Thanh Hoá là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú để phát triển du lịch nông thôn. Những năm gần đây, Thanh Hoá đã vận dụng và phát huy lợi thế đó, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn
Thanh Hoá có diện tích 11.114,70 km², lớn thứ 5 cả nước; dân số 3.640.128 người, đứng thứ 3 cả nước. Khu vực nông thôn Thanh Hóa là một vùng rộng lớn bao gồm nhiều loại địa hình khác nhau, đan xen như: Địa hình núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Địa hình núi và trung du phân bố ở 11 huyện miền núi phía Tây của tỉnh, là nơi có điều kiện thuận lợi phát triển các loại cây lâm sản, cây ăn trái, cây công nghiệp. Đồng thời, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều hang, động, rừng, hồ, khí hậu trong lành, mát mẻ và là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu; rừng và hồ Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cửa Đạt - Xuân Liên…
Các homestay tại Điểm du lịch xã Pù Luông, huyện Bá Thước có thiết kế kiến trúc đặc trưng
giúp du khách gắn kết, gần gũi với thiên nhiên
Khu vực đồng bằng châu thổ Thanh Hoá được cấu tạo bởi phù sa, trải dài trên một bề mặt rộng, hơi nghiêng về phía biển, thích hợp trồng nhiều loại cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả… Đặc biệt, vùng ven biển, với bờ biển dài 102 km, kéo dài từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn, bờ biển phẳng với thềm tương đối nông và rộng tạo nên nhiều bãi tắm nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Tiên Trang… chính là những điểm du lịch rất hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh lợi thế về địa lý tự nhiên, các tiềm năng khác cho phát triển du lịch nông thôn cũng rất đa dạng và phong phú. Thanh Hóa còn được biết đến như là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Tỉnh có trên 1.535 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 854 di tích được xếp hạng, với 01 di sản Văn hóa thế giới, 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 139 di tích Quốc gia và 709 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, có những cụm di tích lớn có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử như: Thành Nhà Hồ, Khu di tích văn hóa lịch sử Lam Kinh, đền Bà Triệu...
Làng nghề làm bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân được nhiều du khách ghé thăm
mỗi khi đến Khu di tích văn hóa lịch sử Lam Kinh
Ngoài ra, hệ thống văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa cũng rất đa dạng và đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, các điệu hò trên sông Mã đến các làn điệu dân ca, dân vũ (hò sông Mã, hát sẩm xoan, múa đèn Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, múa sặp, múa xòe…). Thanh Hóa cũng có nhiều lễ hội như: Lễ hội Đền Bà Triệu, Lễ hội Lam Kinh, Sòng Sơn, Hàn Sơn, Bỉm Sơn... và nhiều món ẩm thực nổi tiếng như: Chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, sâm báo, nem chua, dừa, cá mè sông Mực, nước mắm Ba Làng…; có nhiều làng nghề truyền thống (Làng nghề đúc đồng Thiệu Trung, nghề đá núi Nhồi, chiếu cói Nga Sơn, thổ cẩm Bá Thước…). Đây là những điều kiện rất thuận lợi để xây dựng và cung cấp cho du khách nhiều sản phẩm, dịch vụ khi tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, Thanh Hóa xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân, xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với đặc trưng vùng miền
Những năm qua, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác triệt để thế mạnh, sự đặc sắc riêng của các vùng, miền (văn hóa bản địa, làng nghề, sản phẩm OCOP). Từ đó, tạo sức hấp dẫn thu hút du khách trong nước, quốc tế và góp phần mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2023-2025 và ban hành kế hoạch hàng năm. Tổ chức tập huấn kiến thức phát triển du lịch nông thôn cho chủ cơ sở và lao động du lịch nông thôn trên địa bàn; chỉ đạo các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện chương trình. Lựa chọn nhiều mô hình điểm du lịch và du lịch cộng đồng có tiềm năng để xây dựng thành các điểm du lịch OCOP như: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng thác Mây, mô hình tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành; mô hình phát triển du lịch cộng đồng bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước; mô hình phát triển du lịch thác Đồng Quan, xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân; mô hình phát triển du lịch hồ Cửa Đạt và mô hình du lịch cộng đồng bản Mạ, huyện Thường Xuân; Khu dịch vụ thương mại tổng hợp Yên Trung, xã Yên Trung, huyện Yên Định; khu Danh thắng núi Kim Sơn, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc...
Nông trại Golden Cow, huyện Thường Xuân
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, dựa vào tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, cảnh quan, cùng với giá trị văn hóa của người dân đang còn được lưu giữ, nhiều địa phương trong tỉnh như Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa đã bước đầu đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân cho biết, Thường Xuân là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Nơi đây sở hữu hệ thống các hang động, thác nước đẹp; nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như: Đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng Ngàn, di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai; nhiều làng bản người Thái còn giữ được nét nguyên sơ và bản sắc văn hóa như bản Mạ, bản Vịn...
Thời gian qua, huyện Thường Xuân đã tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế từ nguồn tài nguyên du lịch phong phú sẵn có, đặc biệt là cảnh quan ruộng bậc thang, các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, nguồn nước suối và hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với lợi ích cộng đồng dân cư. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Hiện nay, nhiều hộ dân tại bản Vịn, bản Mạ của huyện Thường Xuân đã phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng homestay, để thu hút và phục vụ du khách đến tham quan, đem lại thu nhập cao cho các hộ sinh sống tại bản. Đồng thời, huyện cũng chú trọng, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao tạo ra các sản phẩm đặc trưng gắn với Chương trình OCOP phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch...
Xã Thành Lâm ( Bá Thước) phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng,
gắn xây dựng nông thôn mới
Tại các địa phương trong tỉnh, nhiều nông trại du lịch theo hướng nông nghiệp cũng đã được hình thành như: Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc (TP. Thanh Hóa); Nông trại Ánh Dương, làng du lịch Yên Trung (Yên Định)... Cùng với đó, còn có sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng ở bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh).
Tại làng Du lịch Yên Trung, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa của người dân sinh sống quanh khu vực để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch nông thôn. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp của một vùng quê yên bình, tĩnh lặng với không gian thoáng đãng và ngắm nhìn những cánh đồng lúa trải dài bát ngát; được tham quan ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm mang đậm dấu ấn của vùng quê Bắc Trung bộ ngay tại làng du lịch, cùng những vật dụng gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp như: Bếp củi, chạn bát, cối đá... được sắp xếp một cách khoa học bên trong các ngôi nhà.
Ngoài ra, du khách còn được tham quan khu nông trại sạch, trồng các loại rau, củ, quả như dưa vàng, dưa chuột...; có thể trải nghiệm đời sống của người nông dân thông qua các hoạt động như: Dùng nơm úp cá, câu cá trên ghe thuyền, tham gia bộ môn thể thao lướt ván phản lực và thưởng thức các món ăn mang đậm chất quê của người dân ở đây như canh cua, cá rô đồng, cà muối, tìm hiểu nếp sống, phong tục của người dân... Nhờ việc khai thác đặc trưng từ đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương để phục vụ phát triển du lịch nên vài năm nay, nơi đây đã thu hút được khá đông du khách đến trải nghiệm.
Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có rất nhiều sản phẩm OCOP đã được công nhận, đã và đang là điểm thăm quan, mua sắm của khách du lịch như: Nước mắm Cự Nham (Quảng Xương), miến gạo Thăng Long (Nông Cống), chiếu cói Việt Trang (Nga Sơn), bánh nhãn Mường Ca Da (Quan Hóa)... Việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là một hướng đi rất cần được đẩy mạnh. Bởi du lịch không chỉ là một kênh quảng bá rất tiềm năng, mà còn là một kênh tiêu thụ vô cùng hiệu quả các sản phẩm OCOP của Tỉnh. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng để các địa phương trong Tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng hoàn chỉnh, từ hoạt động thăm quan, ăn uống, trải nghiệm đến mua sắm sản phẩm.
Thanh Hoá đặt mục tiêu đến hết giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh có từ 05 điểm du lịch nông thôn được công nhận OCOP gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương, cụ thể:
1. Mô hình chuỗi giá trị sản phẩm chế biến từ cáy tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc, huyện Quảng Xương.
2. Mô hình phát triển du lịch thác Hươu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
3. Mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành tour du lịch Pù Luông gắn với nông nghiệp, nông thôn tại huyện Bá Thước.
4. Mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch cộng đồng bản Hang xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
5. Mô hình phát triển du lịch tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Long Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch lữ hành TP. Thanh Hóa cho rằng, với thế mạnh sẵn có về nông nghiệp và với sự hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa hoàn toàn có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nông thôn gắn với đặc trưng vùng miền. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch của Tỉnh. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Tỉnh vẫn còn “manh mún”, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để thu hút và “níu chân” du khách. Bởi vậy, để du lịch nông thôn khẳng định được vị thế trong cơ cấu ngành du lịch, cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân trong việc đầu tư đúng mức, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM Tỉnh cho biết, thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bố trí không gian phù hợp tiềm năng phát triển du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống, vừa đảm bảo điều kiện nghỉ dưỡng thuận tiện cho du khách; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng cao, giúp du khách có được sự trải nghiệm văn hoá, thiên nhiên trọn vẹn; xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh, quyết tâm đưa du lịch nông thôn Thanh Hóa ngày càng phát triển bền vững./.
Thu Hường