Thủ đô Hà Nội vượt khó hoàn thành “mục tiêu kép”

25/03/2021 - 10:55 AM
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành "mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống đại dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội... Ðây là nền tảng quan trọng để Thành phố đạt mục tiêu cao hơn trong năm 2021.
 
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả tốt

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới và nước ta. Trong đó, thời điểm tháng 3, tháng 4, Hà Nội là địa bàn có nhiều ổ dịch, diễn biến hết sức phức tạp. Các cấp ủy, chính quyền của thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, cùng toàn dân tham gia cuộc chiến chống dịch, với mục tiêu quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đưa Thủ đô vững vàng vượt qua thử thách chưa có tiền lệ.

Nhiều giải pháp tổng hợp để phòng, chống dịch được thực hiện như: Điều tra, xác minh các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh; giám sát hành khách nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Nội Bài; tổ chức tiếp nhận cách ly tại các khu cách ly tập trung và tại các khách sạn; điều trị và cách ly tập trung tại Bệnh viện; đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đảm bảo nguồn dự phòng sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu nguồn cung; đảm bảo công khai minh bạch thông tin về dịch bệnh; tổ chức tiếp nhận thông tin dịch bệnh 24/24 qua đường dây nóng của ngành Y tế; các đội phản ứng nhanh của các Bệnh viện và các Trung tâm Y tế sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngay khi được điều động... Nhờ vậy, đã kiểm soát và đẩy lùi.

 
Thủ đô Hà Nội vượt khó hoàn thành “mục tiêu kép”

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Từ ngày 17/8/2020 đến cuối năm, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội có 177 ca mắc Covid-19, trong đó có 85 ca mắc được phát hiện tại cộng đồng và 92 ca mắc từ bên ngoài (không có trường hợp tử vong).

Công tác phòng chống dịch tiếp tục được Thành phố chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm chủ động kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố mới.

Phục hồi và phát triển kinh tế

Cùng với phòng, chống dịch bệnh, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhìn lại biểu đồ tăng trưởng năm 2020, có thể thấy được sức bật nhanh chóng của kinh tế Thủ đô sau ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố trong các tháng cuối năm có sự bứt phá mạnh (Quý I tăng 4,13%, quý II tăng 1,76%, quý III tăng 3,95% và quý IV tăng 5,77%). Nhờ đó, GRDP năm 2020 của Thành phố ước tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,37 lần mức tăng GDP của cả nước. Dù không đạt chỉ tiêu tăng 7,5% như đã đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, kết quả trên là rất quan trọng, thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả các giải pháp của Thành phố trong phòng, chống, dập dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Quy mô GRDP năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 1.016 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 122,7 triệu đồng (tương đương 5.285 USD). Cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,24% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,67%; khu vực dịch vụ chiếm 62,79%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,3% (cơ cấu tương ứng năm 2019 là: 2,02%; 22,9%; 63,73% và 11,35%).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 ước tính tăng 4,2% so với năm 2019, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung và cao hơn mức tăng của nhiều năm qua.

Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 6,39% so với năm 2019, đóng góp 1,43 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP. Trong đó: Ngành công nghiệp tăng 4,91%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Ngành xây dựng tiếp tục tăng cao 8,9% so với năm 2019, đóng góp 0,74 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó công tác giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực; đã khởi công một số công trình lớn và hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Khu vực dịch vụ tăng 3,29% so với năm trước (đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP), thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,27% năm 2018 và 7,59% năm 2019 do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là các ngành, lĩnh vực: Du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, vui chơi, giải trí… Ngành bán buôn, bán lẻ là điểm sáng trong khu vực dịch vụ với mức tăng 8,84%, là một trong những ngành đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của Thành phố (đóng góp 0,81 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP). Một số ngành duy trì tăng trưởng khá: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,21%; thông tin và truyền thông tăng 6,89%.

Thu ngân sách của Thành phố năm 2020 ước thực hiện 280,5 nghìn tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán, tăng 3,9% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 16,0 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao…

Đạt được những kết quả tích cực trên là do lãnh đạo thành phố Hà Nội đã luôn chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, đồng thời xây đựng các kịch bản chi tiết đối với từng khu vực. Bên cạnh đó Thành phố kịp thời đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến để tìm cách hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Đến nay, Thành phố đã hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn 600 tỷ đồng; giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp hơn 25 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất.

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, khôi phục sản xuất. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 584,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2019.

Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được thành phố chú trọng. Năm 2020, Hà Nội có thêm 26,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 337,7 nghìn tỷ đồng, thu hút được 3,72 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhiều dự án lớn hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế Thủ đô.

Có thể nói, thắng lợi “mục tiêu kép” của năm 2020 sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Nội bắt tay thực hiện các nhiệm vụ của năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng nhanh, tái cơ cấu các ngành kinh tế; Tiếp tục thực hiện hiệu quả“mục tiêu kép”- vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động bố trí các nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần vì doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt khó, tận dụng mọi thời cơ để phát triển, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Thủ đô và đất nước./.

 
Tiến Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top