Thúc đẩy liên kết vùng phục hồi và phát triển kinh tế

29/03/2022 - 10:07 AM
Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta thời gian qua. Đây cũng là nội dung quan trọng được đề cập đến trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như trong kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn 2021-2025 và Chiến lược triển kinh tế-xã hội 2021-2030. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy mạnh liên kết vùng trong phục hồi phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19 ở mỗi địa phương trên cả nước.
 
Nước ta hiện nay được phân thành 6 vùng kinh tế-xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm. Với việc nhìn rõ vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển liên kết nội vùng, liên vùng, ngay từ Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu ra chủ trương về kinh tế vùng và liên kết vùng. Tại Đại hội XII, Đảng xác định: Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng... Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp.

Để phát huy những kết quả đạt được trong liên kết vùng, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta tiếp tục xác định: Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường tính liên kết ngành, liên kết nội vùng và liên vùng, thúc đẩy tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra những không gian phát triển mới.

Việc đẩy mạnh, triển khai liên kết vùng tại các địa phương trong cả nước thời gian qua đã được Chính phủ, các Bộ, ngành của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và thực hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều văn bản liên quan, từ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, đến việc hình thành quy chế phối hợp, tổ điều phối vùng... đã giúp cho sự liên kết giữa các vùng thời gian qua đã được đẩy mạnh, tạo động lực trong phát triển kinh tế.

 
Thúc đẩy liên kết vùng phục hồi và phát triển kinh tế

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Các địa phương đã tham gia thực hiện liên kết, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để phát triển. Sự liên kết này được phát huy trên tinh thần tự nguyện của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương và toàn vùng. Các nội dung liên kết được xây dựng thành các dự án, chương trình cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, thời gian triển khai, kinh phí và đối tác thực hiện… Nhờ vậy, diện mạo mỗi vùng đã có sự đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong đó, các vùng kinh tế trọng điểm đã có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đặc biệt, thông qua liên kết vùng, cơ sở hạ tầng vùng ngày càng được hoàn thiện, mạng lưới liên vùng từng bước được kết nối đồng bộ. Việc thúc đẩy liên kết vùng cũng đã tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng được giải quyết hài hòa hơn. Liên kết vùng cũng đã góp phần đáng kể trong việc thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tham gia hợp tác, đặc biệt là thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia các hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vùng...


Năm 2021, trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đã dẫn đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công của các địa phương trong cả nước không đồng đều. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khi vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi Bắc Bộ đạt được những kết quả khả quan, cao hơn mức tăng chung của cả nước, thì các địa phương vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng bình quân thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước do chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, trong 4 vùng kinh tế trọng điểm, thì vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và miền Trung có tăng trưởng dương (lần lượt là 6,12% và 3,74%); 2 vùng kinh tế trọng điểm: phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm lần lượt là: -3,45% và -0,80%.

Các chuyên gia cho biết, có được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế tại các tỉnh phía Bắc một phần là do ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn, tuy nhiên trong đó không thể không nói tới sự chủ động phối hợp và liên kết phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, xây dựng đường cao tốc, nâng cấp đường quốc lộ và một số tuyến tỉnh lộ để tạo mạng lưới đồng bộ, tiến tới hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng và với các địa phương lân cận. Ðồng thời, có sự phối hợp trong phát triển du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu để tạo sự đồng bộ, chủ động trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa...

Đối với vùng miền Trung và Tây Nguyên, trong năm 2021, các địa phương thuộc vùng này đã có sự phối hợp liên kết vùng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, giải quyết việc làm, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường... Thông qua việc đề xuất các cơ chế, chính sách chung để khai thác, phát huy các lợi thế của từng địa phương; tập trung xúc tiến thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ du lịch và quảng bá văn hóa... Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng vùng miền Trung và Tây Nguyên đạt mức cao hơn tăng trưởng chung của cả nước, lần lượt là 6,4% và 7,21%.

Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do thời gian giãn cách kéo dài đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển dịch vụ, nông nghiệp, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng. Tuy nhiên, các tỉnh trong vùng đã rất tích cực trong phòng chống dịch bệnh cũng như phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những giải pháp nhằm phục hồi kinh tế-xã hội nhanh được áp dụng trong vùng là tăng cường sự kết nối. Theo đó, một số tỉnh trong vùng đã chủ động trong việc phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trong cả nước để thúc đẩy việc kết nối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Ngoài thị trường trong nước, một số địa phương còn thực hiện một số giải pháp trọng điểm để mở rộng thị trường quốc tế, quảng bá và xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của tỉnh ra thị trường quốc tế. Nhờ vậy, nhiều mặt hàng nông sản được xuất khẩu thành công, mang lại hiệu quả phục hồi kinh tế rõ nét…

Có thể thấy, những kết quả tích cực từ sự liên kết giữa các địa phương trong vùng đã và đang khẳng định đây là chủ trương đúng, góp phần thiết thực khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương cũng như toàn vùng để phát triển. Quá trình liên kết này cũng đã hạn chế việc phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng, tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng… Do đó, thời gian tới từ thực tế phát triển của mỗi vùng cần có cơ chế, chính sách cũng như sự nỗ lực đẩy mạnh liên kết nhằm phát triển kinh tế mỗi địa phương cũng như của từng vùng trong cả nước.

Mặc dù đối với mỗi vùng đều có những đặc thù riêng, song nhìn chung để tận dụng tiềm năng nhằm đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương trong cả nước các chuyên gia cho rằng: Chính phủ cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng quyền chủ động về quản lý tài chính, nguồn vốn, đầu tư, đất đai... đối với một số địa phương trọng điểm để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và nhân rộng mô hình có hiệu quả.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển hạ tầng bởi bên cạnh thể chế, thì hạ tầng là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định trong đẩy mạnh liên kết vùng thời gian tới.

Cần có quy hoạch thống nhất liên kết trong các địa phương trên phạm vi cả nước. Triển khai áp dụng một cách hệ thống, đồng bộ các nhóm giải pháp về việc thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về lợi ích của liên kết vùng; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi liên kết cơ quan điều phối trong vùng; thiết lập Tổ chức quản lý vùng mang tính pháp lý cao và có thực quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao khả năng điều hành vùng; xây dựng hạ tầng số kết nối các Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của các địa phương trong vùng, hướng tới xây dựng vùng “số”.

Triển khai thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực, các vùng... Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm việc theo dõi và truy xuất thông tin hàng hóa nhanh chóng, chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa... Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ mở ra những cơ hội lớn thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tháo gỡ bất cập trong phát triển kinh tế vùng, nội vùng, mở ra những không gian phát triển mới.

Ngoài ra, đối với mỗi vùng việc triển khai thực hiện tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau. Do đó, cần có những giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với thực tế. Trong mỗi vùng cần xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo ngành hàng, nhóm hàng để tạo năng lực cạnh tranh cho kinh tế vùng. Tận dụng tiềm lực của các nhà đầu tư sẵn có, duy trì các nhà đầu tư chiến lược, tuy nhiên cần phải đa dạng các lĩnh vực đầu tư và nhà đầu tư, không chỉ tập trung vào một nhà đầu tư, một ngành, một lĩnh vực riêng lẻ vì giá trị gia tăng thấp. Đối với vùng đồng bằng Sông Hồng, cần đẩy mạnh liên kết vùng gắn với cơ cấu lại ngành du lịch toàn vùng. Đây được xem là một giải pháp trọng tâm phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Các địa phương cần xây dựng và kết nối các điểm đến du lịch thành các tour, tuyến du lịch để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch đến, dựa trên các nền tảng số thông qua việc tăng cường liên kết vùng trong lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại trong vùng, liên vùng.

Cùng với đó, tận dụng những lợi thế sẵn có của Vùng về công nghiệp, các địa phương cần tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn của vùng như ưu tiên các sản phẩm ôtô, máy móc, phương tiện, thiết bị phục vụ ngành kinh tế biển; phát triển các sản phẩm, thiết bị điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh với quy mô lớn, cơ giới hóa quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao…

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ. Mặc dù phân chia theo địa giới hành chính, song cần xem đây là một khu vực có cấu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển cho đồng bộ, nhắm đến lợi ích của toàn vùng. Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về mặt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực mà còn làm tăng tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Đối với vùng miền Trung, Tây Nguyên, tiếp tục phát huy những liên kết, phối hợp đã có, tuy nhiên để phát huy tiềm năng, lợi thế các địa phương trong Vùng cần khắc phục những hạn chế do chưa có sự kết nối xác định được sản phẩm du lịch đặc thù. Sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương và trong hoạt động tour, tuyến du lịch đã làm giảm tính hấp dẫn du lịch và năng lực cạnh tranh du lịch chung của toàn vùng, cũng như từng địa phương. Bên cạnh đó, hoàn thiện kết nối hạ tầng kinh tế biển, bao gồm hệ thống cảng biển, sân bay với hệ thống giao thông ven biển kết nối với nội địa để cung cấp nước, xử lý chất thải, hệ thống các công trình phòng tránh thiên tai. Hình thành, phát triển các trung tâm kinh tế biển của cả nước và vùng Duyên hải miền Trung ở địa bàn mỗi tỉnh, trên cơ sở phát triển các đô thị ven biển. Quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế của đồng bào các dân tộc bản địa, người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đầu tư hạ tầng giao thông để giải bài toán kinh tế về logistics, đồng thời đầu tư để phục hồi tái tạo tài nguyên rừng...

Đối với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của nhân dân…/.

Bế Thị Hương

Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top