Thăng hoa thị trường chứng khoán Việt Nam

16/02/2022 - 03:11 PM
Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Năm 2021, mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong cả năm, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp.
 
Với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với đời sống kinh tế - xã hội trong nước. Lần đầu tiên, kinh tế tăng trưởng âm 6,02% trong quý III, khiến GDP cả năm chỉ tăng 2,58%, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại ghi dấu một năm “thăng hoa” với các mốc kỷ lục mới được xác lập trên chặng đường phát triển 21 năm. Hiện nay, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng trên 45,5% so với cuối năm 2020, tương đương 92% GDP. Dấu ấn lớn nhất phải kể đến, đó là VN-Index lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm (ngày 26/11), đánh dấu ”đỉnh lịch sử” về chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, số tài khoản giao dịch mở mới cũng đạt kỷ lục, tính chung 11 tháng năm 2021, có hơn 1,3 triệu tài khoản mở mới toàn thị trường, lớn hơn số tài khoản của 4 năm trước cộng lại và cao gấp 3,3 lần số lượng mở mới năm 2020; bình quân số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản/tháng. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Việt Nam, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đạt 4,1 triệu tài khoản, tăng 43,7% so với cuối năm 2020 (tương đương hơn 4% dân số cả nước). Với sự “bùng nổ” về số tài khoản mở mới, thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng chưa từng có. Tính chung từ đầu năm đến ngày 27/12/2021, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 26.526 tỷ đồng/phiên (trên 1 tỷ USD/ phiên), tăng 257,5% so với bình quân năm trước. Đặc biệt lập kỷ lục trong phiên ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 2,3 tỷ USD. Quy mô giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã vượt Singapore, đứng thứ hai trong ASEAN, sau Thái Lan. Thị trường chứng khoán Việt Nam lọt vào trong TOP thị trường mang lại suất sinh lời cao trên thế giới.

Một số ngành kinh tế trên thị trường chứng khoán có kết quả tốt trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như: Ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, xây dựng, bất động sản….

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư vào sản xuất đầy rủi ro, lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức độ thấp, dẫn đến dòng tiền tiết kiệm của người dân và tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp chưa đầu tư vào sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19, đã tạm thời chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán và thị trường bất động sản. Luồng tài chính luân chuyển trên thị trường chứng khoán chưa thể vượt qua khỏi hệ thống ngân hàng để đi vào sản xuất. Do đó, luồng tài chính này chỉ phần nào hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng phát triển tích cực chứ chưa thực sự đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặt khác, quy mô của thị trường vốn còn nhỏ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, các doanh nghiệp phát hành chủ yếu là riêng lẻ, tỷ trọng phát hành trái phiếu ra công chúng còn nhỏ. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán chưa cao; số lượng các nhà đầu tư tổ chức đã được cải thiện nhưng còn hạn chế, các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số. Thị trường chứng khoán phái sinh đã và đang phát triển với tốc độ nhanh nhưng quy mô vẫn nhỏ, cơ sở nhà đầu tư chưa cân bằng, bền vững. Do đó, tác động thực sự của thị trường chứng khoán đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện này vẫn khá hạn chế.

Qua một năm phát triển đầy thăng hoa, sang năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng đối mặt với rủi ro, xuất phát từ các yếu tố như: Ngân hàng Trung ương trên thế giới đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm; Khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế dần phục hồi, dòng tiền sẽ dịch chuyển nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh, qua đó có thể ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán; Mức dư nợ giao dịch ký quỹ toàn thị trường tăng nhanh trong thời gian qua tiềm ẩn rủi ro khi thị trường điều chỉnh giảm; Rủi ro tiểm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhưng không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản bảo đảm hạn chế; Nhà đầu tư cá nhân tăng tỷ trọng trên thị trường chứng khoán trong các tháng cuối năm có thể tăng thêm tâm lý đầu tư theo bầy đàn.

Mặc dù tiềm ẩn một số rủi ro nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng tới khó có những biến động quá mạnh và vẫn còn dư địa cho ổn định và tăng trưởng trong trung hạn, do mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn dồi dào và triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sau khi đại dịch được kiểm soát./.

 
Trần Việt Thúy
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia – TCTK
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top