Thống kê Tòa án Nhân dân – Nâng cao kỷ luật chấp hành chế độ báo cáo thống kê nhằm đảm bảo thông tin thống kê thông suốt, đầy đủ, kịp thời và chính xác

09/03/2022 - 11:43 AM

Trong những năm qua, công tác thống kê của Tòa án nhân dân đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thông tin giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao nắm bắt tương đối đầy đủ, kịp thời, chính xác hoạt động nghiệp vụ của các Tòa án, phục vụ có hiệu quả cho việc báo cáo công tác trước các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng như hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp. Thông qua công tác thống kê, Tòa án nhân dân đã cung cấp cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước những số liệu xác thực đánh giá tình hình tội phạm, các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động và khiếu kiện hành chính, làm cơ sở cho việc hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách quản lý, phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hạn; đồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu tham khảo, sử dụng thông tin của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Công tác đảm bảo thông tin thống kê

Theo đó, thông tin thống kê được đảm bảo thông suốt từ Toà án nhân dân cấp huyện đến Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân tối cao. Hàng tháng, số liệu thống kê được các Toà án nhân dân cập nhật trên hệ thống phần mềm thống kê các loại án của ngành. Việc thực hiện kỷ luật báo cáo thống kê được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, 100% các đơn vị đều có báo cáo số liệu theo đúng biểu mẫu mà Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu.

Các hệ thống chỉ tiêu thống kê của Tòa án nhân dân cũng đã từng bước được hoàn thiện sát với yêu cầu cung cấp thông tin; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê đã được tăng cường, giúp cho việc thống kê, báo cáo số liệu được nhanh chóng, chính xác hơn, đồng thời cũng tạo ra những thuận lợi nhất định trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan.

Các chỉ tiêu thống kê theo yêu cầu báo cáo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tại các kỳ họp Quốc hội đều được các Tòa án đáp ứng về mặt số lượng, chất lượng số liệu và tính kịp thời của thông tin thống kê, đáp ứng yêu cầu quản lý, lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và của các đối tượng dùng tin khác trong và ngoài nước.

Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành khác

Việc phối hợp và chia sẻ thông tin giữa Tòa án nhân dân tối cao với Tổng cục Thống kê được phối hợp một cách chặt chẽ thông qua việc chia sẻ các thông tin về thống kê của ngành; phối hợp cho ý kiến vào các dự thảo văn bản như: Dự thảo Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia; dự thảo Thông tư quy định về khu vực thể chế Việt Nam; dự thảo Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số; dự thảo Thông tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; Đề nghị xây dựng dự án Luật Thống kê sửa đổi; dự thảo về Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam; dự thảo Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Tòa án nhân dân tối cao và Tổng cục Thống kê đã có những buổi trao đổi về nghiệp vụ thống kê như: cách thức thu thập, thống nhất cách tính, giải thích các chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm nâng cao chất lượng về công tác thống kê.

Đối với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, việc phối hợp và chia sẻ thông tin được thực hiện rất nề nếp. Ở mỗi kỳ báo cáo, các cơ quan tư pháp đều phối hợp, đối chiếu các số liệu có liên quan. Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng Thông tư liên tịch về trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng; phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư liên tịch quy định về phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự, theo dõi án hành chính liên ngành; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và xâm hại trẻ em; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xây dựng Thông tư liên tịch trong lĩnh vực thống kê hình sự, thống kê tội phạm. Phần mềm quản lý và thống kê các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân khi xây dựng đã có sự cân nhắc, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao để kết nối với phần mềm thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thực hiện việc chia sẻ thông tin.

Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng rất tích cực góp ý vào các dự thảo văn bản về công tác thống kê của các bộ, ngành như: dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp; dự thảo Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của Thanh tra Chính phủ…

Công tác phương pháp chế độ thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê

Kết quả xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành

Thực hiện Luật Thống kê 2015, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành rà soát và đánh giá hiện trạng các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có nhằm xem xét lại về tính toàn diện, tính phù hợp, tính thống nhất và mức độ thực hiện của từng chỉ tiêu trong mỗi hệ thống, rút ra những mặt được và chưa được, làm cơ sở cho việc đổi mới và xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
 

Theo quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án là giải quyết, xét xử các loại vụ án. Do đó, các chỉ tiêu thống kê của ngành Tòa án nhân dân được xây dựng trên cơ sở phản ánh kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ án ở mỗi cấp xét xử, cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác liên quan tới công tác xét xử. Trong thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu thay đổi của các Bộ luật dân sự, hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự, hình sự năm 2015 và các luật khác như Luật tố tụng hành chính 2015, Luật phá sản 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án… Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành rà soát và đánh giá hiện trạng các hệ thống chỉ tiêu thống kê của ngành. Ngày 15/12/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký Quyết định số 288/QĐ-TANDTC ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê của Tòa án, bao gồm các Hệ thống chỉ tiêu thống kê về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, phá sản doanh nghiệp, lao động, hành chính và hệ thống chỉ tiêu thống kê thụ lý và giải quyết đơn tư pháp. Ngày 15/12/2020, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 454/QĐ-TANDTC ban hành hệ thống sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sổ nghiệp vụ, biểu mẫu thống kê sử dụng cho Tòa gia đình và người chưa thành niên, tính đến ngày 31/12/2021, hệ thống Tòa án nhân dân đã triển khai, thu thập hơn 700 chỉ tiêu thống kê.

Kết quả xây dựng và ban hành Chế độ báo cáo thống kê cấp Bộ, ngành

Ngày 15/12/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TANDTC về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong hệ thống Tòa án quy định việc lập, gửi báo cáo thống kê, giải thích các biểu mẫu thống kê, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê và công tác kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê. Hệ thống chỉ tiêu thống kê của ngành Tòa án nhân dân được triển khai thống nhất từ Tòa án nhân dân tối cao xuống các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Việc thống kê và báo cáo số liệu được thực hiện định kỳ theo tháng theo quy định tại Quyết định số 287/QĐ-TANDTC.

Qua theo dõi thực hiện Chế độ báo cáo thống kê, về cơ bản các Tòa án nhân dân đã chấp hành tốt kỷ luật thống kê, xem đây là một tiêu chí xếp loại thi đua[1]; nhiều đơn vị Toà án đã nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân, tập thể vi phạm chế độ báo cáo thống kê hoặc chủ quan, bị động để báo cáo thống kê sai sót, làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, chất lượng thống kê ngày càng được nâng lên.  

Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê của Tòa án nhân dân đã được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực; giúp cho việc thu thập số liệu thống kê kịp thời, chính xác. Ngày 26/9/2011 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-TA về việc triển khai áp dụng Phần mềm thống kê các loại vụ án trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân. Năm 2017, thực hiện Quyết định số 287/QĐ - TANDTC của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về ban hành Chế độ báo cáo thống kê công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong hệ thống Tòa án. Trên cơ sở các chỉ tiêu thống kê mới được bổ sung, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nâng cấp, cập nhật trên phần mềm thống kê các loại án. Quy trình tổng hợp số liệu thống kê đã được tin học hóa bằng ứng dụng phần mềm thống kê các loại án.

Phần mềm Thống kê số liệu các loại vụ án cho phép khai thác số liệu thống kê án nhằm tổng hợp số liệu, thống kê, báo cáo đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả với nguồn số liệu chính xác, tin cậy nhằm giảm thiểu sai sót, sai lệch. Tuy nhiên, đây chỉ là nguồn cung cấp số liệu mà chưa cung cấp được nguồn gốc dữ liệu tổng hợp, hình thành số liệu đó. Để đảm bảo nguồn cung cấp dữ liệu dựa trên dữ liệu hồ sơ các vụ án, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tổ chức triển khai thực hiện Hệ thống giám sát các hoạt động chuyên môn nhằm hướng đến mô hình thống nhất hệ cơ sở dữ liệu dùng chung của Tòa án nhân dân. Phần mềm có khả năng cung cấp các thông tin cần thiết về quy trình nghiệp vụ phù hợp với các Bộ luật, Luật hiện hành; thu thập, lưu trữ, quản lý hệ cơ sở dữ liệu hồ sơ các loại vụ án; đảm bảo sẵn sàng các thông tin, dữ liệu cần thiết phục vụ cho công tác báo cáo thống kê, tổng hợp, chỉ đạo điều hành; là cơ sở tiền đề cho việc triển khai xây dựng Tòa án thông minh trong tương lai.

Năm 2019, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng hệ thống quản lý điều hành thông minh cho hệ thống Tòa án nhân dân giai đoạn 2020-2025”. Mục tiêu của Đề án bao gồm nội dung tích hợp dữ liệu Tòa án nhân dân đặt tại trụ sở mới Toà án nhân dân tối cao, phát triển các công cụ khai thác dữ liệu, phân tích, dự báo, thống kê, vận hành thông suốt cơ sở dữ liệu của Tòa án để  phục vụ chia sẻ dữ liệu dùng chung đến Toà án nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan cũng như đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin của người dân. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang xin ý kiến góp ý đối với Đề án để hiệu chỉnh và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi Đề án được phê duyệt, Tòa án nhân dân tối cao sẽ ban hành Kế hoạch xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ công tác quản lý điều hành hoạt động của hệ thống Tòa án và hoạt động thống kê nhà nước tại Bộ, ngành.

Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục duy trì, nâng cấp, bổ sung, mở rộng các hạ tầng kỹ thuật đã thiết lập từ giai đoạn trước, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Hệ thống Tòa án, trong đó có công tác thống kê. Cụ thể: (1) Trung tâm dữ liệu Tòa án đặt tại Tòa án nhân dân tối cao, được đầu tư trang bị máy chủ với quy mô toàn hệ thống và áp dụng công nghệ ảo hóa nhằm tối ưu hóa năng lực của máy chủ, bảo đảm nguồn dữ liệu tập trung thống nhất, đáp ứng tính sẵn sàng trong công tác thống kê hiện tại; (2) Mạng nội bộ, Internet và trang thiết bị: 100% đơn vị Tòa án các cấp có mạng nội bộ và kết nối Internet. Mạng nội bộ của Tòa án nhân dân các cấp về cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại của đơn vị

Tình hình triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông trong hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian qua bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành áp dụng thống nhất các hệ thống biểu mẫu, chỉ tiêu thống kê đối với các lĩnh vực công tác của Tòa án (như: công tác xét xử, công tác xây dựng, hướng dẫn áp dụng pháp luật, công tác quản lý hành chính, nhân sự, tài chính, công sản và công tác đối ngoại….), Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động xây dựng kế hoạch và lồng ghép nhiệm vụ chuyển đổi số công tác thống kê, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số Tòa án và xây dựng Tòa án điện tử đến năm 2025.

Cũng trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai một số hoạt động như: (1) Ban hành 89 biểu mẫu thống kê  theo dõi công tác xét xử và gần 100 biểu mẫu liên quan đến công tác quản lý nhân sự, quản lý tài sản; quản lý tài chính; quản lý thi đua, khen thưởng làm cơ sở cho việc triển khai chức năng thống kê trong từng hệ thống phần mềm quản lý của các lĩnh vực công tác; (2) Đưa vào sử dụng Trang điện tử Án lệ và công khai bản án; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị Tòa án (quản lý án, nhân sự, tài chính, thi đua, khen thưởng, công văn đi, đến…); (4) Cung cấp một số dịch vụ tư pháp công trên nền tảng số (nhận đơn khởi kiện, trả lời đơn, tống đạt văn bản tố tụng…); (5) Nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Toà án nhân dân tối cao và 67 Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân các cấp; (6) Vận hành Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; (7) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan tích hợp 05 dịch vụ công của Toà án nhân dân lên Cổng dịch vụ công quốc gia; (8) Hệ thống giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân; (9) Nâng cao năng lực phân tích, tính toán của Trung tâm dữ liệu Tòa án nhân dân; (10) Đưa vào sử dụng hệ thống mạng nội bộ (WAN) của Tòa án nhân dân.

Đến thời điểm này, các thông tin, số liệu thống kê phục cho công tác chỉ đạo, điều hành và quản trị Tòa án được Tòa án nhân dân tối cao trích xuất, tổng hợp trực tiếp từ cơ sở dữ liệu của các hệ thống phần mềm ứng dụng nội bộ dùng chung của Tòa án.

Trong thời gian tới, để phát triển công tác Thống kê Bộ, ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công tác thống kê Tòa án nhân dân sẽ tập trung triển khai đồng bộ những nhiệm vụ sau:

* Về chuyên môn nghiệp vụ

- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc chế độ cập nhật số liệu thống kê các loại vụ án hàng tháng trên Hệ thống phần mềm thống kê nhằm nâng cao chất lượng thu thập thông tin; thực hiện nghiêm túc kỷ luật báo cáo thống kê;

- Tiếp tục nghiên cứu đổi mới và áp dụng đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tòa án  nhân dân, bao gồm: Hệ thống chỉ tiêu thống kê thụ lý và xét xử các loại vụ án; hệ thống chỉ tiêu thống kê hình sự, thống kê tội phạm liên ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

* Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực thống kê

Để công tác thống kê tổng hợp đáp ứng được các yêu cầu của Luật Thống kê và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và của Tòa án nhân dân tối cao; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo, của người dùng tin trong và ngoài hệ thống Tòa án, trong năm 2022 và thời gian tới, định hướng triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Tòa án (trong đó có thông tin thống kê) như sau:

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án, tạo lập đầy đủ các điều kiện về cơ chế, chính sách, môi trường pháp lý để hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê hoạt động đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Thứ hai, đẩy mạnh việc chuẩn hóa và đồng bộ dữ liệu nhằm tăng cường tính chính xác, đầy đủ và tính cập nhật của thông tin đầu vào, qua đó, tăng cường chất lượng thông tin đầu ra.

Thứ ba, triển khai giai đoạn 2 xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân theo hướng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hình thành lên Trung tâm giám sát và điều hành thông minh tự động phân tích dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định đối với từng lĩnh vực công tác của Tòa án bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch; đầu tư cơ sở hạ tầng số cho các Tòa án địa phương; mở rộng, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ quản lý nội bộ hiện đang sử dụng để đáp ứng yêu cầu quản lý, thu thập và thống kê số liệu phục vụ cho công tác quản trị Tòa án.

Thứ tư, tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp thống kê của các Tòa án nhằm nâng cao nhận thức, nghiệp vụ thống kê và kỹ năng sử dụng, khai thác phần mềm nhằm xây dựng và chuẩn hóa nguồn nhân lực thống kê chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về đảm bảo thông tin thống kê thông suốt, đầy đủ, kịp thời và chính xác ./.

Nguồn: Tòa Án Nhân dân tối cao
 


[1] TAND thành phố Cần Thơ, Hải Phòng và các tỉnh Bạc Liêu, Hà Tĩnh.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top