Thị trường dầu mỏ đang trở lại thời hoàng kim?

09/08/2021 - 11:00 AM
Thị trường dầu mỏ thế giới từng chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có vào năm 2020, khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) rơi xuống mức 0 đồng. Từ nửa cuối năm 2020, giá dầu dần phục hồi do dịch Covid-19 dần được kiểm soát, thế giới đã có vắc xin, nhu cầu dầu cũng đã quay trở lại. Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá dầu có thể sẽ tăng khoảng 15-25% trong năm 2021, song phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu.

Năm 2020, thị trường dầu mỏ rơi vào khủng hoảng

Năm 2020, thị trường dầu thô thế giới đã trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có khi đại dịch tác động lên mọi mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu. Thị trường dầu thô chịu cú sốc kép cả cung và cầu. Nhu cầu nhiên liệu lao dốc khi người dân hạn chế đi lại và các nước áp dụng chính sách phong tỏa trong đại dịch. Trong khi đó, nguồn cung dầu thô lại tăng mạnh khi cuộc chiến giá của các nước sản xuất lớn.

Đầu tháng 3/2020, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và Nga thất bại trong việc thống nhất giảm thêm sản lượng để cứu giá dầu. Sau đó vài ngày, Ả Rập Xê út hạ giá bán với các sản phẩm và công bố kế hoạch tăng sản xuất mạnh tay. Động thái này khiến hai loại dầu thô chủ chốt của thế giới là dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và dầu Brent giảm xấp xỉ thêm 30%, mức giảm mạnh đứng thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau đợt lao dốc năm 1991.

 
Thị trường dầu mỏ đang trở lại thời hoàng kim?
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trước tình hình này, OPEC và các đồng minh đã liên tục họp khẩn, chốt mức giá, giảm sản lượng lớn nhất lịch sử khoảng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương giảm 10% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, giá dầu thô vẫn đi xuống, thậm chí, giá dầu đã đi vào lịch sử ngành dầu mỏ thế giới khi dầu WTI tháng 5/2020 rơi xuống mức âm 40 USD/thùng. Tuy nhiên, với nhu cầu cải thiện do các nhà máy lọc dầu Trung Quốc hoạt động trở lại và nguồn cung cũng giảm bớt khi OPEC và các nước cắt giảm sản lượng. Giá dầu WTI chốt tháng 5/2020 đã tăng mức mạnh nhất lịch sử là 88%, còn dầu Brent cũng tăng gần 40% - mức tăng tốt nhất kể từ năm 1999 với việc các nước dần gỡ bỏ lệnh phong tỏa và quá trình phát triển vắc xin Covid-19 thuận lợi. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, giá dầu Brent đứng ở mức 51 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chốt ở mức 48,52 USD/thùng. Như vậy, tính chung cả năm 2020, giá dầu Brent đã giảm 22,5%, còn dầu WTI giảm 21,4%.

Năm 2021, thị trường dầu mỏ sẽ trở lại thời hoàng kim?

Các nhà phân tích cho rằng, cung và cầu là cơ sở cho sự phục hồi giá dầu mỏ. Hiện nay, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu đang bị thu hẹp. Kho dự trữ dầu bị phình to vào thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đến nay đã giảm mạnh đáng kể sau khi Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+), cùng các công ty ở Mỹ và những nước khác cùng cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, Saudi Arabia đã thực hiện một đợt cắt giảm bổ sung vào tháng 1/2021, do lo ngại một đợt phong tỏa mới sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực tái cân bằng thị trường.

Tại cuộc họp vào đầu tháng 3/2021, OPEC+ đã nhất trí gia hạn phần lớn cắt giảm sản lượng trong tháng 4/2021. Riêng Nga được phép tăng sản lượng thêm 130.000 thùng/ngày trong tháng Tư, còn Kazakhstan cũng được chấp thuận nâng sản lượng thêm 20.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết, Saudi Arabia sẽ gia hạn việc cắt giảm "tự nguyện" 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Tư và sẽ từng bước chấm dứt cam kết này vào một thời điểm "phù hợp" những tháng tới. Theo Saudi Arabia, mặc dù công tác triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã giúp tăng cường lạc quan, song sự không chắc chắn về dịch Covid-19 vẫn ở mức cao. Nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" vẫn còn yếu, do đó lộ trình đúng đắn hiện nay là cần chuẩn bị các kịch bản đối phó với những hệ quả không mong muốn.

Theo phân tích của các chuyên gia, đầu năm 2021, do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ dẫn dến giá dầu khá ổn định. Các nhà sản xuất dầu mỏ đã rút ra được bài học kinh nghiệm từ năm 2020 về việc dư cung. Điểm khác biệt về dự báo giá dầu của năm 2021 và năm 2020 đó là việc suy giảm sản lượng có thể sẽ không xảy ra.

Tổ chức tài chính Morgan Stanley cho biết, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu hiện đã vượt quá sản lượng khoảng 2,8 triệu thùng/ngày. Ước tính, quý I/2021 sẽ là giai đoạn mà tỷ lệ nguồn cung thấp hơn nhu cầu ở mức lớn nhất kể từ năm 2000.

Trong khi đó, Goldman Sachs cho rằng thị trường đang "thâm hụt" nghiêm trọng và đó là lý do tại sao dự trữ dầu ngày càng ít đi. Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 75 USD/thùng trong quý III/2021.
Nguồn cung bị thu hẹp trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đang phục hồi. Nhu cầu dầu mỏ đã phục hồi ở Trung Quốc, Ấn Độ và đang gia tăng ở Mỹ và châu Âu. Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA) ước tính thị trường Mỹ tiêu thụ 18,6 triệu thùng/ngày, bao gồm xăng và các loại nhiên liệu khác trong tháng Giêng, tăng hơn 26% so với tháng 4/2020. Còn tại Trung Quốc, giới phân tích cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trở lại vì ngành công nghiệp nặng của nước này đã tăng trưởng mạnh khi sản lượng xi-măng, thép, than và nhôm tăng ở mức hai con số so với năm 2019.

Năm 2021, các chuyên gia đều nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ có nhiều triển vọng sáng sủa hơn, khi thế giới phần nào đã khống chế được dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh được khống chế sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu cho công nghiệp sản xuất, gia tăng việc đi lại, kích thích tiêu thụ các sản phẩm dầu, dẫn đến giá dầu của năm 2021 và giá của các sản phẩm liên quan tới dầu trong năm 2021 sẽ được cải thiện đáng kể.

IEA dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong hai năm và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2026. IEA cho rằng, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu giảm sâu, song không phải là một sự sụt giảm lâu dài. Báo cáo của IEA phân tích, khi chương trình tiêm chủng tiến hành trên diện rộng và chính sách hạn chế được dỡ bỏ, nhu cầu dầu sẽ trở lại mức của năm 2019 vào năm 2023. Cơ quan này ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 104 triệu thùng/ngày vào năm 2026, tăng 4% so với năm 2019.

Trong khi đó, giới phân tích nhận định giá dầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và việc nhu cầu sử dụng cũng như giá dầu tăng là tín hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang hồi phục. Dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế đều cho rằng “sức khỏe” của kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa nhận định, năm nay kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 4,7% nhờ sự phục hồi cao hơn dự báo tại Mỹ. Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay, từ 4,2% lên 5,6%. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng nhận định, nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày và kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,1% nhờ dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành và nhiều nền kinh tế ở châu Á tiếp tục phục hồi. Những thông tin, dự báo tích cực nêu trên đã tạo “lực đẩy” cho giá dầu tăng.

Lạc quan với tín hiệu tích cực từ thị trường dầu mỏ, một số chuyên gia thậm chí còn dự báo rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong tương lai gần và việc OPEC duy trì sản lượng ổn định sẽ khiến nguồn cung trên thị trường không tăng cho đến tháng 10/2021. Theo đó, giá dầu có thể tăng khá nhanh và đạt khoảng 80 USD/thùng vào mùa hè năm nay. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế của Mỹ nhận định, lĩnh vực năng lượng đang hướng tới quý tốt nhất trong lịch sử với mức tăng gần 40% từ đầu năm đến nay. Với nhiều yếu tố hỗ trợ giá dầu tiếp tục đi lên như hiện nay, dự báo giá dầu có thể lên tới 100 USD/thùng trong khoảng 6 - 12 tháng tới và có thể trở lại thời kỳ hoàng kim của mình.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cũng lưu ý rằng, thị trường chưa thể quá lạc quan với triển vọng giá dầu cũng như triển vọng kinh tế thế giới khi mà đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều “ẩn số” từ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như hiện nay. Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng lên có thể sẽ khiến một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC như Mỹ, Ca-na-đa, Nga và Na Uy tăng mạnh nguồn cung. Theo đó, các kịch bản về giá dầu nêu trên có thể sẽ bị phá sản./.

Thu Hường

 

Thu Hường

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top