Tình hình kinh tế - xã hội cả nước quý I năm 2020

27/03/2020 - 04:27 PM
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
 
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm[2], giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu dẫn đến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. Ở trong nước, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay; khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.
 
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).
 
Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.
 
2. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long[3]; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản quý I/2020 tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
 
a) Nông nghiệp
 
Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.998,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 97% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.076,8 nghìn ha, bằng 98,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.921,9 nghìn ha, bằng 96% (Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.546,4 nghìn ha, giảm 57,9 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước). Đến nay, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1.143,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 105,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.121 nghìn ha, bằng 105,9% với năng suất ước tính đạt 68,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
 
Cũng đến trung tuần tháng Ba, vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết thúc thu hoạch lúa vụ mùa 2019-2020. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích gieo trồng toàn vùng ước tính đạt 169,2 nghìn ha, giảm 2,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 44,5 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 753,2 nghìn tấn, giảm 26,6 nghìn tấn.
 
Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trong cả nước đã gieo trồng được 312,9 nghìn ha ngô, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước; 56 nghìn ha khoai lang, bằng 91,1%; 13,4 nghìn ha đỗ tương, bằng 89,3%; 113 nghìn ha lạc, bằng 93,5%; 543,8 nghìn ha rau đậu, bằng 101,5%.
 
Trong quý I/2020, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Điều đạt 149,8 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 137,6 nghìn tấn, tăng 2%; cao su đạt 115,1 nghìn tấn, tăng 3,5%. Sản lượng một số loại cây ăn quả chủ yếu: Bưởi đạt 140 nghìn tấn, tăng 12%; thanh long đạt 390 nghìn tấn, tăng 10%; cam đạt 229,3 nghìn tấn, tăng 8%; xoài đạt 107,7 nghìn tấn, tăng 4,5%; dứa đạt 245,3 nghìn tấn, tăng 3%; nhãn đạt 82,6 nghìn tấn, tăng 3%.
 
Đàn trâu cả nước tiếp tục giảm 2% so với cùng thời điểm năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong quý I/2020 đạt 27,5 nghìn tấn, tăng 3,2%; đàn bò phát triển khá do thị trường tiêu thụ ổn định (tăng 3,6%), giá bán thịt bò hơi ở mức cao nên người nuôi có lãi, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 106,5 nghìn tấn, tăng 7,3%; sản lượng sữa bò tươi đạt 257,1 nghìn tấn, tăng 5%. Chăn nuôi lợn có xu hướng dần hồi phục trở lại, ước tính tổng đàn lợn cả nước tháng Ba giảm 17,5% so với cùng thời điểm năm 2019, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển do các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, ước tính tổng đàn gia cầm của cả nước tháng Ba tăng 15% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 383,4 nghìn tấn, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm đạt 4,1 tỷ quả, tăng 14,1%.
 
b) Lâm nghiệp
 
Trong quý I/2020, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 32,6 nghìn ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 21,7 triệu cây, giảm 0,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.881 nghìn m3, tăng 5%; sản lượng củi khai thác đạt 4,6 triệu ste, tăng 0,2%; diện tích rừng bị thiệt hại là 348,3 ha, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 217,1 ha, gấp 4 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 131,2 ha, tăng 37%.
 
c) Thủy sản
 
Sản lượng thủy sản tháng Ba ước tính đạt 502,2 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 368,4 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 51,8 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 82 nghìn tấn, tăng 1,4%. Tính chung quý I/2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.503,1 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 662,1 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 841 nghìn tấn, tăng 1,9% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 806,2 nghìn tấn, tăng 2%).
 
Nuôi cá tra gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cá tra hiện ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, người nuôi lo ngại nên không mạnh dạn thả nuôi. Sản lượng cá tra tháng Ba ước tính đạt 74,7 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2020, sản lượng cá tra ước tính đạt 242,8 nghìn tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
 
Sản lượng tôm sú tháng Ba ước tính đạt 18,8 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 8,7 nghìn tấn, tăng 10,2%. Tính chung quý I/2020, sản lượng tôm sú ước tính đạt 45 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 49,8 nghìn tấn, tăng 8,5%.
 
3. Khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020[4]; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.
 
Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 đạt 5,15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp tăng 5,28%, nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12%, cùng với đó là ngành khai khoáng giảm 3,18% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.
 
Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2020 tăng 24,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 15,6%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2020 đạt 78,4% (cùng kỳ năm trước là 72,9%).
 
4. Trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.
 
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[5]
 
Trong quý I/2020[6], cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 552,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
 
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%, trong đó có 2.629 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2020 là 4,1 nghìn doanh nghiệp, tương đương với cùng kỳ năm trước.
 
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
 
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy: Có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý IV/2019; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định[7]. Dự kiến quý II/2020 so với quý I/2020, có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
 
5. Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%); doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 126,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 1,5%.
 
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý I/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) và luân chuyển 55,9 tỷ lượt khách.km, giảm 8% (cùng kỳ năm trước tăng 10%). Vận tải hàng hóa đạt 435,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,6%) và luân chuyển 84,4 tỷ tấn.km, tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%).
 
Doanh thu viễn thông ước tính 3 tháng đầu năm 2020 đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 129,2 triệu thuê bao, giảm 6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 125,5 triệu thuê bao, giảm 5,9%; thuê bao truy nhập internet băng thông rộng cố định ước tính đạt 15,2 triệu thuê bao, tăng 13%.
 
Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người, chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và giảm 14,9%; bằng đường bộ đạt 551,1 nghìn lượt người, chiếm 15% và giảm 39,4%; bằng đường biển đạt 144,1 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 92,1%. Khách đến từ châu Á đạt 2.674,4 nghìn lượt người, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu ước tính đạt 664,3 nghìn lượt người, giảm 3,1%; khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234 nghìn lượt người, giảm 20,2%; khách đến từ châu Úc đạt 102,2 nghìn lượt người, giảm 14,4%; khách đến từ châu Phi đạt 11,9 nghìn lượt người, tăng 2%.
 
6. Hoạt động ngân hàng và thị trường chứng khoán quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19; hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình hình dịch bệnh.
 
Tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, trong đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
 
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Các công ty Bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng các gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp.
 
Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong quý I năm nay chỉ đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VNIndex đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04% so với bình quân năm 2019. Trên thị trường trái phiếu, hiện có 483 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.163 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2019. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính chung quý I/2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm trước.
 
7. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[8] do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm[9] mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
 
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%.
 
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18%; 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, giảm 65,6%, bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỷ USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2020 có 27 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 22,9 triệu USD; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 26,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 49,3 triệu USD.
 
8. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
 
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%.
 
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2%.
 
9. Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.
 
a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa
 
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2020 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 40,43 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 68,4%. Trong quý I có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,08 tỷ USD, giảm 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,18 tỷ USD, giảm 0,8%. Trong quý I có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
 
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Hai xuất siêu 2,3 tỷ USD[10]2 tháng xuất siêu 1,8 tỷ USD; tháng Ba ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung quý I/2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 2,8 tỷ USD[11] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD.
 
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
 
Trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 3,34 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 71,9% tổng kim ngạch), giảm 18,6%; dịch vụ vận tải đạt 510 triệu USD (chiếm 15,3%), giảm 31,9%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I ước tính đạt 4,27 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2 tỷ USD (chiếm 46,8% tổng kim ngạch), giảm 7%; dịch vụ du lịch đạt 1,4 tỷ USD (chiếm 31,6%), giảm 2,9%. Nhập siêu dịch vụ trong quý I/2020 là 930 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 335 triệu USD), bằng 27,8% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
 
10. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[12]. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[13]. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
 
a) Chỉ số giá tiêu dùng
 
Trong mức giảm 0,72% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất. CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
 
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
 
Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới do các nhà đầu tư trong nước có xu hướng nắm giữ vàng trong thời điểm thị trường chứng khoán, bất động sản không ổn định. Chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 3,87% so với tháng trước; tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước.
 
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.
 
c) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu
 
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 tăng 4,45% so với quý IV/2019 và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,03% và tăng 1,05%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ giảm 0,25% và tăng 2,28%.
 
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý I/2020 giảm 0,28% so với quý IV/2019 và giảm 0,53% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 0,16% và tăng 0,08%. Tỷ giá thương mại hàng hóa[14] quý I/2020 giảm 0,12% so với quý IV/2019 và giảm 0,61% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên tỷ giá thương mại hàng hóa giảm trong 3 năm gần đây[15].
 
II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI
 
1. Đời sống dân cư tháng Ba gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và do tác động của đầu kỳ giáp hạt; công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện.
 
Trong tháng Ba, cả nước có hơn 8,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 9 lần số hộ thiếu đói, gấp 11 lần số nhân khẩu thiếu đói so với tháng trước và cùng gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2020, cả nước có 12,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 49,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 52,8%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 243,3 tấn gạo.
 
Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm là hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (trong đó quà cho đối tượng chính sách, người có công là 2,9 nghìn tỷ đồng; người nghèo là 1,3 nghìn tỷ đồng; cứu đói, cứu trợ khác là 0,6 nghìn tỷ đồng), hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
 
2. Công tác giáo dục, đào tạo đang gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, rà soát, tinh giản nội dung dạy học, triển khai các hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình đảm bảo nội dung chương trình và kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
 
Để phòng chống dịch lây lan, đảm bảo sức khỏe cho người dân, hầu hết các địa phương trên cả nước cho học sinh và sinh viên nghỉ học (Bao gồm 5 triệu trẻ em bậc mầm non; 17 triệu học sinh phổ thông và trên 1,5 triệu học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp[16]). Quyết định cho học sinh và sinh viên nghỉ học là quyết định đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên điều này ảnh hưởng đến kế hoạch, nề nếp dạy và học của nhà trường và học sinh, sinh viên và ảnh hưởng đến các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh học sinh ở cấp mầm non và tiểu học.
 
Đối với giáo dục nghề nghiệp, tính đặc thù là học lý thuyết tại trường kết hợp với thực hành tại xưởng, nhà máy, xí nghiệp nhưng do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cần tránh tập trung đông người nên việc tổ chức đào tạo nghề cũng như công tác tuyển sinh thời điểm này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo trong năm học.
 
3. Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, tính đến 7h30 ngày 27/3/2020 Việt Nam có 153 trường hợp dương tính (17 trường hợp đã được chữa khỏi).
 
Ba tháng đầu năm, cả nước có 19,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong); 4.019 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 67 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 2.427 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 76 trường hợp dương tính.
 
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/3/2020 là 210,3 nghìn người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.106 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.622 người.
 
Về ngộ độc thực phẩm, tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 15 vụ với 242 người bị ngộ độc (5 người tử vong).
 
4. Hoạt động văn hóa, thể thao trong những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến không tổ chức hoặc lùi ngày tổ chức.
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhiều địa phương thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong việc dừng các lễ hội lớn cũng như các hoạt động tụ tập đông người. Một số hoạt động thể thao được lùi thời gian tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có hoạt động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2020.
 
Về thể thao thành tích cao của Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm giành được nhiều kết quả nổi bật: Đội tuyển Cử tạ Việt Nam giành 13 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Vô địch cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á 2020; giành 10 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Vô địch cử tạ Cúp thế giới; giành được 1 huy chương đồng tại giải Cúp Thể dục dụng cụ thế giới; giành được 1 huy chương đồng tại giải Boxing vòng loại Olympic khu vực châu Á; giành 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Cúp bắn cung châu Á. Tính chung quý I/2020, đoàn thể thao Việt Nam đã có 5 suất chính tham dự Olympic Tokyo 2020 gồm các môn: Bắn cung, boxing, thể dục dụng cụ và bơi.
 
5. Tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm trước trên cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương nhờ ý thức chấp hành luật giao thông của người dân được nâng lên do thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.
 
Tình hình tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm có nhiều cải thiện về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong quý I/2020, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.469 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 1.942 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.527 vụ va chạm giao thông, làm 1.639 người chết, 1.004 người bị thương và 1.565 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm 13,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 9,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 18,9%); số người chết giảm 14%; số người bị thương giảm 17% và số người bị thương nhẹ giảm 19%. Bình quân 1 ngày trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 17 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 17 người bị thương nhẹ.
 
6. Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương
 
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, trong 3 tháng đầu năm, thiên tai làm 9 người chết; 18 người bị thương; 39,3 nghìn ha lúa và gần 7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 24 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 23 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I ước tính gần 934,4 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019.
 
Cũng trong 3 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 2.545 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 2.246 vụ với tổng số tiền phạt 58,5 tỷ đồng. Trong 3 tháng, cả nước xảy ra 791 vụ cháy, nổ, làm 25 người chết và 61 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính là 197,4 tỷ đồng./.
 
 TỔNG CỤC THỐNG KÊ
 

[1] Thông cáo báo chí và Infographics về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 được đăng tải trên trang Web của Tổng cục Thống kê (https://www.gso.gov.vn)
 
[2] Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn nhiều so với mức 2,9% của năm 2019 và cho rằng khó dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm sâu đến mức nào trong năm 2020. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ mức dự báo thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 11/2019, xuống còn 2,4% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008-2009.
 
[3] Xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng cao, tính đến ngày 20/3/2020 có 33,8 nghìn ha lúa đông xuân bị nhiễm mặn, trong đó diện tích mất trắng là 20,2 nghìn ha, chiếm 1,3% diện tích gieo trồng.
 
[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: Năm 2016 tăng 8,94%; năm 2017 tăng 8,6%; năm 2018 tăng 14,3%; năm 2019 tăng 11,52%; năm 2020 tăng 7,12%.
 
[5] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
[6] Không tính 1 doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong tháng 1/2020 có vốn đăng ký 144 nghìn tỷ đồng.
 
[7] Chỉ số tương ứng của quý IV/2019: Có 46,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 17% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
 
[8] Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I so với cùng kỳ năm trước các năm giai đoạn 2016-2020: Năm 2016 tăng 10,9%; năm 2017 tăng 9,5%; năm 2018 tăng 10%; năm 2019 tăng 9,1%; năm 2020 tăng 2,2%.
 
[9] Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2019 bằng 13,3% kế hoạch năm.
 
[10] Ước tính tháng Hai xuất siêu 100 triệu USD.
 
[11] Trong đó, quý I/2020 xuất siêu sang EU đạt 4,1 tỷ USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 4,9 tỷ USD, giảm 43,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 7,2 tỷ USD, tăng 6%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, giảm 20,4%.
 
[12] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Ba so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: Tăng 0,57%; tăng 0,21%; giảm 0,27%; giảm 0,21%; giảm 0,72%.
 
[13] Tốc độ tăng CPI tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,69%; 4,65%; 2,66%; 2,7%; 4,87%. Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,25%; 4,96%; 2,82%; 2,63%; 5,56%.
 
[14] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.
 
[15] Tỷ giá thương mại quý I so với cùng kỳ của các năm 2018-2020 lần luợt là: Tăng 0,07%; tăng 2,27%; giảm 0,61%.
 
[16] Chỉ tính sinh viên cao đẳng và trung cấp sư phạm.
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top