Thị trường mua bán, sáp nhập: Thận trọng trước xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp nội

09/09/2020 - 04:03 PM
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những cảnh báo về khả năng xảy ra tình trạng thâu tóm, mua bán sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu của Việt Nam. Mặc dù chưa có những số liệu thống kê cụ thể hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiêp (M&A) từ đầu năm cho đến nay, nhưng xu hướng này đã được các cơ quan quản lý nhìn nhận cần phải có những giải pháp thích hợp để các doanh nghiệp Việt không bị lợi dụng thâu tóm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Diễn biến thị trường mua bán, sáp nhập

Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn, ngày càng thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại sau đại dịch. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 8,43 tỷ USD; có 526 lượt dự án được đăng ký điều chỉnh tăng vốn với tổng mức 3,72 tỷ USD. Trong số đó, có thể thấy các lĩnh vực chế biến, chế tạo; phân phối điện, nước, khí, điều hòa, ô tô, xe máy, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.... là khu vực có tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự ưu tiên đặc biệt vào những lĩnh vực này.

 
Thị trường mua bán, sáp nhập: Thận trọng trước xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp nội

Ảnh minh họa, nguồn Internet

6 tháng đầu năm 2020 cũng đã ghi nhận có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, chiếm 51,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 950 triệu USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư; Đài Loan đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư 775 triệu USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Một số dự án đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này có thể điểm qua như: Nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải của Hồng Kông (Trung Quốc), vốn đăng ký đầu tư 214 triệu USD; Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam của Trung Quốc, vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng; Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho xe ô tô tại Vĩnh Long; Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu của Singapore, vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG; Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD; Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai của Singapore, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD...

Theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang tràn đến Việt Nam là minh chứng cho sự dịch chuyển đầu tư được thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay dịch COVID-19 cùng với nhiều nhân tố khác. Viện nghiên cứu Đầu tư và mua bán doanh nghiệp (CMAC) cho biết, thực tế trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các giao dịch M&A đã có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, về mặt dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Nhiều thương vụ, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là bên mua vẫn tiếp tục xuất hiện, dù không nhiều như giai đoạn trước. Điển hình là các thương vụ đáng chú ý như: Nhà đầu tư Thái Lan mua lại Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa, Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát và Công ty cổ phần Kim loại màu và Nhựa đồng Việt (Dovina) hay như năm 2019 KEB Hana trở thành cổ đông lớn sở hữu 15% của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Viettinbank) bán 50% cổ phần tại công ty cho thuê tài chính…

Điểm sáng về M&A của Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn cuối 2019 đầu 2020 thuộc về các tập đoàn tư nhân. Theo đó, trong thời gian từ tháng 6/2019 - 6/2020, các thương vụ hoặc kế hoạch M&A đều đến từ các tập đoàn tư nhân: Điển hình là Tập đoàn Masan mua lại Vinmart, Vinmart+ và Vineco từ Tập đoàn Vingroup; Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên cũng như kế hoạch hợp tác với Vinamilk trong mảng đồ uống; Thaco Group tái cấu trúc và đầu tư vào mảng nông nghiệp từ Hoàng Anh Gia Lai và Hùng Vương Group… Đây là những doanh nghiệp tiên phong trong việc chủ động tìm kiếm các cơ hội M&A mới cũng như tiến hành sắp xếp, tái cấu trúc doanh nghiệp của mình. Các thương vụ M&A giúp cho các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn lực, đồng thời là giải pháp đầu tư hiệu quả khi có thể tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, những tháng cuối năm 2020, thị trường sẽ chứng kiến các thương vụ M&A ở quy mô vừa và nhỏ, trong đó, những lĩnh vực được dự báo tiếp tục thu hút vốn gồm: Bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng…

Cảnh báo sóng M&A

Thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới quan ngại các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc tranh thủ đại dịch COVID-19 tàn phá kinh tế để thâu tóm các công ty chủ chốt nội địa với giá rẻ. Vì vậy, Chính phủ nhiều nước như: Ấn Độ, Nhật, Italy, Đức, Tây Ban Nha... đã đưa ra các cảnh báo nhằm ngăn chặn việc thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc và bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm. Nhiều nước đã dựng lên rào cản nhằm tránh nguy cơ các doanh nghiệp bị nước ngoài thâu tóm, đặc biệt là làn sóng “mua lại thế giới” từ Trung Quốc. Cụ thể, Ủy ban châu Âu đưa ra quy định mới về đầu tư nước ngoài, nhằm giúp các quốc gia thành viên bảo vệ tài sản, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu y tế và y khoa, công nghệ sinh học, cũng như hạ tầng. Australia yêu cầu tất cả các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài phải được xét duyệt, với quy trình có thể kéo dài đến 6 tháng…

Tại Việt Nam, đầu tháng 4/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên đưa ra lời cảnh báo về xu hướng M&A gia tăng và nguy cơ bị thâu tóm. Theo đó, các doanh nghiệp tiềm năng (có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) có thể bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, mặc dù, số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 44% trong 6 tháng năm 2019 xuống 22,4% trong 6 tháng năm 2020. Tuy nhiên, số lượt góp vốn, mua cổ phần lại lên tới 4.125 lượt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng giá trị vốn góp 3,5 tỷ USD, bằng 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia kinh tế, con số trên cho thấy, mặc dù kinh tế đang khó khăn bởi COVID-19, nhưng xu hướng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng nhanh.

Có thể thấy, thị trường M&A hiện vẫn đang “âm ỉ” chờ thời điểm bứt tốc, đây là những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, thị trường lại đang nổi lên vấn đề về khả năng các doanh nghiệp Việt bị “thâu tóm” với giá rẻ. Những tháng đầu năm 2020, thị trường M&A Việt Nam chứng kiến nhiều tập đoàn nước ngoài đã mua lại các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn và có những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khá nhạy cảm. Đơn cử, tập đoàn Stark Corporation (Thái Lan) đã thông báo mua thành công 100% cổ phần của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty cổ phần Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina), một công ty do các cổ đông của Thịnh Phát thành lập, với giá trị 240 triệu USD; Các dự án điện mặt trời ở Bình Thuận và Phú Yên cũng đã chính thức rơi vào tay nhà đầu tư Thái Lan; Tập đoàn SCG (Thái Lan) đánh tiếng muốn chi 400 tỷ đồng để mua Công ty Bao bì Biên Hòa... Bên cạnh đó, thị trường còn đón nhận nhiều thông tin bất lợi xung quanh chuyện đầu tư núp bóng, nhiều dự án khách sạn, bất động sản đã phải rao bán vì chịu ảnh hưởng quá nặng nề bởi dịch Covid-19. Công ty Luật Basico cho biết, thời gian qua, công ty đã nhận được rất nhiều đơn đề nghị tư vấn cho các thương vụ M&A, bao gồm cả những công ty vật liệu xây dựng lớn của Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn góp, hay việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tỷ lệ đăng ký đầu tư ở các dự án tại nhiều địa phương đang thể hiện khả năng các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn “thâu tóm” các doanh nghiệp nội địa. Chính vì vậy, trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất việc bổ sung những cảnh báo về “nguy cơ doanh nghiệp bị thâu tóm”, coi đây là một trong những thách thức lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và đề nghị các địa phương cảnh giác, thận trọng trong vấn đề này.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, chuyện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là bình thường, nhưng điều lo ngại là Việt Nam sẽ dần vắng bóng các thương hiệu tên tuổi của chính người Việt. Khi không có hệ thống doanh nghiệp nội địa mạnh, kinh tế khó có động lực tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, việc các nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh không chỉ dẫn đến nguy cơ công ty Việt bị loại ra khỏi thị trường mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trên thị trường quốc tế. Thực tế đã có không ít vụ doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt để xuất khẩu sang các nước để né thuế. Hệ quả là hàng Việt Nam bị các nước áp thuế trừng phạt mà thép, gỗ là những ví dụ điển hình.

Trong một kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, dịch bệnh đã khiến nhiều công ty Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản. Tận dụng cơ hội này, nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ... Do đó, Chính phủ nên xem xét tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng quan điểm nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc góp vốn, mua cổ phần tại công ty Việt là bình thường, nên để diễn ra tự nhiên, không nên cấm hay dừng. Song với những công ty hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn, nhạy cảm thì cần phải có sự kiểm soát, nhất là đối với các trường hợp nghi ngờ có tình trạng đầu tư núp bóng.

Để lành mạnh hóa thị trường M&A tại Việt Nam cũng như bảo vệ doanh nghiệp nội địa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đối với mua bán, sáp nhập và hỗ trợ doanh nghiệp, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần rà soát kỹ việc mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Theo đó, cần vừa tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng doanh nghiệp bị thôn tính một cách bất hợp lý. Ngược lại, nên tạo điều kiện để một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam dồn lực, mua lại doanh nghiệp nước ngoài thuộc những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào một số ngành “nóng” như hóa dược, sinh học, thiết bị y tế. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng bộ khung pháp lý đủ chắc chắn, minh bạch, khách quan và công bằng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong tình hình mới...

Trong Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, Bộ Chính trị cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước, gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, không để doanh nghiệp Việt bị lợi dụng thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoài nước./.
 
 
Trúc Linh
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top