Thị trường mua bán - sáp nhập Việt Nam năm 2024: Khởi sắc trong những tháng cuối năm

15/11/2024 - 09:23 AM
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu tích cực trong những tháng cuối năm, đánh dấu sự phục hồi sau một giai đoạn trầm lắng kéo dài. Đặc biệt, các thương vụ M&A đình đám của các "ông lớn" trong nước và quốc tế đang góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường.

Từ khóa: Thị trường M&A, thương vụ, khởi sắc

Nhiều tín hiệu khởi sắc từ các thương vụ đình đám

Sau một giai đoạn bùng nổ, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đã chậm lại đáng kể. Trong 7 tháng đầu năm 2024, trái ngược với sự gia tăng của các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại giảm về lượt giao dịch và giá trị vốn góp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng phần vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đạt 1.795 giao dịch, giá trị vốn góp đạt 2,27 tỷ USD, giảm lần lượt 3,1% và 45,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 8/2024 đến nay, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, khi các doanh nghiệp đồng loạt công bố chốt thương vụ thành công.

Một trong những thương vụ M&A được nhiều người quan tâm là việc Mitsui & Co đầu tư chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto - một đơn vị thành viên của Tasco. Tuy giá trị thương vụ này chưa được tiết lộ, song giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và vận chuyển. Quan hệ hợp tác giữa Tasco và Mitsui tại Tasco Auto được xem là bước tiến quan trọng giúp Tasco hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của Công ty. Bên cạnh việc huy động nguồn lực quan trọng về vốn, Tasco Auto sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm vận hành, quản trị quốc tế, tối ưu hiệu quả, cũng như tận dụng được vị thế, mạng lưới sẵn có từ đối tác. Đồng thời, Mitsui sẽ mang đến những giải pháp công nghệ, tư vấn và đồng hành cùng Tasco nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện cấu trúc quản trị, giúp bộ máy tinh gọn và hiệu quả. Về phía Mitsui, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản tham gia sâu hơn các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh tại thị trường 100 triệu dân như Việt Nam. 

 
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hiện tại, quan hệ hợp tác chiến lược giữa Tasco và Mitsui được thúc đẩy bởi tầm nhìn chung về việc tận dụng các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn của lĩnh vực ô tô. Sự kết hợp giữa các lợi thế hàng đầu của Tasco trong lĩnh vực dịch vụ ô tô tại Việt Nam với kinh nghiệm, mạng lưới quốc tế và tiềm lực mạnh mẽ của Mitsui trên toàn thế giới sẽ giúp tận dụng tối đa các thế mạnh của cả hai bên, để phát triển và mở rộng kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động. 

Ngoài thương vụ trên, hàng loạt thương vụ M&A bất động sản “chốt deal” thành công đã làm thị trường M&A của Việt Nam thêm sôi động. Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO thông báo hoàn tất giao dịch nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Hùng Vương lên 58,05% vốn điều lệ và đưa Công ty Cổ phần Hùng Vương trở thành công ty con của tập đoàn. Cụ thể, trong tháng 8/2024, KIDO đã có 2 lần mua hơn 9,5 triệu cổ phần và 4,5 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Hùng Vương để hoàn tất sở hữu 58,05% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Cuối tháng 9/2024, Công ty tái bảo hiểm toàn cầu AON Plc muốn bán khu phức hợp 3 tòa nhà Landmark 72 ở Hà Nội, bao gồm tòa nhà chọc trời cao thứ hai Việt Nam là Keangnam Hanoi Landmark Tower. Tài sản có giá trị gần 749 triệu USD. Một trong những bên đang quan tâm là Công ty chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc.

Trong tháng 10/2024, đã có hai thương vụ M&A đến từ dòng vốn ngoại. Cụ thể, Tập đoàn Keppel (Singapore) đã tiến hành bán 70% vốn tại hai dự án bất động sản lớn ở TP. Hồ Chí Minh là Saigon Sports City (thành phố Thủ Đức) và Saigon Centre giai đoạn 3 (Quận 1), với tổng giá trị thương vụ ước tính lên đến 8.500 tỷ đồng. Đây là hai trong những thương vụ M&A bất động sản lớn nhất trong năm và có tác động lớn đến thị trường M&A Việt Nam.

Đối với dự án Saigon Sports City, Keppel cho biết công ty con là Jencity đang tiến hành thoái 70% vốn tại công ty chủ đầu tư dự án này. Trong đó, 35% vốn được bán cho Công ty TNHH HTV Đại Phước và 35% còn lại bán cho Công ty cổ phần Bất động sản Vinobly. Giá trị thương vụ tối đa vào khoảng 7.450 tỷ đồng. 

Đối với dự án Saigon Centre giai đoạn 3, công ty con Himawari VNSC3 đã phát hành 46,3 triệu cổ phiếu phổ thông mới cho Toshin Development (một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản). Toshin sẽ trả khoảng 46,4 triệu USD (1.142 tỷ đồng) cho thương vụ trên, thanh toán làm 7 đợt. Đợt cuối cùng sẽ được thanh toán sau khi dự án Saigon Centre giai đoạn 3 được cấp giấy phép xây dựng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc Keppel thoái vốn không chỉ là động thái tái cơ cấu danh mục đầu tư của tập đoàn, mà còn cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án Saigon Sports City và Saigon Centre đều là những dự án bất động sản chiến lược tại TP. Hồ Chí Minh, giúp củng cố vị thế của thành phố này như một trung tâm kinh tế lớn của khu vực. Các thương vụ này dự kiến sẽ hoàn thành sau khi các điều kiện pháp lý cần thiết được đáp ứng.

Bên cạnh đó, những thương vụ lớn khác trong lĩnh vực bất động sản như: Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) thâu tóm 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước, rộng 45,5 ha, từ Tập đoàn Nam Long (NLG), với giá khoảng 26 triệu USD; Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển Dự án The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại tỉnh Bình Dương.

Lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cũng là mảnh đất tiềm năng cho M&A, khi các nhà sản xuất lớn vẫn tiếp tục cam kết những khoản đầu tư tăng thêm vào Việt Nam. Tripod Technology Corporation (Đài Loan) đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ nhà phát triển bất động sản công nghiệp Sonadezi Châu Đức (SZC). Công ty Atlantic, Gulf and Pacific LNG (Singapore) đã mua lại 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lĩnh vực năng lượng sạch cũng là điểm đến của vốn đầu tư từ các nước trong khu vực. Công ty Con do Sembcorp (Singapore) đã mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con thuộc hệ thống của Tập đoàn Gelex, đồng thời dự kiến tiếp tục mua 73% cổ phần của công ty con thứ 4 trong hệ thống của Gelex trong nửa cuối năm 2024. Đây là một trong những thương vụ lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam. Không chỉ thế, thương vụ này còn nhấn mạnh sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích phát triển các dự án năng lượng bền vững, đồng thời cho thấy tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư quốc tế về tiềm năng phát triển của ngành năng lượng tại Việt Nam.

Giới chuyên gia cho biết, thị trường đang kỳ vọng những thương vụ M&A có giá trị lớn trong quý cuối cùng năm 2024, nhất là lĩnh vực bất động sản, khi 3 luật liên quan có hiệu lực kể từ đầu tháng 8/2024.

Triển vọng trong những tháng cuối năm

Triển vọng M&A những tháng cuối năm 2024 được dự báo nhiều tiềm năng, tạo đà cho các nhà đầu tư thúc đẩy thương vụ trong năm tới. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất sẽ tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, điều này có khả năng khuyến khích nhiều thương vụ và cải thiện triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới.

Theo các chuyên gia của S&P Global, mặc dù hoạt động M&A lắng xuống trong phần lớn năm 2023, nhiều yếu tố khác đang có khả năng thúc đẩy các nhà giao dịch tham gia vào năm 2024. Những yếu tố này bao gồm sự ổn định về tỷ giá và nhu cầu bị dồn nén, điều này có thể kích thích các thương vụ hợp nhất hoặc thoái vốn trong một số ngành nhất định.

Tại Việt Nam, thị trường M&A vẫn đang mở ra nhiều cơ hội và triển vọng nhờ vào sự củng cố các yếu tố nền tảng. Công tác cải cách thể chế và chính sách đang được thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, bao gồm cả M&A.

Chính phủ cũng đang nghiên cứu để có những phản ứng chính sách kịp thời trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các tập đoàn đa quốc gia với quy mô lớn. Bên cạnh đó, quá trình thoái vốn và tái cơ cấu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (vốn bị chậm lại trong thời gian vừa qua) sẽ được thúc đẩy để gia tăng hiệu quả.

Với nhiều yếu tố thuận lợi, thị trường M&A Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong lĩnh vực bất động sản và tài chính vào quý cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh kế hoạch nâng cấp thị trường chứng khoán lên hạng mới nổi thứ cấp của FTSE vào năm 2025, mở ra nhu cầu vốn lớn và kích hoạt các thương vụ sáp nhập quy mô lớn trong ngành tài chính và bất động sản.

Hiện tại, Việt Nam đang được xếp hạng thị trường cận biên và việc nâng hạng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới, khi các quỹ đầu tư nước ngoài có thể đổ vào Việt Nam với quy mô lớn hơn. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Việt Nam thành công trong việc nâng hạng, dòng vốn ngoại sẽ tăng mạnh, tạo ra áp lực trên thị trường cổ phiếu và đẩy mạnh các thương vụ M&A trong các lĩnh vực như tài chính, bất động sản và năng lượng.

Trong lĩnh vực tài chính, các thương vụ M&A dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Một trong những yếu tố thúc đẩy chính là việc nâng cấp thị trường chứng khoán và nhu cầu huy động vốn để tăng cường năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng và công ty chứng khoán lớn đã và đang triển khai các kế hoạch tăng vốn, chuẩn bị cho đợt bùng nổ hoạt động M&A sắp tới. Điển hình, Công ty Chứng khoán VietCap vừa công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ 1.436 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 4.021 tỷ đồng từ 66 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là một trong những động thái mạnh mẽ của VietCap nhằm tăng cường vị thế trên thị trường và chuẩn bị cho các hoạt động M&A trong tương lai gần.

Cùng với đó, bất động sản và năng lượng tái tạo cũng là hai lĩnh vực chính thu hút dòng vốn M&A trong năm 2024 và sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Với sự cải thiện về mặt pháp lý, đặc biệt là việc có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đang được "tiếp sức" mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ M&A trong ngành này.

Hiệp hội Môi giới bất động sản (VARS) nhận định, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh về tài chính trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế. VARS dự báo, hoạt động M&A trong nửa cuối năm 2024 tiếp tục sôi động với “trợ lực” từ hành lang pháp lý khi các đạo luật liên quan đến bất động sản đi vào cuộc sống.

Theo công ty bất động sản Savills Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới bất động sản Việt Nam, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… với những kế hoạch dài hơi và số vốn khổng lồ. Savills Việt Nam dự báo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam và các thương vụ M&A sẽ gia tăng nhờ việc cải thiện hành lang pháp lý và sự phát triển cơ sở hạ tầng. Thị trường bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ là điểm đến chính của dòng vốn ngoại, khi nhu cầu về mặt bằng sản xuất tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài./.

 
Thu Hường
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top