Đầu tháng 9/2022, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với hoạt động xuất khẩu một số loại gạo. Giới chuyên gia cho rằng, các biện pháp này đã gây áp lực tới thị trường gạo thế giới bởi giá lương thực trên toàn cầu vốn đã tăng vì hạn hán và xung đột Nga-Ukraine.
Ấn Độ hạn chế xuất khẩu với một số loại gạo
Với mức xuất khẩu bình quân trên 20 triệu tấn/năm, chiếm gần một nửa thương mại gạo toàn cầu, Ấn Độ được xem như “ông lớn” trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Vì thế mọi biến động của quốc gia này trong việc xuất khẩu gạo đều phát sinh ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới.
Năm 2022, điều kiện thời tiết khô hạn đã làm chậm việc gieo cấy lúa và sau đó những trận mưa xối xả làm hỏng những cánh đồng lúa chín, khiến mùa màng ở Ấn Độ trở nên bấp bênh. Lượng mưa được ghi nhận tại Ấn Độ từ các tháng 6, 7, 8 là vô cùng ít ỏi và thất thường, điều này khiến cho những vùng sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Bihar đã giảm đến 13% đối với diện tích canh tác.
Bộ nông nghiệp Ấn Độ cho biết, tháng 9/2022, sản lượng lúa vụ hè của Ấn Độ có thể giảm 6% xuống còn 105 triệu tấn vào năm 2022-2023. Trong khi đó, các thương nhân tư nhân ước tính sản lượng có thể giảm xuống mức 100 triệu tấn. Vì vậy, Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực tăng nguồn cung và hạ giá gạo trong nước bằng việc cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu một số loại gạo. Theo các chuyên gia, trước mắt lệnh chỉ mới áp dụng lên 2 trong số 4 loại gạo xuất khẩu chủ lực của quốc gia này. Cụ thể, đối với 2 mặt hàng gạo có giá trị cao là gạo đồ và gạo Basmati vẫn được phép xuất khẩu tự do. Riêng hai loại còn lại là gạo tẻ thường và gạo tấm bị cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào thực tế trước đó, thì việc hạn chế xuất khẩu này thật sự tạo ra làn sóng lo ngại đến gần một nửa thế giới các quốc gia tín đồ lúa gạo. Cụ thể, trong niên vụ 2021-2022, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo. Trong đó, gạo tẻ và tấm chiếm đến trên 17 triệu tấn.

Ảnh minh họa, nguồn Internet
Các nhà phân tích dự báo, việc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu lần này Ấn Độ sẽ hạn chế xuất khẩu đến gần 10 triệu tấn gạo, tấm, tức tương đương một nửa lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Ông Sudhanshu Pandey, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối Công cộng Ấn Độ, cho biết xuất khẩu gạo tấm đã tăng theo cấp số nhân trong 4 năm qua. Năm 2019, loại gạo này chỉ chiếm dưới 2% lượng xuất khẩu, nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên đến 23%. Cũng theo ông Sudhanshu Pandey, giá gạo tấm trong năm 2022 đã ghi nhận mức tăng lên đến 38% do nhu cầu xuất khẩu trong khoảng thời gian từ tháng 4 cho đến tháng 8/2022 đã liên tục tăng mạnh. Hiện Ấn Độ đang chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu. Đồng thời, đất nước tỷ dân này cũng đang cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan và Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Trong năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục - 21,5 triệu tấn. Con số này nhiều hơn khi so sánh với tổng mức xuất khẩu của cả 4 nước Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. Gạo của Ấn Độ được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính vì thế, động thái cắt giảm lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã khiến áp lực về giá lương thực toàn cầu ngày càng tăng lên. Chưa kể, giá lương thực cũng đang tăng do ảnh hưởng bởi hạn hán và cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, việc áp thuế mới nhiều khả năng cũng khiến nhiều người mua lựa chọn rời xa gạo Ấn Độ để tìm kiếm nguồn gạo từ các đối thủ khác như Việt Nam hoặc Thái Lan, vốn là những quốc gia đang tích cực gia tăng lượng gạo xuất khẩu.
Giá cả có thể leo thang trong thời gian tới
Giới thương nhận dự báo, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, cùng với tình trạng sản lượng của nhiều quốc gia lớn giảm, có thể khiến giá gạo toàn cầu tăng mạnh.
Mưa, lũ cũng khiến sản lượng gạo tại Pakistan giảm trong khi tiêu thụ ở các nước nhập khẩu hàng đầu thế giới như Bangladesh và Philippines tăng. Đây là lý do nhiều chuyên gia dự báo cầu sẽ vượt cung ở thị trường gạo trong niên vụ 2022 - 2023.
Đây là thông tin xấu với một số nước châu Á và châu Phi do gạo là lương thực chính, trong khi một số quốc gia phụ thuộc 60% nguồn cung từ nhập khẩu.
Kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo, giá gạo toàn cầu đã tăng hơn 10%. Tháng 9, chỉ số giá gạo toàn cầu của Tổ chức Nông lương đã tăng 2,2% lên mức cao nhất trong 18 tháng.
Nitin Gupta, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Công ty Olam Ấn Độ cho rằng, giá gạo quốc tế đã và sẽ còn tăng giá hơn nữa trong thời gian tới.
Chính phủ các nước trên thế giới đã phải vật lộn để kiềm chế lạm phát lương thực do COVID-19 làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng. Sau đó xung đột Nga - Ukraine khiến hàng triệu tấn thực phẩm không thể xuất ra toàn cầu, góp phần đẩy lạm phát lên mức kỷ lục vào đầu năm nay.
Song trước khi Ấn Độ thực hiện hạn chế xuất khẩu cách đây vài tháng, giới chức các nước châu Á cho rằng giá gạo toàn cầu sẽ vẫn ổn định do lượng dự trữ dồi dào.
Không giống như lúa mì, gạo không chịu ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng Nga - Ukraine vì cả hai nước đều không phải là nhà sản xuất lớn và nguồn cung mặt hàng này vẫn tương đối ổn định trong thời gian xảy ra gián đoạn liên quan đến Covid-19 đối với các loại thực phẩm khác.
Tuy nhiên, hiện tại các nhà xuất khẩu hàng đầu là Thái Lan và Việt Nam không đủ tồn kho để bù đắp cho việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu và sản lượng nhiều nước giảm trên diện rộng.
Giới thương nhân dự báo, dự trữ gạo toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 5 năm vào năm 2023.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã giảm ước tính sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 xuống còn 508 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm. Chỉ một tháng trước, cơ quan này đã kỳ vọng sản lượng cả năm ở mức 512 triệu tấn.
Tuy nhiên, một số nhà kinh doanh hàng đầu toàn cầu dự báo mức giảm sản lượng gạo có thể sẽ còn mạnh hơn, xuống khoảng 500 triệu tấn trong niên vụ này do các điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa năng suất các vụ lúa ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.

Theo hãng tin Reuters, giá gạo trên thị trường châu Á đã tăng 5% kể từ thời điểm chính quyền New Delhi thi hành các biện pháp xuất nhập khẩu và sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Ngay sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo, giá gạo đồ 5% tấm của nước này đã ghi nhận mức tăng từ 379- 387 USD/tấn lên 385- 392 USD/tấn. Trong bối cảnh người mua chuyển hướng sang những nguồn cung ứng rẻ hơn, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm nay có thể giảm ở mức 25%.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đã tăng từ 390-393 USD/tấn lên mức 400- 410 USD/tấn. Theo thông tin của các nhà giao dịch, dù động thái từ phía Ấn Độ khiến giá gạo Việt Nam tăng lên nhưng lượng xuất khẩu vẫn gần như không thay đổi. Nguyên nhân bởi, các nhà xuất khẩu tại Việt Nam vẫn chưa ký kết được những hợp đồng mới vì dự đoán trong thời gian tới, giá gạo sẽ tăng lên cao hơn.
Ngoài ra, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã tăng từ 416-420 USD/tấn lên 425-435 USD/tấn. Theo các thương nhân ở Bangkok, nguồn cung gạo đã bị ảnh hưởng khá nhiều do hàng loạt yếu tố, bao gồm: Mưa lớn, lũ lụt cùng các vấn đề về vận tải. Trong khi đó, các thị trường nước ngoài vẫn đang theo dõi những diễn biến xung quanh quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Vì thế, một số khách hàng đã lựa chọn sản phẩm gạo của Thái Lan.
Liên quan đến tình hình này, một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết, nước này cũng đang trong quá trình đàm phán để tiến hành nhập khẩu gạo từ Thái Lan sau khi hoàn tất những thỏa thuận với Việt Nam, Myanmar cũng như Ấn Độ; tổng khối lượng rơi vào khoảng 530.000 tấn.
Trong thời gian tới, những biện pháp siết chặt xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể khiến giá ngũ cốc trên thị trường quốc tế tăng cao. Các chuyên gia lo ngại việc nguồn cung gạo sụt giảm kết hợp với nhu cầu thế giới đã đạt đến ngưỡng kỷ lục, sẽ thúc đẩy giá cả leo thang, dẫn đến lạm phát lương thực./.
Trúc Linh