Thanh Hóa tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao nhất từ trước đến nay

24/05/2019 - 02:28 PM
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Thanh Hóa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế - xã hội nước ta cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức: Lạm phát luôn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao, tiến độ giải ngân đầu tư công đạt thấp; diễn biến thời tiết phức tạp... Đối với Thanh Hóa, năm 2018 bên cạnh thuận lợi là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; còn một số khó khăn nhất định, đó là tiến độ thực hiện của một số dự án lớn, trọng điểm chậm, thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề ở một số địa phương... Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành trong Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
 
Thanh Hóa tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao nhất từ trước đến nay
 
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 15,16% so với cùng kỳ (năm 2017 tăng 9,08% so với cùng kỳ), vượt kế hoạch 0,16% (trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,55%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 21,66% (riêng công nghiệp tăng 29,33%); các ngành dịch vụ tăng 6,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 97,86%). Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 15,98%, giảm 1,92%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 39,51%, tăng 2,81%; các ngành dịch vụ chiếm 37,85%, giảm 3,67%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm 6,66%, tăng 2,78% so với năm 2017. GRDP bình quân đầu người năm 2018 theo giá hiện hành ước đạt 1.990 USD, vượt kế hoạch 2,05% (kế hoạch 1.950 USD).

Năm 2018, trong điều kiện bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, mưa lũ, song sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện. Sản lượng lương thực có hạt năm 2018 ước đạt 1,61 triệu tấn, vượt mục tiêu 0,6%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2018 ước đạt 230,9 nghìn tấn, tăng 3,7% so với năm 2017; thịt gia cầm 46,9 nghìn tấn, tăng 7,7%.

Sản xuất lâm nghiệp đạt kết quả khá. Dự ước năm 2018, diện tích trồng rừng tập trung đạt 10.560 ha, vượt 5,6% kế hoạch, tăng 0,6% so với cùng kỳ; tương tự: Khai thác gỗ đạt 596,7 nghìn m3, vượt 8,5%, tăng 8,3%; tre luồng 51,3 triệu cây, vượt 0,6% và tăng 4,2%; nứa nguyên liệu 74,8 nghìn tấn, vượt 2,5% và tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt 170,5 nghìn tấn, vượt 8,0% kế hoạch, tăng 7,1% so năm 2017 (trong đó, sản lượng nuôi trồng 53,6 nghìn tấn, tăng 6,9%; sản lượng khai thác 116,9 nghìn tấn, tăng 7,2%, riêng khai thác xa bờ đạt 55,9 nghìn tấn, tăng 7,3%).

Năm 2018, tăng trưởng ngành công nghiệp đạt kết quả cao do năng lực sản xuất của ngành này được nâng cao bởi một số doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Đặc biệt, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tiến hành chạy thử và có sản phẩm thương mại từ đầu tháng 5 và chính thức vận hành thương mại vào ngày 15/11/2018), đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của ngành công nghiệp, tạo ra mức tăng đột biến về thu ngân sách Nhà nước và là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Tỉnh. Nhiều sản phẩm công nghiệp tăng khá so với năm 2017 như: Thuốc lá bao 191,4 triệu bao, tăng 31,8%; quần áo may sẵn 229,8 triệu cái, tăng 24,6%; giầy thể thao xuất khẩu 80,1 triệu đôi, tăng 10,4%; xi măng các loại 13,9 triệu tấn, tăng 16,2%; gạch xây 1.375 triệu viên, tăng 7,7%; đá ốp lát xây dựng 21,6 triệu m2, tăng 15,7%; đá khai thác 9,5 triệu m3, tăng 9,1%; cát xây dựng 6,8 triệu m3, tăng 15,1%; đá phụ gia xi măng 813,2 nghìn tấn, tăng 11,1%; điện sản xuất 5,7 tỷ kwh, tăng 26,6%; nước máy sản xuất 46,4 triệu m3, tăng 10,0%...

Năm 2018, ngành công nghiệp có thêm nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn như: Xăng các loại 1.260 nghìn tấn; dầu diezen 1.362 nghìn tấn; khí hóa lỏng (LPG) 39,3 nghìn tấn… và 7,8 nghìn tấn dầu ăn thực vật của Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn Nortalic (hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất từ cuối tháng 6/2018).

Huy động vốn đầu tư phát triển vượt kế hoạch, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Ước tính năm 2018, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 103,5 nghìn tỷ đồng, vượt 0,5% kế hoạch. Tính đến ngày 30/11, toàn tỉnh đã thu hút được 233 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 9 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20.337 tỷ đồng và 80,36 triệu USD. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, năm 2018 thành lập mới 3.222 doanh nghiệp, vượt kế hoạch và xếp thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới; tổng vốn điều lệ đăng ký mới đạt trên 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2017; giải quyết việc làm cho 32 nghìn lao động, tăng 19%. Trong năm đã khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án có quy mô lớn, đặc biệt Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành chính thức, có sản phẩm thương mại, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển.

Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán và tăng cao so với năm 2017, dự kiến đạt gần 23,5 nghìn tỷ đồng, vượt 7,6% dự toán, gấp 1,76 lần năm 2017; trong đó, thu nội địa ước đạt gần 16,4 nghìn tỷ đồng, vượt 25% dự toán, gấp 1,43 lần.

Ước tính đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 85 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2017; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 105 nghìn tỷ đồng, tăng 16,0%.

Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, một số lĩnh vực khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2018 ước đạt xấp xỉ 94,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,7% kế hoạch, tăng 13,3% so với cùng kỳ; giá cả hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,97% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu ước đạt 2.764,6 triệu USD, vượt 41,8% kế hoạch, tăng 36,1% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.614,8 triệu USD, tăng 38,4% với cùng kỳ). Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 3.760 triệu USD, gấp 2,4 lần kế hoạch và 3,3 lần so với năm 2017. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động; hạ tầng các khu, điểm du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, nhất là ở TP. Sầm Sơn, TP. Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa đã góp phần thay đổi diện mạo ngành du lịch của Tỉnh. Năm 2018, doanh thu du lịch lữ hành đạt 114 tỷ đồng, tăng 9,2%; khách du lịch theo tour đạt trên 55 nghìn lượt khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt gần 173,6 nghìn ngày khách, tăng 7,0%. Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân, vận chuyển hàng hoá ước đạt 55,9 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.740,9 triệu tấn.km, tăng 7,0% về hàng hóa vận chuyển, tăng 1,6% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 43,9 triệu người, luân chuyển hành khách 2.604,2 triệu người. km, tăng 10,9% về hành khách vận chuyển, tăng 11,1% về hành khách luân chuyển; bốc xếp qua cảng đạt 9,4 triệu tấn, tăng 2,0%.

Văn hóa, xã hội của địa phương tiếp tục chuyển biến tiến bộ, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 97,46%; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả nổi bật với số học sinh đạt huy chương tại kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều nhất từ trước đến nay (02 HCV Sinh học và Vật lý, 01 HCB Hóa học tại các kỳ thi Olympic quốc tế; 01 HCV Vật lý, 01 HCB Tin học, 01 HCĐ Vật lý tại kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương). Năm 2018 cũng là năm đầu tiên tỉnh Thanh Hóa có học sinh đạt huy chương Vàng Olympic quốc tế môn Sinh học và có 01 học sinh đạt 02 huy chương Vàng.

Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục phát triển: Đã tổ chức 1.275 giải thể thao các cấp; 99,6% xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT lần thứ VIII. Thể thao thành tích cao giành được 579 huy chương các loại (trong đó có 186 HCV) tại các giải quốc gia và quốc tế. Đội bóng đá FLC Thanh Hóa năm thứ 2 liên tiếp giành ngôi Á quân tại giải địch quốc gia năm 2018.
Có thể thấy, năm 2018, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh nên kinh tế Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng và đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển kinh tế năm 2018 tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế, đó là: Tiến độ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm; thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Chưa thu hút được nhiều các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ, phục vụ chuỗi sản xuất, công nghệ cao. Tiến độ thực hiện nhiều dự án, nhất là dự án trọng điểm, quy mô lớn còn chậm...

Năm 2019 có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện kế hoạch nhiệm kỳ 2015-2020. Để hoàn thành và vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVIII, phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải cùng nhau quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cao hơn, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

 
Trịnh Xuân Phú
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top