Thống kê giới Việt Nam 2020: Một số kết quả chính

19/01/2022 - 11:14 AM
Số liệu thống kê giới là cơ sở quan trọng giúp xây dựng, giám sát việc thực hiện luật pháp và chính sách, đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của các nhóm phụ nữ và nam giới. Thống kê giới tại Việt Nam 2020 đã cung cấp bức tranh toàn diện về thống kê giới giai đoạn 2017-2020 theo từng lĩnh vực: Dân số, lao động việc làm và tiếp cận các nguồn lực, giáo dục và đào tạo, y tế và các dịch vụ liên quan, lãnh đạo, quản lý, bạo lực trên cơ sở giới, an toàn xã hội.
 

Dân số

Theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tổng dân số của Việt Nam là trên 96 triệu người, trong đó, dân số nam là trên 47 triệu người, chiếm 49,8%; dân số nữ là trên 48 triệu người, chiếm 50,2%.
Quy mô dân số trong nhóm tuổi 0-19 cho thấy sự thiếu hụt hơn 1,2 triệu trẻ em gái so với trẻ em trai trong cùng độ tuổi. Với việc dư thừa số lượng nam thanh niên như hiện nay thì mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu dân số trong tương lai và trong những thập niên tới.

 
Ảnh minh họa

Năm 2019, tỷ số giới tính của Việt Nam là 99,1 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính khu vực thành thị là 95,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Vùng Tây Nguyên có tỷ số giới tính cao nhất 101,7 và thấp nhất là Đông Nam Bộ 97,8.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích con trai cùng các hành vi can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh thông thường ở mức 104-106 bé trai/100 bé gái sinh sống. Tại Việt Nam, tỷ số này năm 2019 là 111,5 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé sinh ra sống vào năm 2030 thì hiện nay Việt Nam đã đạt được mục tiêu này ở cấp quốc gia.

Tỷ số tử vong trẻ tại Việt Nam đã giảm ấn tượng trong 10 năm qua, từ 69 trên 100 nghìn trẻ sinh sống vào năm 2009 xuống còn 46 vào năm 2019. Kết quả này cho thấy, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu này sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/1 nghìn trẻ em sinh sống đến năm 2030) hoặc Chiến lược bình đẳng giới quốc gia giai đoạn 2020 -2030 đề ra (dưới 42 ca/1 nghìn trẻ em sinh sống đến năm 2030).

Năm 2019, tuổi thọ trung bình tăng lên 73,6 tuổi, nam giới là 71 tuổi, thấp hơn của nữ giới là 76,3 tuổi. Thực tế ở Việt Nam và đa số các nước, mức tử vong của nam thường cao hơn nữ ở tất cả độ tuổi và do đó, tuổi thọ trung bình của nam thường thấp hơn nữ.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009, trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Cả nam và nữ ở khu vực thành thị có xu hướng kết hôn muộn hơn khu vực nông thôn.

Lao động việc làm và tiếp cận các nguồn lực

Nguồn nhân lực dồi dào được xem là một lợi thế cạnh tranh và là sức mạnh tiềm năng của mỗi quốc gia. Quy mô dân số liên tục tăng trong các năm qua, cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng đã cung cấp nguồn nhân lực vô cùng lớn cho thị trường lao động tại Việt Nam.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á (43,9%), ở mức 76,8% năm 2019, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động là 71,8% thấp hơn của nam giới là 81,9%.

Quy mô lao động có việc làm trong nền kinh tế liên tiếp tăng theo thời gian. Năm 2019 đạt 54,6 triệu người; trong đó, lao động nam đạt gần 28,8 triệu người và lao động nữ là 25,9 triệu người. Chuyển dịch cơ cấu lao động tiếp tục theo xu hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Nếu xem xét riêng 2 nhóm của việc làm dễ bị tổn thương, có thể nhận thấy rằng lao động tự làm ở nam giới và nữ giới của Việt Nam là tương đương nhau. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ trở thành lao động gia đình cao hơn gấp đôi so với nam giới. Năm 2019, 2/3 lao động gia đình ở Việt Nam là phụ nữ (5 triệu lao động gia đình là nữ). Họ chiếm gần 1/4 việc làm của phụ nữ nông thôn (17,6 triệu lao động nữ nông thôn), so với chỉ 2,7 triệu lao động gia đình là nam giới, chiếm 13% của tổng số việc làm của nam giới ở nông thôn (19,5 triệu).

Số liệu về vị thế việc làm cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ. Cơ cấu lao động trong nền kinh tế theo vị thế làm việc cho thấy, chỉ 43% phụ nữ có việc làm là lao động làm công ăn lương, so với 51,5% nam giới có việc làm. Trong khi lao động gia đình không được trả công ở nam giới là 9,2%, con số này ở nữ giới cao gấp 2 lần, 19,4% trong năm 2019. Tỷ lệ nữ làm công ăn lương tăng từ 37,9% trong năm 2017 lên 43% trong năm 2019. Như vậy, mục tiêu “Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030” của CLBĐGQG giai đoạn 2021-2030 là khá khả thi.

Thu nhập bình quân của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới. Mức thu nhập bình quân của một lao động có việc làm năm 2019 là 5,6 triệu đồng; trong đó, lao động nam là 6,5 triệu và lao động nữ là 4,6 triệu. Thu nhập bình quân của lao động nữ tại khu vực nông thôn đặc biệt thấp, chỉ 3,7 triệu đồng.

Khoảng cách giới về tiền lương theo tháng cho thấy, năm 2019, thu nhập về lương của lao động nữ bình quân thấp hơn lao động nam gần 30% tính trung bình toàn quốc. Khoảng cách này đặc biệt cao ở nhóm lao động lớn tuổi hoặc khu vực kinh tế nông nghiệp.


 

Lãnh đạo, quản lý

Bình đẳng giới là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như toàn cầu. Nâng cao quyền năng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị luôn là một nhiệm vụ khó khăn do các định kiến giới của xã hội. Việt Nam đã nỗ lực và đạt được các thành tựu đáng kể trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt quá 30% kể từ khi thống nhất đất nước (từ quốc hội khóa VI, nhiệm kỳ 1976-1981). Theo thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, tại thời điểm trước bầu cử, Việt Nam đứng thứ 71 trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội. Sau bầu cử, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 51. Có thể nói, đây là một kết quả vượt bậc trong đợt bầu cử vừa qua. Kết quả này cũng đưa Việt Nam từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 4 trong châu Á.

Ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Tỷ lệ này ở cấp tỉnh là 29%, tương ứng ở cấp huyện là 29,1%, cấp xã là 29%. Như vậy, tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân tăng trên dưới 2 điểm phần trăm so với nhiệm kỳ trước.

Giáo dục và đào tạo

Định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp, trong đó nghề giáo viên được nghiễm nhiên coi là nghề dành cho nữ giới. Điều này dẫn đến xu hướng thiếu vắng giáo viên nam ở các cấp, đặc biệt là các cấp học phổ thông.
Số liệu tính toán từ Niên giám thống kê Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2018-2019 cho thấy, tại các cấp học phổ thông, giáo viên nam hiện nay vẫn ít hơn nhiều so với giáo viên nữ. Năm 2019, ở các cấp học phổ thông, tỷ lệ giáo viên nam ít hơn tỷ lệ giáo viên nữ, đặc biệt là ở cấp tiểu học, giáo viên nam chỉ chiếm gần ¼ tổng số giáo viên (22,3%), cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì giáo viên nam cũng chỉ chiếm xấp xỉ 1/3 trong tổng số giáo viên, tỷ lệ giáo viên gần như cân bằng ở cấp đại học.

Với các cam kết về chính sách đối với giáo dục của Chính phủ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở gần như hoàn thành. Tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ nhập học các cấp luôn ở mức cao với cả nam và nữ (tỷ lệ biết chữ của nam là 97% và của nữ là 94,6% năm 2019). Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự khác biệt về giới tính trong tỷ lệ nhập học thuần ở cấp THPT, nơi trẻ em gái có tỷ lệ nhập học cao hơn (76,7%) so với trẻ em trai (67,7%). Có sự giải thích rằng, ở Việt Nam, trẻ em trai có xu hướng bỏ học nhiều hơn ở cấp THPT do định kiến về vai trò giới và nam giới được kỳ vọng là người kiếm tiền cho gia đình.

Số liệu tính toán từ các cuộc Khảo sát mức sống hộ gia đình cho thấy, tỷ lệ người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ đang dần tăng qua các năm (0,35% năm 2016 lên 0,44% năm 2019), trong đó tỷ lệ này ở nam giới là 0,55% và nữ giới là 0,33%. Nếu xét theo cơ cấu thạc sỹ, tiến sỹ chia theo giới tính thì số lượng nữ thạc sỹ, tiến sỹ chỉ chiếm hơn 1/3 trong tổng số người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ tại Việt Nam.

Y tế và các dịch vụ liên quan

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách quốc gia, bao gồm: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch quốc gia về làm mẹ an toàn giai đoạn 2003-2010 và Chương trình Kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo cho người dân và đặc biệt là phụ nữ có khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cùng với những tiến bộ vượt bậc về nâng cao sức khỏe bà mẹ, số liệu cho thấy các chỉ tiêu tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và tỷ lệ tử vong dưới 1 tuổi cũng giảm tương ứng. Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy có sự khác biệt giữa 2 khu vực nông thôn và thành thị khi nguy cơ chết trước sinh nhật 1 tuổi hoặc trước sinh nhật 5 tuổi của trẻ ở khu vực nông thôn luôn cao gấp 2 lần khu vực thành thị và tại nhóm các dân tộc thiểu số nguy cơ này cao gấp 1,5 lần so với chung cả nước.

Theo Unicef, Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất. Dù tình hình suy dinh dưỡng ở trẻ đã được cải thiện dần nhưng tính đến năm 2019, có đến 1/5 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng; đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3‰. Số liệu chi tiết có sự khác biệt theo vùng, thành thị - nông thôn.


 

Bạo lực trên cơ sở giới, an toàn xã hội

Kết quả từ cuộc khảo sát bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cho thấy, tỷ lệ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra ở Việt Nam năm 2019 thấp hơn so với năm 2010, ngoại trừ bạo lực tình dục.

Cứ bốn phụ nữ thì có hơn một phụ nữ bị bạo lực thể xác do chồng hiện tại hoặc chồng cũ gây ra trong đời. Hơn một phần tư (26%) phụ nữ cho biết họ từng bị chồng hiện tại hoặc chồng cũ bạo lực thể xác trong đời và 5% phụ nữ bị bạo lực này trong 12 tháng qua. Bị tát hoặc bị ném vật gì đó vào người có thể gây thương tích là hành vi bạo lực phổ biến nhất do chồng họ gây ra, với 23% phụ nữ bị hành vi bạo lực này trong đời và 4% bị hành vi bạo lực này trong 12 tháng qua.

Cứ tám phụ nữ thì có một phụ nữ bị chồng hiện tại hoặc chồng cũ bạo lực tình dục trong đời. Cứ tám phụ nữ thì có một phụ nữ (13%) từng bị chồng bạo lực tình dục trong đời và 6% bị chồng bạo lực tình dục hiện thời. Bị ép buộc quan hệ tình dục trái với mong muốn của người vợ - một dạng của cưỡng dâm trong hôn nhân - là hành vi bạo lực tình dục phổ biến nhất được phụ nữ chia sẻ (13% trong đời và 6% hiện thời). Cần lưu ý rằng ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục là 32% trong đời và 9% hiện thời (trong 12 tháng qua).

Ngoài bị bạo lực từ chồng, phụ nữ còn có nguy cơ bị bạo lực từ người khác ngoài chồng gây ra. Cứ mười phụ nữ thì có hơn một phụ nữ (11%) bị người khác không phải là chồng bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi và tỉ lệ bạo lực hiện thời là 1,4%. Người gây ra bạo lực phổ biến nhất là thành viên nam trong gia đình (35% phụ nữ từng bị người khác bạo lực). Cứ mười phụ nữ thì có gần một phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác không phải là chồng gây ra từ năm 15 tuổi và tỷ lệ bạo lực hiện thời là 1,2%. Người gây ra bạo lực chủ yếu là bạn nam, người quen hoặc người lạ là nam giới. Phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20-24 có nguy cơ cao nhất bị bạo lực tình dục do người khác không phải là chồng gây ra trong 12 tháng qua (18%).

Trong hai cuộc khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam, có đến 90% phụ nữ bị chồng/ bạn tình gây bạo lực thể xác và/hoặc tình dục chưa từng tìm kiếm hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền và những nơi họ từng đến là công an, bệnh viện, lãnh đạo địa phương, hội phụ nữ và đoàn thể.
Số liệu từ Tòa án và Viện Kiểm sát về số vụ, số bị can bị khởi tố, truy tố và xét xử cho thấy, có sự khác biệt đáng kể về giới. Số nam giới liên đới các sự vụ cao gấp 10-20 lần nữ giới trong các báo cáo đưa ra từ các cơ quan này./.
 

Thu Hường

 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top