Những năm qua, thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều nỗ lực trong việc thu thập thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành và cung cấp thông tin cho hệ thống thống kê nhà nước. Thông tin thống kê Ngành đã trở thành nguồn thông tin không thể thiếu trong các cuộc giao ban chỉ đạo sản xuất ở tất cả các cơ quan quản lý của ngành từ Trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm, coi trọng công tác thống kê, coi đây là công cụ hữu hiệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Bộ và Ngành.
Thực trạng công tác thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Thực hiện Nghị định số 03/2010/NĐ-CP ngày 13/1/2010 của Chính phủ về quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 85/2017/NĐ-CP ngày 19/7/2017 của Chính phủ quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức và phân công cụ thể cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thống kê của Bộ. Nhìn chung, ở hầu hết các cơ quan quản lý thuộc ngành đều đã có tổ chức, bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác thống kê.
Thực hiện Nghị định số 85/2017/NĐ-CP ngày 19/7/2017 của Chính phủ quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, cơ quan ngang bộ; Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN&PTNT giai đoạn 2014-2020 phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp”, Bộ đang tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức của các đơn vị, trong đó có tổ chức và nhân sự làm thống kê; chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm sắp xếp tổ chức, bố trí công chức làm công tác thống kê. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo triển khai các hoạt động phát triển nhân lực thống kê trong ngành, giao các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị của Tổng cục Thống kê xây dựng tài liệu đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thống kê cơ bản cho các công chức làm công tác thống kê trong ngành. Tổ chức các Hội nghị tập huấn về chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố.
Hiện nay, đã có 12/18 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT ban hành được biểu mẫu báo cáo thống kê cho các đơn vị cấp dưới thực hiện. Việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê ngành của các Sở nhìn chung khá nghiêm túc. Trên cơ sở chế độ báo cáo thống kê, Bộ đã xây dựng phần mềm “Báo cáo thống kê trực tuyến” và tập huấn cho các đơn vị triển khai thực hiện. Đến nay, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố (63/63 Sở) đã thực hiện báo cáo thống kê trực tuyến với Bộ qua phần mềm trên mạng Internet.
Để bổ sung thông tin cho những chỉ tiêu và số liệu thống kê không thu thập được qua báo cáo hành chính, đồng thời đưa công tác điều tra thống kê vào nề nếp, từ năm 2014, Bộ đã ban hành danh mục các cuộc điều tra thống kê. Các cuộc điều tra này được tổ chức đều đặn theo tần suất quy định để hình thành chuỗi số liệu có tính hệ thống nhằm phục vụ công tác quản lý của Bộ. Nhìn chung, các cuộc điều tra đã bám sát yêu cầu và nội dung điều tra theo Quyết định đã ban hành; lồng ghép được những chỉ tiêu thống kê mà các đơn vị chưa thu thập được để đưa vào điều tra. Nhờ vậy, chất lượng thông tin số liệu điều tra được nâng lên, bổ sung được những thiếu hụt về thông tin do chế độ báo cáo thống kê chưa thu thập được và đáp ứng tốt hơn yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thống kê đã xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan về công tác thống kê và chia sẻ thông tin thống kê. Trên cơ sở quy chế phối hợp, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê triển khai nhiều hoạt động phối hợp như: (1) Xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thống kê; (2) Thực hiện các cuộc điều tra và tổng điều tra thống kê; (3) Tổ chức khảo sát thực tế sản xuất nông, lâm, thủy sản, đời sống dân cư ở một số địa phương; và trao đổi, thống nhất nội dung, phương pháp, cách tính một số chỉ tiêu thống kê nông, lâm, thủy sản và đánh giá tình hình thực hiện Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp; (4) Chia sẻ số liệu thống kê phục vụ chỉ đạo điều hành; xây dựng phương án tăng trưởng Ngành và thường xuyên theo dõi, định kỳ hàng tháng cập nhật để kịp thời chỉ đạo, điều hành sản xuất nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thống kê ngành NN&PTNT còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó phải kể đến việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Ngành với tổ chức thống kê các cấp còn hạn chế, hiện mới chủ yếu thực hiện ở cấp Trung ương. Chính vì vậy, chất lượng thông tin thống kê còn có những bất cập. Một số chỉ tiêu thống kê nông, lâm, thủy sản được công bố còn chênh lệch khá lớn giữa với số liệu điều tra, thu thập của Bộ và số liệu do Tổng cục Thống kê công bố... Bên cạnh đó, vẫn có hiện tượng một số Sở báo cáo chậm và thiếu thông tin, chủ yếu do các đơn vị này không có hệ thống thống kê chuyên ngành, còn lệ thuộc vào nguồn số liệu của hệ thống thống kê tập trung. Ngoài ra, cán bộ làm công tác thống kê ở Sở thường kiêm nhiệm nhiều công việc, hoặc hay thay đổi vị trí công tác. Thêm vào đó, những công chức mới do chưa có kinh nghiệm, ít được tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ thống kê nên gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.
Định hướng công tác phối hợp trong hoạt động thống kê
Để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác thống kê trong lĩnh vực NN&PTNT, trước mắt, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Tổng cục Thống kê nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về công tác thống kê ngành NN&PTNT.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện Quy chế phối hợp công tác và chia sẻ thông tin thống kê tới tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và Tổng cục Thống kê, các địa phương trong cả nước, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc thu thập, sử dụng thông tin thống kê; sử dụng hiệu quả nguồn lực và nâng cao chất lượng thông tin thống kê.
Thứ ba, triển khai các chương trình phối hợp công tác cụ thể để khảo sát thực tiễn, thống nhất nội dung, phương pháp, cách tính các chỉ tiêu thống kê nông nghiệp để đảm bảo phản ánh đầy đủ thực tế sản xuất và nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo triển khai thực hiện Bộ tiêu chí giám sát và đánh giá cơ cấu lại nông nghiệp đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017) tới tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước.
Thứ năm, xây dựng hệ thống biểu mẫu thống kê; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dùng chung ở các cấp nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch và không thống nhất về số liệu.
Thứ sáu, phối hợp triển khai kênh thông tin về doanh nghiệp, trang trại, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhằm cung cấp thông tin nhanh hàng tháng phục vụ báo cáo và chỉ đạo điều hành.
Ngoài ra, để từng bước khắc phục các hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thống kê ngành Nông nghiệp. Những nhiệm vụ quan trọng cần phải được thực hiện sớm đó là: Hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; áp dụng đồng bộ phương pháp thống kê tiên tiến và tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại; hình thành hệ thống thông tin thống kê ngành thống nhất, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thường xuyên số liệu, thông tin với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành khác để bảo đảm số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao, phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển ngành nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung./.
Ngô Thế Hiên
Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê - Bộ NN & PTNT