Thực trạng mía đường Việt Nam

07/01/2022 - 03:13 PM

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Nhiều năm qua, trước những tác động của đường nhập lậu tràn lan, cũng như sự bất cập trong sản xuất nguyên liệu mía và những biến động thị trường tiêu thụ đường đã khiến ngành đường nội địa lao đao. Niên vụ sản xuất mía đường 2020/2021, ngành mía đường tiếp tục gặp không ít khó khăn, khiến cho bức tranh toàn ngành có những gam màu trầm trong kết quả sản xuất kinh doanh cũng như thực trạng sản xuất, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những khởi sắc và cơ hội để phát triển. Với sự quyết liệt của các cơ quan quản lý, cũng như sự nỗ lực của người nông dân, cây mía, ngành đường được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi phát triển trong thời gian tới.

Báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất ngành mía đường niên vụ 2020-2021 của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, vụ ép 2020/2021, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào các nhà máy đường chỉ đạt trên 6.739 nghìn tấn mía (so với dự kiến đầu vụ trên 7.498 nghìn tấn của các Nhà máy đường). Theo đó, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000).

 
Sản lượng đường sản xuất toàn niên vụ 2020/2021 là 901,23 nghìn tấn, trong đó đường sản xuất từ mía là 689,8 nghìn tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu (211,4 nghìn tấn), giảm 10,17% so với vụ trước.
 
Tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía vụ 2020/2021 là 152,9 nghìn ha, giảm 16,27% so với vụ 2019/2020. Năng suất mía bình quân đạt 63,0 tấn/ha, tăng 2,44% so với vụ 2019/2020. Sản lượng mía vụ 2020/2021 chỉ đạt 9.635,6 nghìn tấn, giảm 14,24% so với vụ 2019/2020.
 
Theo báo cáo của VSSA, số lượng nhà máy hoạt động trong niên vụ vừa qua thấp nhất từ trước tới nay. Trước đây, toàn ngành mía đường có 41 nhà máy, song hiện chỉ còn 24 nhà máy hoạt động, đã có 17 nhà máy phá sản hoặc không còn hoạt động.
 
Thực tế cho thấy, niên vụ 2020/2021 ở một số địa phương người dân bỏ mía không chăm bón, tưới tiêu, dẫn đến năng suất, chất lượng mía giảm. Theo VSSA, nguyên nhân khiến sụt giảm sản lượng mía tiêu thụ và chế biến, cũng như những bất cập nảy sinh trong mua - bán mía nguyên liệu niên vụ 2020/2021 là do một số vùng mía tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bão lụt làm suy giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía.
 
Bên cạnh đó, giá đường các vụ trước xuống thấp do sự cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài, từ nhập lậu và gian lận thương mại. Ngoài ra, diện tích mía nguyên liệu giảm, nhưng vào vụ chế biến thì giá đường tăng, nên tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng nguyên liệu. Đặc biệt, tình trạng tranh mua diễn ra phổ biến ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Một số nhà máy đường hoặc thương lái mía cạnh tranh không lành mạnh, đã dùng các chiêu “cho chữ đường”, “cho tỷ lệ tạp chất”, “cho cước vận tải”… đối với nông dân để tranh mua mía nguyên liệu. Theo đánh giá, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua“chính sách ngầm”, đã gián tiếp phá vỡ mối liên kết lành mạnh giữa các nhà máy đường với người nông dân trồng mía, gây bất ổn cho sự phát triển của các vùng nguyên liệu mía tập trung. Trong khi đó hình thức mua mía nguyên liệu và thanh toán tiền mía giữa các nhà máy đường với người nông dân hiện nay, phổ biến nhất vẫn là căn cứ theo “chữ đường (CCS)”. Giá trị cuối cùng các nhà máy trả cho nông dân khi thu mua mía nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu bởi chỉ số CCS và tỷ lệ tạp chất.
 
Thực trạng mía đường Việt Nam

Ảnh minh họa

 
Bức tranh toàn cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngành đường niên độ 2020/2020 có những gam màu trầm, song ngành mía đường cũng được đánh giá có những điểm sáng, kỳ vọng vào sự phục hồi, phát triển. Theo đó, nhận định của các chuyên gia cho biết, sau hơn một năm tăng giá nhờ thâm hụt sản lượng sản xuất đường toàn cầu, giá đường trong nước được kỳ vọng tiếp tục giữ vững ở mức cao trong những tháng cuối năm 2021. Các doanh nghiệp sản xuất đường đang được hưởng lợi từ giá bán tăng, đây là một trong những điểm tích cực đối với ngành sản xuất mía đường trong thời gian tới.
 
Ngoài ra, mặc dù diện tích mía nguyên liệu giảm song tại một số cánh đồng lớn của các nhà máy đường, mía nguyên liệu vẫn được đầu tư chăm sóc và tưới tiêu đúng kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao, duy trì được năng suất, chất lượng mía. Các nhà máy cũng đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa tưới tiêu mía, áp dụng kỹ thuật tưới mới như tưới phun, tưới nhỏ giọt... nhờ vậy niên độ 2020/2021, nhiều doanh nghiệp đường lớn trong ngành có báo cáo tài chính với những kết quả khả quan. Cụ thể như: Công ty cổ phần Thành Công, Biên Hoà vừa công bố Báo cáo tài chính niên độ 2020/2021 với doanh thu đạt 14.901 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ và đường vẫn là sản phẩm đóng góp chính với tỷ trọng gần 95% doanh thu. Kết quả này có được là nhờ việc tiêu thụ thành công 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với niên độ trước. Phía Công ty cho biết, niên vụ 2020/2021 do kiểm soát tốt chi phí đầu vào giúp cải thiện lãi gộp nên mức lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt mức kỷ lục với 675 tỷ đồng, tăng 86% so với niên độ trước.
 
Tương tự, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cũng có một vụ mùa bội thu với doanh thu đạt 801 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 164 tỷ đồng, tăng 38% so với niên độ trước, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của công ty đạt 16.729 tỷ đồng.
 
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho biết, trước những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, niên độ tài chính 2020-2021, Công ty đặt mục tiêu mang về hơn 816 tỷ đồng doanh thu và 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 23% và 78% so với thực hiện niên độ tài chính 2019-2020… Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn Công ty đã hoàn thành được 98% mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận sau thuế lại gấp 6,3 lần so với con số kế hoạch.
 
Tại khu vực miền Trung, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn ghi nhận 1.855 tỷ đồng doanh thu, 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên độ tài chính 2020-2021, tương đương tăng lần lượt 9% và 27% so với cùng kỳ. Công ty cổ phần Đường Kon Tum cũng có kết quả khả quan khi ghi nhận doanh thu thuần hơn 248 tỷ đồng, tăng 62% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 6 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2020 và vượt 111% chỉ tiêu lợi nhuận cả niên độ. Kết quả Báo cáo tài chính với vụ mùa bội thu của một số doanh nghiệp lớn trong ngành mía đường trong niên độ 2020/2021 vừa qua chính là những điểm sáng tích cực trong bức tranh ngành mía đường.
 
Bên cạnh đó, việc các cơ quan quản lý quyết liệt chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các nước xuất khẩu đường sang Việt Nam là cơ hội cho doanh nghiệp ngành mía đường nội địa. Đặc biệt là việc các doanh nghiệp mía đường đang có những thuận lợi khi từ ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%, mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%, đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, trong thời hạn 5 năm.
 
Theo đánh giá, khi các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng, thị trường đường trong nước sẽ có một mặt bằng giá mới, phản ánh chi phí sản xuất đường trong điều kiện cạnh tranh công bằng. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, giá đường tăng thời gian qua có lợi cho các nhà máy sản xuất đường trong nước, đã tác động tích cực đến giá thu mua mía nguyên liệu với mức tăng từ 12-15% trong niên vụ 2020-2021 so với niên vụ năm trước. Cũng nhờ đó, không ít nhà máy đã bước đầu thoát khỏi cảnh thua lỗ, không còn tình trạng tồn kho. Hoạt động của một số nhà máy đường ổn định trở lại, doanh nghiệp cũng ra sức đồng hành để người nông dân gắn bó với cây mía, góp phần xây dựng lại các vùng nguyên liệu quy mô, chất lượng cao sau thời gian dài bị ngưng trệ.
 
Theo dự báo của VSSA niên vụ 2021/2022 tới sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam. Cùng với đó, VSSA cũng đề xuất những kế hoạch và giải pháp nhằm định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía thông qua việc nâng cao giá mua mía cho nông dân. Theo đó, tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới, sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp đủ chi phí có thu nhập đủ sống với cây mía. Từ đó, giúp người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.
 
Ngoài ra, VSSA đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành mía đường trong niên vụ tới và các năm tiếp theo:

Củng cố, phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, trong đó nhấn mạnh yêu cầu người nông dân và nhà máy đường phải cùng nhau thỏa thuận, thiết lập được hệ thống chia sẻ tỷ lệ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, theo một tỷ lệ nhất định (70:30 hay 65:35), nhằm đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết.

Minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân để yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất mía.

Tăng cường liên kết ngang giữa các hộ nông dân với hộ nông dân, hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông trường trồng mía tập trung, áp dụng giống mía mới, cơ giới hóa đồng bộ và biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và chế biến đường.

Xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa, với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng. Đồng thời xây dựng các nguyên tắc để thống nhất trong Hiệp hội VSSA về các biện pháp đối phó với hiện tượng những nhà máy tranh mua mía được đầu tư bởi nhà máy khác.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường, giá đường trong nước tăng cao hơn so với trước đây, song các hành vi gian lận thương mại đường vẫn luôn có nguy cơ xảy ra với nhiều hình thức ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường. Các doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống theo dõi thu thập thông tin về diễn biến thị trường và các hoạt động gian lận thương mại để kịp thời cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Đồng thời, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận thương mại.

Có thể thấy, với những diễn biến tích cực mới đây của thị trường mía đường, cũng như những định hướng, quyết tâm trong khôi phục sản xuất vùng nguyên liệu, ngành mía đường Việt Nam sẽ có được môi trường cạnh tranh bình đẳng và sân chơi công bằng. Người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi có thêm những lựa chọn là sản phẩm đường trong nước đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe và cây mía, ngành đường Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng khởi sắc với những tín hiệu lạc quan phía trước./.

 
Thu Hòa
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top