Thành Gia Định, truông Nhà Hồ và phá Tam Giang - Những dấu tích xưa

12/02/2020 - 03:37 PM

Thành Gia Định, truông Nhà Hồ và phá Tam Giang là những địa danh nổi tiếng xưa kia, mỗi địa danh không chỉ mang một câu chuyện còn là bức tranh phản ánh một khía cạnh trong giai đoạn văn hóa lịch sử của dân tộc.

Thành Gia Định

        Thành Gia Định, hay thành Sài Gòn còn được biết đến với tên thành Phiên An, tồn tại từ năm 1790 đến năm 1859. Trong một thời gian dài, Thành Gia Định có vai trò rất quan trọng về mặt chính trị quân sự, địa lý của vùng Gia Định.

Thành Gia Định, truông Nhà Hồ và phá Tam Giang - Những dấu tích xưa

Năm 1790, dựa trên thiết kế của một người Pháp là Olivier de Puymanel (Việt danh là Ông Tín), Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh xây dựng Thành Bát Quái tại làng Tân Khai, huyện Bình Dương, Gia Định sau này là Sài Gòn. Thành Bát Quái có lối kiến trúc hỗn hợp Đông - Tây theo kiểu hình Vauban có chu vi 3,8 km, gồm 8 cửa (phía Nam là cửa Càn Nguyên và cửa Li Minh, phía Bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiền, phía Đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấm Chí, phía Tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Duyệt). Vào thời Minh Mạng, các cửa đã được đổi lại tên, cụ thể: Phía Nam là cửa Gia Định và cửa Phiên An, phía Bắc là cửa Củng Thần và cửa Vọng Thuyết, phía Đông là cửa Phục Viễn và cửa Hoài Lai, phía Tây là cửa Tĩnh Biên và cửa Tuyên Hóa.

Sau này khi Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn, ông xây thành cao thêm 1 thước 5 tấc. Sau khi được xây dựng, quân Tây Sơn đã không chiếm thành một lần nào nữa, giúp cho Nguyễn Ánh có được một lợi thế nhất định.

Năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt chiếm thành, làm căn cứ chính cho cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Đến năm 1835, triều đình nhà Nguyễn đánh bại Lê Văn Khôi và đến năm 1836 vua Minh Mạng ra lệnh phá bỏ thành Bát Quái, cho xây mới Thành Gia Định thứ hai hay còn được gọi là Phụng Thành. Phụng Thành được xây dựng ở Đông Bắc thành cũ theo kiểu thành trì kinh điển của Vauban nhưng nhỏ hơn thành Bát Quái, chỉ có bốn pháo đài bốn góc so với tám pháo đài của thành Bát Quái cũ. Tường thành cao 4,7 m, mỗi cạnh dài trên 490 m được làm từ đá granite, gạch và đất. Xung quanh thành có hào nước bao bọc.

Năm 1859, quân Pháp mở cuộc tấn công và chiếm thành Sài Gòn (tức thành Gia Định). Để tránh quân triều đình nhà Nguyễn tấn công đánh chiếm lại thành, quân Pháp đốt cháy kho tàng, phá hủy thành Sài Gòn.

Ngày nay, vị trí của Phụng Thành nằm trong phạm vi bốn con đường: Nguyễn Bỉnh Khiêm là mặt Đông thành, Mạc Đĩnh Chi là mặt Tây thành, Nguyễn Đình Chiểu là Bắc thành và Nguyễn Du là mặt Nam thành. Dấu tích duy nhất ngày nay còn lại là bức tranh vẽ ảnh thực dân Pháp tấn công thành và những tàn tích dọc đường Đinh Tiên Hoàng về phía gần xưởng Ba Son.

Truông Nhà Hồ và phá Tam Giang

Trong câu ca dao xưa:

“Yêu em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”.

Hai địa danh truông nhà Hồ và phá Tam Giang trong câu ca dao trên là những địa danh nổi tiếng trong thời Trịnh, Nguyễn phân tranh. Xưa kia, nhắc tới tên của hai địa danh này sẽ là nỗi lo sợ của người dân.

Trước đây, truông Nhà Hồ vốn là một vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc để cướp của, đòi tiền mãi lộ.
 

Thành Gia Định, truông Nhà Hồ và phá Tam Giang - Những dấu tích xưa 1

Sau này, Chúa Nguyễn lệnh cho quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng vào đánh dẹp đám cướp ở truông nhà Hồ. Ông cũng đã chiêu mộ dân chúng đến lập các làng xung quanh truông, tạo nên các làng quê trù phú. Truông Nhà Hồ còn trở thành nơi trú ngụ của các nghĩa sĩ Cần Vương đi theo vua Hàm Nghi và tướng Tôn Thất Thuyết chống thực dân Pháp. Trong cuộc chiến tranh cứu nước, truông nhà Hồ không còn là truông vắng mà trở thành đường lớn, tấp nập xe pháo hành quân và được đặt tên mới là “Dốc 6 độ”. Địa danh truông Nhà Hồ nằm ở đoạn giáp giới giữa xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình).

Cùng với truông nhà Hồ, phá Tam Giang nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang hơn 50km2, trải dài khoảng từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương thuộc địa phận 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên - Huế (hơn 20 km).

Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Nơi giao điểm của các con sông, cửa ra biển hẹp nên có nhiều vùng nước xoáy, sóng to gió lớn dễ gây lật thuyền nên thuyền bè không dám qua lại. Theo tương truyền phá Tam Giang có sóng thần, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị “sóng ông, sóng bà” ở đây đánh chìm. Sau này, để trị sóng thần phá Tam Giang quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã cho lính cải tạo mở rộng cửa và đáy phá Tam Giang nên các tai nạn giảm đáng kể, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang ngày càng nhộn nhịp hơn.
 

Thành Gia Định, truông Nhà Hồ và phá Tam Giang - Những dấu tích xưa 2

Hiện, phá Tam Giang là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Phá Tam Giang mang trong mình nét đẹp hoang sơ, vắng lặng, bình yên và là điểm đến du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu và ngắm vẻ đẹp khi chiều xuống của phá Tam Giang. Ở đây, du khách cũng có thể trải nghiệm cuộc sống của những gia đình người ngư phủ lênh đênh trên mặt nước.

Ngày nay, nỗi lo sợ về truông Nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nói tới hai địa danh này người ta nghĩ tới những điểm du lịch tham quan hấp dẫn làm nức lòng du khách./.

Hiền Ngân
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top