888,942km; toàn Tỉnh có183 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao.
Diện mạo khang trang của xã An Thái ( huyện Quỳnh Phụ),
xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thái Bình nhìn từ trên cao
Đặc biệt, tiêu chí số 17 về môi trường luôn được tỉnh Thái Bình chú trọng thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (nước máy) đạt 98,31%. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đều nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có thủ tục môi trường theo quy định; đối với các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, hộ gia đình đều được UBND xã, thị trấn kiểm tra và ký xác nhận cam kết về BVMT. Các làng nghề nêu trên đều đã lập phương án BVMT được UBND huyện thẩm định và phê duyệt. Hệ thống thu gom, tiêu thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư được các xã thực hiện xây dựng đồng bộ cùng với xây dựng đường giao thông nông thôn; tổ chức các phong trào vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng hoa nơi công cộng, trong khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông; hoạt động tổng vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên vào thứ Bẩy, Chủ nhật tuần cuối cùng hằng tháng; đã hình thành một số mô hình phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đem lại hiệu quả cao; các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,... đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chỉnh trang, vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, thị trấn và đã đăng ký tiếp nhận quản lý các tuyến đường, dòng sông quê hương và các khu vực công cộng, đã tham gia xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh góp phần làm bộ mặt nông thôn ngày càng sáng - xanh- sạch - đẹp. Có 100% số xã có hợp tác xã môi trường, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục làm thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh Thái Bình. Nếu như ở giai đoạn trước, nông thôn Thái Bình có sự thay đổi lớn về diện mạo thì nay việc phát triển đã đi vào chiều sâu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển khá đồng bộ, tạo nên diện mạo mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch đẹp. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, khu xử lý rác thải tập trung, hạ tầng thương mại nông thôn... từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng (thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2023 ước đạt 58,22 triệu đồng/người), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 1,87%.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới là cầu nối giữa hộ gia đình và doanh nghiệp
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống diện tích 270 ha/năm của Hợp tác xã Đông Quý (huyện Tiền Hải); mô hình tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn, ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Bình Định (huyện Kiến Xương); mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây màu giá trị kinh tế cao, diện tích trên 300 ha của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông (huyện Hưng Hà).
Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Đến thời điểm hiện nay, Thái Bình thu hút được hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao như: Dự án nhà máy chế biến thực phẩm sạch của Tập đoàn TH; dự án nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco…
Các chương trình: Phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng tiêu chí an ninh trật tự... được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Nhân dân phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Năm 2024, toàn Tỉnh có 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, dự kiến sẽ có 5 xã gồm: An Thanh (Quỳnh Phụ); Nam Cường (Tiền Hải); Bình Định (Kiến Xương); Thụy Ninh, Thụy Duyên (Thái Thụy) nhiều khả năng được công nhận xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024 và trong 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến 15 xã có khả năng được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024.
Với những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình, Thái Bình tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao như kế hoạch đã đề ra.
• Trong các năm từ 2021 - 2023 đã đầu tư xây dựng, nâng cấp: 23,11 km đường trục xã; 16,84km đường trục thôn; 17,71 km đường nhánh cấp 1 trục thôn; 99,855km đường giao thông trục chính nội đồng; 81,1 km kênh cấp 1 loại 3; 545 phòng học, hạng mục phụ trợ cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; 22 nhà văn hóa xã, 16 sân thể thao xã, 32 nhà văn hóa thôn, 21 sân thể thao thôn; 12 nghĩa trang; 13 chợ nông thôn; 5 phòng chức năng của trạm y tế...
• Thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, đến nay toàn tỉnh có 187 xã đã đăng ký thực hiện lắp đặt với 1.467,161 km đèn điện “thắp sáng đường quê”, các địa phương đã lắp đặt được 888,942 km.
• Toàn tỉnh có 141 làng nghề được cấp bằng công nhận; có hơn 1.000 doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nghề và làng nghề với tổng số lao động 67.473 người, doanh thu 11.691 tỷ đồng. |
Thành Nam