Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp

20/11/2020 - 09:42 AM
Bất kỳ nền kinh tế nào cũng tồn tại song song các hoạt động kinh tế được quan sát và chưa được quan sát. Việc xác định và làm rõ phạm vi giữa hai khu vực này đồng thời xác định rõ các hoạt động trong từng thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát đóng vai trò rất quan trọng trong công tác hoạch định và đánh giá chính sách của mỗi quốc gia. 
 
Khái niệm và các thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát

Theo Hệ thống Tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008), khu vực kinh tế chưa được quan sát (Non Obseved Economy, viết tắt: NOE) bao gồm tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thu thập được thông tin trong các nguồn dữ liệu cơ bản để biên soạn tài khoản quốc gia.

 
Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố, đó là: Hoạt động kinh tế ngầm (Underground); hoạt động kinh tế bất hợp pháp (Illegal); hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát (Non observed informal sector); hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình(Economic activities undertaken by households for their own final use); Hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản (Production Missed Due to Deficiencies in Data Collection Programme).
  1. Hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế (thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng…), tránh phải đóng góp bảo hiểm xã hội, tránh phải thực hiện các quy định của nhà nước (về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện về sức khỏe của người lao động,…) và tránh phải thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như việc thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.
  2. Hoạt động kinh tế bất hợp pháp bao gồm: Các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm (sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, buôn bán người…); các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện.
  3. Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát bao gồm hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo ra công ăn việc làmvà thu nhập cho những người thực hiện các hoạt động kinh tế đó. Các đơn vị này thường hoạt động ở quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, ít có sự phân định rõ ràng giữa lao động và vốn của cơ sở kinh doanh với hộ gia đình. Mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động thường là dựa trên nền tảng tạm thời hoặc mối quan hệ gia đình chứ không dựa trên hợp đồng lao động chính thức.
  4. Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình bao gồm các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên trong hộ gia đình. Đó là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động tạo ra các sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình; hoạt động tự xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, ước tính dịch vụ nhà tự có, tự ở và tự tích lũy tài sản cố định khác; hoạt động giúp việc trong các hộ gia đình.
  5. Hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản bao gồm các hoạt động kinh tế đáng lý phải được thu thập thông tin để biên soạn vào tài khoản quốc gia nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu (do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi, đối tượng điều tra không hợp tác, chưa cập nhật kịp thời trong dữ liệu hành chính…).
Tuy nhiên, mức độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị của mỗi quốc gia lại là những yếu tố chính quyết định đến phạm vi của khu vực kinh tế chưa được quan sát, một hoạt động có thể là phạm pháp ở quốc gia này (không được đo lường trong GDP) nhưng lại hợp pháp (được đo lường trong GDP) ở quốc gia khác, chẳng hạn hoạt động mại dâm không được thừa nhận và là phạm pháp ở Việt Nam nhưng là hoạt động được thừa nhận ở Thái Lan, Hà Lan. Việc xác định và làm rõ phạm vi của khu vực kinh tế chưa được quan sát giúp cho các quốc gia có các giải pháp hiệu quả để thu thập thông tin, tính toán kết quả sản xuất của khu vực này.

Phương pháp đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát

Mỗi quốc gia có phương pháp đo lường NOE riêng phù hợp với thực trạng nền kinh tế của mình. Có 2 loại nhóm phương pháp được sử dụng để đo lường khu vực NOE đó là nhóm các phương pháp thống kê và nhóm các phương pháp ước lượng dựa trên kỹ thuật lập mô hình.
  1. Nhóm các phương pháp thống kê, bao gồm phương pháp thống kê trực tiếp và phương pháp thống kê gián tiếp.
  • Phương pháp thống kê trực tiếp được thực hiện qua việc tiến hành các cuộc điều tra chi tiêu, thu nhập, lao động, sử dụng thời gian…
  • Phương pháp thống kê gián tiếp được thực hiện qua việc tiếp cận dựa trên nguồn cung (nguyên vật liệu và lao động); tiếp cận dựa vào nhu cầu; tiếp cận dựa trên thu nhập và phương pháp luồng sản phẩm…
     2. ​Nhóm các phương pháp dựa trên kỹ thuật lập mô hình kinh tế vĩ mô: Mô hình tiền tệ, mô hình phương pháp chỉ số toàn cầu,…

 
Thực trạng thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu đầy đủ về nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát, chỉ có một số đề tài khoa học và luận án tiến sỹ nghiên cứu về khu vực kinh tế phi chính thức. Năm 2007 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Đơn vị nghiên cứu Phát triển, thể chế và phân tích dài hạn của Pháp (viết gọn là DIAL), Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu khá bài bản với quy mô lớn khu vực kinh tế phi chính thức. Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở tham khảo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã xác định rõ được khái niệm, phạm vi của khu vực kinh tế phi chính thức, tác động của khu vực kinh tế phi chính thức tới nền kinh tế, áp dụng khuyến nghị của SNA 2008 đối với khu vực kinh tế phi chính thức, kinh nghiệm của Ấn Độ và Thái Lan trong tính toán kết quả sản xuất của khu vực kinh tế phi chính thức, kết quả khảo sát về khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức ở Việt Nam.

Đối chiếu với khái niệm và phạm vi của khu vực kinh tế chưa được quan sát của SNA 2008, Khu vực NOE ở Việt Nam chưa được quan sát dưới 2 góc độ: Góc độ sản xuất (phân theo ngành kinh tế và phân theo 5 thành tố trên) và Góc độ sử dụng Tổng sản phẩm trong nước bao gồm (a) Tiêu dùng cuối cùng; (b) Tích lũy tài sản;
  1. Xuất nhập khẩu.
Hiện nay, trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát, Tổng cục Thống kê đã tính toán được 3 thành tố là khu vực phi chính thức chưa được quan sát, hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót do Chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đóng góp của khu vực phi chính thức chưa được quan sátlà 14,34%; tự sản, tự tiêu hộ gia đình là 2,09% (số liệu năm 2015). Đối với hoạt động kinh tế bị bỏ sót do Chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, Tổng cục Thống kê đang thực hiện rà soát, điều chỉnh trong quy mô GDP dựa vào kết quả các cuộc Tổng điều tra.

Năm 2012, Tổng cục Thống kê thực hiện điều chỉnh quy mô GDP cả nước cho giai đoạn 2 năm 2010-2011 dựa vào số liệu thu thập đầy đủ từ Tổng Điều tra kinh tế năm 2012. Theo đó, Tổng cục Thống kê điều chỉnh quy mô giá trị tăng thêm (VA) ngành ngân hàng năm 2010 tăng 89,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,16% quy mô GDP cả nước; năm 2011 tăng 114,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11%. Hoạt động khấu hao nhà ở dân cư năm 2010 điều chỉnh tăng 87,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,04% quy mô GDP cả nước; năm 2011 tăng 108,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,91%. Có thể thấy, việc điều chỉnh quy mô GDP dựa vào số liệu thu thập đầy đủ từ các cuộc Tổng Điều tra sẽ làm giảm các hoạt động bị bỏ sót trong các chương trình thu thập thông tin cơ bản.

Thực hiện tính toán hoạt động bị bỏ sót trong các chương trình thu thập thông tin thống kê quốc gia và đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê là căn cứ quan trọng phục vụ đánh giá lại quy mô GDP cả nước và GRDP của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho giai đoạn 2010-2017.

Đánh giá lại quy mô GDP cả nước giai đoạn 2010-2017 bình quân tăng thêm 25,4%/năm, tương ứng tăng thêm 935 nghìn tỷ đồng/năm theo giá hiện hành. Trong đó, rà soát, tính toán hoạt động bị bỏ sót do bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính làm quy mô GDP giá hiện hành bình quân tăng khoảng 305 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 32,6%; do bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP giá hiện hành bình quân tăng khoảng 589 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 63,0% so với tổng mức thay đổi quy mô GDP của cả nước.

Kết quả đổi mới, chuyên môn nghiệp vụ thống kê đã cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 
2008 làm quy mô GDP giá hiện hành bình quân tăng khoảng 98 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,5%; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế làm quy mô GDP giá hiện hành bình quân tăng khoảng 75 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,0%; cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước làm quy mô GDP giá hiện hành bình quân giảm khoảng 132 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 14,1% so với mức tăng bình quân mỗi năm.
 
Giải pháp thực hiện thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam

Với tầm quan trọng của thông tin thống kê Khu vực NOE đối với việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội đồng thời bắt nguồn từ hạn chế về thông tin thống kê Khu vực NOE ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (theo Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ). Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng phương pháp luận và tiến hành đánh giá kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ quy mô của nền kinh tế theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Thực hiện Thông báo 475/TB-VPCP, Tổng cục Thống kê đã xây dựng đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với nội dung đáp ứng các yêu cầu sau:
  1. Phương pháp thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát phải phù hợp với quy định của Hệ thống Tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008), được xây dựng dựa trên khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm thành công của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã tiến hành thống kê khu vực kinh tế này.
  2. Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát phải đảm bảo tính khả thi, thường xuyên đánh giá, tổng kết trong quá trình thực hiện để bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nội dung Đề án tập trung giải quyết những vấn đề sau:

(1) Nghiên cứu phương pháp luận liên quan đến khái niệm, phạm vi hoạt động kinh tế chưa được quan sát. (2) Khảo sát, học tập kinh nghiệm của một số nước đã thực hiện thu thập thông tin và đánh giá các hoạt động kinh tế chưa được quan sát. (3) Xây dựng phương án thu thập thông tin để đánh giá kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam. (4) Tiến hành thu thập thông tin về hoạt động kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam. (5) Tổng hợp, tính toán, biên soạn kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam.

Giải pháp thực hiện

Theo lộ trình: Năm 2018, nghiên cứu phương pháp luận và tiến hành đánh giá thử nghiệm kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam.
  • Từ năm 2019 trở đi, hoàn thiện phương pháp luận, chính thức biên soạn và tích hợp kết quả sản xuất của khu vực kinh tế chưa được quan sát trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
Để hoàn thành Đề án theo đúng lộ trình, ngay trong những tháng cuối năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện:
  • Nghiên cứu phương pháp luận; đánh giá thực trạng công tác thống kê về hoạt động kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam; khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế về thu thập thông tin các hoạt động kinh tế chưa được quan sát; xây dựng phương án thu thập thông tin để đánh giá kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam; tiến hành thu thập thông tin các hoạt động kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam; tổng hợp, biên soạn kết quả sản xuất của hoạt động kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam; định kỳ tổng kết, rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Đề án.
  • Xây dựng kế hoạch, lộ trình biên soạn số liệu thống kê về hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát phù hợp với Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
  • Hoàn thiện và tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực và chất lượng nhân lực và các nguồn lực khác phục vụ việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê về hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát.
  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thống kê, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi đánh giá tình hình thực hiện Đề án.
  • Xây dựng dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án một cách khả thi, thiết thực và hiệu quả.
  • Bổ sung đối tượng điều tra, đơn vị điều tra và mẫu điều tra vào các cuộc điều tra phù hợp trong kế hoạch điều tra hàng năm. Trong phiếu điều tra của các cuộc điều tra có liên quan tách riêng phần câu hỏi đối với khu vực chưa được quan sát.
Triển khai thực hiện Đề án năm 2020, Tổng cục Thống kê đang thực hiện các công việc sau: (1) Xây dựng và ban hành danh mục hoạt động và chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường các hoạt động thuộc khu vực NOE. Tổng cục Thống kê đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, cập nhật và chuẩn hóa các hoạt động và tên chỉ tiêu để ban hành Danh mục hoạt động và chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào làm cơ sở phục vụ đo lường các hoạt động thuộc khu vực này; (2) Rà soát nguồn thông tin và tính toán các chỉ tiêu của hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình và khu vực phi chính thức - 2 trong 5 thành tố của khu vực NOE; (3) Ban hành cuốn sách về các vấn đề cơ bản của Khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình.
 
Những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành nghiên cứu và lựa chọn phương pháp đo lường phù hợp để tính toán, ước lượng nhằm phản ánh quy mô các hoạt động thuộc khu vực kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp; đồng thời sẽ tiến hành phân tích, đánh giá tác động của các hoạt động này tới nền kinh tế Việt Nam. Kết quả phân tích sẽ phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành nhằm làm giảm quy mô và tác động tiêu cực tới nền kinh tế của nước ta./.

 
ThS. Dương Mạnh Hùng
Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia - TCTK
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top