Thỏa thuận đa phương đầu tiên của thế giới về chuỗi cung ứng IPEF

01/07/2024 - 03:08 PM
Bảo đảm chuỗi cung ứng được coi là một trong những nguyên tắc sống còn của hoạt động thương mại hàng hóa trong bối cảnh đa phương hóa và toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy, với Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF, các nước thành viên, trong đó có Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được nhiều lợi ích trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ trong hoạt động thương mại quốc tế và giải quyết vấn đề trước những biến cố bất lợi có thể xảy ra.
 
Yêu cầu về một thỏa thuận đa phương nhằm tăng sức chống chịu và phục hồi của chuỗi cung ứng
 
Đại dịch Covid-19 không chỉ để lại hậu quả nặng nề đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới mà còn làm sáng tỏ hơn tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu trước tác động cả khách quan và chủ quan. Vì vậy, các nền kinh tế trên thế giới đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn và tăng cường hợp tác hơn nữa để đảm bảo tính chống chịu của các chuỗi cung ứng trước tác động ngoại quan như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… Trước bối cảnh đó, một số thỏa thuận, liên kết song phương, khu vực về chuỗi cung ứng đã được hình thành nhưng mới chỉ ở dạng sơ khởi.
 
Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) là sáng kiến kinh tế do Hoa Kỳ đề xuất với 14 thành viên, chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, gồm: Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Mục tiêu trở thành khuôn khổ hợp tác mở, bao trùm, linh hoạt, bền vững và năng động, đóng góp vào tương lai hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân; đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển thông qua thu hút nguồn tài chính và đầu tư mới vào khu vực. IPEF dựa trên 4 trụ cột chính gồm: Thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng.
 
Thỏa thuận đa phương đầu tiên của thế giới về chuỗi cung ứng IPEF
Tại Hội nghị Bộ trưởng IPEF 2024, các Bộ trưởng đối tác IPEF hoan nghênh thông báo của Thái Lan và Malaysia đã hoàn thành các quy trình nội địa tương ứng cần thiết để trở thành các Bên của Thỏa thuận Chuỗi Cung ứng, nâng tổng số lượng các Bên tham gia Thỏa thuận Chuỗi Cung ứng lên 9 đối tác. Ảnh: Moit.gov.vn
 
Trong 4 trụ cột của IPEF, chuỗi cung ứng là trụ cột thứ hai, bao gồm các cấu phần: (i) Thiết lập các tiêu chí cho các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng; (ii) Tăng sức chống chịu và tăng đầu tư vào các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng; (iii) Thiết lập Cơ chế chia sẻ thông tin và ứng phó đối với khủng hoảng; (iv) Tăng cường hậu cần chuỗi cung ứng; (v) Nâng cao vai trò của người lao động và (vi) Cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng.
 
Ngày 27/5/2023, IPEF đã công bố kết luận chủ yếu của các cuộc đàm phán về một Thỏa thuận quốc tế đầu tiên về Chuỗi cung ứng tại Hội nghị Bộ trưởng IPEF ở Detroit, Michigan (Hoa Kỳ). Sau quá trình tham vấn, rà soát pháp lý, 14 nước thành viên đã tiến hành ký kết Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF vào giữa tháng 11/2023. Do đó, Thỏa thuận Chuỗi cung ứng trong khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng có thể được xem như là thỏa thuận đa phương đầu tiên và lớn nhất trên thế giới về chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu hiện tại. Thỏa thuận được đề xuất nhằm tăng khả năng phục hồi hiệu quả, năng suất, tính bền vững, minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, công bằng và toàn diện của chuỗi cung ứng của các quốc gia thông qua cả các hoạt động hợp tác và các hành động riêng lẻ được thực hiện bởi mỗi thành viên của IPEF. Theo đó, các thành viên IPEF thống nhất:
 
Một là, thiết lập một khuôn khổ để cùng xây dựng hiểu biết chung về các rủi ro lớn trong chuỗi cung ứng, được hỗ trợ bởi việc xác định và điều phối các lĩnh vực quan trọng và hàng hóa chính của mỗi thành viên.
 
Hai là, cải thiện khả năng điều phối và ứng phó với khủng hoảng gián đoạn chuỗi cung ứng và hợp tác cùng nhau để hỗ trợ phân phối kịp thời hàng hóa bị ảnh hưởng trong khủng hoảng.
 
Ba là, đảm bảo rằng người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong nền kinh tế của các thành viên IPEF được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng linh hoạt, mạnh mẽ và hiệu quả bằng cách xác định các sự gián đoạn hoặc sự gián đoạn tiềm tàng và phản ứng kịp thời, hiệu quả cùng nhau nếu có thể.
 
Bốn là, chuẩn bị tốt hơn cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế của các thành viên IPEF trong việc xác định, quản lý và giải quyết tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng và hậu cần chuỗi cung ứng.
 
Năm là, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, huy động đầu tư và thúc đẩy tính minh bạch của quy định trong các ngành và hàng hóa quan trọng đối với an ninh quốc gia, sức khỏe và an toàn công cộng hoặc ngăn chặn những giai đoạn gián đoạn kinh tế nghiêm trọng hoặc lan rộng.
 
Sáu là, tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện một cách thiện chí các quyền của người lao động trong chuỗi cung ứng của các thành viên IPEF, nhằm công nhận vai trò thiết yếu của người lao động trong việc giúp chuỗi cung ứng đạt được khả năng phục hồi tốt hơn.
 
Bảy là, đảm bảo có đủ số lượng nhân lực lành nghề trong các lĩnh vực quan trọng và hàng hóa chủ chốt, bằng cách nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho nguồn nhân lực, thúc đẩy tính toàn diện và tiếp cận bình đẳng, đồng thời tăng độ tương thích của các khung chứng chỉ kỹ năng.
 
Tám là, xác định các cơ hội cho việc hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực trong việc củng cố chuỗi cung ứng của các thành viên IPEF.
 
Chín là, tôn trọng các nguyên tắc thị trường, giảm thiểu các biến dạng thị trường, bao gồm các hạn chế và cản trở không cần thiết đối với thương mại và bảo vệ thông tin bí mật kinh doanh.
 
Đầu tháng 6/2024 vừa qua, các thành viên thuộc IPEF đã hoàn thành đàm phán và thực hiện ký kết phù hợp với thủ tục trong nước của mỗi bên đối với các Hiệp định Tổng thể IPEF, Hiệp định Trụ cột III về kinh tế sạch và Trụ cột IV về kinh tế công bằng. Riêng với Hiệp định Trụ cột II về sức chống chịu của chuỗi cung ứng, đã có 8/14 nước tham gia IPEF hoàn thành quá trình phê duyệt để đưa Hiệp định vào thực thi. Các nước thành viên còn lại đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để Thỏa thuận Chuỗi cung ứng IPEF có thể chính thức triển khai theo kế hoạch trong nửa đầu năm 2024. 
 
Tạo thuận lợi với Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF, lợi ích cho Việt Nam
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, hỗ trợ những nỗ lực thực hiện Thỏa thuận trong các vấn đề về chuỗi cung ứng, các nước thành viên thống nhất thiết lập 03 thể chế chung gồm: Hội đồng Chuỗi cung ứng IPEF; Mạng lưới Ứng phó khủng hoảng Chuỗi cung ứng IPEF; Ban Cố vấn Quyền lao động IPEF. Trong đó, Hội đồng Chuỗi Cung ứng IPEF là một cơ chế để các thành viên của IPEF hợp tác làm việc để phát triển các kế hoạch hành động theo ngành cụ thể cho các ngành quan trọng và hàng hóa chính nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của thành viên IPEF, bao gồm thông qua đa dạng hóa nguồn hàng, phát triển cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động, tăng cường kết nối hậu cần, kết nối kinh doanh, nghiên cứu và phát triển chung, và tạo thuận lợi cho thương mại. Mạng lưới Ứng phó Khủng hoảng Chuỗi Cung ứng IPEF là kênh liên lạc khẩn cấp để các thành viên của IPEF tìm kiếm sự hỗ trợ trong thời gian chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tạo điều kiện chia sẻ thông tin và cộng tác giữa các thành viên của IPEF trong thời gian khủng hoảng, giúp tạo ra một giải pháp nhanh hơn và hiệu quả hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các thành viên. Ban Cố vấn Quyền Lao động IPEF bao gồm đại diện của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, cũng như một tiểu ban bao gồm các đại diện của chính phủ, để hỗ trợ việc thúc đẩy quyền lao động của các thành viên IPEF trong hoạt động chuỗi cung ứng của các thành viên, thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, và tạo cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tôn trọng quyền của người lao động.
 
Đáng chú ý, với Mạng lưới ứng phó khủng hoảng IPEF, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chuỗi cung ứng, nếu các nước thành viên sử dụng mạng lưới ứng phó khủng hoảng IPEF, quốc gia đó có thể yêu cầu thông tin về các nguồn cung cấp thay thế từ chính phủ của 14 quốc gia thành viên và trong vòng 15 ngày có thể nhận được sự hợp tác để quá trình vận chuyển hàng hóa diễn ra suôn sẻ, hiệu quả hơn. Các thành viên IPEF cũng cam kết triển khai Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này ngay khi có thể, bao gồm cả việc bắt đầu công tác chuẩn bị, để củng cố chuỗi cung ứng linh hoạt đồng thời nhận ra các đặc điểm kinh tế và địa lý khác nhau của các thành viên.
 
Đặc biệt, Thỏa thuận này cho phép các nước rút lui sau ba năm nếu hoàn cảnh cho phép. Và sau 5 năm, các quốc gia tham gia sẽ bắt tay vào quá trình xem xét để cân nhắc các cải tiến và sửa đổi phù hợp với bối cảnh kinh tế đang phát triển. Các quốc gia khác cũng được khuyến khích tiếp tục tham gia sau năm đầu tiên, điều này sẽ giúp mở rộng phạm vi và ảnh hưởng của thỏa thuận. 
 
Đối với Việt Nam, hoạt động thương mại ngày càng tăng trưởng, giữ vai trò trụ cột, là bệ đỡ vững chắc của toàn nền kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2023, quy mô thương mại hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD, trị giá xuất siêu 83 tỷ USD. Một số nước có trị giá xuất khẩu lớn là thành viên khác của IPEF như: Nhật Bản đạt 23,3 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD, tăng 90,3% so với năm trước; Hàn Quốc đạt 23,4 tỷ USD; Thái Lan đạt 7,1 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu của đơn vị tư vấn chuỗi cung ứng toàn diện (TMX Global) đã chỉ ra rằng, những gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến nền kinh tế Việt Nam thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đô la Singapore mỗi năm. Thiệt hại này có thể sẽ còn cao hơn nữa trong bối cảnh thương mại Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Bài học đứt gãy chuỗi cung ứng từ đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp trong việc đảm bảo sự ổn định của các chuỗi cung ứng then chốt.
 
Với tư cách thành viên của IPEF, Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự chính trị và kinh tế của khuôn khổ. Đồng thời, các thỏa thuận về chuỗi cung ứng đa phương với các quốc gia thành viên được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và nâng cao khả năng chống chịu, phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng nói riêng. Nhất là khi hầu hết các thành viên còn lại của IPEF đều là các cường quốc, đồng thời là đối tác thương mại quan trọng và lâu dài của Việt Nam trong nhiều năm qua. Với Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thể có được sự ổn định hơn trong thương mại song phương, hoặc được hưởng sự bảo vệ đồng minh thường xuyên hơn, khi Việt Nam hợp tác sâu hơn với các thành viên để thực hiện các kế hoạch và giải pháp cùng có lợi cho chuỗi cung ứng./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top