Thống Kê Việt Nam thời kỳ 1946-1954: Phục vụ kháng chiến kiến quốc

15/10/2020 - 03:50 PM

Ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Thống kê Việt Nam

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập (9/1945), bộ máy chính quyền các cấp hình thành và đi vào hoạt động với các nhiệm vụ trọng tâm là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Yêu cầu thống kê khi đó rất lớn, trong kháng chiến, tình hình chuyển biến rất nhanh và phức tạp, đòi hỏi các ngành, các cấp phải giải quyết nhanh và khẩn trương. Trong khi đó, số liệu thống kê vừa thiếu, vừa chậm, lại được ghi chép và truyền đưa hoàn toàn chỉ bằng phương tiện thô sơ, bộ máy thống kê các cấp chưa hình thành. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho thống kê là phải hoàn thành tổ chức bộ máy thống kê.
 
Xuất phát từ thực tế đó, ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam, nằm trong Bộ Quốc dân Kinh tế. Tiếp sau đó, ngày 18/5/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế đã ra Nghị định số 102/BQDKT về việc quy định nhiệm vụ và tổ chức của Nha Thống kê Việt Nam. Theo đó, Nha Thống kê Việt Nam đặt dưới quyền điều khiển của một giám đốc theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế. Nhiệm vụ của Nha Thống kê là: Sưu tầm và thu thập những tài liệu và những con số có liên quan đến vấn đề xã hội, kinh tế hay văn hóa; Xây dựng phương sách về thống kê; Kiểm soát công việc của Ty Bảo hiểm Việt Nam và nước ngoài.
 
Nhân sự của Nha Thống kê Việt Nam lúc này gồm 3 người: Ông Lương Duyên Lạc, ông Phùng Đình Tín và ông Nguyễn Văn Tân, được chuyển giao từ Sở Thống kê thuộc Phủ Toàn quyền cũ sang và ông Nguyễn Thiệu Lâu được bổ nhiệm làm Giám đốc. Trong số 4 người này, chỉ có ông Nguyễn Thiệu Lâu tốt nghiệp 2 bằng cử nhân văn khoa và sử địa ở Pháp là được đào tạo về chuyên môn thống kê; số còn lại đều là thư ký, thông phán tòa sứ.
 
Nha Thống kê Việt Nam có 3 phòng: Phòng Nhất coi về nhân viên, kế toán, vật liệu, lưu trữ công văn, xuất bản các sách báo; phòng Nhì thống kê dân số, văn hóa, chính trị; phòng Ba thống kê tài chính.

Tổ chức thống kê từng bước hoàn thiện về tổ chức bộ máy

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vi cả nước. Các cơ quan của Chính phủ rời Thủ đô lên Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến. Từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tiếp tục lãnh đạo toàn dân thực hiện khẩu hiệu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Hoạt động thống kê trong giai đoạn này từng bước được hoàn thiện về tổ chức, bộ máy.
 
Ngày 10/8/1948, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế ra Chỉ thị số 115/TK-LC giao nhiệm và ổn định tổ chức cho Nha Thống kê Việt Nam. Theo đó, Nha Thống kê có các nhiệm vụ: Thống kê giáo dục, công chính, kinh tế, dân số. Cụ thể: Thống kê về người (thuộc phạm vi Bộ Nội vụ): Kiểm kê về người xếp theo tuổi, số sinh, tử; thống kê canh nông thuộc các Nha, Bộ Canh nông (nông chính, thủy lâm, thủy ngư); thống kê thương mại giá cả thuộc phạm vi Nha Thương vụ và Ngoại thương, Nha Thuế quan; thống kê về tiểu công nghệ và công nghệ thuộc Nha Khoáng chất và kỹ nghệ; thống kê dân sinh do Nha Thống kê trực tiếp làm, phản ánh kịp thời đời sống của đồng bào tản cư và đồng bào cư ngụ, sinh sống tại địa phương.
 
Thời kỳ này, tổ chức cán bộ thống kê các cấp bước đầu hình thành. Ở Trung ương có Phòng công văn, viên chức và kế toán; Phòng chuyên môn điều tra thống kê. Tổng số cán bộ có 10 người, chuyển từ các Nha khác sang, chủ yếu là cán bộ chính trị làm công việc ở các tổ: Nhân viên tĩnh, nhân viên lưu động. Nhiệm vụ của các tổ này là: Kiểm soát cụ thể việc thi hành các chế độ, giúp đỡ các Nha thuộc Bộ; Làm các công việc điều tra theo chương trình. Trách nhiệm của cơ quan Thống kê Trung ương là: Thu thập tài liệu của các khu, kiểm soát và trình bày gửi lên Bộ; Liên lạc với các Nha để lấy tài liệu (Bộ gồm 5 Nha).
 
Ở cấp liên khu có Phòng Thống kê liên khu, được đặt trong Văn phòng Giám đốc kinh tế liên khu, có nhiệm vụ: Đôn đốc và tập trung các báo cáo kinh tế của các Ty kinh tế; Làm báo cáo về tình hình kinh tế chung cho Nha Thống kê Việt Nam thuộc các ngành canh nông, công nghệ, thương mại; Soạn thảo, trình các chương trình điều tra lên Nha Thống kê và thực hiện các chương trình do Nha Thống kê giao; Liên lạc với các cơ quan cấp Khu: Canh nông, địa chính, thuế quan, Ủy ban kháng chiến hành chính để lấy tài liệu cần thiết; Giám sát và đề xuất các công việc của các Ty kinh tế tỉnh.
 
Ở cấp tỉnh có cán bộ thống kê trong Ty kinh tế tỉnh. Hoạt động thống kê cấp tỉnh có nhiệm vụ thực hiện việc thu thập số liệu và báo cáo thống kê theo quy định: Phân phát các mẫu thống kê về thị trường cho các đồn công an nhờ Ty công an làm. Trưởng Ty công an tập trung vào ngày 15 và 30 mỗi tháng gửi cho Trưởng Ty kinh tế; Làm báo cáo dựa vào tài liệu của các đồn công an đã thu thập gửi cho Nha Thống kê và Sở Giám đốc Kinh tế liên khu, mỗi tháng hai kỳ.
 
Để tạo điều kiện làm việc có hiệu quả hơn, ngày 25/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 33/SL sáp nhập Nha Thống kê Việt Nam vào Phủ Chủ tịch. Nha Thống kê vẫn do ông Nguyễn Thiệu Lâu làm Giám đốc, trụ sở ở xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Hệ thống tổ chức thống kê các cấp đã hình thành, bao gồm tổ chức thống kê của các Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu và tỉnh trong toàn quốc, các tổ chức thống kê chuyên trách của các Bộ, các cơ quan nghiệp vụ kỹ thuật trong bộ máy chính quyền, các cơ quan thuộc hệ thống đoàn thể.
 
Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 124/SL bãi bỏ Nha Thống kê Việt Nam.
 
Ngày 09/8/1950, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 38/TTg thành lập Phòng Thống kê trong Văn phòng Thủ tướng do ông Lương Duyên Lạc làm trưởng phòng với 3 cán bộ. Phòng Thống kê có nhiệm vụ: Thu thập và xếp đặt những tài liệu thống kê của các Bộ và các Ủy ban hành chính kháng chiến địa phương; giúp các Bộ và các Ủy ban hành chính kháng chiến tổ chức và hướng dẫn theo dõi công tác thống kê.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo thông tin thống kê

Nha Thống kê (sau này là Phòng Thống kê) trong thời gian này triển khai nhiều cuộc điều tra nhỏ, bước đầu thực hiện chế độ báo cáo định kỳ để thu thập, xử lý số liệu thuộc nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Nha Thống kê đã kịp thời cung cấp cho Chính phủ và chính quyền các cấp thông tin định lượng về tình hình kinh tế-xã hội.
 
Những thông tin thu thập trong thời kỳ này chủ yếu là báo cáo về nông nghiệp, nhất là thống kê đất đai; đồng thời tiến hành thống kê công, thương nghiệp ở vùng tự do. Cụ thể như: Thống kê sở hữu ruộng đất; kết quả sản xuất nông nghiệp; các biện pháp thúc đẩy và bảo vệ sản xuất nông nghiệp; thống kê tiểu công nghệ và kỹ nghệ; thống kê thương mại và giá cả (các hoạt động lưu thông hàng hóa, các tiểu thương và nhân dân ở các chợ nông thôn; điều tra mạng lưới chợ); thống kê dân sinh và thống kê tổng hợp…
 
Với số biên chế có hạn nhưng các tổ chức thống kê lúc đó đã thực hiện nhiều công tác hiệu quả: Thống kê về giá cả, về sản lượng sản phẩm nông nghiệp, tình hình đấu tranh kinh tế với địch, cụ thể là thống kê số lượng xuất, nhập khẩu giữa 2 vùng tự do và tạm chiếm. Ngoài ra, hàng tháng Nha Thống kê (Phòng Thống kê) làm báo cáo với Chính phủ về tình hình kinh tế từng miền, toàn quốc, báo cáo kinh tế 3 năm 1947-1949 và tiến hành cuộc điều tra lớn về tình hình nông thôn vùng tự do (1951-1952). Cùng với cuộc điều tra nông thôn, hoạt động thống kê còn triển khai trên nhiều lĩnh vực, thu thập số liệu, điều tra chuyên đề tình hình kinh tế-xã hội vùng tự do, vùng mới giải phóng, sản xuất công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, giảm tô, giảm tức, ruộng đất, thuế…Các số liệu đó đã phục vụ kịp thời yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong việc ban hành và bổ sung các chính sách kinh tế quan trọng như: Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp (năm 1951), Điều lệ tạm thời thuế hàng hóa (1951), Bảng phân tích thành phần giai cấp ở nông thôn (1953), Bản quy định về chính sách ruộng đất (1953), Luật cải cách ruộng đất (1953)…
 
Cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, hoạt động thống kê chuyển sang nghiên cứu xã hội sâu hơn để cung cấp cho Đảng, Nhà nước nhiều tin tổng hợp, nhằm hoạch định chiến lược phát triển kinh tế vùng tự do, củng cố hậu phương, góp phần tăng nguồn lực, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đó là thời kỳ ngành Thống kê tiến hành một số cuộc điều tra chuyên môn để thu thập số liệu về tiềm năng của nhân dân ta trong việc cung cấp cho mặt trận và nâng cao đời sống. Qua điều tra, Chính phủ đã có cơ sở đề ra các chính sách mới, huy động bộ đội, dân công, lương thực cho kháng chiến và bồi dưỡng sức dân phục vụ tiền tuyến.
 
Tóm lại, thời kỳ 1946-1954, trong điều kiện khó khăn nhiều mặt và có những hạn chế nhất định nhưng hoạt động thống kê Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu: Tổ chức bộ máy hình thành, nội dung và phương pháp thống kê phù hợp với điều kiện kháng chiến, sản phẩm thống kê đã bám sát yêu cầu của các ngành, các cấp. Nhờ đó, ngay từ khi mới ra đời, tuy hoạt động chủ yếu trong thời chiến, nhưng ngành Thống kê Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin số liệu và tình hình kinh tế-xã hội các vùng, các địa phương, phục vụ yêu cầu của Trung ương Đảng và Chính phủ trong công tác lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc./.
 
(Trích Lịch sử ngành Thống kê Việt Nam, 2006, NXB Thống kê)
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top