Thăng Long Tứ Trấn - Nét văn hóa lịch sử đặc sắc của Hà Nội

15/02/2022 - 03:34 PM
Thăng Long Tứ trấn được coi là biểu tượng của Hà Nội ngàn năm văn hiến, mang đậm nét văn hóa lịch sử và là di tích linh thiêng lưu giữ vẻ đẹp của chốn kinh kì, là những chiếc cầu nối truyền thống ngàn năm của Kinh Đô Thăng Long xưa tới Hà Nội hôm nay.
 
Thăng Long Tứ trấn, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010, là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông; Đền Voi Phục trấn ở phía Tây; Đền Kim Liên trấn ở phía Nam; Đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc. Đây còn được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kì, là biểu tượng vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Đông Trấn: Đền Bạch Mã

Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỉ thứ 9, là nơi thờ thần Long Đỗ - vị thần có gốc Hà Nội cổ, ngôi đền trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long tọa lạc ở địa phận thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, nay là số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Đền Bạch Mã là ngôi đền có lịch sử xây dựng sớm nhất trong Tứ Trấn. Tương truyền khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La vào năm Canh Tuất 1010, định xây thành mới nhưng lần nào thành cũng bị lở, vua bèn sai người đến cầu đảo thì thấy có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, ngựa trắng đi đến đâu để lại vết chân đến đó, sau đó thì quay trở lại vào trong đền.

Thấy vậy, vua liền cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ấy và thành công, do đó đền mới lấy tên là Đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thần Long Đỗ làm Thành Hoàng phía Đông của kinh thành Thăng Long. Trải qua bao lần tôn tạo, ngôi đền tuy đã có sự thay đổi nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc vốn có của nó.

Tượng ngựa trắng được thờ bên trong đền từ lâu đã trở thành biểu tượng linh thiêng của ngôi đền. Bên trong đền còn là nơi lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị cùng nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là hình ảnh 15 tấm văn bia ghi lại những điển tích, thần thoại trong việc xây dựng đền, những nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu tôn tạo lại đền rất chi tiết.

Đền Bạch Mã còn là nơi ghi dấu lại nét đặc trưng của phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn.

Điểm nổi bật của nét kiến trúc bên trong ngôi đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, bộ đỡ mái đều được làm theo đúng kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, nét chạm khắc tỉ mỉ, chắc, khỏe.

Hàng năm, đền thường tổ chức lễ hội vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch hàng năm và thường có đoàn rước kiệu mặc những bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc lộng lẫy. Lễ hội của đền được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa đông qua và đón mùa xuân mới, mong sao cho mùa màng bội thu, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc, đó chính là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình ảnh hưởng từ Đạo giáo, chính sự dung hòa đó đã tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội đền Bạch Mã.

Đền Bạch Mã từ lâu đã trở thành một di sản lịch sử, văn hóa quan trọng, là một trong những điểm đến tâm linh của nhân dân thủ đô. Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia năm 1986.

Tây Trấn: Đền Voi Phục

Là “Tây trấn chính từ”, đền Voi Phục tọa lạc ở phía Tây thành Thăng Long, nay là phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi đền nằm trên gò Long Thủ và được bao quanh giữa những tán cây cổ thụ xanh tốt.
Được xây dựng năm 1065 trên một khu gò đất cao thuộc vùng đất của trại Thủ Lệ, là nơi thờ Hoàng tử Linh Lang con vua Lý Thái Tông và bà phi thứ chín Dương Thị Quang. Hoàng tử Linh Lang là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và đã hi sinh trên phòng tuyến sông Cầu năm 1076. Sau khi mất, Hoàng tử Linh Lang được người dân Thủ Lệ đã lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần cai quản Tây trấn để giữ bình yên cho phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.

Sở dĩ đền còn có tên gọi là đền Voi Phục vì phía trước đền có đắp hai con voi quỳ gối. Tương truyền khi hoàng tử Linh Lang đi đánh giặc thì có con voi quỳ xuống người đưa hoàng tử lên trên vành voi để ra đánh giặc.

Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc ngôi đền cũng đã thay đổi nhiều, song ngôi đền vẫn giữ được vẻ uy nghi, sự linh thiêng vốn có.

Vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm đền thường tổ chức lễ hội mang tính chất mở với sự tham gia của du khách thập phương mang ý nghĩa cầu bình an, tiền tài, danh vọng, hình ảnh lễ rước kiệu còn mang ý nghĩa kiệu thánh đi vi hành ban lộc, ban phúc cho nhân dân.

Ngoài những ý nghĩa trấn yểm, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long luôn được bình yên, đền còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau xuyên suốt dòng chảy văn hóa lịch sử và đã trở thành vẻ đẹp của Hà Nội cần được giữ gìn và bảo tồn. Đền Voi Phục chính thức được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1962.

Nam Trấn: Đền Kim Liên

Di tích lịch sử văn hóa Đình - Đền Kim Liên nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa thành phố Hà Nội đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - một trong Tứ trấn Thăng Long hay còn được gọi là “Trấn Nam Phương” của thủ đô Hà Nội. Đền thờ thần Cao Sơn đại vương-người đã có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê và được nhà vua lập đền thờ để tương nhớ.

Theo sử liệu tại đền, đền Kim Liên được xây dựng từ khi vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để bảo vệ phía Nam kinh thành mới. Đình Kim Liên được xây dựng tựa lên một gò đất cao nhất vùng cũng là nơi mở ra ô Kim Hoa (còn gọi là ô Đồng Lầm), cửa ngõ giao lưu giữa vùng Sơn Nam về với Kinh thành.

Kết cấu Đình và Đền Kim Liên gồm có Nghi môn, Đại bái và Cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc.

Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta. Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng là Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương và Huệ Minh công chúa.

Trong Đền Kim Liên có tấm bia đá rất lớn được chạm khắc tinh xảo, Bia có khắc: “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 nói về công lao của thần Cao Sơn Đại Vương trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích. Đây chính là di vật quan trọng nhất tại đền Kim Liên mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tại Đình Kim Liên còn lưu giữ 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, 26 sắc phong thời Lê Trung Hưng, 13 sắc phong thời nhà Nguyễn.

Năm 1990, đền Kim Liên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngày nay, đình đã được tu bổ và xây mới lại trên nền của di tích cũ.

Trước đây, lễ hội đền Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 - 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm - đây là ngày sinh của thần Cao Sơn.

Bắc Trấn: Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long.
Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ, là một ngôi đền mang nét kiến trúc khá đẹp, độc đáo. Trong đền có thờ một pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm 1677. Vị quan trực tiếp chỉ huy đúc tượng Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ là Vũ Công Chấn. Ông cho đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng hun đen, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó. Đặc biệt, năm 2016 pho tượng này đã được công nhận là 1 trong những bảo vật quốc gia.

Bức tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96 m, nặng 4 tấn, toát lên vẻ uy nghi, đầy sức mạnh với các đường nét rất tinh tế, có hồn và mang dáng vẻ riêng biệt. Tượng tạc hình ảnh đức Huyền Thiên Trấn Vũ vị thần của Đạo giáo, có tài bắt quyết trừ ma, thu phục rùa và rắn yêu quái. Tượng mặc áo đạo sĩ, ngồi trên một tảng đá lớn, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa.

Ngoài pho tượng nổi tiếng trên, Đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác như: chiếc khánh đồng từ thời Tây Sơn, đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng vạc đồng, lư hương đồng… và 52 bộ hành phi câu đối từ các thời.

Đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới… được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Đền Quán Thánh không chỉ là một công trình độc đáo về mặt kiến trúc mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Hà Nội xưa. Đến nay, vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, Đền đều tổ chức lễ hội để người dân tưởng nhớ người đã có công diệt trừ tà ma, yêu quái để người dân luôn được bình yên. Bên cạnh đó, vào những ngày mùng một, rằm hoặc lễ tết ngôi Đền này cũng đón tiếp rất nhiều du khách và người dân đến dâng hương, cầu bình an, tài lộc.

Có thể nói đến nay trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng giá trị của “Tứ trấn” vẫn còn vẹn nguyên và trở thành một phần không thể thiếu của nét văn hóa đất Hà Thành, “Tứ trấn” vẫn ngày đêm trấn giữ để bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay ngày càng yên bình, phồn vinh./.

 
Thu Hường
 
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top