Giáo dục đóng vai trò quan trọng, tạo ra nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước. Do đó, Việt Nam xác định rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục là một trong những khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Trong quá trình hội nhập quốc tế, ngành giáo dục Việt Nam đã và đang thu hút đáng kể nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục, góp phần đào tạo nhiều thế hệ công dân toàn cầu.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị “Hợp tác và đầu tư trong giáo dục 2022” được tổ chức vào tháng 9 mới đây cho thấy, năm học 2020-2021, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập phủ rộng cả nước, trong đó số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17%, tập trung chủ yếu tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa…
Riêng ở bậc đại học, Việt Nam hiện có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo quốc tế đang được giảng dạy tại 44 cơ sở giáo dục, trong đó bao gồm 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều chương trình liên kết đào tạo với Việt Nam là Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Úc (37 chương trình), Hàn Quốc (27 chương trình).
Bên cạnh đó, cả nước có trên 170 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở các cấp học mầm non, phổ thông đã được thành lập. Hơn 200 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, nghiệp vụ cho học sinh, sinh viên, cán bộ, doanh nhân và người lao động Việt Nam.
Cũng theo con số thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ. Phần lớn các dự án chủ yếu tập trung hai thành phố là Hà Nội và HCM, chiếm tới 91,23% tổng vốn đăng ký. Cụ thể, tại TPHCM có 250 dự án với tổng vốn đầu tư là gần 4 tỷ USD chiếm 86% về tổng vốn đầu tư. Kế đến là Hà Nội với 239 dự án, chiếm 5,14% về tổng vốn đầu tư và cuối cùng là Đà Nẵng với 30 dự án.

Bên cạnh những trường đã có tên tuổi (như: Trường Quốc Tế Saigon Pearl, Trường Quốc Tế TP. HCM - Học Viện Mỹ, Trường Quốc Tế Liên Hợp Quốc Hà Nội, Trường Quốc Tế Úc…) trong năm 2022, ngành giáo dục Việt Nam đón nhận sự góp mặt một loạt trường quốc tế như: Trường tiểu học Việt Nam Tinh Hoa - North London Collegiate School của Vương quốc Anh, Trường Scotch AGS của Australia… và một loạt trường quốc tế mới sẽ sớm đi vào hoạt động như Trường Brighton College (Hà Nội), Marianapolis (Đồng Nai), Trường Scotch AGS, Trường Uppingham College (TP.HCM)...
Việc thu hút các đầu tư nước ngoài cho giáo dục trong thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định, góp phần bổ sung nguồn lực cho giáo dục Việt Nam. Các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài đã khẳng định được chất lượng chương trình và phương pháp giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc theo học tại các cơ sở giáo dục có yếu tố liên kết, quốc tế mang lại cho học sinh Việt Nam điều kiện cơ sở vật chất học tập hiện đại, giúp học sinh nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng cộng đồng trong một môi trường năng động để phát triển toàn diện theo yêu cầu quốc tế trong thời kỳ hội nhập, đồng thời nắm bắt được các cơ hội gia nhập vào nhiều trường đại học danh giá trên thế giới, bước tiếp trên con đường hội nhập toàn cầu.
Hợp tác và đầu tư trong giáo dục cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, trải nghiệm học tập toàn cầu và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và thế giới. Chất lượng nền giáo dục của Việt Nam được nâng lên 5 bậc, đạt thứ hạng 59 trên bảng xếp hạng quốc tế năm 2021. Năm 2022, Việt Nam có 3 trường nằm trong 1.422 trường đại học thế giới 2023 được tổ chức xếp hạng đại học uy tín hàng đầu thế giới Quacquarelli Symonds có trụ sở tại Anh công bố vào tháng 9 vừa qua. Việt Nam cũng có tới 7 cơ sở giáo dục nằm trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings do Tạp chí Times Higher Education công bố vào tháng 4 trước đó. Đối với giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế, khu vực và được xếp hạng cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA (Programme for International Student Assessment).
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam. Tỷ lệ thu hút đầu tư hiện nay còn rất xa so với mục tiêu số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập cần đạt được là chiếm 16% tổng số cơ sở giáo dục tại Việt Nam vào năm 2025 mà Chính phủ đã đề ra. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục thời gian qua còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống và chưa tương xứng với tiềm năng. Một số doanh nghiệp còn gặp khó do những thủ tục đầu tư còn phức tạp.
Dư địa để các nhà đầu tư nước ngoài khai thác hiệu quả thị trường giáo dục tại nước ta là rất lớn bởi Việt Nam là quốc gia có dân số đông (trên 96 triệu dân), có số lượng dân trong độ tuổi đi học (nhóm tuổi từ 5-24 tuổi) chiếm tỷ lệ khoảng 30% dân số cả nước (số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở của Tổng cục Thống kê). Cùng với đó, trong những năm gần đây Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới, sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng cao. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, việc đầu tư vào hoạt động giáo dục của các thành viên trong gia đình ở khu vực thành thị cũng tăng lên đáng kể do điều kiện kinh tế của hộ gia đình ở thành thị đang ngày càng tăng lên.
Thực tế trong năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục Việt Nam chứng kiến làn sóng tăng mạnh học phí từ các trường quốc tế, có trường tăng gần 50 triệu đồng, nâng học phí vượt quá 800 triệu đồng/năm. Mặc dù với mức học phí khá cao như vậy song nhu cầu chọn trường quốc tế cho con không hề giảm nhiệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Thị trường giáo dục quốc tế nước ta còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi Việt Nam là một quốc gia có nền an ninh, chính trị ổn định, có chính sách visa giữa các nước trong khu vực thông thoáng, có số sinh viên quốc tế theo học tại các cơ sở giáo dục đại học trong những năm qua tăng lên đáng kể. Theo thống kê Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình mỗi năm Việt Nam tiếp nhận mới 4.000 - 6.000 lưu học sinh. Từ năm 2016-2021, đã có 155 cơ sở giáo dục của Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có Luật giáo dục năm 2019, Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 và Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 với nhiều nội dụng cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và tăng tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục của Việt Nam trong hợp tác quốc tế.
Trong những năm qua, tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh Quảng Ninh, Đà Nẵng cũng có nhiều chính sách ưu đãi về diện tích đất, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, thủ tục hành chính… và dành sẵn những quỹ đất phục vụ cho đầu tư giáo dục, nhằm tạo điều kiện để các tổ chức giáo dục đến đầu tư. Giai đoạn 2022-2030, các tỉnh thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế trong đó có những cơ chế chính sách, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, mở cửa, dành quỹ đất cho giáo dục nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục; Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp phép hoạt động giáo dục cũng như hỗ trợ tối đa hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang hoạt động tại địa phương, tạo sức lan tỏa và sức hút đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
Những yếu tố trên khiến lĩnh vực giáo dục quốc tế tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn và có nhiều đối thủ cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều cơ sở giáo dục quốc tế chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong nước, đào tạo ra những công dân toàn cầu, từ đó tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao thứ hạng trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục./.