Thị trường M & A gia tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp

04/08/2020 - 03:10 PM

Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, tiệm cận quy mô của các quốc gia trong khu vực. Các thương vụ M&A có giá trị lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ sau khi được doanh nghiệp lớn mua lại đã gia tăng hiệu quả kinh doanh, quy mô và tính cạnh tranh của doanh nghiệp cao hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn khi tham gia hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Thị trường M&A gia tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp

Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, cùng với đó là chính sách chủ trương hội nhập quốc tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài đã tạo cho Việt Nam có một khuôn khổ pháp lý rộng mở, đem đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước trong hoạt động M&A. Hoạt động M&A xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng những năm 1990. Sau 30 năm, hoạt động M&A ngày càng được đẩy mạnh và phát triển sôi động. Quy mô và giá trị thương vụ M&A tăng dần qua từng năm. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Trong đó có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 15,5 tỷ USD, tăng 56,4%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 2.136 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 9,2 tỷ USD và 7.706 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị vốn góp là 6,3 tỷ USD.

 Thị trường M & A gia tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Riêng 5 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 20/5/2020), tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD, giảm 60,9%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 715 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,2 tỷ USD và 2.813 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,8 tỷ USD.

Ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài rót vốn trong hoạt động M&A cũng khá đa dạng, trong đó ngành bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực có sức hút đối với các nhà đầu tư. Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2010 là 88 tỷ USD, đến năm 2017 đã tăng nhanh lên 130 tỷ USD và dự báo năm 2020 là 150 tỷ USD. Ngành bán lẻ vẫn còn nhiều tiềm năng nhờ thị trường tiêu thụ rộng, dân số trẻ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 35,6% tổng vốn; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 624,5 triệu USD, chiếm 20,9%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 324,9 triệu USD, chiếm 10,8%; các ngành còn lại đạt 977,1 triệu USD, chiếm 32,7%.

Các thương vụ M&A là hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp có sự tham gia của ít nhất hai công ty. Khi tham gia vào hoạt động M&A, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được tiếp cận, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời qua M&A doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc môi trường tốt hơn và có điều kiện mới hơn. Kết quả hoạt động sau M&A tạo nên những thay đổi trong quản trị, vận hành kinh doanh của các bên tham gia.

Ngoài việc hợp tác với các đối tác nước ngoài trong khoảng 10 năm trở lại đây đã cho thấy sự chuyển mình và trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào mua bán - sáp nhập các công ty nước ngoài, thực hiện chiến lược đưa doanh nghiệp tăng tốc lên quy mô tầm khu vực và thế giới nhanh hơn. Thành lập vào năm 1996, sau 23 năm, Công ty cổ phần tập đoàn Masan (MSN) trở thành tập đoàn hàng đầu với giá trị hàng tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu xây dựng tập đoàn lớn hàng đầu, Masan thông qua các thương vụ M&A đã chi hàng trăm triệu USD thâu tóm các doanh nghiệp ngoại tầm cỡ như: Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Cty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco)… thông qua hoạt động M&A, Masan đã nhanh chóng xây dựng được chuỗi giá trị của ngành hàng đạm động vật - thị trường có trị giá lên tới 18 tỷ USD, từ thức ăn gia súc (Proconco), đến chăn nuôi gia súc (Anco), chế biến thịt (thâu tóm Vissan) và mới đây là cho ra đời MeatLife. Ngoài ra, qua M&A, Masan đã mua lại toàn bộ nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.StarckGmbH (HCS) - nhà chế tạo hàng đầu thế giới về kim loại có công nghệ chịu nhiệt, cung cấp cho các lĩnh vực công nghiệp như: Điện tử, hóa chất, ô tô, y tế, hàng không, năng lượng và môi trường. Các sản phẩm của HCS đều được sản xuất tại các tổ hợp được đóng ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Việc mua lại HCS đã đưa Masan đứng cùng các doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai khoáng và cơ khí chế tạo.

Cũng đặt mục tiêu vươn ra thị trường thế giới, giữa năm 2018, Vingroup mạnh tay mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ. Việc mua lại công ty công nghệ hàng đầu Tây Ban Nha - BQ, VinGroup đã tiếp nhận kinh doanh trong một số lĩnh vực hi-tech có liên quan tới smartphone như: Robotics và in 3D; có quan hệ với một số tên tuổi quan trọng như: Qualcomm và Google. Ngoài ra, VinGroup còn được kế thừa các bằng sáng chế của BQ. Sau khi thâu tóm BQ điện thoại Vsmart đã chính thức có mặt tại Tây Ban Nha - thị trường cửa ngõ vươn ra khu vực châu Âu của công ty VinSmart. Theo Vingroup, các sản phẩm của công ty Vinsmart được phân phối qua gần 90 cửa hàng của MediaMarkt - nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng lớn nhất châu Âu. Với tham vọng đưa sản phẩm điện thoại thông minh ra thị trường toàn cầu, công ty VinSmart đã thành lập 6 nhóm kinh doanh cho hoạt động thương mại ở các khu vực trên thế giới.

Bên cạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp từ các thương vụ M&A thời gian qua còn phải kể đến những chuyển động trong chính sách như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và đặc biệt việc Bộ Chính trị lần đầu ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã mang lại những tác động tích cực cho thị trường. Ngoài ra, việc ký và thực thi các hiệp định tự do thế hệ mới cũng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A, từ đó gia tăng hơn nữa quy mô và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích M&A mang lại cho các doanh nghiệp thì việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết như: Quy mô hoạt động M&A tại Việt Nam chưa thể so với các nước trong khu vực và thế giới. Các thương vụ sáp nhập doanh nghiệp còn mang tính liên doanh, hợp tác giữa các bên; trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng mức độ hợp tác cao mà các thương vụ M&A đòi hỏi; chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp còn rất sơ sài; doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm, vốn, năng lực nên tham gia vào hoạt động M&A xuyên quốc gia chưa cao; sự khác biệt về văn hóa làm ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành sau M&A của các công ty nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam qua hoạt động M&A, dẫn tới việc đạt các mục tiêu trước M&A của doanh nghiệp không được như kỳ vọng.

        Giải pháp gia tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển thị trường M&A

Theo các nhà phân tích, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Để tận dụng hiệu quả M&A làm gia tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như:

Về quản lý Nhà nước

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.

Hai là, xây dựng kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh cho cả bên mua, bên bán. Cần quy định việc công bố thông tin với đối tượng tham gia không chỉ là công ty truyền thông mà bao gồm cả doanh nghiệp. Việc cung cấp thông tin được quy định rõ loại thông tin và hình thức công bố thông tin. Cung cấp thông tin cho thị trường có thể thực hiện như một dịch vu với chi phí hợp lý.

Ba là, cần phân tích tác động của hoạt động M&A đến hiệu quả kinh tế và cạnh tranh trong ngành trên các khía cạnh như: Số lượng các doanh nghiệp trên thị trường, mức độ cạnh tranh giữa các bên tham gia M&A; mức độ minh bạch của thị trường; áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp tiềm năng; tính chất thay thế của sản phẩm.

Bốn là, cần có những chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, môi giới chuyên nghiệp cho cả bên mua, bên bán, đồng thời là người cung cấp thông tin tốt nhất về thị trường. Giúp thị trường M&A Việt Nam hoạt động tốt và đi vào chuyên nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Về phía các doanh nghiệp

Một là, doanh nghiệp cần xác định quan hệ pháp lý nội bộ của các cổ đông, thành viên doanh nghiệp, chủ sở hữu tài sản, chế độ pháp lý đối với các loại tài sản, hồ sơ dự án, quyền sử dụng đất, các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng đối với người lao động… từ đó có giải pháp hạn chế rủi ro và đưa ra quyết định M&A phù hợp.

Hai là, doanh nghiệp phải xác định thị phần của mình và dự tính thị phần kết hợp nếu thực hiện M&A; chủ động tự đánh giá quy mô doanh nghiệp của mình và doanh nghiệp mục tiêu. Ngoài ra, dựa trên các tiêu chí của pháp luật đặt ra để xem xét nhóm tập trung kinh tế cần kiểm soát như: Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế; thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Ba là, cần xem xét lĩnh vực dự định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A để tiến hành rà soát hướng dẫn của luật chuyên ngành trong lĩnh vực đó, từ đó đưa ra mức tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần hợp lý.

Bốn là, các doanh nghiệp Việt Nam cần có nền tảng kiến thức về pháp lý cơ bản, nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động M&A, nâng cao ưu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm là, các nhà quản trị công ty cần xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp để điều hành khối tài sản và nguồn lực mới sau hoạt động M&A đem lại để đạt được mục tiêu kinh doanh, kết quả lợi nhuận và giá trị đồng vốn đầu tư đem lại./.

ThS. Đặng Thị Lan

Học viện Ngân hàng


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top