Thị trường lao động năm 2025 - Cơ hội và thách thức

12/03/2025 - 02:05 PM

Năm 2024, tình hình lao động việc làm đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường sau ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Dự báo năm 2025 sẽ có nhiều khởi sắc với những cơ hội và thách thức.

In 2024, the labor and employment situation has returned to its normal development trend after the impact of the Covid - 19 epidemic. It is forecast that 2025 will have many improvements with opportunities and challenges.

Từ khóa: Lao động, thị trường, việc làm, thất nghiệp...

Năm 2024 thị trường lao động có xu hướng phục hồi

Đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng đến thị trường lao động, theo đó, số lao động bị mất việc, giảm giờ làm tăng cao, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Song nhờ vào các chính sách linh hoạt, thị trường lao động Việt Nam đã dần khôi phục, bắt nhịp lại xu hướng phát triển bình thường.

 Thị trường lao động năm 2025 cơ hội và thách thức

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Tính đến quý IV/2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 53,2 triệu người, tăng 390.100 người so với quý trước và tăng 625.300 người so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV là 69%.

Tính chung năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 53 triệu người, tăng 575.400 người so với năm 2023; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, không đổi so với năm 2023.

Lao động có việc làm quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023. Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm quý IV trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,5 triệu người, chiếm 26%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,5 triệu người, chiếm 33,7%; khu vực dịch vụ là 21 triệu người, chiếm 40,3%. Tính chung năm 2024, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 585,1 nghìn người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm 2023. Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm năm 2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,5% và giảm 79.700 người so với năm 2023.

Khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,4 triệu người, chiếm 33,4% và tăng 167.000 người; khu vực dịch vụ là 20,8 triệu người, chiếm 40,1% và tăng 497.800 người. Số lao động có việc làm phi chính thức (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý IV là 33,2 triệu người, chiếm 63,6% tổng số lao động có việc làm.

Tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 764,6 nghìn người, giảm 98,8 nghìn người so với quý trước và giảm 142,0 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV là 1,65%, giảm 0,22 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 846,8 nghìn người, giảm 74,4 nghìn người so với năm 2023. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,84%, giảm 0,18 điểm phần trăm so với năm 2023; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,28%, giảm 0,32 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,2%, giảm 0,07 điểm phần trăm.

Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550.000 đồng so với quý III và tăng 890.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,8 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.

Tính chung năm 2024, thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610.000 đồng so với năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/ tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,7 triệu đồng/tháng.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2024 là 28,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung năm 2024, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính đạt 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 2,22%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2024 là 2,24%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm 2023, trong đó khu vực thành thị là 2,53%; khu vực nông thôn là 2,05%.

Việt Nam được xem là điểm đến mới nổi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn. Theo dự báo, nếu năm 2022, thị phần sản xuất, lắp ráp, sử dụng công nghệ bán dẫn tại Việt Nam chiếm 1% thì đến năm 2032 sẽ tăng lên khoảng 8%. Thị phần công nghệ bán dẫn tăng sẽ kéo theo nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động tăng cao. Như vậy, chỉ riêng ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần một lực lượng lớn lao động. Điều này đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Ngoài công nghệ bán dẫn, các ngành nghề liên quan tới công nghệ thông tin, vận chuyển kho vận; dịch vụ thương mại... cũng được dự báo phát triển tốt, qua đó mang lại nhiều triển vọng về tạo việc làm cho lao động.

Để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá như: Tập trung vào việc hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030, chương trình phục hồi thị trường và thu hút lao động người ngoại tỉnh quay trở lại làm việc. Nhờ đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Theo Tổng cục Thống kê, những kết quả đạt được cho thấy thị trường lao động năm 2024 vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên thị trường lao động cũng vẫn còn những điểm hạn chế như: Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước vẫn còn 71,4% lao động chưa qua đào tạo, chưa có bằng cấp, chứng chỉ; Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước...

Thị trường lao động năm 2025 - cơ hội và thách thức

Năm 2025, các chuyên gia lao động cho rằng, thị trường lao động sẽ có sự khởi sắc và cơ hội để bứt phá. Cụ thể, Việt Nam có kinh tế phát triển, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tăng lên, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng theo. Năm 2025, nhiều ngành, lĩnh vực tạo ra việc làm và thu hút nhiều lao động, trong đó có thể kể tới các ngành liên quan đến cơ sở hạng tầng, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghệ AI, chuyển đổi số, robot, bảo mật thông tin và an ninh mạng, kế toán, các ngành dịch vụ, bảo trì, vận hành máy móc...

 Thị trường lao động năm 2025 cơ hội và thách thức 1

 

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, thị trường lao động năm 2025 còn có những thách thức. Theo các chuyên gia lao động, năm 2025 cơ hội việc làm cho người lao động nhiều song đó là những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, vì vậy, đòi hỏi lao động phải có tay nghề, có trình độ, chuyên môn kỹ thuật.

Mặt khác, việc chuyển đổi mô hình sử dụng máy móc tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… vào sản xuất kinh doanh dẫn đến cơ hội việc làm cho người lao động bị giảm.

Để tận dụng tốt cơ hội thị trường lao động năm 2025 mang lại, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tập trung tham mưu và triển khai các chính sách phục vụ doanh nghiệp và người dân, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài. Đồng thời, cần nghiên cứu hoàn thành xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và các văn bản pháp lý về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục quan tâm, phát triển thị trường lao động, không chỉ đảm bảo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu trong các ngành nghề mà còn có những đề xuất về chính sách hỗ trợ lao động linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Hiện, Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng. Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập, Việt Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục để cung cấp cơ hội học tập cho nhiều người dân hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động./.

Trang Nguyễn

Tài liệu tham khảo

Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 của Tổng cục Thống kê.

Thông tin Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ của Cục Việc làm trong năm 2025.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top